Mới hôm trước, vừa gặp tôi tại lễ ra mắt Ban đại diện PG quận Bình Thạnh, thầy liền hỏi: “Lúc này con còn ở chùa không?”. Sau khi nghe tôi bạch, thầy ân cần khuyên bảo: “Con thấy đó, như tượng Bồ Tát Quan Thế Âm bằng đá nặng mấy chục tấn ở chùa, vững chắc, uy nghi, được chăm sóc giữ gìn kỹ thế mà vẫn “ bị tai nạn” gãy tay, sứt mẽ… huống hồ chi con người. Do vậy, ở đời, dù có gặp chuyện phiền não, thì cũng ráng tập nhẫn nhục để vượt qua, rồi mọi việc sẽ đâu vào đó”. Sau đó mấy hôm, tôi lại gặp thầy tại Văn phòng II để thực hiện bài phỏng vấn về và công tác của Ban Hoằng pháp thành hội và vấn đề tu chỉnh hiến chương của GHPGVN trong nhiệm kỳ V sắp tới. Bài phỏng vấn ấy đã được ban biên tập duyệt, chưa kịp đăng thì thầy đã rẽ sang cuộc hành trình mới. Trong buổi gặp mặt lần cuối cùng ấy vào sáng ngày thứ tư 17 – 7 – 2002, thầy đã nói ra suy nghĩ của mình về đại hội PG toàn quốc nhiệm kỳ V. Theo thầy thì vấn đề quan trọng là phải chú trọng nhiều đến việc kiện toàn tổ chức.
Thầy bảo rằng việc tu chỉnh hiến chương sẽ làm ảnh hưởng không ít đến tính nhất quán của GH, vì thế, nếu có dự hướng tu chỉnh hiến chương, ban thường trực HÐTS cần phải chuẩn bị nội dung cho thật kỹ, để việc tu chỉnh đáp ứng được nguyện vọng tâm tư của tăng ni, Phật tử toàn quốc, và nhất là phải phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Song song đó, việc sửa đổi các điều trong nội qui hoạt động của các ban, ngành, viện, trung ương cũng là điều mà GH phải quan tâm. Ðối với vấn đề cơ cấu nhân sự vào các ban ngành phải đặc biệt chú trọng đến những vị đầy đủ năng lực và phẩm hạnh. Ví dụ, Ban Giáo dục tăng ni cần phải phát hiện và cơ cấu vào những nhà giáo dục Phật giáo mô phạm, thực tài; Ban Hoằng pháp cần phải có những vị giảng sư uyên bác về Phật học lẫn thế học; Ban Tăng sự cần có những vị chân tu đạo đức để tăng ni trẻ nương nhờ tu học, hành đạo đúng phạm hạnh. Riêng Ban Tăng sự trung ương thì thầy có đưa ra nhận định là trong nhiệm kỳ IV chưa có những qui định khế hợp về việc xuất gia, do đó, đã từng xảy ra tình trạng nhiều tăng ni từ nơi khác đến TP. HCM tu học, khi có Phật sự trở lại địa phương của mình nhờ chính quyền xác nhận giấy tờ còn nhiều khó khăn, chưa thực sự được cảm thông, hỗ trơ.
Một công tác khác của Ban Tăng sự đó là việc cho phép các Ban trị sự tổ chức đại giới đàn nhưng lại thiếu sự giám sát chặc chẽ. Thầy đưa ra ý kiến đề xuất rằng, các Ban trị sự nên chăng phối hợp cùng nhau tổ chức đại giới đàn liên tỉnh hoặc cụm, khu vực sẽ tiết kiệm rất nhiều kinh phí và quan trọng hơn hết là việc tuyển chọn tu sĩ thọ giới chắc chắn sẽ được sàng lọc kỹ càng, chất lượng hơn là mỗi tỉnh tự đứng ra tổ chức như lâu nay.
Khi đề cập đến công tác hoằng pháp tại TP. HCM, với tư cách là trưởng ban, thầy nhận định: Sau một thời gian thử nghiệm, sắp tới Ban Hoằng pháp thành hội sẽ họp bàn đưa ra định hướng cụ thể cho từng giảng đường và các lớp giáo lý. Trong nhiệm kỳ qua, Ban Hoằng pháp thành hội đã phần nào thành công trong việc tạo điều kiện cho các đạo tràng chuyên tu phát triển song song với các lớp giáo lý. Ðiều mà thầy mong muốn nhất từ những đạo tràng đã định hình như: Phật thất, Pháp Hoa, Thiền… trong tương lai cần có thêm những bậc thầy chuyên tu của từng pháp môn ấy để hướng dẫn cho tăng ni, Phật tử hành trì đến nơi đến chốn.
Một tâm nguyện lớn nhất của thầy đối với việc giáo dục tăng ni là xây dựng lại Phật học viện nội trú Huệ Nghiêm với qui mô ngang tầm, phù hợp với thời đại.
Hôm nay, ngồi đọc lại những lời thầy bày tỏ, có việc thầy đã làm tròn, đồng thời cũng có việc đang còn dở dang. Cả đời mình, thầy đã vì Ðạo Pháp mà có biết bao ưu tư trăn trở. Mong rằng những tâm nguyện của người sẽ được thực hiện rốt ráo và hoàn mãn trong một tương lai gần.
Phổ Tâm