Trang chủ PGVN Cửa thiền Đôi nét về Tịnh xá Ngọc Đà

Đôi nét về Tịnh xá Ngọc Đà

178

Diện tích mảnh đất đầu tiên có được hơi nhỏ, nên bà Cả Lan mua thêm một phần đất phía trên mảnh đất cũ, cộng với mảnh đất cũ thành hơn một mẫu. Từ đó, một vài am cốc đơn sơ bằng gỗ tạp được dựng lập. Qu‎ý Phật tử và một vài người Pháp vì kính mến đạo hạnh của Đức Thầy và chư Đại đức Tăng Sư nên kẻ của, người công góp phần kiến lập đạo tràng.

Trong giai đoạn này, ngôi chánh điện vẫn chưa cất. Một số Phật tử phải tự lượm từng viên đá sỏi về đổ nền, rải đường. Một thời gian sau, ĐĐ. Giác Thâu, ĐĐ. Giác Quân về xây cất, lúc đó một số Phật tử vì mến đạo về hộ trì. Công việc kiến tạo trong giai đoạn ban đầu tuy khó khăn nhưng Tăng sư và Phật tử rất vui vì tất cả đều chung sức, chung lòng kiến tạo nên một ngôi đạo tràng để cho bá tánh có chỗ nương tựa tinh thần, tu học.

Đến cuối năm 2007, nhận thấy nhân duyên hội đủ, Thượng tọa trụ trì, chư Tăng cũng như các Phật tử đã quyết định cung thỉnh chư Tôn đức chứng minh cho lễ đặt đá đại trùng tu Tịnh xá. Sự kiện này diễn ra vào ngày 24/11/2006 (nhằm ngày 4 tháng 10 năm Bính Tuất).
 
Quần thể kiến trúc mới được xây dựng bằng xi măng cốt thép và cấu trúc của nó vừa mang tính truyền thống, vừa cách tân. Truyền thống là vì giữ theo cấu trúc mái tứ giác cổ lầu và bát giác cho chánh điện. Cách tân là vì tăng cường 2 tầng nữa và bố cục thờ phượng và chức năng của mỗi tầng có thay đổi.

*

Dịp Đại lễ Tự Tứ tại Ngọc Đà cũng là dịp Khánh thành ngôi bảo điện mới, gần 3.500 Phật tử từ ba miền đất nước hội tụ về… Chư Tăng đã chuẩn bị gần ba tháng để hoàn tất những công tác phục vụ Đại lễ.

Đây là một trụ xứ l‎ý tưởng về khí hậu cũng như về địa hình. Khí hậu quanh năm mát lạnh; địa hình tuy chập chùng nhưng rất vững chãi, lưng dựa vào khu đồi, có phong cảnh tự nhiên, thơ mộng và huyền nhiệm. Phía Bắc Tịnh xá (bên trong nhìn ra) giáp với đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, phía trái cách nhà dân 15m. Chính vì vậy tịnh xá vẫn giữ được sự yên tĩnh như hai chữ “tịnh xá” mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã sử dụng.

*

Những bức phù điêu mô tả lịch sử Phật giáo, những hình ảnh sinh động về Đức Hiếu hạnh của các Tỳ Kheo… Được tạc trên tường bảo điện, màu sắc sinh động nhưng không kém phần bí nhiệm, siêu thực…

Hy vọng rằng, chư Tăng hiện nay và thế hệ kế thừa sẽ thực hành rốt ráo theo tôn chỉ: “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp – Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam.” Hiện nay, tịnh xá có 18 Tăng Sư và tập sự. Dự kiến tịnh xá sẽ là một trong những trung tâm thiền tập Vipassana cho Phật tử gần xa hữu duyên với con đường chuyển hóa nội tâm, và là nơi nhập thất tịnh tu của những hành giả muốn thực hiện rốt ráo con đường hướng đến đạo quả giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn. 

 Trà Mi Nguyễn