Đánh giá một bức tranh với mặt hồ là một tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng, mà bảo là một cảnh trí thanh bình êm ả thì không phải là khó.
Nhưng với một bức tranh có những ngọn núi đá trần trụi lởm chởm, bầu trời thì đen kịt và giận dữ, mưa trút xuống dữ dội làm nên những dòng thác hung hãn đổ ào ào nổi bọt trắng xóa? Trong đó tìm cho ra một sự bình an của con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình trong cơn giông tố thì cần phải có một con mắt tinh đời.
Và khi chiêm nghiệm, định giá hai bức tranh kia, người thưởng thức nghệ thuật mới nhận ra một điều được thể hiện thầm kín vô ngôn trong đó: Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không có khó khăn cực nhọc. Bình yên là ngay trong phong ba bão táp ta vẫn tìm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó chính là ý nghĩa thực của sự bình yên. Cũng vậy, sự đơn giản thực sự chỉ có được khi phát xuất từ một tâm trạng an nhàn và vô sự, hay đúng hơn là sự đơn giản từ nội tâm.
Chúng ta đã tự mình vẽ nên bức tranh hoảng loạn của thời đại và đau khổ, buồn vui trong đó, với những trận cuồng phong, những dòng thác lũ của dục vọng. Nói khác đi, chính dục vọng đã âm thầm thúc đẩy con người đi đến xây dựng một thế giới mà trong đó nó phải chịu đựng tất cả.
Dục vọng là gì? Dục vọng là những tham vọng thèm khát về tài sản, địa vị, quyền thế, về tiện nghi vật chất, về tham vọng được yêu thương chiều chuộng, và thậm chí còn ưa muốn với tới những gì trường tồn vĩnh cửu bất di bất dịch, một cái gì làm thỏa mãn tư dục lâu dài.
Tất cả những thứ này đã làm xáo động tâm tư và đời sống của chúng ta. Dục vọng luôn luôn phải có một nội dung là biểu tượng và cảm giác hướng tới đối tượng của chính nó. Biểu tượng có thể là một bức tranh, một hình ảnh, một người, một lời nói…
Tóm lại là toàn thể những đối tượng thuộc về lục trần, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tất cả những thứ này có thể mang lại một khoái cảm, một cảm giác nào đó và chúng ta nảy sinh một cảm giác yêu ghét (xúc thì sinh ái). Nếu cảm giác có thể dễ chịu, nhẹ nhàng, thì ta muốn được nó, có nó và nắm giữ đối tượng ấy và tiếp tục truy cầu những gì thỏa mãn với những tình cảm của mình.
Tâm tư luôn biến động thay đổi, muốn tìm cầu cái mới để tiếp tục thỏa mãn và vì vậy, nó bắt đầu thấy đầy ứ, chán chường mệt mỏi với những hình thức tiếp thọ cũ mà tìm kiếm một cái gì đó mới lạ hơn nhằm thay thế và khỏa lấp sự chán chường ấy.
Cứ như vậy tâm cứ rong ruổi theo những đối tượng của dục vọng. Hiển nhiên khi bị lệ thuộc bởi những đối tượng của lòng tham vọng thì nỗi sợ hãi bất như ý luôn quấy động tâm tư. Bởi ‘thân người thì hữu hạn mà ước muốn lại vô cùng’ nên ước muốn là mầm móng của những nỗi bất an.
Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Lênh đênh làm kiếp phong trần mãi
Ngày hết quê xa vạn dặm đường [1]
Tất cả những sự kiếm tìm, theo đuổi của tham vọng trên đều xoay quanh một trung tâm điểm duy nhất là bản ngã hẹp hòi. Chán chường mệt mỏi với một đối tượng nào đó ta lại tìm cách lấp đầy bản thân bằng một tham vọng khác.
Cứ như thế, với ảo tưởng muốn đem lại sự bình an hạnh phúc cho cái ‘tôi’, ta lại dễ đánh mất mình trong sự truy cầu ấy. Và cuối cùng còn lại sau hậu trường là một sự trống rỗng khủng khiếp của tâm hồn, trở thành kẻ vong thân trong thế giới nội tại.
Thiền sư Suzuki, trong Thiền và Tâm phân học, nói: “Ở đâu chủ nghĩa cá nhân được nhấn mạnh, ở đó cảm giác hỗ tương câu thúc hay căng thẳng ngự trị. Ở đây không có tự do, không có tự nhiên, mà có một không khí hay cấm chế sâu xa, nặng nề đàn áp và đè nén, ức chế người ta và kết quả là đủ thứ hỗn loạn tâm lý”[2].
