Hai cái lọ lục bình đặt trên tủ chè, mỗi lọ cao tới bốn gang tay người lớn đã cắm hai cành đào bích, một cành của chú rể là chồng dì Minh tôi mang tới biếu ông bà ngoại, một cành của cậu ruột tôi mua trên vườn đào Nhật Tân về. Còn mấy lọ hoa nhỏ trên bàn thờ, bà tôi hay cắm những nhánh hoa đào tỉa vừa mua về.
Tết năm nào cũng vậy, tôi là đầu sai của bà ngoại. Nhà tôi đông người thế mà đi đâu hết chẳng ai phụ giúp cho bà. Mợ dâu tôi vớt măng lưỡi lợn vào rổ rồi mang miến dong ra ngâm.
Đến chiều thì cả nhà cô, dì, chú, bác, dâu, rể đã tề tựu đầy đủ, mỗi người một việc. Thằng em trai tôi phởn phơ thỉnh thoảng đốt một quả pháo tép khiến mấy đứa trẻ lũn tũn chạy la hét inh ỏi.
Bà tôi cũng giật mình lẩm bẩm: “Người làm không hết việc, người thì dửng mỡ thế đấy”. Nhưng nó mới tám tuổi chỉ biết thể hiện cái không khí ngày tết bằng cách ấy thôi.
Dì Bích của tôi đang mím môi gọt su hào làm món hạnh nhân, trời lạnh làm mấy ngón tay dì đỏ bầm. Tôi đang rửa nấm hương để người lớn chuẩn bị phết giò sống nấu với su hào và bóng lợn. Cậu tôi hì hụi nhấc cối đá trong vại hành nén ra.
Gà bao giờ cũng được luộc trước để vớt ra cho nguội. Ngắm chú gà trống hoa kìa, chẳng quần áo gì, da thì vàng óng ngự chễm trệ trên cái đĩa nghếc đầu lên, mỏ còn ngậm bông hoa hồng nữa chứ. Phía bếp, bà trẻ nhúng đũa vào nồi măng đưa lên mũi ngửi, tôi lân la tò mò:
– Bà trẻ ơi. Sao bà không nếm mà lại… ngửi ?
– Trẻ con biết cái gì ? Nấu cỗ cúng tổ tiên, ai lại nếm trước.
Ra vậy, may mà mình chưa nhón miếng nào ăn vụng. Tôi thầm phục tài nấu ăn của bà trẻ, nấu giỏi đến cỡ không cần nếm chỉ cần nhúng đũa vào nồi đưa lên mũi ngửi cũng biết được mùi vị, đậm nhạt thế nào.
Bếp núc thủa ấy nhà nào cũng đun bằng củi, bếp dầu hoặc bếp than. Dì Minh thì đang bặm môi lật nem rán trong chảo, ánh lửa hắt lên làm má dì đỏ ựng.
Ánh lửa bếp lung linh ngày tết ấm lạ lùng, tôi cảm giác nó thiêng hơn mọi ngày. Chẳng thế mà tôi nhớ mãi những ánh lửa chiều 30 tết cho đến tận ngày nay.
Chạng vạng tối thì các món nấu dần dần được bày lên mâm. Mỗi món được trình bày như một tác phẩm riêng. Mợ tôi xếp ngửa từng miếng thịt gà vào đĩa, miếng nào không có da đặt ở trên rồi lấy cái đĩa khác úp lên, đĩa thịt trở nên đầy đặn.
Chỉ đơn giản vậy thôi mà đĩa thịt gà nhìn hấp dẫn hẳn lên, miếng nào miếng nấy da vàng mềm mà đẹp quá chừng, tôi hiểu phần nào câu bà ngoại nói: “Mâm cao, đĩa đầy”.
Dì Minh đang lách mũi dao nhỏ tỉa su hào thành những con giống để xào su hào, nấm hương. Mỗi miếng trong món xào ẩn chứa sự tinh hoa của bàn tay người chế biến, miếng được tỉa hình con thỏ, bông hoa ngọc lan, miếng là hình răng cưa, miếng nào ở dìa củ su hào thì tỉa hình cánh quạt, cà rốt cũng được biến thành những hình cây thông, hình hoa năm cánh, hình búp sen, hoa hồng, vài cánh rau mùi uốn cong xòe những cánh nhỏ li ti hờ hững bên trên.
Từ rau củ qua bàn tay con người đã biến tấu thành một món ăn giàu ngôn ngữ của đời sống con người. Và mỗi đời người cũng không thể nhớ hết tuổi thơ của mình đã nhận bao nhiền lần tiền mừng tuổi của ông bà, cha mẹ, cậu mợ, chú bác, anh chị trong gia đình.
Tình cảm và những lời chúc thay cho lời răn dạy như vun đắp cho cây đời mỗi thành viên trong gia đình thêm trưởng thành, như sợi dây tình cảm đan quện nhau mang nặng tri ân suốt quãng đời còn lại.
Mọi người lần lượt mang các món ăn lên đặt trên bàn thờ ở trên gác. Tôi mang đĩa bánh chưng lên xong khi vừa chạy xuống bậc thang cuối thì nghe vang lên tiếng chuông, chắc bà tôi đang thắp hương trên ban, mùi hương trầm khiến ngày ba mươi tết thêm xốn xang sao ấy.
