Trang chủ Văn học Tùy bút Đời Ngõ

Đời Ngõ

84

Hà Nội có bao nhiêu con ngõ, chắc chẳng ai biết. Có chăng, ở phường là mấy ông địa chính, ông tổ trưởng dân phố và anh cảnh sát khu vực. Trước đây, nếu muốn đến chơi nhà ai ở trong một ngõ nào đó mà không quen thuộc địa hình, thì cho dù nó có tên hẳn hoi, cũng phải mất không biết bao thời gian, mồ hôi và cả… mỏi mồm, để tìm ra cái chỗ mình cần đến trong thế giới mê hồn trận những ngõ, ngách của thành phố này.


Vài năm trở lại đây, do sự cố gắng của chính quyền trong quản lý đô thị, nên hầu hết ngõ ở các khu phố mới đều được treo biển theo số nhà phố liền kề. Việc này đã làm cho chuyện tìm địa chỉ trở nên dễ dàng hơn. Như cái ngõ nhà tôi là ngõ T.L, nay còn gọi là ngõ 121 (cạnh nhà 121), phố Kim Ngưu. “Tiện thì có tiện, nhưng nghe số hoá quá, mất cả lịch sử!”, ông hàng xóm vốn là thày giáo dạy phổ thông cơ sở về hưu phàn nàn. Tôi cười thông cảm với ông!


Như đời người, mỗi một đường phố, một con ngõ đều có số phận riêng. Là bộ mặt đô thị, nên đường phố lúc nào cũng rực rỡ đèn màu, biển hiệu, hàng hoá, rộn rã còi xe và dòng người bán mua tấp nập, hối hả như chẳng bao giờ ngơi nghỉ. Ngược lại, cuộc sống trong ngõ khá yên ả, bình lặng, thậm chí như bị lãng quên.


Con người sống ở mặt phố và trong ngõ nhỏ cũng chẳng giống nhau. Hình như có một ngăn cách, phân chia tầng bậc vô hình nào đấy. Người sống trên phố được coi là sang cho dù anh từ đâu đến, xuất thân thế nào, nếu lại có cái cửa hàng, nhỏ thôi, khoảng 2 m2, đủ kê cái quầy tạp hoá là đã có thể vênh vang với đời.


Chả thế mà trẻ con ngêu ngao hát: “Nhà mặt phố, bố làm to!”. Khoảng hai chục năm trở lại đây, tốc độ đô thị hoá ở Hà Nội rất nhanh. Nhìêu làng quê các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm… đã trở thành phố, thành phường. Những con đường mới mở nhanh chóng kéo theo hai bên đường dãy phố mới, với những ngôi nhà mới xây theo quy hoạch và bất quy hoạch.


Hình như ở nước mình, “chủ nghĩa mặt tiền” đã ăn sâu vào tiềm thức của cư dân đô thị. Ai cũng cố nhoai ra mặt đường, bất chất luật pháp, kỷ cương, vì thế mới có loại nhà kiến trúc chẳng giống ai siêu dẹt, siêu mỏng trên đường Đào Tấn, đường Xã Đàn – con đường đắt nhất hành tinh, và trên nhiều đường phố khác của Thủ đô, cho dù đường phố luôn được các nhà quản lý đô thị, các kiến trúc sư để tâm chăm sóc.


Thế nhưng, sau những ngôi nhà phố lộng lẫy, bóng bảy và rất lộn xộn kia là một thế giới khác, thế giới của những con ngõ, con hẻm chằng chịt với những con người có nhiều sồ phận khác nhau. Nhà nghiên cứu nghệ thuật, TS Nguyễn Thị Minh Thái đã từng nhận xét: “Cho đến hết thế kỷ XX, Hà Nội vẫn mang dáng dấp một cái làng.” Đúng thế, cái phường nơi tôi ở, đa phần là dân thổ cư, trải qua mấy đời từ khi có làng đến lúc thành phường, thành phố.


Sau này, Hà Nội mở rộng, nhiều người từ trong phố, từ các nơi khác đổ về đây mua đất làm nhà vì giá rẻ, hợp túi tiền. Cái ngõ vốn là đường làng nhỏ hẹp, rộng hơn 2m, dài hun hút… vậy mà giờ cũng san sát nhà tầng.


Tuy vậy, trong các con hẻm, nhiều nhà vẫn giữ được chút vườn để trồng cây bưởi, cây cau… lác đác đôi khóm tre rì rào trong gió gọi chim về làm tổ. Vì thế không gian trong ngõ có nhiều màu xanh, không khí cũng đỡ nặng bởi ít tiếng còi xe rú rít và mùi khói xăng nồng nặc như ngoài phố. Người trong ngõ ngày một đông.