Như khi ta nói đến cái ‘triết lý quần áo’ của thế giới biểu hiện thời hiện đại, mọi người ăn mặc vì tất cả mọi người. Hay nói đúng hơn là muốn thể hiện mình trước con mắt phê bình và chỉ trích của mọi người theo quy cách của thời đại. Sự kiện đó chỉ là sự thể hiện mình thành cái gì khác hơn là mình. Điều ấy thú vị, nhưng khi nó đi quá xa, ta đã mất đi cái đặc tính của mình mà trở thành xa lạ.
Quả vậy với phương cách này, càng ngày ta càng trở nên xa lạ với chính mình, ‘ngày hết quê xa vạn dặm đường’, xa với thực tế sự liên hệ giữa mình với người khác, với nhiên giới trong tiến trình khổ đau cũng như hạnh phúc. Ta quên rằng sự truy cầu cho chỉ riêng cá nhân theo tư dục bản năng chỉ đưa tới khổ đau.
Con người hiện đại vong bản đến mức chỉ còn thấy mình tồn tại để hưởng thụ và rồi chán chường tuyệt vọng trong một cuộc sống vô nghĩa lý như một nhà xã hội học, ông Erich Fromm, đã nói về con người hiện đại: “Tôi không cần biết bản thân mình là ai vì luôn luôn tôi bận hưởng thụ” Và “Nó sẽ trở thành những con quỷ, nó sẽ tiêu diệt thế giới của bản thân nó, vì không thể chịu đựng hơn nữa sự buồn chán của một cuộc sống vô nghĩa.”[3]
Sự đơn giản chỉ có thể xảy ra trong nội tâm. Và sự đơn giản ấy chỉ có thể có được khi nào ta hiểu được những trở ngại, những cố chấp, sợ hãi mà chúng ta đang vướng kẹt. Tất cả chúng ta nói chung, đang ‘thích’ vướng mắc, thích bị ràng buộc trong nhân thế, trong những vật sở hữu càng nhiều càng tốt, thích là kẻ tù tội lao lung.
Trong tâm tư chúng ta đang là kẻ bị trói buộc, dẫn dắt bởi những tham vọng, những thèm khát, những ham muốn và dao động bởi những tâm lý tương tự. Sự đơn giản bình an chỉ có được khi những tác động ấy được chấm dứt, hay là được tự do.
Sự phát hiện bên ngoài chỉ là dấu hiệu của trạng huống bên trong tâm thức, và muốn hiểu được trạng huống bên trong tất nhiên phải đi bằng con đường ngoại giới. Như soi gương, hình ảnh trong gương chỉ là những biểu hiện của sự kiện thật bên ngoài. Muốn thấy được mình thì phải nhìn trong ảnh tượng ấy, nhưng để sửa đổi lại không thể thọc tay qua tấm gương được.
Chính sự quan sát thâm sâu thế giới ngoại tại như sự hiện thể của nội tâm mình, chúng ta thấy rằng cần thiết phải có một lối sống ít ham muốn, biết vừa đủ, hay là đơn giản để đem lại bình an cho mình, và cho thế giới bên ngoài. Ai dắm chắc rằng điều xảy ra đối với người kia hôm nay không liên hệ tới mình và ngày kia sẽ không xảy ra đối với mình.
Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: “Càng lắm ham muốn lại càng nhiều khổ đau, rằng bao nhiêu cực nhọc trong cõi sinh tử đều do ham muốn mà có. Trong khi đó, người ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử, lại cảm thấy thân và tâm mình được nhẹ nhàng và thư thái.”[4]
Trong tâm còn có một đối tượng nào để tìm cầu, dù là danh tiếng lương thiện, ly dục, thì sự đơn giản hay tri túc chưa thể nói tới một cách trọn vẹn. Sự đơn giản thực sự phải là tinh thần vô nguyện, không mong cầu, tức là không đặt bất cứ một đối tượng nào để chạy theo nó. Còn chạy có nghĩa là tâm vẫn chưa được an trú.
