Chúng ta để lòng hướng về trụ đá của vua A Dục được tạo dựng hơn 300 năm sau năm Khánh đản, về đức phù điêu trên cổng tháp Sanchi ở Ấn Độ được khắc vào thế kỷ thứ I trước Tây lịch, cũng như các phù điêu, tranh tượng, kinh sách miêu tả sự xuất hiện trên đời của Đức Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta nghĩ đến những nghi lễ, hội hè mừng khánh đản của chư Tăng Ni, Phật tử tại nhiều nước trên thế giới.
Chúng ta không quên truyền thống mừng Phật đản của chúng ta tại Chùa Dâu (vùng đất Luy Lâu cũ), chùa Láng, chùa Nhất Trụ (Thăng Long), chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế (Phú Xuân) v.v…, những lễ hội mà các vua chúa, hoàng gia, triều đình và nhất là đông đảo quần chúng nhân dân tham dự trong suốt 15 thế kỷ qua.
Chúng ta không ngăn được những suy nghĩ, những xúc động trao dâng khi hồi tưởng vài lời kinh nói về sự xuất hiện hi hữu trên thế gian của Đức Từ Phụ:
– “Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ kheo, khó gặp ở đời. Người ấy là ai? Là Như Lai, bậc A La Hán Chánh đẳng giác. Chính người này, này các Tỳ kheo, khó gặp ở đời”.
– “Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, của đại quang, đại minh, là sự xuất hiện của thù thắng và sự chứng ngộ vô ngại, là sự chứng đạt các giới và các giới sai biệt, là sự chứng ngộ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A la hán. Người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A la hán.”
– “Này các Tỳ kheo, có một người xuất hiện ở đời, sự xuất hiện ấy đem lại hạnh phúc cho số đông, an lạc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Người ấy là ai? Chính là Thế tôn, bậc A la hán Chánh đẳng giác”.
– “Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời là một người vi diệu. Người ấy là ai? Chính là Thế tôn, bậc A la hán Chánh đẳng giác. Chính người này, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện là xuất hiện một người vi diệu.”
Đại quang minh, chứng ngộ vô ngại, lòng thương tưởng cho đời chính là hào quang của từ bi, trí tuệ của Đức Phật và do sức gia trì của Ngài, chúng ta thọ nhận và thấu hiểu lời Ngài dạy: “Ta thương chúng sinh hơn cha mẹ thương con. Ta làm Phật ở thế gian này để đối trị cái xấu, loại trừ sự khổ sinh tử, khiến mọi người được năm đức, đạt đến sự an ổn vô vi”.
Để xứng đáng là con Phật, chúng ta nguyện học tập và thực hành giáo lý của Ngài. Tu tập trí tuệ thì khó hơn tu tập từ bi. Chúng ta hãy thực hành bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả trong lúc cùng sống cùng tu, cùng làm Phật sự. Đó là lòng mong mỏi và quyết tâm làm cho người khác được hạnh phúc; là sự đau buồn khi thấy người khác đau buồn, là niềm vui khi người khác được vui, khi làm cho người khác được vui, và là sự xóa bỏ mọi chấp trước phân biệt trong lòng. Bốn tâm vô lượng này là sức mạnh giúp cho sự phát triển thiền định, trí tuệ, lại là căn bản cho mọi sinh hoạt đoàn thể, xã hội, là sự ngăn ngừa cái xấu ác và sự đố kỵ… Bốn tâm vô lượng này cùng với lục hòa, tứ nhiếp sẽ tạo nên sự đoàn kết vững mạnh trong Giáo hội. Mong sao chúng ta cùng nhau phát triển bốn tâm vô lượng này để tu tập, để phát triển giáo hội qua các chương trình hoạt động Phật sự đã đề ra, góp phần lợi Đạo ích Đời.
Trong thời gian qua, sự đoàn kết hòa hợp và cùng chung lo Phật sự của Tăng Ni, Phật tử tại các Tỉnh, Thành hội là tiền đề để Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát triển trên mọi phương diện. Từ sự phát triển đó mà những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc của một vài cá nhân tiêu cực trong và ngoài nước đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước càng lúc càng mất dần ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân và các tổ chức, cộng đồng tiến bộ trên thế giới. Nhất là các tổ chức Phật giáo quốc tế càng lúc càng lưu tâm, thông cảm, hợp tác hữu nghị với Giáo hội qua những cuộc hội thảo, hội nghị, tham quan, thăm viếng hữu nghị giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tổ chức Phật giáo quốc tế.
Giáo hội Phật giáo Việt
Ngưỡng mong Tam bảo chứng minh và phù hộ cho chúng ta.
Nguyện cầu cho hết thảy chúng sinh đều an vui hạnh phúc.