Quyển sách “Tuổi trẻ tình yêu và lý tưởng” là đề tài mà thiền sư Thích Nhất Hạnh nói với tuổi đôi mươi ở những thập niên đầu thế kỷ. Nội dung ấy thiền sư tạm gọi là giấc mơ Việt Nam. Giấc mơ Việt Nam vừa hàm chứa giấc mơ của ngài, mà cũng là giấc mơ chung của chúng ta. Trong giấc mơ ấy thiền sư đã diễn tả rất nhiều góc cạnh khác nhau, và mỗi một ngôn từ đều làm cho người đọc thấm thía mà suy nghiệm. Mỗi một lời nói của ngài là một bài học quý giá cho những người trẻ. Và nếu chúng ta thực hành theo lời những dạy ấy, thì giấc mơ ấy sẽ không còn là giấc mơ nữa, mà chính là sự thực hiển nhiên đã và đang tồn tại vậy.
Đọc lại từng câu từ trong tác phẩm này đã khiến người đọc thấm thía hơn về cuộc sống, bởi ngôn ngữ quá giản dị và mộc mạc, và đã làm cho chúng ta không bị lạc lõng trong giấc mơ của tác giả. Giấc mơ đó là giấc mơ của đời sống hiện thực, là hạnh phúc thực trong cuộc đời, đó là giấc mơ của quá trình sống chung tu tập, quá trình yêu thương để “ Xây dựng tình huynh đệ” thật sự trong đời sống hiện đại này.
Môn học Đọc sách và xử lý tư liệu tại Lớp dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang
Sư Cô Lệ Phúc phát biểu
Có lẽ câu nói “xây dựng tình huynh đệ” khiến chúng tôi phải suy gẫm nhiều hơn. Chúng tôi biết rằng, không những người xuất gia trẻ mà còn tất cả thanh thiếu niên ngày nay, vẫn đang sống trong một môi trường đoàn thể, và vì thế chúng ta cần phải xây dựng, nắm tay nhau, dìu dắt nhau đi đến hạnh phúc chung của nhân loại, đó là sự hòa bình và yêu thương. Và thiền sư Nhất Hạnh đã nói thế này, “Tôi đang được sống với một đoàn thể mấy trăm người từ nhiều miền đất nước khác nhau, nhưng trong ấy ai cũng có khả năng chấp nhận, tha thứ cho nhau và đùm bọc lấy nhau, ai cũng có khả năng đóng góp phần mình vào hạnh phúc chung, không ai đi tìm một hạnh phúc riêng vì biết rằng cái ấy không thể nào có được”.
Đúng như thế, chúng tôi những học Tăng, học Ni đang đi tìm cho mình một tình yêu đạo Pháp, một lý tưởng xuất gia trọn vẹn, song để đạt được mục đích này chúng tôi cần phải có sự tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau từ những người huynh đệ đồng tu. Việc xây dựng tình huynh đệ là một trong những vấn đề cần thiết trong đời sống tu tập của người xuất gia trẻ. Tuy nhiên, để làm được việc đó, chúng ta cần phải trải qua một quá trình rèn luyện, và đòi hỏi tính kiên trì và lòng kham nhẫn lâu dài. Chúng tôi nghĩ rằng, có xây dựng mới làm mới được mình, và có xây dựng chúng ta mới có thể ôm ấp được những người ăn chung mâm ở chung phòng với ta, cởi bỏ được những ràng buộc và khó khăn trong cách sống và suy nghĩ cố chấp để có thể buông xả hiến tặng cho nhau những gì trong sáng và tốt đẹp nhất trong cuộc sống “một bát cơm ngàn nhà”. Để làm được điều này thật sự không dễ dàng, nhưng nếu những người xuất gia trẻ tuổi như chúng ta không quyết tâm thực hành thì chắc chắn giấc mơ về sự hòa bình và yêu thương sẽ chẳng thể nào trở thành hiện thực được.
