Trang chủ Tin tức Doanh nghiệp mùa Phật đản

Doanh nghiệp mùa Phật đản

83

Một tuần trước khi diễn ra đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, nhiều cửa hàng kinh doanh văn hóa phẩm Phật giáo đã không còn hàng để bán. Đối với một số doanh nghiệp, đây cũng là dịp đẩy mạnh kinh doanh.


“Khóa sổ” nhận đặt hàng


10 giờ sáng ngày thứ Hai (12-5), trời mưa lất phất. Tại con hẻm 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM, hàng chục người chen lấn trước hai cửa hàng phát hành văn hóa phẩm Phật giáo. “150 cái lồng đèn này gửi đi Đại Tòng Lâm, Bà Rịa-Vũng Tàu”, “200 cái cờ của chùa T. ở Đồng Nai”, “mua cờ lẻ hai ba cái hết hàng rồi chị ơi” – tiếng người quản lý cửa hàng NL lanh lảnh trả lời khách, rồi chỉ đạo nhân viên giao hàng.


“May quá, ở đây còn vườn Lâm Tỳ Ni nơi đức Phật đản sanh (được làm bằng giấy – PV)”, chị Lê Thị Thu Hà, xóm lò bún, phường 17, quận Phú Nhuận, hớn hở khoe sau cả buổi sáng tìm mua khắp TPHCM. Chị kể: chị và đứa em gái đi từ 8 giờ sáng đến các cửa hàng bán lẻ văn hóa phẩm Phật giáo ở Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình đều hết hàng, cũng nhờ có người chỉ đường nên cuối cùng đến được cửa hàng bán sỉ NL.


Trong giới kinh doanh văn hóa phẩm Phật giáo, NL là một trong những “tên tuổi” hàng chục năm qua chiếm thị phần khá lớn khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, miền Bắc. Khách ở các tỉnh chỉ cần điện thoại đặt hàng, NL sẽ chuyển đến tận nơi, thu tiền sau, giá thì luôn thấp hơn thị trường khoảng 5-10% tùy theo sản phẩm.


“Dù đã chuẩn bị khá nhiều các loại kinh sách, tượng, lồng đèn, cờ Phật giáo… nhưng đến thời điểm này (12-5) chúng tôi chỉ giao hàng cho những khách đã đặt hàng trước một hai tháng”, chủ cửa hàng này cho biết. Mùa Phật đản năm nay lượng hàng NL bán ra thị trường tăng 30-35% so với năm ngoái.


Cách cửa hàng NL không xa là hai cửa hàng phát hành văn hóa phẩm Phật giáo thuộc Công ty cổ phần Thiện Tài (trực thuộc ban Kinh tế Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – GHPGVN). Vì là công ty “nhà” của GHPGVN nên Thiện Tài có thế mạnh nhất định. Đoán trước nhu cầu của thị trường nhân mùa Phật đản có ý nghĩa đặc biệt, Thiện Tài đã in độc quyền một số lượng lớn cờ vải, cờ giấy đủ khổ; thiệp Phật đản các loại; băng rôn, biểu ngữ chào mừng đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2008.


Theo bà Đặng Thị Bích Phụng, Giám đốc phát hành, một tuần lễ trước khi diễn ra Phật đản, Thiện Tài đã “khóa sổ” việc nhận đơn đặt hàng từ các Ban trị sự Phật giáo tỉnh, thành trên cả nước. “Mặc dù công ty đã dự báo trước sức mua sẽ tăng đột biến trong năm nay nhưng nhu cầu thực tế lớn hơn rất nhiều”, bà Phụng nói.


Tại Tổ in ấn và phát hành kinh sách (Thành hội Phật giáo TPHCM), sư cô Thích Nữ Huệ Trí cho biết, tuy Tổ in ấn chưa có thống kê chính thức nhưng hàng chục ngàn bộ kinh sách in ra đều bán hết. “Sách của Tổ in ấn bán chạy là do giá rẻ hơn các đơn vị kinh doanh khác từ 30-40%, kinh sách đều in bản chính thức nên chữ rõ, sắc nét.


Trước đây lợi nhuận của Tổ in ấn là 50% sau khi trừ các khoản chi phí, nay do biến động của giá cả trên thị trường nên lợi nhuận giảm chỉ còn 30%. Chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận vì không muốn tăng giá bán”, sư cô Huệ Trí chia sẻ.


Các cửa hàng kinh doanh văn hóa phẩm Phật giáo đều xác nhận cờ và lồng đèn là hai mặt hàng bán chạy nhất trong mùa Phật đản. Một nguồn tin cho biết, vì nhu cầu mua cờ Phật giáo về trang trí tăng đột biến nên nhiều nơi tồn kho cờ Phật giáo (làm bằng giấy) từ năm ngoái mang ra bán cũng hết sạch.


