Trang chủ Diễn đàn Đôi điều ghi nhận từ Đại lễ Phật đản tại Hà Nội

Đôi điều ghi nhận từ Đại lễ Phật đản tại Hà Nội

60

Sáng ngày 9/5/2009, tức 15/4/ Kỷ Sửu – Phật lịch 2553, Đại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2633 của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được Tăng Ni Phật tử và nhân dân Việt Nam long trọng tổ chức và đã thành tựu dường như thập phần viên mãn, tại quảng trường Cung Văn hóa Hữu nghị giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

Đây là một sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được thực hiện sau 28 năm thành lập GHPGVN. Chắc hẳn rồi đây sự kiện này sẽ được các nhà nghiên cứu, bình luận tôn giáo xem xét, phân tích, đánh giá ở các giác độ, phương diện khác nhau. Hôm nay, khi sự kiện còn đang nóng hổi, đầy cảm xúc, xin chia sẻ đôi điều cảm nhận:

– Đại lễ Phật đản được tổ chức tại quảng trường Cung Văn hóa Hữu nghị giữa lòng Thủ đô Hà Nội, điều này có một ý nghĩa và một ấn tượng đặc biệt. Mấy chục năm trước thôi không nói lại nữa, nhưng trong mấy năm lại đây, Đại lễ Phật đản ở Thủ đô chỉ tổ chức với quy mô trong khuôn viên chùa, cùng lắm trong sân Học viện Sóc Sơn. Chắc hẳn các bậc Tôn túc Giáo phẩm đã không ít hơn 1 lần xin được tổ chức ở đâu đó rộng rãi và xã hội hóa hơn. Nhưng các thuận duyên chưa hội đủ; chướng duyên, nhất là chướng duyên trong tâm lý của những ai đó còn đè nặng nên còn phải chờ đợi.

Đến năm 2009 này, Sau Đại hội VI 2007 và Đại lễ VESAK 2008 tại Hà Nội, chuyện này mới thành hiện thực. Thế là, sinh nhật lần thứ 2633 của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được long trọng tổ chức ở nơi đắc địa bậc nhất của Thủ đô 1000 năm văn hiến, thanh thiên bạch nhật giữa bàn dân thiên hạ, còn có vinh dự nào bằng. Điều này cũng là phải nhẽ, chẳng có gì là sửng sốt cả, đối với một đạo như đạo Phật Dân tộc ở nước ta.

– Lần đầu tiên, Ban Trị sự Phật giáo Hà Nội (hợp nhất với Hà Tây) tổ chức Đại lễ Phật đản. Chưa bao giờ thực lực của Phật giáo Thủ đô hùng hậu như bây giờ, cả về phẩm và lượng, cả về thế và lực. Đây là một điều kiện quan trọng để Phật giáo Thủ đô phát triển bứt phá, thiết thực kỷ niệm hơn 1.000 năm Phật giáo Thăng Long. Chứng kiến những dòng xe hoa, Phật tử đổ về từ khu vực Hà Tây cũ, chúng tôi thầm cảm phục chư Tôn đức ở đây đã giáo hóa, dẫn dắt và tạo được một lực lượng quần chúng Phật tử vững mạnh, nhiệt huyết và đông đảo. Điều này cũng cho thấy sự đoàn kết của chư Tôn đức, của các chùa thành một khối thống nhất sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn.

Với những cảm nhận trên, có thể gợi ý đôi điều ghi nhận:

– Từ Đại lễ này, một lần nữa khẳng định, nội lực của Phật giáo Việt Nam nói chung, của Phật giáo Thủ đô nói riêng là rất to lớn, thâm hậu, một khi có điều kiện, cơ hội và được khơi gợi, tổ chức lại thì tạo nên một phong trào có khả năng lôi cuốn mạnh mẽ và lan tỏa rộng lớn.

– Từ Đại lễ này cho thấy, sự hộ trì của Nhà nước và các Đoàn thể xã hội đối với phong trào Phật giáo thực sự là một thiện duyên, hiện đang được thực hiện theo hướng tích cực, thúc đẩy phong trào Phật giáo phát triển trong sự phát triển chung của đất nước.

– Từ Đại lễ này một lần nữa chứng tỏ, tuy Đạo ngày càng gắn với đời song tính chất đặc trưng Phật giáo ngày càng được khẳng định, tạo nên bản sắc riêng của phong trào Phật giáo.

– Từ Đại lễ này thể hiện, sự kết hợp và phân công vị trí và chức sự trong bộ máy nhân sự của GHPGVN nói chung và Hà Nội nói riêng đang và sẽ khai thác tích cực các tiềm lực, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của GHPGVN.