Kính bạch Chư tôn đức chủ toạ đoàn!
Kính bạch Chư tôn đức Tăng Ni hiện diện!
Kính thưa quý đại biểu!
Trải qua các kỳ hội thảo Hoằng pháp toàn quốc đã có nhiều tham luận được trình bày giúp cho chúng ta biết biết công tác hoằng pháp đang phát triển rộng rãi khắp nơi và có những thành quả nhất định qua từ nhiều nhiệm kỳ của GHPGVN. Để đạt được những thành tựu này trước tiên phải nhờ vào tinh thần đoàn kết, dấn thân phụng sự của Chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử trong thời gian qua. Làm sao để kế thừa thành quả trước và thúc đẩy sự phát triển hoằng pháp trong bối cảnh hiện tại là một thách thức mà ngành hoằng pháp phải vượt qua. Đó là nhiệm vụ của Ban hoằng pháp, một bộ phận chuyên trách quan trọng của GHPGVN.
Người viết đưa ra năm vấn đề cần được nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc để tạo nên tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn, đạt kết quả tích cực hơn cho Ban hoằng pháp trên tinh thần “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”.
I. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG HOẰNG PHÁP CẦN QUAN TÂM:
1. Thành lập giảng sư đoàn điều hành giảng sư theo nhu cầu thính pháp.
Sự tiến triển vượt bậc của khoa học, làm cho con người quá bận rộn trong đời sống vật chất, cho nên nghe pháp để trau dồi tâm linh như là thực phẩm thiết yếu cho đời sống. Chính vì vậy mà mỗi ngày càng một nhiều hơn nhu cầu thính pháp ở các tự viện, đạo tràng, trường hạ, khoá bồi dưỡng trụ trì, khoá tu, lễ hội… mà điểm tươi mới tạo nên khởi sắc là các khoá tu dành cho những đối tượng riêng biệt như: tuổi trẻ, thanh thiếu niên, công nhân, viên chức, cán bộ ngành nghề…. được thành lập ở các nơi trong và ngoài nước, dẫn đến việc cần cầu thính pháp trở nên rất lớn với nhiều đối tượng thính chúng khác nhau. Thế nên, những vị giảng sư có trình độ chuyên môn thuyết giảng nhằm đáp ứng cho phù hợp với nhiều đối tượng thính chúng để tạo hiệu quả cao là không thể thiếu.
Để có thể thành toàn được nhu cầu thính pháp của hội chúng và tâm nguyện của giảng sư, chúng ta cần thành lập Giảng sư đoàn TWCHPGVN để có thể điều hành và phân bổ đồng đều đến những địa phương từ thành thị đến vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số ít người, biên giới hải đảo.v..v… đối với lực lượng lớn giảng sư như hiện nay trên toàn quốc, tránh xảy ra tình trạng nơi có quá nhiều giảng sư, nơi lại thiếu vắng nhân sự. Hơn nữa, quý vị giảng sư sẽ được giúp đỡ về việc tìm hiểu đặc tính của thính chúng nơi đó mà soạn thảo giáo án hoặc bài giảng cho phù hợp.
Vừa qua, có một vài giảng sư vì quá chủ quan mà xảy ra những việc đáng tiếc, ví dụ như thuyết pháp gây nên những mâu thuẫn với tôn giáo bạn, đả kích các pháp môn tu tập, thành lập những đạo tràng tu tập không đúng với tinh thần Phật dạy v..v…gây ảnh hưởng đến đoàn thể chung của Phật giáo. Đối với những vấn đề như thế thì đoàn thể này có trách nhiệm điều chỉnh để tạo nên sự hài hoà chung.
2. Bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng sư phạm và thuyết giảng.
Việc tập huấn để bồi dưỡng tri thức, thu thập kinh nghiệm tu tập nhằm kiện toàn và nâng cao nghiệp vụ hoằng pháp là việc không thể thiếu đối với quý vị giảng sư. Việc làm này nhằm để nâng cao nghiệp vụ, cải thiện khả năng sư phạm và kỷ năng thuyết giảng của quý vị giảng sư. Đối với quý vị giảng sư trẻ cần phải tiếp nhận những kinh nghiệm và hiệu quả hoằng pháp của Chư tôn đức giảng sư thâm niên. Song song đó quý vị giảng sư cần thiết có sự giao lưu và trao đổi với nhau bởi vì kinh nghiệm là quý giá và là bài học đã phải trả giá, mà cái quý giá đó được chia sẻ để mọi người không phải trả giá để học lại bài học ấy trong cuộc sống.
