Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam là một tổ chức tôn giáo – hoạt động độc lập và không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý.
Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam quản lý theo hệ thống từ trung ương xuống đến các chi hội tại 21 tỉnh/thành phố từ Khánh Hòa đến Cà Mau. Có 4 cấp quản lý là Ban Trị sự trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. đứng đầu Ban Trị sự Trung ương là ông Chánh Hội trưởng lãnh đạo chung. Đứng đầu các Ban Trị sự Tỉnh hội là ông Hội trưởng. Đứng đầu các ban cấp quận, huyện hội gọi là Trưởng ban Y tế phước thiện.
Trụ sở chính đặt tại Tổ đình Hưng Minh Tự, số 45 đường Lý Chiêu Hoàng, phường 10,quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.
Lễ tất niên năm 2018 của các Hội trưởng, thành viên Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam tại Tổ đình Hưng Minh Tự (Quận 6) (ảnh: Facebook tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam)
Cơ sở thờ tự của Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam được gọi là hội quán, hiện tại giáo hội có 206 hội quán, mỗi hội quán đều có 1 phòng thuốc Nam phước thiện. Trong hội quán, những cư sĩ hội viên làm công tác lãnh đạo được gọi là chức sắc, chức việc. Có sáu loại chức sắc hội viên: hội viên sáng lập, hội viên danh dự, hội viên phước thiện, hội viên tán trợ, hội viên hành sự, hội viên huấn đạo. Tín đồ được xem là những người theo đạo và có quy y.
Người sáng lập và là giáo chủ Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam là Đức Tông Sư Minh Trí tên thật là Nguyễn Văn Bồng sinh năm Bính Tuất (1886) tại xã Tân Mỹ, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc, là con thứ bảy của ông Nguyễn Văn Bình và bà Nguyễn Thị An.
Đầu năm 1934, ông thành lập Tịnh độ Cư sĩ Phật hội và được giấy phép ngày 20-2-1934, lúc đó tên chính thức là Tịnh độ Cư sĩ Phật hội.
Ngày 22 tháng 12 năm 1953, chính phủ Quốc gia Việt Nam xác định tính hợp pháp của Giáo hội bằng Nghị định số 83/MI/DAP với tên gọi đầy đủ như hiện nay là Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam
Vào tháng 9 năm 2006, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam được Nhà nước cấp phép đăng ký hoạt động tôn giáo.
Năm 2007, Nhà nước trao Quyết định Công nhận với QĐ số 207/QĐ-TGCP ngày 27-11-2007.
NGUYÊN BẢO tổng hợp