Trang chủ Tin tức Diễn văn Đại lễ Phật đản PL2552 của Hòa thượng Chủ tịch...

Diễn văn Đại lễ Phật đản PL2552 của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN Thích Trí Tịnh

79

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM


DIỄN VĂN ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL 2552
CỦA HOÀ THƯỢNG CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GHPGVN


Kính bạch Chư tôn Giáo phẩm, Chư Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni,
Kính thưa Quý Cư sĩ Phật tử,
Kính thưa Chư liệt vị,


Hạnh phúc thay Đức Phật ra đời”, lời kinh Pháp Cú đã nêu rõ cảm nhận hân hoan và lòng tri ân sâu đậm đối với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và đối với sự xuất hiện của Ngài trên đời.


Cách đây 2632 năm, tức năm 624 trước tây lịch, tại vườn Lâm Tỳ Ni, nước Ca Tỳ La Vệ, dưới cội cây Vô – ưu, đã xuất hiện một con người vĩ đại, một đấng Tối thắng đã trực tiếp gửi thông điệp Cứu Khổ, thông điệp của Hoà Bình, An lạc đến loài người, và suốt 45 năm, đã thuyết giảng, triển khai thông điệp ấy, đồng thời dẫn dắt mọi người dấn thân trên con đường đưa đến giải thoát tối hậu.


Đức Phật, giáo pháp của Ngài và tác dụng của giáo pháp ấy xứng đáng được loài người tôn vinh. Cho nên đáp ứng đề nghị của Hội nghị Phật giáo Quốc tế tại SriLanka vào tháng 11 năm 1998, Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 15 tháng 12 năm 1999 đã quyết định công nhận ngày Lễ Tam hợp Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn là ngày lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, vì xét rằng: “Phật giáo là một trong những tôn giáo xưa nhất, suốt 2,5 thiên niên kỷ đã đóng góp và đang tiếp tục đóng góp hữu hiệu cho tâm linh nhân loại”.


Trong những năm tiếp theo, đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được giới Phật giáo tổ chức thật long trọng vào ngày trăng tròn tháng Tư Âm lịch và nguyên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã gửi những thông điệp chào mừng rất trân trọng: “Tư tưởng đạo đức và nhân đạo cao quý của Đức Phật đã khai sinh ra một truyền thống tâm linh sâu sắc”. (thông điệp năm 2002); “Thông điệp của Đức Phật là thông điệp của Hoà Bình, Từ bi, đồng thời là thông điệp của Chánh niệm – sự tỉnh giác về chính mình của mỗi người, về hành động của mình và về thế giới mình đang sống”. (thông điệp năm 2003); “Mỗi năm, vào ngày này, chúng ta biểu lộ lòng tôn kính đối với những đóng góp của Phật giáo cho Hoà Bình của thế giới”.(thông điệp năm 2004)…


Chúng ta có nhiều lý do chính đáng để tổ chức lễ Phật Đản năm nay (PL. 2552) long trọng hơn các năm trước. Thứ nhất, đất nước ta vừa đại được những thành quả khả quan trong các mặt hoạt động, đặc biệt về kinh tế và chính trị, tạo được uy tín trong nước và trên trường quốc tế.


Thứ hai, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết thúc thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI với một số nét mới tích cực trong nội dung Hiến chương đã được sửa đổi bổ sung, đặc biệt là tăng cường nhân sự trong các Ban nghành, Viện Trung ương và địa phương, hứa hẹn những thành tựu mới trong các hoạt động Phật sự.


Thứ ba, chúng ta đã cùng Chính phủ đăng cai và được vinh dự tổ chức ngày Vesak Liên hợp quốc. Đây là cơ hội tốt để chúng ta tỏ lòng biết các ơn đối với Đức Phật và để gặp gỡ các tổ chức, cá nhân thân hữu các nước bạn, thắt chặt tình đoàn kết, hợp tác trong cộng đồng Phật giáo cũng như trong cộng đồng hữu nghị thế giới.


Thứ tư, ngày Phật Đản năm nay lại trùng với ngày sinh của Hồ Chủ tịch đã được cơ quan Unessco Liên hợp quốc công nhận là danh nhân thế giới, người đã giải thoát cho dân tộc Việt Nam khỏi sự xâm lược, ách thống trị của thực dân đế quốc, mang lại sự thống nhất đất nước, độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; điều này vô cùng phù hợp với thông điệp Cứu khổ của Đức Phật.


Suốt nhiều tháng qua, với sự giúp đỡ tận tình của Nhà nước, Tăng Ni, Phật tử đã đem hết sức mình chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại và đầy ý nghĩa này diễn ra một cách trọng thể tại Thủ đô Hà Nội và các Tỉnh, Thành trong cả nước từ ngày 08 đến 15/4/âl, giới Phật tử và đông đảo nhân dân hân hoan chứng kiến ngày lễ hội thiêng liêng kỷ niệm ngày Khánh Đản của Đức Thích Ca Mâu Ni mà chính Ngài và giáo pháp của Ngài đã gây ảnh hưởng tốt đẹp trong tâm trí người Việt Nam từ hai thiên niên kỷ nay.


