Trang chủ PGVN Đôi điều suy ngẫm về PGVN trước thềm Đại lễ 1000 năm...

Đôi điều suy ngẫm về PGVN trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long

75

Trong suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử , Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, hộ quốc an dân!

Trong thông bạch hướng dẫn tổ chức đại lễ của Hội đồng trị sự Trung ương GHPG Việt Nam do Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh ký đã xác định lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội là “một sự kiện trọng đại có tính lịch sử của dân tộc Việt Nam, của Phật giáo Việt Nam, là một đại lễ uống nước nhớ nguồn , thể hiện văn hóa truyền thống dân tộc, khẳng định vị trí, vai trò của đất nước trải qua hàng nghìn năm văn hiến” ( Phattuvietnam.net ) 

Nhân dip những ngày lịch sử này trước thềm Đại lễ, chúng ta hãy cùng suy ngẫm về một số dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Đúng một nghìn năm trước, mùa xuân năm 1010 , Thái Tổ Lý Công Uẩn ban Chiếu rời đô từ Hoa Lư Ninh Bình về thành Đại La!

Lý Công Uẩn – vị hoàng đế mở ra vương triều nhà Lý là một người xuất thân từ Phật giáo Ngay từ  khi còn trẻ Lý Công Uẩn đã nổi tiếng là người thông tuệ, văn võ toàn tài. Với sự tiến cử của  nhà sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã vào tham gia triều chính . Sau cái chết của vua Lê Long Đĩnh,  Lý Công Uẩn  được văn võ bá quan suy tôn lên ngôi Hoàng đế . Ngay sau đó ít lâu Đức vua ban chiếu rời đô.

Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử thì quyết định rời đô là một hành động vĩ đại của Thái tổ Lý Công Uẩn , thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của một bậc đế vương. Khi định đô ở Hoa Lư, nước Việt chỉ đảm bảo được sự an toàn của một tiểu quốc khi dựa vào địa hình núi sông hiểm yếu. Còn khi rời đô về thành Đại La, nước Việt có cơ hội để trở thành một đất nước hùng cường!

Trong chiếu rời đô Đức vua viết: “… Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao vương , ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không thể thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt ta đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (Bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993)

Và trên chiếc thuyền rồng đưa Đức vua từ Hoa Lư về thành Đại La luôn luôn có bóng dáng một nhà sư. Đó  chính là Quốc sư Vạn Hạnh – người có công lao to lớn trong việc cùng Đức vua và các vị thiền sư dựng xây Vương triều nhà Lý.

Trước khi xuống núi giúp Lý Công Uẩn, nhà sư Vạn Hạnh đã  “là một người uyên bác, nắm vững những tri thức tinh hoa của Nho – Lão – Phật, tính cách cực kỳ thâm trầm, mạnh mẽ. Ẩn giấu sau tấm áo cà sa là một trái tim nồng nhiệt và một hoài bão lớn lao. Sư Vạn Hạnh ngày đêm trăn trở, lo nghĩ trước vận mệnh của quốc gia Đại Việt, không bỏ qua bất cứ chuyện nhỏ nhặt nào có thể có ích cho dân cho nước và cho mai hậu” ( Nguyễn Khắc Phục : Quốc Sư Vạn Hạnh và Thăng Long).

Sau khi rời đô về Thăng Long, vương triều nhà Lý bắt tay vào củng cố bộ máy nhà nước từ Trung ương đến các địa phương. Năm 1042 ban hành Bộ luật hình thư – bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta. Năm 1075 , nhà Lý mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài. Quân đội được tổ chức nghiêm minh, thực hiện chính sách "ngụ binh ư nông” theo tinh thần lúc yên bình là nông dân, lúc có biến là binh sỹ  “tĩnh vi nông, động vi binh”.

Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này, đáp ứng đòi hỏi phái có một hệ tư tưởng độc lập cho quốc gia Đại Việt, Vương triều nhà Lý đã dung nạp hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông với các yếu tố Nho giáo để hình thành nên một thiền phái mới là thiền phái Thảo Đường mang trong mình nó cả hai yếu tố Phật giáo và Nho giáo.

Thế là hệ tư tưởng chính thống đầu tiên của quốc gia Đại Việt độc lập và tự chủ đã được hình thành. Đó là một hệ tư tưởng Phật giáo!

Dưới sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng Phật giáo này, luật pháp của vương triều nhà Lý chứa đựng tinh thần nhân ái sâu sắc mang đậm dấu ấn “từ bi hỉ xả" của Đạo Phật.

