Cuốn tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa”, nằm trong bộ ba tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã giành được những lời đánh giá, nhận xét tốt đẹp từ các nhà văn, nhà phê bình, thạc sĩ, tiến sĩ văn học và đông đảo các độc giả tại buổi tọa đàm “Nguyễn Xuân Khánh” – Đội gạo lên chùa”, diễn ra ngày 20-6 tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải: “Đội gạo lên chùa” đã phản ánh được nền Phật giáo Việt Nam, nền Phật giáo du nhập nhưng đã được Việt hóa”. Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến con người Việt Nam và song hành với dân tộc Việt Nam trải qua những thời kỳ khó khăn của hai cuộc kháng chiến. Nó đã trở thành đời sống tinh thần và là một nét văn hóa của người dân Việt. Tuy nhiên, việc đưa đề tài Phật giáo vào văn học là một điều cực kỳ khó. Mặc dầu vậy, Nguyễn Xuân Khánh, ở độ tuổi xưa nay hiếm, theo như nhận xét của nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, đã “không ngán” khi chọn đề tài này. Sau bốn năm miệt mài nghiên cứu về Phật giáo từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây và bằng những trải nghiệm chính cuộc đời mình, ông đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết dày 868 trang đặc sắc.
Khi nói về cảm hứng và nghệ thuật của tác phẩm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng cho biết “Cảm hứng tôn giáo là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm. Tác phẩm đã làm rõ vai trò của Phật giáo trong những khoảng thời gian khó khăn của hai cuộc chiến tranh. Đạo Phật giống như một ngôi nhà cho những số phận đau thương, mất mát, nơi giúp họ vượt qua mọi nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống”.
Tại buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh bộc bạch “Không giống với các tác phẩm khác. Trong “Đội gạo lên chùa” tôi đã sử dụng vốn của cả cuộc đời tôi vào đấy. Đó là những kiến thức qua sách vở, qua bạn bè và những trải nghiệm của tôi trong gần 80 năm qua”.
Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho văn học nước nhà, giờ đây ở độ tuổi 79, ông đã được bạn bè phong cho những kỷ lục ấn tượng như “Nhà văn cao tuổi nhất viết dài nhất” hay “Nhà văn viết văn hoàn toàn bằng tay”…