Kính thưa chư liệt vị,


Nhân ngày kỷ niệm Đản sinh của Đức Phật, chúng ta hãy đọc bài kệ 194 trong kinh Pháp Cú:


Hạnh phúc thay Đức Phật ra đời
Hạnh phúc thay giáo pháp được giảng
Hạnh phúc thay Tăng – già hoà hợp
Hạnh phúc thay dũng tiến cùng tu.


Đức Phật xuất hiện ở đời, diễn thuyết giáo lý giải thoát, đây là niềm hạnh phúc lớn lao cho đời. Hạnh phúc càng được duy trì và thể hiện cụ thể nếu mọi người con Phật, tức tứ chúng của Tăng – già gồm Tăng, Ni, Nam, Nữ cư sĩ Phật tử cùng đoàn kết hoà hợp để chung sức tu tập, dũng mãnh tinh tấn, đóng góp Phật sự cho đời.


Những công đức nếu có được qua những thành tựu Phật sự thì chúng ta có thể hồi hướng cho hết thảy chúng sinh. Trong khi đó, niềm hạnh phúc, niềm vui tự nội là sự cảm nhận tự nhiên của những ai nhận biết mình đang được chân lý soi rọi, được tinh tấn và đồng hành với những người có cùng lý tưởng với mình. Đây là một trong những ý nghĩa của Tam Bảo, cội nguồn hạnh phúc cho đời.


Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng với nhân dân chia sẻ những vinh quang, những khổ nhọc qua những thăng trầm của lịch sử. Gần ba thập kỷ qua kể từ khi được thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những bước tiến đều đặn vững chắc trong nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan.


Chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của lý tưởng Phật giáo để an tâm nghĩ tới một tương lai xán lạn của Giáo hội, nhưng chúng ta phải dè dặt xem chừng những mối nguy do chủ quan: Sự mất tính hoà hợp, thoái thất trong hàng ngũ Tăng Ni, Phật tử.


Bài kệ trên của kinh Pháp Cú đã nêu rõ sự hiện hữu của Đức Phật trên đời này là một ân huệ, một hạnh phúc lớn lao không gì so sánh được. Nhưng điều này chỉ có ý nghĩa khi có tác động đến chúng ta, khiến chúng ta nhận ra được lý tưởng cứu khổ trong Phật pháp để từ đó cùng nhau hoà hợp, tinh tấn và đồng tu.


Hoà hợp là sự đoàn kết, là thái độ hiền hòa, cảm thông, chia sẻ với mọi người, là tinh thần nhân ái, từ bi, yêu chuộng hoà bình, là nguyên tắc Lục hoà trong sự sống chung của Tăng – già, hiểu rộng ra là trong sự sống chung hoà hợp giữa người và người: 1. Cùng tu tập giới hạnh, 2. Cùng trao đổi kiến thức, 3. Cùng chia sẻ vật chẩt có được, 4. Cùng sống hoà thuận, kính nhường nhau, 5. Cùng thuận hoà lời nói, không tranh cãi, 6. Cùng một ý kiến, không trái nghịch nhau.


Tinh tấn là sự dũng mãnh tiến lên, trong tinh thần giữ gìn giới luật, trong sự thanh tịnh của tâm hồn. Thanh tịnh có nghĩa gốc là sự trong sạch, sáng suốt, không bị ô nhiễm vì tham, sân, si; đây cũng là mục đích của việc giữ gìn giới luật.


Số lượng các giới điều được đặt ra cho Tăng, Ni, Phật tử không giống nhau nhưng tất cả đều dựa vào và triển khai tinh thần năm giới của một người quy y Tam Bảo. Tinh thần giữ giới, được xác định rõ trong ba ý nghĩa: 1. Giữ đúng các giới mình đã thọ nhận, 2. Lấy điều thiện làm căn bản để thực hành, 3. Xem việc lợi lạc cho chúng sinh là điều cần thực hiện.


Nếu tứ chúng của Tăng – già chúng ta một lòng đoàn kết hoà hợp, đồng tu, dũng mãnh, tinh tấn thì Phật giáo được hưng thịnh, Giáo hội được vững mạnh. Đây cũng là sự tôn vinh, sự đền ơn Đức Phật, vị Đạo sư vĩ đại đã xuất hiện ở đời nhằm mang lại giải thoát cho hết thảy chúng sanh.


Kính thưa Chư liệt vi,


Nhân ngày Đản sanh của Đức Phật, PL 2552, tôi xin chân thành kính chúc Chư liệt vị thân tâm an lạc, thành tựu viên mãn các Phật sự tự lợi, lợi tha. Mong sao tất thảy chúng sanh đạt được niềm vui tự nội, được ánh sáng trí tuệ và từ bi của Tam bảo soi rọi, vững vàng thăng tiến trên con đường đạt đến mục đích giải thoát tối hậu.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT