Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử Doanh nhân Vũ Văn Chầm và Phật Giáo

Doanh nhân Vũ Văn Chầm và Phật Giáo

103

Ở cái tuổi 78, nghệ nhân Vũ Văn Chầm vẫn rất sắc sảo, đôi mắt tinh anh và cái nhìn đầy nhân từ đã xóa đi mọi khoảng cách khi được tiếp xúc với ông. Có lẽ chính đạo Phật đã làm nên một Vũ Văn Chầm như vậy.

Không biết từ bao giờ ông đã có niềm đam mê với đạo Phật, chỉ biết từ lâu Phật giáo đã như hơi thở cuộc sống của ông. Trên con đường đến với Phật giáo phải kể đến đó là người thầy vô cùng đáng kính của ông- Hòa Thượng Thích Minh Châu. Ông đã quy y trên 30 năm và tham  học Phật Pháp với hòa thượng Thích Minh Châu nên hiểu biết rất sâu sắc về nền triết học siêu tuyệt của Phật giáo.

Nghe ông nói chuyện về chính tín, về vô ngã, về sắc và không, trong đạo Phật có lẽ người ta sẽ lầm tưởng ông là một vị hòa thượng hơn là một doanh nhân ngang dọc trên thương trường. Trong lĩnh vực kinh doanh cũng như trong cuộc sống đời thường ông luôn luôn lấy những triết lý nhà Phật làm kim chỉ nam để hành xử.

Ông nói : “theo triết lý Duyên Khởi của đức Phật: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Như vậy tức là mọi thứ trên thế gian này đều có mối tương quan tương liên  mật thiết với nhau. Con người cũng vậy, khi chúng ta làm tổn thương đến người khác thì đồng thời chúng ta cũng đang làm tốn thương chính mình, còn khi ta mang đến niềm vui cho người khác thì bản thân chúng ta cũng cảm thấy ấm áp, vui sướng và hạnh phúc. Con người ta ai cũng mưu cầu hạnh phúc nhưng mấy ai hiểu được rằng muốn có hạnh phúc ta phải biết cho đi… ”

Ông cho rằng làm việc thiện là một bổn phận của người Phật tử vì thế ông  luôn âm thầm giúp đỡ, hỗ trợ những tổ chức từ thiện, những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh… Năm 2000, trong khóa tu nghiệp ở Nhật về quản lý Chất lượng sản phẩm, ông đã tìm ra được con đường quản lý thành công và phát triển lâu dài cho các công ty, xí nghiệp đó là việc kết hợp giữa chất lượng con người và chất lượng sản phẩm thông qua việc kết hợp giữa biểu đồ Bát Chính Đạo trong Phật giáo và biểu đồ xương cá mà ông đã tiếp thu được từ các giáo sư Nhật.

Chính phát kiến này của ông đã là minh chứng nhẹ nhàng nhưng sâu sắc cho việc đưa đạo vào đời của ông để ta hiểu được rằng đạo Phật không chỉ là một tôn giáo chỉ để cho nhân loại tin tưởng và suy ngẫm  mà nó còn là một tôn giáo mang tính thực hành và có những đóng góp thực tế cho hạnh phúc của nhân loại.

Hiện nay, ông là một trong những thành viên có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Ông là trưởng ban bảo trợ của viên nghiên cứu Phật học Việt Nam nhiệm kỳ thứ VI(2007-2012) đồng thời kiêm giữ nhiều vai trò  trong các ban Văn hóa, ban Kinh tế tài chính, … của Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Là người Phật tử mộ đạo, nên ông luôn coi trọng và hết lòng với cuộc sống gia đình. Ông luôn giáo dục và nhắc nhở con cái và những người thân của mình sống và hàh xử theo tinh thần từ bi và bao dung của đạo Phật. Ông quan niệm sự cố kết gia đình như sợi dây lạt,mềm mà buộc rất chặt, những giá trị đạo đức, tâm linh của đạo Phật chính là phương thuốc hữu hiệu để  kết nối sự cảm thông và hoá giải những va chạm không thể tránh khỏi trong cuộc sống gia đình. Hạnh phúc gia đình là hạnh phúc quý giá, ta phải trân trọng, giữ gìn.

Tháng 9 này, tại lầu 11 tòa nhà Giày Việt Plaza, ông sẽ mở cửa phòng triển lãm về những hình ảnh và lời dạy trong kinh Phật. Đây sẽ là nơi giao dịch với đối tác, khách hàng… và cũng là nơi thú vị cho những ai có ý hướng  tìm hiểu về đạo Phật.

Tôi nhớ ông Nguyễn Trần Bạt, chủ tịch Invest Consult Group trong cuốn sách Văn hóa và con người ông có nói rằng : “Mỗi thế hệ phải làm cho thế hệ sau tốt hơn”. Những người như doanh nhân Vũ Văn Chầm chắc chắn xứng đáng để thế hệ sau chiêm nghiệm và sống tốt hơn. Cuộc đời của ông sẽ như một cung trầm ngân vang góp phần làm tốt cho đời và đẹp cho đạo ./.