Trang chủ Thời đại Truyền thông Diện mạo phiến diện của truyền thông PGVN hiện đại

Diện mạo phiến diện của truyền thông PGVN hiện đại

113

Khoảng 40 năm trước, khi truyền thông thời bấy giờ chủ yếu là sách báo, tạp chí, diễn giảng trực tiếp… thì diện mạo truyền thông Phật giáo bấy giờ gắn liền với tên tuổi của những vị hòa thượng, thượng tọa, cư sĩ có tài, có đức, có thực học, là tác giả các công trình nghiên cứu Phật học như chư tôn hòa thượng, thượng tọa Thích Trí Thủ, Thích Minh Châu, Thích Nhất Hạnh, Thích Thuyền Ấn, Thích Mãn Giác, Thích Đức Nhuận, Thích Tuệ Sĩ và cả nhiều cư sĩ như Chánh Trí Mai Thọ Truyền, GS Nguyễn Đăng Thục, v.v…

Diện mạo Phật giáo trên các phương tiện truyền thông miền Nam Việt Nam lúc đó phản ánh khá chân thật hoạt động Phật giáo Việt Nam ở miền Nam lúc đó. Các giảng sư có uy tín, các tác giả Phật học chinh phục bạn đọc đông đảo… đều là những nhà lãnh đạo Phật giáo, đều thuộc giới tinh hoa Phật giáo. Phật giáo Việt Nam qua truyền thông đọc hầu như không có khoảng cách đối với Phật giáo trong thực tế.

Khoảng cách đã bắt đầu có, khi truyền thông Phật giáo bắt đầu phát triển qua lãnh vực nghe. Cuối thập niên 1980 và trong thập niên 1990, băng audio cassette trở nên thông dụng, trong khi hoạt động in ấn trên giấy không được thuận lợi. Bối cảnh này đã  góp phần hình thành hoạt động học Phật qua băng thuyết pháp.

Một số đông Phật tử nước ngoài cũng giữ liên hệ với Phật giáo trong nước qua băng thuyết pháp. Bức tranh truyền thông Phật giáo Việt Nam lúc đó chỉ còn những vị giảng sư thuyết pháp qua băng cassette nổi bật như các vị hòa thượng Thích Thanh Từ, Thích Từ Thông, Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Quảng, ni sư Trí Hải, v.v… Vị trí một số các vị tôn đức và Phật tử uyên thâm Phật học khác đã trở nên mờ nhạt đi, vì không có sách in, bài đăng báo, cũng như không có nốt băng giảng (vì nhiều lý do, nhiều vị không thuyết pháp hoặc không ghi âm băng giảng). Qua lăng kính truyền thông băng giảng lúc bấy giờ, diện mạo Phật giáo Việt Nam bắt đầu phiến diện. Người ta nói nhiều đến các vị giảng sư trên băng, với các bài giảng mà ai cũng đều có thể in sang để quảng bá theo kiểu chuyền tay, tặng biếu khi tâm đắc nội dung. Tăng Ni Phật tử giới thiệu nhau không còn chỉ là sách, mà trước hết là băng.

Một bước phát triển mới của hoạt động hoằng pháp và học thuật Phật giáo đã diễn ra khi kỹ thuật sang băng cassette High Speed ra đời.

Một cuộn băng audio cassette C-90, trước đây, muốn in sang phải mất 90 phút. Nhưng với kỹ thuật High Speed thì chỉ cần vài phút để in sang. Thêm vào đó, giá thành băng ngày càng hạ, khiến cho sức lan tỏa băng ngày càng gia tăng. Đương nhiên, theo đó, vai trò của các ấn phẩm Phật học giấy ngày càng giảm.

Diện mạo Phật giáo Việt Nam phản ánh qua truyền thông Phật giáo ngày càng có khoảng cách với thực tế khi kỹ thuật ghi hình phổ biến. Băng video cassette còn đắt nên tác động của nó tuy đã có từ cuối những năm 1990, song còn hạn chế. Đến khi dĩa VCD ra đời thì mọi việc hoàn toàn khác. Dĩa VCD trắng chỉ 2000đ, rẻ hơn gần 10 lần so với băng video cassette. Thời gian chép dĩa VCD nhanh, có thể chép nhiều dĩa bằng một máy trong một lúc. Tất cả đã làm diện mạo truyền thông Phật giáo Việt Nam thay đổi mạnh mẽ hơn nữa và ngày càng làm khoảng cách so với Phật giáo Việt Nam trong thực tế càng lớn.

Kỹ thuật video tỏ ra đặc biệt thích hợp với Tăng Ni trẻ, và vì thế, Phật giáo Việt Nam qua truyền thông video… “trẻ hóa”. Những giảng sư nổi tiếng từ dĩa VCD có độ tuổi khoảng 40 – 50 tuổi. Hiếm thấy dĩa thuyết pháp của các vị Hòa thượng cao tuổi. Phật giáo qua truyền thông video vắng đi hẳn nhiều thế hệ.

Search tìm hình ảnh video của tăng sĩ Việt Nam trên You tube, thì có, nhưng rất hiếm hình ảnh các vị Hòa thượng (thường là trên 60 tuổi). Hình ảnh video các đại diện đỉnh cao tinh hoa Phật giáo Việt Nam đã có khác biệt đáng kể so với thực tế. Video trên internet có phạm vi quảng bá toàn cầu, do vậy, kết quả video mà người nước ngoài tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam sẽ hoàn toàn khác với thực tế.

Trong nhiều trường hợp, tuy không phải tỷ lệ đa số, nhưng cũng không phải là hiếm thấy, một số vị giảng sư video trở thành những “minh tinh”, có một số “fan” cuồng nhiệt. Các fan này không chỉ là cổ động viên thân thiết trong những lần thuyết pháp, mà là những người giữ vai trò đặc biệt trong hoạt động phổ diễn dĩa VCD, DVD. Dĩa VCD, DVD thuyết pháp được tặng không cho Phật tử lễ chùa là điều tất nhiên, nhưng trong những năm gần đây, nhiều hình thức mới phát hành dĩa thuyết pháp cũng đã có, như đến tặng cho thanh niên công nhân, sinh viên ở nhà trọ, tặng cho các xe đẩy để họ bán với giá rẻ…

Điều này, rõ ràng, tốt cho Phật pháp, nhưng liệu số dĩa phát hành với tỷ lệ áp đảo chỉ là dĩa thuyết pháp của một vài giảng sư trẻ, năng động, tích cực, nhạy cảm với công nghệ mới có làm diện mạo Phật giáo Việt Nam phản ánh thông qua phương tiện truyền thông Phật giáo (tác động mạnh mẽ nhất hiện nay là dĩa VCD, DVD) ngày càng khác xa với thực tế Phật giáo Việt Nam? Chư vị tôn đức đạo cao, đức trọng ẩn tu hay tác giả  những quyển sách nghiên cứu Phật học giá trị thì ngày càng ít được biết đến hơn nữa.

Ghi nhận hiện trạng như vừa trình bày ở trên, chúng tôi không mong gì khác là điều chỉnh tình trạng chưa hợp lý này, bằng việc hi vọng chư Tôn đức, đặc biệt là những vị hòa thượng, thượng tọa đạo cao đức trọng, kiến thức Phật học uyên thâm dành sự quan tâm thích đáng cho việc hoằng pháp bằng kỹ thuật video hiện đại. Nếu không, một diện mạo Phật giáo Việt Nam phiến diện qua truyền thông Phật giáo sẽ là thiệt thòi chung đối với Phật giáo Việt Nam.