Hai câu đầu là giáo lý luân hồi của nhà Phật: xuân đi – xuân đến, hoa rụng – hoa nở:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở)(1)
Mãn Giác bắt đầu bài thơ bằng “rụng” và kết thúc bằng “nở”. Xét nội dung tuần hoàn vốn không đầu không cuối thì rụng rồi nở hay nở rồi rụng cũng như nhau, nhưng hiệu ứng cảm xúc có khác. Nói như Mãn Giác là để tin tưởng (rụng rồi sẽ nở!), nói ngược lại thì lại như cảnh cáo (nở rồi thì cũng rụng!).
Câu thơ của Hồ Chí Minh: “Hết mưa là nắng hửng lên thôi” khác lắm nếu nói “Hết nắng rồi xem lại đến mưa!”. Luân hồi là giáo lý nền tảng của Phật pháp. Sống chết như hai mặt của một tờ giấy, có sinh thì có hóa, có hóa tất có sinh.
Người đắc đạo bình thản nhìn cõi tịch diệt như nhìn cõi trở về. Thơ của vị cao tăng viết khi có bệnh mà mở đầu đã nêu luật luân hồi hẳn là để đạt an nhiên cho tâm trí, thanh thản chấp nhận quy luật sinh hóa, còn hay mất thì cũng là hư ảo. Lòng người sẽ lặng và trong như mong muốn của bao bậc tu hành.
Bài thơ này cũng đã được nhiều người bình như thế, kể cả trong sách giáo khoa trung học. Toàn bài, theo họ, là một khối giáo lý liền mạch về cõi vô thường, trong đời không có gì tồn tại mãi: xuân đến, xuân đi, hoa nở, hoa rụng, việc đời thay đổi, trẻ qua, già tới…, các lập luận trong bốn câu thơ đầu là cùng chiều, là đồng dạng.
Đến hai câu thơ kết thì các nhà bình luận lại khẳng định: mùa xuân là vĩnh viễn, cái đẹp là vĩnh hằng. Thành ra lại mâu thuẫn với thuyết không có gì là vĩnh cửu ở trên. Hỏi lại thì nhà bình luận trả lời: đây là phút Đốn ngộ của Mãn Giác, thốt nhiên choàng nghĩ ra chân lý.
Nói thế thì chịu thế. Chứ thơ mà chỉ thể hiện trọn vẹn như giáo lý thì cứ nguyên giáo lý mà dùng cần chi mượn thêm chức năng thơ. Tôi nghĩ thơ là sức cựa quậy của sự sống, là sức nhoi ra của hiện thực, tác động vào cảm xúc người, con người không thể không mở lòng ra để trả lời những câu hỏi như tiếng đập của việc đời tươi xanh vào cánh cửa xám xịt của lý thuyết.
Lý thuyết vô thường của Thiền học đã là chân lý, đã như một hằng số, giải thích mọi biến thiên. Giác ngộ một lần yên tâm dùng mãi. Thơ cũng khó lòng mà nảy sinh ra được từ chỗ mọi việc đã giải quyết chu toàn xong xuôi như thế. Có thơ nghĩa là đã có tác động của hiện tại vào tâm vào trí của con người. Mối tác động ấy làm nẩy sinh thắc mắc vượt qua giáo lý, không thể lấy giáo lý mà giải đáp được. Giáo lý thuộc về cái biết rồi khổ lắm nói mãi, nó quá khứ rồi.
Câu trả lời thuyết phục phải tìm từ việc đương thời, từ cái hôm nay. Bài thơ này của Mãn Giác là một quá trình đó. Ông là thiền sư thâm viễn giáo lý Thiền học nhưng ông lại nhập thân rất sâu vào đời sống (đặc điểm thi sĩ), thông cảm mọi băn khuăn u ẩn của con người, nghe ra những câu hỏi mới của đời, để rồi vận dụng trí tuệ mình mà giải đáp, góp phần ‘nâng cấp” giáo lí, hoàn thiện giáo lí. Bài thơ ngắn ngủi sáu câu này cho thấy đủ cả ba chặng tiến trình như vậy
Nếu coi hai câu đầu nêu thuyết luân hồi như một chính đề
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
thì hai câu ba bốn lại như một phản đề. Chính đề thì lấy trong giáo lí, phản đề là hiện tượng trong đời, sinh động và cụ thể:
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Việc đời đuổi nhau qua trước mắt
Cái già đến ngay trên đầu mình)
Việc đời vô thủy vô chung đuổi nhau ngay trước mắt mình, không thể không thấy. Còn sự già nua lại cứ đầu mình mà đáp tới (mái tóc bạc), muốn tránh cũng không được. Phối ý hai câu này lại sẽ thành tiếng thở dài ngậm ngùi trong luận đề phi lý của triết học hiện sinh. Hai câu thơ đối nhau chặt chẽ, bàn lẽ rộng xa nhưng chứng cớ thì lại đều hội tụ vào thân xác con người (mắt, đầu).
Đã là người thì ai cũng thấy nên sức đồng tình của phản đề rất lớn. Không thể viện giáo điều mà bỏ qua được. Đây chính là đặc sắc của Thiền học Lý Trần Việt Nam, sống bền chắc với đời để mà vui cõi đạo (cư trần lạc đạo).