Năm 1010, sau khi lên ngôi, Thái tổ Lý Công Uẩn đã xóa bỏ thuế khóa cho thiên hạ trong vòng ba năm. Những người già cả, ốm yếu, trẻ mồ côi, phụ nữ góa phụ thì được xóa tất cả các món nợ nần.

Cái tâm trị nước của vương triều nhà Lý thấm đẫm tinh thần nhân ái của Phật giáo. Tinh thần nhân ái này còn thể hiện ngay cả đối  với những người tù tội. Vua Lý Thánh Tông đồng cảm với các tù nhân trong mùa đông lạnh giá: "Mùa đông năm Ất Mùi 1055, trời giá rét, Lý thánh Tông nói với các quan rằng ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông mà còn thấy rét thế này . Ta nghĩ đến tù nhân bị nhốt trong lao tù, chịu trói buộc khổ sở, mà chưa biết phải trái ra sao . Ăn không no bụng, mặc chẳng che thân, vì gió rét mà có kẻ chết không nơi nương tựa . Ta thật lấy làm thương!" ( Đại Việt sử ký )  

Đức vua – người đứng đầu trăm họ mà có cái tâm nhân ái mang tinh thần từ bi hỉ xả của Phật giáo như thế nên nhà Lý là một vương triều cường thịnh!

Đến đời Trần, sau hai lần đánh bại đội quân xâm lược Nguyên – Mông hùng mạnh, Đức vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử để xuất gia lên Yên tử và trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dung hợp cả ba dòng thiền thành một dòng duy nhất là Trúc Lâm Yên Tử. Đây là dòng thiền thấm đẫm tinh thần quốc gia dân tộc và còn lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

Trong vương triều Trần, cùng với hệ tư tưởng Phật giáo thì Nho giáo cũng được đưa vào quản lý đất nước. Năm 1070 nhà Trần lập Văn miếu thờ Khổng tử và cho Hoàng Thái tử đến học tập. Năm 1075 cho thi Nho học Tam trường. Năm 1088 phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư. Sức lan tỏa của Phật giáo đời Trần lớn đến nỗi nhà nho Cao Bá Quát đã nhận xét: "Trên từ vương công, dưới đến thứ dân , hễ nói đến việc bố thí cúng dường vào Phật sự thì dù hết tiền của cũng không tiếc"

Lần thứ hai trong lịch sử,  một hệ tư tưởng Phật giáo lại trở thành hệ tư tưởng chính thống của một vương triều và của một quốc gia!

Điều đáng nói là hai hệ tư tưởng Phật giáo này đã làm cho Phật giáo trở thành Quốc giáo và Đại Việt thời Lý -Trần là một quốc gia độc lập, tự chủ và cường thịnh đến nỗi quốc gia phương Bắc láng giềng cũng phải nể phục! Nhờ thế mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã khôn khéo đi đòi lại được cho nước Việt vùng đất đã bị lấn chiếm ở tỉnh Cao Bằng!

Trong những giai đoạn lịch sử tiếp sau, không phải lúc nào Phật giáo Việt Nam cũng phát triển ở đỉnh cao như thế. Thậm chí có những lúc Phật giáo đã phải trải qua những năm tháng bi thương  tưởng như không vượt qua nổi!

Thế nhưng nhờ Phật tổ phù hộ độ trì, nhờ hồn thiêng núi sông che chở nên Phật giáo Việt Nam vẫn vượt qua mọi khó khăn và tồn tại được cho đến hôm nay.

Trong giai đoạn hiện nay khi đất nước bước vào những năm tháng đổi mới và phát triển, Phật giáo Việt Nam cũng đã vươn mình trỗi dậy để xứng đáng với vị thế là một tôn giáo đông đảo nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong cộng đồng dân tộc.

Những hoạt động mang đậm nét nhân văn của Phật giáo Việt Nam như chăm sóc người già không nơi nương tựa, chăm sóc trẻ mồ côi, nhận và nuôi dường hàng trăm trẻ em vô gia cư dưới mái chùa, quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt vv… đã góp phần khơi dậy trách nhiệm, tình cảm tương thân tương ái của toàn xã hội, cùng nhau hướng tới xây dựng đất nước giàu mạnh, xây dựng xã hội tốt đẹp.

Những đóng góp thiết thực, đầy ý nghĩa của Phật giáo Việt Nam chứng tỏ Phật giáo là  một tôn giáo nhập thế, luôn gắn bó giữa Đạo với Đời và có truyền thống yêu nước thương nòi! 