Tối 12-5, một chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất lồng đèn nhựa cho biết đã có nhiều đơn đặt hàng sản xuất gấp vài chục ngàn lá cờ nhựa Phật giáo nhưng doanh nghiệp này không dám nhận vì thời gian quá gấp rút, không kịp chuẩn bị nguyên liệu.


Công ty cổ phần In kỹ thuật mới, quận 8, TPHCM, là một trong những đơn vị có thâm niên trong nghề sản xuất lồng đèn. Ngay từ đầu năm 2008, khi có thông tin chi tiết về đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc tổ chức ở Việt Nam, ông Huỳnh Văn Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty, đã nhắm đến việc sản xuất hai loại lồng đèn mới theo mô hình chùa Một Cột và Văn miếu Quốc tử giám để quảng bá với các đoàn Phật giáo quốc tế. “Công ty đã sản xuất 30.000 lồng đèn theo hai mẫu mới và đã tiêu thụ hết”, ông Khánh nói. “Mặc dù giá nguyên liệu nhựa năm nay tăng 40% nhưng Kỹ thuật mới vẫn không tăng giá bán, lợi nhuận không bằng hai năm trước nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận”, ông Khánh chia sẻ.


Vietravel cũng là một doanh nghiệp lữ hành “nhanh chân” trong việc thiết kế tám tour du lịch nhân đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc và chiêm bái các thắng tích Phật giáo ở các tỉnh phía Bắc. Ngày 12-5, Vietravel đã khóa sổ với 500 khách đăng ký tour từ 1-6 ngày.


Cơ hội để quảng bá


Chiếm ưu thế nhất có lẽ là Công ty cổ phần Thiện Tài. Bà Đặng Thị Bích Phụng cho biết nhân đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc, công ty đã tặng cờ, băng rôn, biểu ngữ, trị giá 100 triệu đồng, để ban tổ chức trang hoàng tại các nơi diễn ra hội nghị và một số ban trị sự Phật giáo các tỉnh, thành. Bù lại, Thiện Tài được “độc quyền” đặt vé máy bay tuyến TPHCM-Hà Nội và ngược lại cho các vị giáo phẩm trong Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự; tổ chức các tour hành hương ra miền Bắc cho 300 tăng ni, Phật tử ở các tỉnh phía Nam.


Công ty cổ phần Đầu tư Ngọc Việt, TPHCM, cũng tận dụng cơ hội này để quảng bá thương hiệu thông qua việc cúng dường tiệc buffet chay cho 3.000 khách trong và ngoài nước vào ngày 17-5, tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Trước đó, ngày 29-4, Việt Chay Vĩnh Nghiêm cũng đã chính thức nhượng quyền thương mại cho nhà hàng Việt Chay Thăng Long tại 25 Thợ Nhuộm, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.


Bất ngờ nhất có lẽ là sự xuất hiện của Công ty TNHH Kinh doanh thực phẩm chay Âu Lạc, quận 12, TPHCM, phụ trách khâu ẩm thực tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, trong ba ngày (14, 15 và 16-5). Bà Nguyễn Thị Ái Chinh, Tổng giám đốc Âu Lạc, cho biết việc bỏ ra 10 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị và đồ dùng, dụng cụ nấu chay để phục vụ 30.000 suất ăn dành cho đại biểu chính thức và 60.000 suất ăn cho Phật tử là một việc làm tùy tâm tự nguyện. “Gần 1.000 nhân viên của Âu Lạc đến đây không chỉ phục vụ đại tiệc mà còn muốn gửi thông điệp ăn chay đến với mọi người như một lối sống mới”, bà Chinh nói.


Mặc dù chưa tới ngày phục vụ đại tiệc nhưng bà Chinh cho biết ngay từ hôm 12-5 nhiều đại biểu đã yêu cầu công ty hỗ trợ việc ăn uống vì mua thức ăn chay bên ngoài không hợp khẩu vị, giá lại khá đắt.


Cũng trong ngày 12-5, Công ty PepsiCo Việt Nam đã tung ra thị trường bánh snack Poca hương vị khoai tây tự nhiên thích hợp với những người ăn chay. “Đây là một trong những sản phẩm đạt tiêu chuẩn của PepsiCo toàn cầu”, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Tổng giám đốc PepsiCo Đông Dương, khẳng định. Thật là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Pepsico Việt Nam cho xuất hiện dòng sản phẩm mới trên thị trường nhân mùa lễ hội Phật đản Liên hiệp quốc 2008.