Năm chắc giáo lý vĩnh cửu của Phật pháp nhưng không ù lì trước tiếng đập cửa hàng ngày của cuộc đời. Tiếng đập cửa ở đây là hai câu ba bốn đó. Nó thuộc vào cây đời mãi mãi xanh tươi.
Chủ thể bài thơ còn không yên ổn trong thuyết luân hồi. Thuyết luân hồi không đủ cho lòng người yên ổn. Xuân Diệu thời hiện đại cũng đã từng kêu Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn / Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại. Xuân đến, hoa nở, nhưng mùa hoa nở nay, với ta, không còn như mùa hoa nở trước. Hoa như cũ nhưng người không như cũ. Thơ nhân loại cổ kim đã nhiều bài diễn đạt thành công nỗi buốn tức tưởi ấy của con người:
Thôi Hiệu, Trung Hoa:
Hạc vàng bay mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ vẫn bay.
Nguyễn Gia Thiều (Cung oán ngâm khúc), Việt Nam:
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh
Quasimodo, Itali:
Mỗi người đứng một mình trên trái tim quả đất
Lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời
Và chưa chi chiều đã tắt
Tê tái quá! mối tương quan cánh hạc bay khoảnh khắc với không gian mây trắng muôn đời, mối tương quan mỏng manh một con thuyền với gầm gào lô nhô sóng bể, mối tương quan của ánh nắng nuôi người, và chưa chi chiều đã tắt! Kinh sách bình tâm yên ổn với thuyết luân hồi nhưng cuộc đời thì dằng xé trong những tương quan ấy. Nhà tu hành nhắm mắt bưng tai để ù lì mà tin vào sách hay mở to mắt lắng đôi nhà Phật mà nghe hết những khắc khoải của chúng sinh, mà hoàn thiện giáo lý trả lời những câu hỏi mới của đời. Đấy cũng là ranh giới của hai phương pháp tư duy: giáo điều và khoa học. Mãn Giác và nhiều nhà Thiền học Lý Trần đã chọn phương pháp tư duy gần đời, vì đời. Thay vì quay vào kinh sách thì các vị đã quay ra cuộc đời. Lấy việc đời mà kiểm tra giáo lí.
Câu hỏi của thực tiễn đã đặt ra, cần có lời đáp.
Lời đáp không phủ nhận quy luật xuân tàn hoa lạc, nhưng có bổ xung, bổ xung cũng bằng hiện tượng của đời có địa điểm, có thời gian, có hiện vật, rất đương thời dễ kiểm chứng:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền, tạc dạ, nhất chi mai
(Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước, một nhành mai)
Câu thơ thứ 5 như lời cãi lại cái quy luật nêu ra ở dòng thơ đầu Mạc vị, đừng tưởng, đừng bảo…Cãi lại nhưng có nhương bộ bởi đúng là xuân tàn thì hoa rụng, chỉ cãi là không rụng hết. Quy luật là bao quát nhưng có ngoại lệ. Ngoại lệ chính là chỗ để nới thêm giới hạn năng lực của sự sống, của con người.
Chứng cớ: đình tiền-địa điểm, tạc dạ- thời gian và nhất chi mai- hiện vật. Đầu đề bài thơ không có trong nguyên tác, người đời sau dựa vào hoàn cảnh sáng tác mà đặt ra, như một giới thiệu xuất xứ. Đầu đề không thâu tóm nội dung nhưng lại cho thấy một khía cạnh lý thú khi ta chạm vào cành mai tỏa sáng trong câu thơ kết: Lời một bậc chân tu đã sống trong giáo lý coi đời như chỗ “tạm trú” ( sinh kí tử quy), lại đang lúc lâm trọng bệnh mà sức yêu trần thế lại đẹp huy hoàng và đầy nội lực.
Có lẽ tác giả là cao tăng, hình thức thơ như một bài kệ nên nhiều bạn đọc coi bài thơ này cũng là một thuyết giáo luật luân hồi và khen ép Mãn Giác đã đạt được tĩnh tâm, bình thản nhìn sống chết đúng như tiêu chí bậc chân tu đắc đạo. Tôi lại nghĩ ông đắc đạo chính vì đã nghe ra, đã nhận thấy, nỗi niềm quyến luyến cuộc sống của con người ở hai câu ba bốn và ông đã không “quan liêu” bỏ qua mà lại lặn vào đời để tìm ra lối thoát.
Lối thoát ở chất lượng sống của con người. Đấy là chỗ tinh tế và tinh diệu của Thiền học Việt Nam, tu Phật nhưng chẳng trốn đời. Cũng thấy ở đây nguồn cội cảm hứng của bài thơ là từ đời chứ không phải từ sách. Sách chỉ ở hai câu 1,2 nhưng cái hích đầu tiên tạo nguồn thi hứng lại ở hai câu 3,4, ở chỗ tâm trí con người còn đang cồn cào khắc khoải. Chứ nếu đã yên ổn cõi lòng, tin vào rụng nở, nở rụng, coi đời như cõi nát bàn không mâu thuẫn, tâm và trí đều thanh thản mà nằm chờ… nở rụng thì dám chắc chẳng còn chỗ cho thơ tìm đến. Nhắm mắt mà tin giáo lý thì viết xong hai câu đầu tiên là không còn gì để nói.
Cáo tật thị chúng là cảm hứng đời trong thơ về Phật, hay rõ hơn là giáo lý vĩnh cửu của Phật nới rộng đón xúc động hiện tại của người.