Công việc xây dựng tình huỳnh đệ cũng như thế, tuy đời sống thực tế rất khó khăn, có khi làm chúng ta nản lòng, song nếu chúng ta vẫn tiếp tục cố gắng và nuôi dưỡng chí nguyện ấy, thì chúng tôi tin chắc rằng một ngày nào đó cánh cửa của hiểu và thương sẽ đón chào tất cả mọi người. Trong giờ thảo luận về quyển sách này, chúng tôi cũng chia sẻ rất nhiều về việc xây dựng tình huynh đệ của người xuất gia trẻ hiện nay, nó được xem cực kì quan trọng, nhưng thực hiện nó thật không dễ dàng chút nào. Song điều quan trọng cần phải có ở mỗi hành giả xuất gia là cần phải ý thức được con đường mà chúng ta đang hướng đến trong đời sống tu tập, phải luôn sống và rèn luyện đạo hạnh trên tinh thần lắng nghe để hiểu nhìn lại để thương, theo đó mà tùy vào mọi hoàn cảnh sống để thích ứng và tồn tại.
Tác giả đã nói rõ quan điểm của mình về về thời cuộc, gửi gắm đến cho những người trẻ chúng ta một cái nhìn tích cực về cuộc sống. Đó là một cách nhìn sâu sắc của một người đã có nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời cũng như con đường nhân bản mà ngài đã đi qua. Sư cô Pháp Như – Học viên môn “Đọc sách và xử lý tư liệu” chia sẻ, lớp chúng ta may mắn đã có một thời gian cùng nhau đọc, nghiền ngẫm, tư duy và thảo luận về tác phẩm này,mọi người đều có cùng cảm nhận rằng Thiền sư đang ngồi bên cạnh trò chuyện với từng học viên, đưa ra giải pháp hữu dụng để chuyển hóa thân tâm rời bỏ những tạp niệm không chân chính, thiết lập niềm tin nơi mỗi người để hoàn thành giấc mơ của hòa bình và yêu thương, xây dựng tình huynh đệ một cách bền vững. Tất cả đã được thiền sư trãi nghiệm và phân tích trong xuyên suốt nội dung quyển sách. Và cho đến hôm nay nội dung ấy vẫn nóng hỏi và nguyên vẹn về những giá trị văn hóa đạo đức, mà gần gũi nhất vẫn là đạo làm người.
Không khí thảo luận nhóm
Quyền sách có bố cục bằng những câu tiêu đề ngắn, sau đó giải thích gọn nhẹ súc tích, đem đến cho người đọc cảm giác thoải mái , gần gũi khi tiếp xúc với nó. Mỗi tiêu đề đều là phương pháp để người ta tư duy, để người ta suy ngẫm, là những bài học quý giá về một giấc mơ đẹp, mà khả năng mỗi người có thể làm được.
Thầy Minh Thuận – Giáo thọ sư phụ trách môn học “Đọc sách và xử lý tư liệu” nhận định: Mỗi tiêu đề trong tác phẩm của Thiền sư đều là một phương pháp, đề mục để người đọc cùng tư duy, quán chiếu và thực hành, chẳng hạn như: “Hạnh phúc ngay bây giờ”, “Yêu nhau là cùng mơ một giấc mơ chung”, “Tình thương lan rộng”… Qua đó có thể giúp chúng ta có cách nhìn tổng quan hơn về cuộc sống, đồng thời tạo cho Tăng Ni trẻ sự tự tin, mạnh mẽ và kiên cường hơn, dũng khí hơn khi đối diện với nghịch duyên nghiệp báo, thực tập sự chập nhận, buông xả và tha thứ với quá khứ để tìm về quê hương thanh bình nơi phút giây hiện tại.
“Tuổi trẻ – Tình yêu – Lý tưởng” mở ra cho con người ta một lối sống không kỳ thị, không chê bai, không phân biệt… mà hướng mọi người đến sự bao dung, đoàn kết và hòa hợp.
“Tuổi trẻ – Tình yêu – Lý tưởng” đem đến cho người đọc sự trải nghiệm đầy thú vị, đó là cùng mơ một giấc mơ chung, giấc mơ tiếp tục “dựng xây tình huynh đệ” trên quê hương mình.
Học viên môn Đọc sách và xử lý tư liệu
Lớp Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang
Nhuận Quảng – Lệ Phúc