Mà bài Phật giáo không phải là mục tiêu sau cùng, mà bài Phật giáo là bước cần cho mục tiêu quan trọng hơn, là cải đạo tín đồ Phật giáo.
Cái cách lý giải Phật giáo Việt Nam là một nhánh phát triển của Phật giáo Trung Quốc đã có từ Alexandre de Rhodes, đến Phan Kế Bính thì nó được xoáy sâu hơn “Đương khi nước ta nội thuộc, người Tàu tôn tín thì người nước ta cũng tôn tín, ấy gọi là chủ đi đường nào thì theo đường ấy” (1).
Ngày nay, sử học Việt Nam đã đi đến kết luận con đường từ Trung Hoa truyền sang chỉ là một hướng truyền bá Phật giáo. Hướng truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ trực tiếp sang Giao Châu, rồi từ Giao Châu truyền lên phía Bắc vào nội địa Trung Quốc đã được xác định.
Tuy nhiên nhiều người vẫn bịt tay bưng mắt, vẫn lập luận như kiểu Phan Kế Bính và xu hướng đó nổi lên một cách đầy dụng ý trong thời gian gần đây, đặc biệt là trên các trang mạng Ky tô giáo tiếng Việt hải ngoại.
Dụng ý đó, không gì khác hơn, là tìm cách cắt rời Phật giáo Việt Nam ra khỏi truyền thống Việt Nam, nhấn mạnh một cách xuyên tạc nguồn gốc Trung Quốc của Phật giáo Việt Nam, để rồi lợi dụng xu thế bài Trung Quốc để bài Phật giáo Việt Nam Bắc Tông, tạo nên não trạng tâm lý tiêu cực, ác cảm đối với Phật giáo, phục vụ cho mục tiêu cải đạo tín đồ Phật giáo.
Không nhắm đến một cuộc tranh luận, vì vậy, chúng tôi xin phép không dẫn xuất xứ những quan niệm như thế trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi chỉ muốn nhắc đến để Phật giáo Việt Nam chúng ta biết mà đề phòng.
Để giải tỏa bớt mặc cảm ngoại lai của các tôn giáo đến từ Phương Tây, người ta cố sức gán ghép những yếu tố Trung Quốc cho Phật giáo Việt Nam, ráng làm cho Phật giáo Việt Nam cũng nặng nề những yếu tố ngoại lai, nhưng không đến từ phương Tây, mà đến từ phương Bắc.
Các bước kế tiếp là kết Phật giáo Việt Nam vào vòng tâm điểm bài Trung Quốc, một tình huống mang tính chất “vu khống” đối với Phật giáo Việt Nam, để trục lợi cải đạo.
Song song với luận điệu như vậy, là luận điệu cho rằng ở Việt Nam xu thế văn hóa “đối kháng Trung Hoa” đã có dịp bùng phát mạnh mẽ khi những tôn giáo mang nội dung văn hoá phương Tây truyền vào Việt Nam, cùng với sự chế tác, hoàn thiện phát triển và sử dụng phổ biến chữ Quốc ngữ. Những người nhận công trạng đó chúng ta có thể đoán đựơc, không cần phải nói ra.
Và bây giờ, thì việc đó được cường điệu, lặp đi lặp lại, lợi dụng tâm lý bài Trung Quốc để bài Phật giáo. Thực ra, cũng không phải là bài Trung Quốc, mà chỉ làm như thế để nắm lấy dư luận, nắm lấy ngọn cờ dân tộc xóa bớt độ chênh với văn hoá dân tộc, xoay lấy cái tiếng “yêu nước”, để trên hết là đưa hoạt động cải đạo vào tình thế thuận lợi.
Nhắc đến điều này chúng tôi có mấy đề nghị sau trong bối cảnh hiện nay:
– Các cây bút về lịch sử Phật giáo Việt Nam, các cơ quan truyền thông Phật giáo Việt Nam càng tích cực hơn để khẳng định sự thật lịch sử Phật giáo Việt Nam không phải là một phân nhánh của Phật giáo Trung Quốc, mà hình thành từ nhiều nguồn truyền bá, trong đó những nhà sư đến từ Ấn Độ và hướng qua trung gian Chiêm Thành
– Tích cực khẳng định tính chất dân tộc đặc thù của Phật giáo Việt Nam.
– Đặc biệt, Phật giáo Việt Nam chúng ta cần lưu ý hạn chế và loại trừ những yếu tố Trung Quốc nhất là những yếu tố mới du nhập trong thời gian gần đây, mà thực ra đến từ Phật giáo Đài Loan.
Trong bối cảnh chính trị, tâm lý xã hội như hiện nay, sự du nhập của những yếu tố như thế hoàn toàn không có lợi cho Phật giáo Việt Nam. Đó là điều mà những thế lực cải đạo tín đồ Phật giáo Việt Nam có thể lợi dụng, ly gián Phật giáo Việt Nam với một bộ phận không nhỏ quần chúng.
Hiện tượng một số ngôi chùa đang bị Trung Quốc hóa (đúng ra là Đài Loan hóa) về mặt kiến trúc và trang trí nội thất, hiện tượng tương tự đối với y pháp phục của tăng sĩ, đối với pháp khí sử dụng trong nghi lễ… cần phải được nhận thức đầy đủ về những hậu quả bất lợi có thể có, những mặt trái có thể dùng làm cái cớ xuyên tạc, bóp méo, bôi bẩn hình ảnh Phật giáo Việt Nam.
Điều tất nhiên là Phật giáo Việt Nam chúng ta khi đã nhận thức đầy đủ, cần cẩn trọng, ngăn chặn và phải loại trừ những hiện tượng như vậy.
Không lẽ gì, xu thế những tôn giáo từ bản chất, đã có khoảng cách lớn với dân tộc, bây giờ, lại lợi dụng tình thế nhất thời nào đó, tranh thủ quơ quào chút tiếng dân tộc cho mình. Còn Phật giáo Việt Nam chúng ta, với bản chất gắn bó với dân tộc trong 2000 năm, lại vì một vài hình thức du nhập, chỉ từ một thiểu số tu sĩ cá biệt, mà để bị lợi dụng, để phải chịu sự xuyên tạc ác ý.
MT
(1) Theo Việt Nam phong tục.