Từ công chức nghèo như ông giáo hàng xóm nhà tôi, vợ chồng cô kỹ sư một viện nghiên cứu, anh phóng viên của tờ báo ngành chuyên viết tin khởi công, khánh thành và sống bằng tiền hoa hồng quảng cáo, đến bác chạy xe ôm vốn là cựu sĩ quan quân đội về hưu, một diễn viên khá nổi tiếng với vai đại gia trên phim truyền hình “Chạy án”, mấy cô cậu sinh viên, hay vài chị bán hàng rong, “chai chè đồng nát” từ nơi khác đến thuê nhà ở trọ v.v. và v.v.. Tôi cũng là dân ngụ cư, từ trên phố về đây mới được mươi năm. Nhà mặt ngõ, nên đi lại cũng tiện.


Ra khỏi ngõ chưa đầy nửa cây số là vào phố Lò Đúc. Từ khi về đây, tôi chưa thấy trong ngõ xảy ra đánh nhau như thường thấy ngoài phố, chỉ thi thoảng có cãi cọ vì chuyện nhà này vứt rác bừa bãi ra ngõ, hay nhà kia có con đi chơi về khuya cứ bấm còi xe inh ỏi, gọi cửa ầm ầm… Người dân ở đây sống hiền hoà, biết sẻ chia lúc vui buồn như ma chay, cưới hỏi.


Tính cộng đồng của văn hoá làng vẫn còn đậm nét, chưa nhạt nhoà bởi thói bon chen trong đời sống đô thị. Về đêm, cái ngõ nhà tôi yên tĩnh lắm, thi thoảng mới có tiếng xe máy nhà ai về muộn rẹt qua. Trong ngày Đông giá lạnh và lất phất mưa bay, chợt nghe trong khuya vắng một tiếng rao: “Bánh mỳ nóng ơ… nóng ơ…!” khà khàn, khê đục mà thấy nao lòng!


Mỗi khi đứng trên sân thượng tầng ba nhà mình nhìn ra xung quanh, tôi mới thấy cái thế giới “ Làng- ngõ” này rối rắm phức tạp đến thế nào. Nhà cửa, ngõ ngách đan xen như mạng nhện. Nói dại, nếu lỡ có hoả hoạn thì cũng chẳng có lối cho xe cứu hoả.


Trước khi tôi về đây, khu ngõ này đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hẳn hoi, các con ngõ được mở rộng ra 4m, vỉa hè mỗi bên 2m. Những con hẻm cũng được cải tạo để thuận tiện cho đi lại và đặt đường ống kỹ thuật… nhưng không hiểu sao, cái quy hoạch tối thiểu này lại bị “treo” cho đến tận bây giờ!


Người thì bảo, quận không có kinh phí. Kẻ khác có vẻ tinh đời, tại mấy ông phường lành quá, không biết “ chạy” ?! Còn tôi lại nghĩ rằng, có lẽ, các nhà quản lý đô thị còn bận chăm lo cho các đường phố chính, khu trung tâm, khu đô thị mới, và nay là các vùng đất vừa sáp nhập sau khi Hà Nội mở rộng, mà quên mất rằng, ngay trong lòng thành phố này, có rất nhiều các khu ngõ, hẻm như nơi tôi đang ở, với diện tích hàng trăm ha, nếu quy hoạch tốt và biết mời gọi đầu tư khai thác, thì Thành phố sẽ có một quỹ đất rất lớn, giá trị kinh tế cao để cải tạo, xây dựng nhà ở, công trình công cộng, công viên, trồng cây xanh… góp phần làm cho bộ mặt kiến trúc Thủ đô văn minh, hiện đại.


Lại đến một mùa Xuân. Đầu ngõ nhà tôi đã xôn xao mấy cô gái quê đem hoa và cành đào từ ven đô vào bán. Vài ngày nay cái ngõ như vắng hẳn đi, bởi thiếu tiếng cười nói ồn ào của các cô cậu sinh viên và dáng tất bật của mấy chị bán hàng rong đã trở về nhà ăn Tết. Chợt thấy mấy cụ già mặc áo dài vải nâu, thong thả rủ nhau ra đình thắp hương cho Thành hoàng làng trong tiết trời se lạnh, chợt thấy lòng bâng khuâng… Hồn xưa vẫn còn vương vấn đâu đây!


Xuân Kỷ Sửu, 2009,