Sau này trong gia đình mỗi người một phương, người công tác ở Sài Gòn, người thì định cư ở nước ngoài. Nhưng đến cuối năm ai nấy lại ráng thu xếp thời gian trở về mái nhà “khi xưa ta bé”.
Bà đã già ít quán xuyến việc nấu nướng, nhưng con, cháu vẫn nấu lại những món cổ truyền trong ngày tết. Vì mỗi món nấu ngày tết ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa về đạo sống của người Việt mình.
Qua mâm cỗ tết mỗi năm, ông bà, cha mẹ lại thêm tuổi nhưng không cần dạy dỗ nhiều điều mà mỗi thành viên trong gia đình càng thêm tôn kính ông bà, cha mẹ. Ăn cỗ tết không như cỗ cưới, tiệc chiêu đãi, tiệc đình đám, càng không giống tiệc xã giao nhà hàng ồn ã, xô bồ, lãng phí.
Dự với mâm cỗ tết là mỗi người tự điều chỉnh cách ngồi, cách ứng xử, cách nói, cách nhai và biết quan tâm đến nhau. Ăn cỗ ngày tết ngày nay không đơn thuần là “Có thực mới vực được đạo”, qua văn hóa ăn người ta thể hiện được phần nào cách sống.
Trong khi ăn, mợ tôi chọn món ngon tiếp cho ông bà, chúng tôi cũng đáp lại người trên như vậy, để con cái nhìn vào đó mà ứng xử, ánh mắt, nụ cười trong bữa ăn thật khó tả bằng lời. Những chuyện vui buồn được bày tỏ, như buổi sinh hoạt gia đình mà chỉ có bữa cơm gia đình dân tộc Việt mới có.
365 ngày trong năm chẳng bữa cơm nào đầy mầu sắc như cỗ tết, chẳng bữa cỗ nào được xum họp đầy đủ các thành viên trong gia đình và có đủ cung bậc lòng tôn kính tổ tiên, thể hiện lòng “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” như bữa ăn ngày tết.
Riêng tôi nghĩ ngày tết cổ truyền của dân tộc mới chính là ngày gia đình Việt Nam.
Cứ như thế, tuổi thơ tôi lớn lên từ những mâm cỗ cúng tổ tiên qua mỗi năm, mỗi năm tôi lại học được thêm ý nghĩa của việc bếp núc. Học về nghệ thuật tổ chức bếp núc trong ngày tết, nghệ thuật nấu cỗ cúng gia tiên, nghệ thuật trình bày mâm cỗ.
Qua mâm cỗ, người ta sẽ biết cách sống, tình cảm của người thể hiện qua từng món nấu. Nhìn văn hóa ăn uống có thể thấy đuợc văn hóa sống và đẳng cấp của mỗi người trong xã hội.
Dù giàu, nghèo thì sau khi hưởng lộc cỗ gia tiên thì mỗi người lại chiêm nghiệm thêm điều gì đó đã qua và học được điều mới từ những người thân trong gia đình. Thầm nhủ hãy giữ lấy nếp nhà, hãy giữ gìn gia pháp, hãy giữ bản lĩnh sống để sẵn sàng trải qua chướng ngại trong đường đời.
Còn tôi, nhờ hay quan sát và lân la hỏi han cách nấu nên đã biết được nhiều món của những người trong gia đình. Có lần bà tôi nói: “Muốn học nấu ăn trước hết phải làm được ba món, đó là chế biến nộm, nấu cơm, luộc rau muống”.
Nghe bà nói vậy tôi chủ quan thầm nghĩ “dào ơi, tưởng gì”. Nhưng khi thực hiện cũng không phải dễ, làm món nộm su hào khó nhất là pha chế dấm, đường, nước mắm để trộn. Luộc rau muống sao cho lúc chín mà ngọn rau không bị đỏ, nước rau phải xanh trong. Nấu cơm thì gạo mùa khác với gạo chiêm phải cho nước nấu sao không bị sống, nát, khê, mà hồi ấy gạo mua theo sổ đủ các loại gạo.
Rất may là tôi đã vượt qua được cách nấu tưởng là đơn giản ấy, sau này có lần một mình tôi đã nấu cỗ cúng mười món chẳng khó khăn gì.
Và năm hết, tết đến, những người con của cả dân tộc từ 54 tỉnh thành Việt Nam, từ hải ngoại xa xôi cách hàng chục giờ bay lại hướng về mái ấm tuổi thơ? Đứng trước bàn thờ gia tiên không phân biệt tuổi tác, đẳng cấp đều chắp tay cầu nguyện cho đất nước an lành, cầu cho gia đình hưng thịnh, cầu cho bản thân thành đạt, cho con cháu học hành nên danh phận.
Cỗ tết, không đơn thuần trong hai từ Ăn và Uống, mà mỗi món ăn gợi cho ta nhớ tới hình ảnh giếng nước đầu làng, như nghe tiếng chày giã gạo, đụn rơm vàng lẫn trong tiếng gà gáy trong sương, nhớ công lao người trồng trọt lúa gạo.
Nhìn mâm ngũ quả nhớ đến vùng đất tạo ra rau củ, hoa trái. Mâm cỗ tết chính là tâm linh của tổ tiên nhắc nhở đời đời thế hệ sau phải ăn ở ra sao, làm ăn thế nào. Mâm ngũ quả, mâm cỗ cúng gia tiên chính là ngôn ngữ của con người, là văn của gia pháp, là hồn của dân tộc.