I. THIỀN TÔNG VIỆT NAM Từ ĐẦU THẾ KỶ III ĐẾN CUỐ I THẾ KỶ V:
Khảo sát lịch sử Thiền tông Việt Nam, chúng ta thấy khởi đầu là ngài Khương Tăng Hội (vào đầu thế kỷ thứ III ). Thiền học của ngài không những là phương pháp hành đạo mà còn cả một căn bản triết học về tâm linh, chịu ảnh hưởng sâu đậm của giáo lý Không và Chân như của Đại thừa. Kế đó là Chi Cương Lương Tiếp (Kalasivi = Chính Vô Úy), nhà dịch kinh thuộc hệ phái Đại thừa có khuynh hướng thiền học.
Sang thế kỷ thứ V có Thiền sư Huệ Thắng học với Đạt Ma Đề Bà phương pháp quán hạnh về thiền. Như vậy Thiền học Việt Nam ban đầu không phải từ Trung Hoa truyền sang.
II. THIỀN TÔNG VIỆT NAM TỪ THẾ KỶ VI CHO ĐẾN CUỐI THẾ KỶ XIV:
Trong sách Kiến văn tiểu lục, phần Loại hàm và Anh hoa, Lê Quý Đôn có nói đến 4 vị thiền sư: Vô Ngại, Định pháp sư, Duy Giám và Nhật Nam Tăng. Đây là những Tăng sĩ Việt Nam rất uyên bác, được vua nhà Đường thỉnh vào cung thuyết pháp và các nhà trí thức Trung Hoa đời Đường rất kính mộ, làm thơ tán dương các ngài.
Khảo sát về Thiền tông Việt Nam, không thể không nói đến các thiền phái có mặt tại Việt Nam trong thời kỳ này:
1. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi:
Vào cuối thế kỷ thứ VI, Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (đệ tử của Tam tổ Tăng Xán) thiết lập tông phái thiền đầu tiên ở Việt Nam vào năm 580 TL và được truyền thừa bởi 19 thế hệ. Trong đó có các thiền sư lỗi lạc như: Pháp Thuận, La Quý An, Khánh Hỷ, Vạn Hạnh…
Đặc điểm:
– Bắt nguồn từ tư tưởng Bát nhã, Hoa nghiêm.
– Có khuynh hướng thiên trọng Mật giáo.
– Theo tinh thần bất lập văn tự nhưng vẫn chú trọng kinh luận.
– Chủ trương thực tại siêu việt không hữu, lấy việc truyền tâm ấn làm chủ yếu.
– Chịu ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ nhưng ít bị chi phối bởi Phật giáo Trung Hoa.
Đây là một thiền phái mang tính dân tộc, vừa thể hiện sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ.
2. Thiền phái Vô Ngôn Thông:
Đến năm 820, thiền sư Vô Ngôn Thông, người Trung Hoa, đệ tử của Bách Trượng Hoài Hải, đến Việt Nam và mở ra thiền phái Vô Ngôn Thông, truyền trao 17 thế hệ trong 4 thế kỷ (đầu thế kỷ thứ IX – đầu thế kỷ thứ XIII), nổi tiếng với những danh tăng như: Khuông Việt Đại sư, Định Hương Trưởng lão, Viên Chiếu, Thông Biện…
Đặc điểm:
– Chịu ảnh hưởng Trung Hoa sâu đậm: qua lối trình bày lịch sử thiền, tổ chức tu viện, sử dụng thoại đầu và ảnh hưởng Tịnh Độ giáo.
– Sử dụng những kinh điển: Viên Giác, Pháp Hoa, nhấn mạnh chủ trương đốn ngộ và vô sở đắc rất gần gũi với giáo lý thiền phái Nam Phương (Lục tổ Huệ Năng) của Trung Hoa.
Tuy nhiên, cũng như thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền phái này rất gần gũi với đời sống xã hội, tham dự vào đời sống nhập thế trong khi vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh của mình.
3. Thiền phái Thảo Đường:
Vào cuối thế kỷ thứ XI, Thiền sư Thảo Đường, đệ tử của Tuyết Đậu Trùng Hiển, tông Vân Môn, thiết lập Thiền phái Thảo Đường tại Việt Nam, truyền thừa được 6 thế hệ.