Lòng khao khát có nhiều hơn nữa, sự theo đuổi những biểu tượng, những tiếng, những lời, những hình ảnh, với những cảm giác do chúng tạo ra, tất cả những điều này phải được nhận diện và chuyển hóa, có thế tâm trí mới mong trở nên sáng tạo, nơi trạng thái sáng tạo này, sự mới lạ luôn luôn xuất hiện. Sự sáng tạo ấy là sự thức tỉnh của tâm trí để đón nhận những gì mới mẻ xảy ra trong thế giới chuyển biến vô thường.
Trong tiến trình thức tỉnh ấy, ta thấy tham dục chẳng có ý nghĩa nào đối với một người thực sự đi tìm lẽ sống. Cố nhiên ta không thể bỏ qua những nhu cầu sinh hoạt, nhưng không nên để cho những nhu cầu ấy trở thành trung tâm điểm của lòng tham dục.
Một người có tâm hồn giản dị, không mong cầu là người thực sự luôn an trú trong trạng thái tĩnh lặng và sáng suốt cùng hiện hữu. Người này thực sự là một kẻ có đầy đủ bản lĩnh để sống bình an trong cơn cuồng phong nộ thủy của thế giới ngoại tại. Nhưng con đường nào đưa tới bình an?
Bình an chính là con đường (peace is the way). Chính vì vậy, sống an bình trong mỗi phút giây là đang thực hiện con đường bình an. Nguyễn Công Trứ nói: “Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc, tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn“.
Tâm ta mong cầu không bao giờ biết dừng lại, chờ cho đủ thì đến bao giờ mới đủ. Biết đủ, an nhiên chấp nhận những gì mình có để sinh hoạt thì tự khắc mọi cái đều trở nên không còn thiếu thốn. Biết sống an nhàn trong đời sống này, đừng so sánh nó với ai, đừng đợi đến khi nào đó mới hưởng nhàn, thì lập tức sự an nhàn có mặt. Còn mong đợi tức là còn khắc khoải hoài vọng, tức là còn thấy thiếu thốn, bấy giờ đã đánh mất đời sống qúy báu của mình trong hiện tại.
Cố nhiên có những ham muốn lại mang ý nghĩa của những nhu yếu đích thực có lợi cho sự an lạc của thân tâm trước hết cho chính bản thân mình và sau đó là nền tảng để thực hiện niềm vui cho tha nhân. Đó là sự thực tập Từ Bi, ước muốn đem hiến dâng niềm vui và giúp người bớt khổ.
Sống nhàn, sống an tịnh là vậy, nên ta bắt gặp một thái độ sống đơn giản mà giải thoát tuyệt vời của các vị thiền sư trong tinh thần phá chấp. Cái tinh thần mà mọi cơ trí, tình thức đều bị quét sạch hết. Có người còn gọi trạng thái tinh thần ấy là “Nghèo”. Các thiền sư nghĩ đến cái nghèo thiết thực và thơ mộng hơn; các ngài gợi thẳng đến việc của thế gian, đến những gì rất gần gũi. Thiền sư Vô Môn (1183-1260) cảm tác:
Hoa xuân muôn đóa bóng trăng thu
Hạ có gió vàng đông tuyết rơi
Tuyết nguyệt phong ba lòng chẳng chấp
Mỗi mùa mỗi thú mặc tình chơi.[5]
Bài thơ không ngụ ý tác giả chỉ ăn không ngồi rồi, không làm gì khác, hoặc không có gì để làm khác hơn là thưởng thức hoa đào nở trong nắng sớm, hoặc ngắm vầng trăng đìu hiu; không, có thể tác giả đang say sưa làm việc, đang giảng giải, đang tụng kinh, đang quét chùa, dãy cỏ như thường lệ, nhưng lòng tràn ngập một niềm thanh tịnh khinh an…
Tâm họ là tâm “không”, thân họ là thân “nghèo”. Vì nghèo nên họ thưởng thức được hoa xuân, biết ngắm trăng thu. Nếu của cải của thế gian chứa chất đầy con tim thì còn chỗ nào cho những lạc thú thần tiên ấy?
Các thiền sư quen cái giàu phi thế tục của sự giàu có muôn vật trong đời, nào đèn trăng quạt gió, nào kho vô tận, thật quá đủ lắm rồi. Đó là tinh thần tự do thực sự, mà phải ‘Nghèo’ kia mới được tự do, như nhà văn Dante đã nói “ai không thể sống nghèo không thể có tự do“, ấy mới thực là chí lý.
