Mặc dù, dường như Giáo hội Phật giáo Việt Nam không quy định thuyết pháp tại chùa phải cần bằng cấp gì, giới điệp ra sao, giáo phẩm thế nào, nhưng việc xử lý bà Phạm Thị Yến thuyết pháp ở chùa Ba Vàng có thể tạo ra tiền lệ rất bất lợi cho tăng ni Phật tử, khi các chùa mời Phật tử thuyết pháp.
Bà Phạm Thị Yến chùa Ba Vàng bị xử lý, thì các Phật tử khác trên bục giảng pháp đều có thể bị xử lý, bất kể Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có quy định chi tiết về việc Phật tử thuyết pháp.
Thông báo số 066/TB-HĐTS, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký ngày 26/3/2019 chỉ nói “Việc đại đức Thích Thái Trúc Minh trụ trì chùa Ba Vàng để cho Phật tử Phạm Thị Yến Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quan thuyết pháp tại chùa Ba Vàng là không đúng”.
Thông báo không nêu ra căn cứ quy định nào để cho “là không đúng” vốn là nguyên tắc căn bản trong việc ban hành văn bản hành chính.
Tôi nhớ đến việc cô giáo dạy môn ngữ văn của tôi ở Trung học thường được Sư bà Tịnh Nguyện, bạn đồng học của cô ở Đại học Văn khoa mời thuyết pháp ở chùa Phước Hải Q10, TPHCM mà rợn cả người. Cô là Phật tử thuần thành, nhiệt tâm, nhưng cô thuyết pháp thì cũng như bà Yến và có khả năng chùa lẫn cô bị xử lý kiểu đó.
Ở một số chùa, vẫn có cư sĩ thuyết pháp và do đó tiềm ẩn nguy cơ như trên từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cho nên, tôi đề nghị các chùa không nên dùng từ “thuyết pháp” hay cụm từ “giảng pháp”, khi cư sĩ Phật tử đăng đàn tại chùa.
Chính vì các quan chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tạo ra một tiền lệ nên phải cần có việc đối phó như thế, nếu không, họ có thể tùy tiện xử lý theo tiền lệ bà Yến.
Một số quan chức Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thành, nhất là ở phía Bắc vẫn cấm không cho tu sĩ địa phương khác đến thuyết pháp. Trong trường hợp này cũng cần tránh từ “thuyết pháp”, cụm từ “giảng pháp”.
Thay vào đó, tôi đề xuất cụm từ “đối thoại tu học Phật pháp”, hoặc những cụm từ tương đương “đối thoại trải nghiệm Phật pháp”, “trao đổi trải nghiệm tu học”…
Nên giới thiệu treo băng rôn, kẽ chữ trên phông màn giảng đường, chạy chữ dưới hình ảnh video và tìm tất cả mọi hình thức thể hiện đối với cụm từ “đối thoại tu học Phật pháp” hay các cụm từ khác tương đương thay vì treo biển, giới thiệu “thuyết pháp”, “giảng pháp”.
Việc “đối thoại tu học Phật pháp”, “trao đổi kiến thức Phật học” nên có từ hai người trở lên, trao đổi ý kiến với nhau, trong đó một người chỉ nói vài phút, còn người nói chính có thể nói trong vài giờ. Như thế, chỉ là “đối thoại”.
Đối thoại tu học thì không thể cấm vì bất kỳ lý do gì, Còn cư sĩ thuyết pháp thì có bị xử lý tiền lệ bà Yến!
Ngay cả khi các quan chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm cư sĩ thuyết pháp, thì vẫn không thể cấm cư sĩ đối thoại trải nghiệm tu học tổ chức ở chùa.
Làm như vậy có phải là đối phó? Là luồn lách? Chính trường hợp xử lý không hợp lý bà Phạm Thị Yến chùa Ba Vàng khiến tôi phải đi đến đề xuất những cách xử lý ngôn từ như vậy.
Một điều hợp lý, chính đáng, đúng lẽ thì diễn đạt như thế nào thì vẫn có thể chấp nhận.
Chỉ có việc xử lý bất công, trái lẽ thì không thể chấp nhận và tất yếu dẫn đến việc đối phó theo cách làm cho hợp lẽ.
Chẳng hạn tại TPHCM, có lúc bỗng dưng TP không cấp phép karaoke. Từ đó, trong một thời gian liên tiếp xin phép chính quyền TP liên tiếp cấp phép phòng thu. Trong các phòng thu (studio), khách vẫn hát theo lời hiện trên màn hình, chỉ bổ sung thêm một máy ghi dĩa và sau mỗi giờ khách ký nhận một dĩa thu âm tiếng hát của mình. Cái khác quan trọng là bảng treo: “Phòng thu”, tuyệt đối không dùng từ “karaoke”. Và như vậy không khác mấy karaoke nhưng đúng với pháp luật lúc đó.
Một số ý kiến cho rằng thuyết pháp thì phải thân tâm thanh tịnh, giữ giới trường trai…
Như thế, có lẽ đối với cư sĩ thì dùng cụm từ “đối thoại trải nghiệm tu học” hoặc tương tự thì hoàn toàn thích hợp.
Đề xuất chùa Ba Vàng tổ chức các buổi “đối thoại trải nghiệm tu học” cho tất cả Phật tử, trong đó có bà Phạm Thị Yến, không loại trừ bất kỳ cơ hội chia sẻ kinh nghiệm tu tập đối với bất cứ ai.
Thuyết pháp, giảng pháp, nói pháp… được diễn đạt thành đối thoại tu học Phật pháp, đối thoại trải nghiệm tu học, đối thoại trải nghiệm Phật pháp, trao đổi ý kiến Phật học… đều chính ngữ với điều kiện đúng chính pháp trong nội dung trình bày, trao đổi, chia sẻ.
Cái quan trọng là nội dung chứ không phải tên gọi.
MT