Đặc điểm:
– Khuynh hướng thiền học trí thức và thi ca từ Thiền sư Thảo Đường đã ảnh hưởng đến các thế hệ sau của hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thiền sư Minh Trí và Quảng Nghiêm của phái Vô Ngôn Thông chẳng hạn, rất hâm mộ Tuyết Đậu ngữ lục. Các Thiền sư Viên Chiếu và Trí Bảo của phái Vô Ngôn Thông cùng Thiền sư Chân Không của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi là những người đã chịu ảnh hưởng nhiều về khuynh hướng thiền học trí thức và thi ca của Thiền phái Thảo Đường. Về sau Thiền phái Trúc Lâm đời Trần còn tiếp tục chịu ảnh hưởng này.
– Do có khuynh hướng thiền học trí thức và thi ca nên Thiền phái Thảo Đường chỉ ảnh hưởng đến một số trí thức mà không phổ biến trong quần chúng. Vì thế thiền phái này không đủ sức tạo nên một truyền thống sinh hoạt tăng viện độc lập có thể lưu truyền về sau, chỉ có ảnh hưởng đáng kể về mặt học thuật.
Các vua đời Lý so sánh với các vua Đinh, Lê thì giỏi hơn rất nhiều về phương diện học thức. Sự tôn sùng đạo Phật của các vua đời Lý cũng có tính cách tâm linh và trí thức hơn. Họ đều có học Phật và thường mời các thiền sư vào hoàng cung để đàm luận giáo lý. Vì thế thiền học đời Lý đã thực sự phát triển với các bậc cao tăng thạc đức như: Khánh Hỷ, Viên Thông, Viên Chiếu, Thường Chiếu, Bảo Giác… Các vị này đã đóng góp vào kho tàng văn học Việt Nam một số thi ca, trước tác, bi minh rất đáng kể.
4. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử:
Vào thế kỷ XIV, Trần Nhân Tông lập nên Thiền phái Trúc Lâm do chính ngài làm Sơ tổ, nhưng mạch nguồn Yên Tử vốn bắt đầu từ Thiền sư Hiện Quang, chính sư là người khai sơn chùa Vân Yên, sau đổi là Hoa Yên, trên núi Yên Tử. Sư là đệ tử nối pháp của Thiền sư Thường Chiếu và chính là Tổ ban đầu của dòng thiền Yên Tử.
Kế tiếp Thiền sư Hiện Quang là Quốc sư Trúc Lâm (mà vua Trần Thái Tông gọi là Đại Sa môn Trúc Lâm trong chuyến vượt thành lên núi của vua thuật lại trong bài tựa Thiền tông chỉ Nam). Đa số người đồng cho ngài chính là Thiền sư Đạo Viên hay Viên Chứng.
Tiếp theo Quốc sư Trúc Lâm là Quốc sư Đại Đăng, người đã từng về kinh thành Thăng Long hành đạo và tiếp nhận thêm dòng thiền Lâm Tế từ Thiền sư Thiên Phong người Trung Hoa.
Nối tiếp là Thiền sư Tiêu Diêu, thầy của Thượng sĩ Tuệ Trung, cũng gọi là Đại sư Phúc Đường, là người đắc pháp với ngài Ứng Thuận, dòng Vô Ngôn Thông.
Kế đến là Thiền sư Huệ Tuệ, mà theo tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận đã cho sư vốn làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới pháp cho vua Trần Nhân Tông khi vua xuất gia.
Sau Thiền sư Huệ Tuệ, mới chính là Đại Đầu đà Trúc Lâm-Trần Nhân Tông, rồi lần lượt truyền thêm được 17 thế hệ cho các bậc danh đức thạc học như Tổ Pháp Loa, Huyền Quang.
Vậy xét theo dòng truyền Yên Tử thì Đại Đầu đà Trúc Lâm thuộc thế hệ thứ sáu, nhưng đến ngài, ngài đã thống nhất các phái thiền trước đây, thành một thiền phái Trúc Lâm, do ngài làm Sơ tổ. Từ đây, Việt Nam thực sự đã có một dòng thiền Phật giáo của người Việt, do chính người Việt làm Tổ.
V. Đặc điểm::
– Ông vua đi tu chứng ngộ làm Tổ.
– Thống nhất các dòng thiền thành một dòng thiền Việt Nam, đem lại niềm tự tin cho dân tộc.
– Thiền giáo song hành: sáng tạo không bắt chước y khuôn.
– Tinh thần nhập thế, tăng tục đều giác ngộ.
Đây là thời kỳ cực thịnh của thiền học Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
– Thiền sư Việt Nam của HT.Thích Thanh Từ.
– Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh của Lê Mạnh Thát.
– Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang.
– Thiền uyển kế đăng lục (Bản chữ Hán trong Việt Nam Phật điển tùng san).