Năm 2008 ( Phật lịch 2552 ), một mốc son rực rỡ trong lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam là Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK được tổ chức với quy mô quốc tế tại Hà Nội . Trong suốt chiều dài 20 thế kỷ hình thành và phát triển của mình , đây là lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam từ qui mô quốc gia bước ra tầm cỡ quốc tế . Một Đại lễ VESAK với sự tham dự của hơn 4000 đại biểu trong và ngoài nước là các vị tôn túc giáo phẩm , Đại đức, Tăng , Ni đại diện cho hơn 65 nước và vùng lãnh thổ
Trong buổi khai mạc trong thể, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu trong đó đưa ra sự nhìn nhận và đánh giá về vai trò của Phật giáo đối với nhân loại nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.

Về vai trò của Phật giáo đối với nhân loại, Chủ tịch khằng định: "những giá trị tư tưởng sâu sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hoà bình, hoà hợp, hoà giải, vị tha, nhân ái vốn đã có từ hơn 2500 năm trước và vẫn còn nguyên giá trị trong thế giời ngày nay."

Về Phật giáo Việt Nam Chủ tịch nước cho rằng: "Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng Từ bi, Hỷ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà Sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân.

Đặc biệt, lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý tìm đến nơi non cao Yên tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm – một dòng Thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay."

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ tin tưởng rằng "nối tiếp dòng chảy và truyền thống gần 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam sẽ làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh, thông qua hoằng dương Phật pháp vận động Tăng Ni, Phật tử cả nước sống trong Chánh tín, thực hiện đúng pháp luật Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân."

Cuối bài phát biểu, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết mong rằng Phật giáo Việt Nam sẽ luôn luôn đồng hành cùng dân tộc để  xây dựng  “một cõi Niết Bàn trong thế giới hiện thực".

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị nguyên thủ quốc gia của Việt Nam đã đưa ra lời tuyên bố chính trị đánh giá vai trò to lớn của Phật giáo trên một diễn đàn do Liên Hiệp quốc bảo trợ trước đại diện của hơn 65 nước và các tổ chức quốc tế!

Cũng trong dịp này, bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước cũng đã viết bài ca ngợi Phật giáo Việt Nam. Bà cho rằng tiến trình văn hóa  – lịch sử của Việt Nam khẳng định khi truyền vào và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo đã tạo ra hai hệ quả. Hệ quả thứ nhất là Phật giáo lan tỏa , thấm sâu và trở nên một thành phần cơ bản và quan trọng của văn hóa Việt. Hệ quả thứ hai là Phật giáo cũng dần định hình bản sắc riêng mang dấu ấn bản địa làm nền một sắc thái riêng biệt của Phật học Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích các giá trị nhân văn nội hàm của Đạo Phật, bà Nguyễn Thị Bình kết luận rằng “Lo cho con người là một minh triết của Phật giáo Việt Nam" 

Thế là trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển cho đến hôm nay. Đức Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã tổng kết như sau: “Dân tộc ta có truyền thống kính tín chư Phật từ lâu đời, cội phúc đã được tầng tầng lớp lớp các thế hệ vun bồi, gây dựng. Mạch ngầm tâm linh ấy bền bỉ được nuôi dưỡng, được tinh luyện, hộ trì cho dân ta, cho nước ta. Hồn dân tộc ấy khôn thiêng ngấm ngầm giúp đỡ, làm dịu những đau thương, che chở lúc hoạn nạn, gắn kết lúc đổ vỡ để chúng ta vững vàng trong lịch sử cho đến ngày nay” (Phattuvietnam.net)

Đã sắp đến ngày Đại lễ kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội tròn một ngàn năm tuổi! Trong những ngày tháng lịch sử này, trong lòng mỗi người dân Việt Nam đều lắng đọng nhiều suy ngẫm. Một nghìn năm đã đi qua với biết bao nhiêu sự kiện và biến cố vui buồn!

Trong cuộc trường chinh nghìn năm ấy, Phật giáo Việt Nam đã luôn luôn chia xẻ mọi buồn vui cùng dân tộc và cũng không ngoảnh mặt làm ngơ trước thân phận bé nhỏ của mỗi con người. Từ bao đời nay, mái chùa Việt là chỗ nương thân của bao nhiêu kẻ lỡ bước sa chân, là chốn đi về chở che cho biết bao nhiêu cảnh đời bất hạnh!

Một nghìn năm trước , từ lúc trên thuyền rồng Đức Lý Thái Tổ cùng với Quốc sư Vạn Hạnh nhìn thấy rồng bay cho đến hôm nay trong lòng nước Việt Nam đang từng ngày đổi mới, Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng dân tộc với tinh thần hộ quốc an dân!