Do đặc điểm giảng sư muốn thành công phải dựa trên nguyên tắc “khế lý – khế cơ – khế thời – khế xứ” nên khi tác nghiệp với nhiều đối tượng ở các địa phương khác nhau cho nên những đợt tập huấn sẽ giúp giảng sư nâng cao tầm nhìn, nhận diện trực quan đồng thời tiếp cận với nhiều tri thức mới. Ngoài kiến thức Phật học có tính kinh viện, từ chương vị giảng sư cần phải am tường những tri thức về cuộc sống, tâm lý, lịch sử, xã hội, pháp luật, cùng với phong tục tập quán, luật lệ v..v… của từng cộng đồng ở mỗi địa phương, nhất là những kinh nghiệm ứng dụng chánh pháp vào đời sống thực tiễn để truyền đạt cho thính chúng. Ngoài ra, quý vị giảng sư cũng cần cập nhật kiến thức về những thay đổi của pháp luật, đường lối của Giáo hội và chính sách của Nhà nước.
3. Thẻ giảng sư
Đối với các tổ chức nghiệp vụ, thẻ nghiệp vụ được cấp cho các thành viên để tạo nên sự thuận lợi cho công tác. Chẳng hạn như báo chí thì có thẻ nhà báo, luật sư thì có thẻ luật sư… Chính chiếc thẻ này góp phần tạo nên những thành tựu. Thế nên, vị giảng sư của Giáo hội đến thuyết giảng địa phương nào đó thì cũng cần nên có sự chứng nhận tư cách giảng sư của Giáo hội để địa phương đó tạo điều kiện thuận lợi.
Người cấp thẻ phải được đáp ứng các yêu cầu và tiêu chí được quy định bởi quy chế về giảng sư. Chính chiếc thể này xác định tư cách pháp nhân và khả năng của vị giảng sư này. Chính điều này tạo nên sự tin tưởng của đơn vị tổ chức và hội chúng. Thẻ giảng sư cũng tạo nên sự hoan hỷ góp phần tự tin để truyền tải Phật pháp đến thính chúng. Thế nên, việc chiếc thẻ giảng sư là cần thiết đối với quý vị giảng sư của Giáo hội.
4. Lập các chuyến công tác hoằng pháp với nhiệm vụ cụ thể.
Nước ta là một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Chính vì vấn đề trở ngại về địa hình, cũng như phong tục tập quán, ngôn ngữ đa dạng như vậy mà quý vị giảng sư bị trở ngại trong việc đơn thân độc mã cho sứ nguyện hoằng pháp. Do đó việc tổ chức các chuyến công tác hoằng pháp với nhiệm vụ cụ thể cùng với tăng đoàn có sự hỗ trợ lẫn nhau đó là một điều hết sức thiết thực và cần thiết. Đây cũng là vấn đề mà Giáo hội đã dành nhiều sự ưu tư và kế hoạch để mở rộng việc đem giáo lý đến mọi vùng miền của đất nước nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Các chuyến công tác này được tổ chức dựa trên cơ sở điều tra và nắm bắt được tình hình và yêu cầu thực tế mà có giải pháp thích ứng. Đòi hỏi phải phối hợp nhiều thành phần và tổ chức để thuận lợi về các điều kiện và giải quyết những vấn đề khúc mắc nếu có. Cụ thể như chuyến công tác vùng sâu vùng xa, hải đảo, miền núi, biên giới, dân tộc ít người, đối tượng sinh viên, đối tượng có nguy cơ phạm pháp… Trong đó các chuyến hoằng pháp này muốn đạt hiệu quả cao thì phải được kết hợp với các hoạt động khác như: phát quà từ thiện, khám bịnh, văn nghệ … Hiệu quả của việc kết hợp này đã được thể hiện rõ qua các chuyến hoằng pháp đã từng tổ chức.
5. Giáo trình hoằng pháp
Có ba kho tàng Kinh điển được truyền lại, cộng với luận lý sách vở được viết rất nhiều, tuy nhiên để có một giáo trình thống nhất dành cho các vị giảng sư hiện giờ vẫn còn bỏ ngỏ. Cho nên, để có tính thiết thực, đoàn thể này sẽ biên soạn giáo trình. Giáo trình này được tập hợp từ bài giảng của quý vị và trình qua đoàn thể điều hành giảng sư. Thế nên, quý vị có trách nhiệm soạn giáo trình để góp sức cho việc hoàn thành giáo trình chung. Giáo trình này cũng có thể được lập thành diễn đàn (forum) để chia sẻ và đóng góp giữa các thành viên với nhau.
II. KIẾN NGHỊ
Cùng chung sức sống với xã hội và dân tộc Việt Nam, Phật giáo càng chứng tỏ là một phần tử của dân tộc với đầy đủ tính chất đồng hành và góp sức cho sự phát triển như hiện nay. Trong bối cảnh xã hội, cần lắm ngọn cờ đầu của tôn giáo để làm nền tảng vững chắc về tu tập và tâm linh cho xã hội. Phật giáo càng ngày càng tỏ rõ vai trò đó. Thế nên, hoạt động của Giáo hội càng được nâng tầm và hội nhập để thể hiện đúng mức vai trò trên. Trong đó, sứ mạng của Ban hoằng pháp là đáng kể và là mũi nhọn cho các hoạt động của Giáo hội.
