Rộn ràng cho mùa lễ hội
Chỉ ít giờ nữa, đại lễ mừng Đấng cứu thế của người Thiên Chúa giáo giáng sinh sẽ chính thức bắt đầu trên toàn thế giới.
Trước đây đã rất lâu, tại Trung Đông và châu Âu, người Thiên Chúa giáo từng ngăn cấm người ngoại đạo tổ chức ngày lễ truyền thống này của họ. Nhưng không rõ từ bao giờ, sự ngăn cấm này đã bị quên lãng và rất nhiều người trên thế giới không sống theo những tín điều của Chúa Jesus cũng chờ đón và tổ chức lễ Giáng sinh như người Thiên Chúa giáo. Đó cũng là thực tế đang có ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Còn nhớ, chỉ 15 – 20 năm trước, việc mừng lễ Giáng sinh vẫn được tổ chức hàng năm ở Việt Nam, tuy trang trọng nhưng giản dị lắm. Và phạm vi ăn mừng lễ cũng chỉ gói gọn trong cộng đồng những giáo dân. Tuy cũng có một số ít những người sống lân cận các giáo xứ rủ nhau đến xem lễ của người Thiên Chúa giáo nhưng chỉ là do bị thúc đẩy bởi sự tò mò hoặc do ham hiểu biết, muốn tìm hiểu thêm về những nét văn hóa, nghi lễ của một tôn giáo khác.
Khoảng 5 – 7 năm trở lại đây thì mọi sự đã hoàn toàn đổi khác. Lễ Giáng sinh đã trở thành một lễ hội cuối năm được người dân cả nước (đặc biệt là dân thành thị) đón chờ, cho dù, những người không theo Thiên Chúa giáo vẫn chiếm một tỉ lệ rất lớn, thậm chí là áp đảo.
Từ đầu tháng 12, không khí chuẩn bị để chào đón Giáng sinh đã tưng bừng khắp nơi, chẳng kém gì chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Các nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi công cộng trang hoàng, tổ chức lễ thắp đèn cây thông Noel… để mở đầu cho một mùa lễ hội. Những cửa hàng bán đồ chơi Giáng sinh, cây thông và những đồ trang trí truyền thống của lễ Giáng sinh mở ra ở khắp nơi.
Các tour du lịch, chương trình vui chơi giải trí, lịch chiếu phim, khuyến mãi lớn… cũng được tổ chức nhân dịp này để mọi người dân cùng chung vui đón Giáng sinh. Giai điệu rộn ràng của những ca khúc Giáng sinh vang khắp các đường phố. Bọn trẻ háo hức chờ đến lúc được ông già Tuyết tặng quà…
Và trong đêm chính lễ, người dân cũng nườm nượp đổ ra đường chơi, hoặc đến nhà thờ xem lễ, xem rước, nghe cha giảng đạo, tặng quà và lời chúc phúc cho bạn bè, người thân… Tất cả đều cho thấy niềm hạnh phúc của người dân khi chào đón Giáng sinh.
“Tôi không phải giáo dân nhưng vẫn mong chờ Giáng sinh. Những dịp lễ như vậy khiến tôi thấy cuộc sống của mình “giàu có” hơn” – đó là tâm sự của anh Hoàng, một người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân tộc. Và đó cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều người Việt không theo giáo lý Cơ đốc.
“Từ hồi lập gia đình riêng, năm nào vợ chồng tôi cũng trang trí nhà cửa bằng cây thông, treo trái châu, giăng đèn rực rỡ… trong dịp Giáng sinh. Mẹ chồng tôi vốn là người thờ Phật nhưng cũng vui vẻ khi thấy chúng tôi làm vậy. Bà bảo rằng đây cũng là những dịp tốt để cả nhà vui vầy và bọn trẻ được chơi đùa đúng như những gì mà lứa tuổi của chúng mong muốn” – Chị Thu Giang, một giảng viên đại học ở Hà Nội hồ hởi khoe.
Món quà của truyền thông thời hội nhập
Tại sao trong một thời gian ngắn, chỉ hơn 10 năm, đời sống và quan niệm của người Việt về lễ Giáng sinh lại đổi khác đến thế? Phải chăng, như dân gian thường nói: “Phú quí sinh lễ nghĩa”? Người dân giờ đây đã có cuộc sống no đủ, sung túc hơn nên bắt đầu chú ý nhiều hơn đến đời sống tinh thần?
Vâng, quả thật là lời giải đáp đó cũng có phần nào đúng. Nhưng có lẽ câu trả lời đúng nghĩa nhất phải được hiểu rằng: Giáng sinh chính là một món quà, một sản phẩm, một thành tựu của công tác truyền thông đem đến cho cuộc sống người dân trong thời hội nhập.