Các ý thức hệ tôn giáo, đảng phái, có thể đưa tới những đấu tranh là bởi cố thủ cái kiến chấp của mình. Chất chứa kiến thức như vậy cũng là một sự ham muốn. Tâm trí chứa đầy những kiến thức về những sự kiện, về những gì người khác đã nói, có thể dễ dàng ảnh hưởng bởi một ý thức hệ nào đó, và cuối cùng tạo nên những thành kiến.
Khi nhận thức một sự vật, đầu óc rối rít những tri kiến như vậy, khiến ta không có khả năng sống giản dị và tự mình trực nghiệm. Sự việc được nhận thức qua một mớ định kiến đã trở nên méo mó và sai lạc.
Càng chất chứa càng tạo thành cố chấp. Kiến thức đối với thiền cũng ví như của cải, là tích trữ tài sản, nó phải cần buông bỏ. Đó là thực hiện tinh thần nghèo và khiêm hạ. Có thể biết rất nhiều, nhưng làm như không biết gì cả, đó mới thực là cái biết rộng lớn, nói như biện chứng của kinh Kim Cang.
Quả thực biết mà còn thấy mình đã biết thì rất dễ thỏa mãn và kiêu ngạo. Thái độ đó sẽ không học hỏi gì hơn từ con người và thế giới tự nhiên. Chén trà đã đầy thì không còn rót thêm vào được nữa.
Trong những điều kiện thực tế nội tại của thân năm uẩn, nếu nhìn cho kỹ, quan sát cho thấu đáo, thì mới thấy rằng còn đôi mắt sáng là niềm vui, thân thể khỏe mạnh, cử động tự do linh hoạt là một phép lạ v.v…
Vì cố chạy theo những đối tượng hình sắc bên ngoài mà đôi khi ta đã bỏ quên những điều kiện hạnh phúc an vui trong tầm tay. Bầu trời xanh trong, mặt đất thầm lặng, với bao nhiêu cảnh tượng tuyệt vời sẽ không bao giờ hà tiện với chúng ta.
Cái cốt yếu là biết đúng lúc đặt gánh nặng của những âu lo toan tính để sống lại với chính mình, với thiên nhiên mà thôi. Trong đời sống xã hội hiện đại, nền văn minh vật chất đã bộc lộ những mặt tiêu cực của nó. Con người thì nhân tính bị tước đoạt trong những guồng máy của sản xuất và tiêu thụ. Tâm tính cũng như khối óc họ mệt mỏi. Đời sống trở nên hời hợt và vô vị.
May mắn là con người đã bắt đầu nhìn ra và quay trở về với lối sống đơn giản, đời sống thiền tập, chống lại lối sống tiện nghi vật chất và máy móc, không để cho lối sống hưởng thụ khống chế. Được làm người chính là nhu yếu căn bản mà con người đã từng kiếm tìm và cũng đã vô tình bít lấp.
Sống đơn giản không có nghĩa là khước từ toàn bộ những tiện nghi cần thiết cho sự sống và tiến bộ. Nhưng hai chữ tiến bộ cần phải hiểu nó trong toàn diện tinh thần và vật chất. Nếu đời sống tâm linh bị đánh mất thì sự sống cũng lạc hướng và tiêu hoại.
Phải can đảm lắm, sâu sắc lắm mới ăn nói, hành động và suy nghĩ cách ‘đơn giản’ giữa thời đại xa hoa này. Chúng ta không mong cầu một cuộc sống bình lặng như bức tranh tuyệt mỹ kia mà chính trong sóng gió làm sao để giữ được một phong thái, một thế đứng vững vàng trong thế cuộc. Đó là ý nghĩa của nếp sống biết buông bỏ, một lối sống đơn giản tự chủ trong tâm hồn.
——————————————————————————–
[1] Nguyễn Lang, “Việt Nam Phật Giáo Sử Lược“, cuốn 1, tr. 296:
Tỷ trước chư hương thiệt tham vị
Nhãn manh chủng sắc nhĩ văn thanh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.
[2] Suzuki, ‘Thiền và Phân tâm học’ tr. 70, Như Hạnh dịch, Kinh Thi xuất bản lần thứ nhất.
[3] Erich Fromm, ‘The Present Human Condition’.
[4] Thiền môn nhật tụng – 2000, Nhất Hạnh dịch.
[5] Suzuki, ‘Thiền luận’ quyển 1, tr. 577, Trúc Thiên dịch, An Tiêm xb 1970.