Bên cạnh những hoạt động nổi bậc tạo nên thành quả đáng kể của BHPTW GHPGVN, những vấn đề của hoằng pháp được nêu ở trên rất cần được đáp ứng đầy đủ và kịp thời nên chúng tôi xin mạo muội kiến nghị thực hiện ba việc như sau:
1. Thành lập giảng sư đoàn:
Giảng sư đoàn là tập thể quý vị giảng sư và là bộ phận giúp việc cho Ban hoằng pháp chuyên về điều động, phân bổ và quản lý quý vị giảng sư. Khi đã được thành lập giảng sư đoàn thì việc bồi dưỡng, trao đổi và nâng cao kỹ năng sư phạm và thuyết giảng; việc lập các chuyến công tác hoằng pháp với nhiệm vụ cụ thể được nêu ra ở phần những vấn đề định hướng hoằng pháp cần quan tâm. Đó là nhiệm vụ trước tiên mà đoàn ưu tiên thực hiện. Điều này đã được Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội lưu tâm từ lâu, nhất là HT. Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban hoằng pháp trung ương, Ngài đã thường phát biểu trong các kỳ họp của Ban. Đặc biệt, tại buổi lễ khai mạc hội thảo này, HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã phát biểu chỉ đạo một trong bốn việc cần được quan tâm trong hội thảo này.
Đối với giảng sư đoàn toàn quốc, đó là giảng sư đoàn trung ương, hoạt động theo nghị quyết, nội quy, phương hướng và chỉ đạo của Ban hoằng pháp trung ương để thực hiện việc chuyên trách của mình, góp phần vào việc thành tựu chung của ban và của Giáo hội. Đối với giảng sư đoàn cấp tỉnh thành, đó là giảng sư đoàn tỉnh thành được thành lập và hoạt động thì phải dựa trên quy chế quản lý hàng ngang là ban hoằng pháp tỉnh thành và hàng dọc là giảng sư đoàn trung ương. Đoàn có tính cơ động cao, được điều động thực thi sứ mạng hoằng pháp trên toàn quốc. Để nâng tầm hoạt động và tạo cơ sở pháp lý của đoàn này, thiết nghĩ cần thiết phải trang bị những việc như sau:
+ Quy chế hoạt động của đoàn dựa trên cơ sở pháp lý là pháp luật, hiến chương, các nội quy hoạt động khác của Giáo hội, và nội quy của Ban hoằng pháp trung ương.
+ Thành viên của đoàn được thỉnh mời là chư tôn đức hội đủ các tiêu chí và điều kiện nhất định. Các thành viên này là các uỷ viên của Ban hoằng pháp trung ương và Chư tôn đức thâm niên có nhiều thành tựu hoằng pháp và các Tăng Ni trẻ được đào tạo từ các Học viện Phật giáo và các lớp đào tạo Cao cấp Giảng sư.
+ Tư cách của giảng sư được chú trọng để kịp thời khen thưởng động viên hoặc kỷ luật nhắc nhở.
+ Đoàn được điều hành bởi một bộ phận, đó là ban điều hành. Ban này do Ban hoằng pháp trung ương bổ nhiệm với nhiệm vụ và quyền hạn nhất định.
2. Cấp thẻ giảng sư:
Thẻ này thể hiện tư cách pháp nhân và trách nhiệm của người được cấp và cũng tiếp nhận được những sự hỗ trợ cần thiết từ các cơ quan hữu quan. Thẻ có thời hạn nhất định, khi thẻ hết thời hạn, đương sự phải giao nộp lại cho ban điều hành để được cấp thẻ mới nếu tiếp tục là thành viên của nhiệm kỳ sau.
3. Soạn thảo và xuất bản giáo trình hoằng pháp:
Giáo trình này là cơ cơ giáo lý nhằm giúp quý vị có được hệ thống để quý vị có kiến thức thống nhất mà tránh việc chống trái lẫn nhau tạo nên sự khác biệt về kiến thức Phật học cho quần chúng. Giáo trình cũng góp phần nâng cao trình độ Phật học của quần chúng.
Nói chung, định hướng hoằng pháp trong thời đại này là cần thiết và kịp lúc để có được một bộ phận chuyên trách về điều hành quý vị giảng sư để cung ứng nhu cầu thính pháp và truyền tải Phật pháp được rộng sâu trong quần chúng và xã hội.
Đó là giảng sư đoàn. Chính giảng sư đoàn là cánh tay nói dài của Ban hoằng pháp để kết nối với các tự viện, đạo tràng, trường hạ, khoá bồi dưỡng trụ trì, khoá tu, lễ hội… Hiệu quả của giảng sư đoàn là thành quả của lãnh vực hoằng pháp nói riêng và của Giáo hội nói chung. Tất cả vấn đề được hướng hoằng pháp cần quan tâm được nêu trên sẽ được đáp ứng thoả đáng với hoạt động cụ thể của giảng sư đoàn.
Kính tri ân Chư tôn đức và quý vị đã lắng nghe, chúc hội thảo thành công.