Trong quá trình hội nhập (đặc biệt là hội nhập văn hóa), truyền thông luôn nắm giữ một vai trò đặc biệt. Dù có nhiều kênh tiếp cận khác nhau nhưng truyền thông bao giờ cũng là kênh có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với người dân ở một quốc gia đang trên con đường hội nhập, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng bùng nổ mạnh mẽ, đa phương tiện như hiện nay.
Chẳng hạn, chỉ thông qua những du học sinh học tập ở nước ngoài và thông qua những chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam sống và làm việc, người dân sống trong nước cũng có cả “kho” thông tin, kiến thức về việc các nước bạn đón lễ Giáng sinh như thế nào, với ý nghĩa, những nghi lễ và cách thức ra sao…
Nhưng đem lại hiệu ứng mạnh mẽ nhất trong việc đưa Giáng sinh vào cuộc sống đời thường của người dân chính là các phương tiện truyền thông đại chúng như phim, truyền hình, sách báo, âm nhạc, internet, tranh ảnh, các lễ hội giao lưu văn hóa…Năm nào cũng vậy, các phương tiện truyền thông đại chúng dày đặc những thông tin về Giáng sinh ở khắp nơi, ở mọi lĩnh vực.
Với lượng thông tin khổng lồ được cập nhật hàng ngày qua các phương tiện kể trên, Giáng sinh nhanh chóng trở thành lễ hội gần gũi, quen thuộc với người Việt và được mong đợi chẳng kém gì ngày Tết cổ truyền.
Điều đặc biệt là khi du nhập vào Việt Nam, đối với những người không theo Thiên Chúa giáo, lễ Giáng sinh không còn giữ nguyên ý nghĩa là một lễ hội tôn giáo nữa mà đã được coi là một lễ hội văn hóa – một dịp để mọi người cùng vui và bày tỏ tình yêu thương với những người xung quanh.
Sự biến đổi đó quả thật hết sức có ý nghĩa bởi nó cho thấy sự năng động của người Việt trong quá trình hội nhập và giữ gìn bản sắc dân tộc. Và nhờ vậy, cuộc sống tinh thần của người dân trong nước trở nên đa sắc, phong phú hơn. Thay vì chỉ đón những Tết truyền thống như Tết nguyên đán, Rằm tháng giêng, Tết Trung thu, người Việt đã có thêm lễ Giáng Sinh và nhiều lễ hội quốc tế khác như Lễ Tình nhân, Lễ Tạ ơn, Halloween, Tết Dương lịch, Ngày của mẹ,…cũng được du nhập vào Việt Nam như phương thức đã làm với Giáng sinh.
Truyền thông “sưởi ấm” Giáng sinh
Không chỉ góp phần đưa Giáng sinh thành một lễ hội văn hóa quen thuộc ở Việt Nam, giới truyền thông còn góp những cánh tay tích cực với các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm trong việc “sưởi ấm” Giáng sinh cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là những em nhỏ không may.
Hàng loạt những chương trình đầy ý nghĩa nhằm giúp các em nhỏ có hoàn cảnh không may, phải mang trong mình những khiếm khuyết của cơ thể, trí não hoặc những em nhỏ mồ côi… có một Giáng sinh thực sự ấm đã được lên kế hoạch và tiến hành từ nhiều tháng trước đêm Giáng sinh.
Đó là chương trình “Diêm hồng – Sưởi ấm đêm đông” ở TP. HCM và “Nụ cười đêm Noel” ở Hà Nội do Cộng đồng tình nguyện trực tuyến Ngàn Hạc Giấy phát động tổ chức.
Đó là chương trình “Giáng sinh ấm – Giáng sinh 5 xu” của nhóm tình nguyện Những Ước Mơ Xanh với số tiền ủng hộ lên tới hơn 50 triệu đồng.
Đó là đêm cổ tích dành cho mái ấm Hoa Mẫu đơn (TP.HCM) với chương trình “Gặp gỡ mùa Giáng sinh” được thực hiện với nguồn kinh phí hoàn toàn do các blogger quyên góp và ủng hộ.
Đó là “Ngày hội gấu bông” cho trẻ em ở làng trẻ Hữu Nghị (Hà Nội) được thực hiện nhờ sự ủng hộ của các thành viên diễn đàn ĐH Ngoại thương, Nhóm Sấu xanh, diễn đàn ĐH Thương mại.
Tất cả nhưng hoạt động này đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng mạng và cánh báo chí. Và còn nhiều, còn nhiều những hoạt động tình nguyện đầy lòng nhân ái như trên đã và đang được thực hiện nhờ sự chung tay góp sức của truyền thông. Tất cả đã đem tới một mùa Giáng sinh thực sự ấm áp và giàu ý nghĩa!