Trang chủ Diễn đàn Diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM – Bài 3: Những...

Diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM – Bài 3: Những cố gắng điều chỉnh

91

GHI NHẬN TIẾP MỘT THỰC TRẠNG

Trong bài viết trước, chúng ta đã thấy quan điểm quy hoạch trung tâm thành phố Sài Gòn của thực dân Pháp. Đó là quan điểm thượng tôn giáo quyền đạo Ca tô La Mã, đặt biểu tượng kiến trúc giáo quyền đạo Ca tô La Mã lên vị trí cao nhất thành phố, trên kiến trúc biểu tượng chính quyền.

Phần đầu của bài viết này vẫn tìm hiểu vấn đề theo hướng như trên, để đưa tới người đọc ý thức cần phải điều chỉnh quy hoạch đô thị Sài Gòn của thực dân Pháp, tạo một diện mạo kiến trúc tôn giáo mới cho TPHCM hôm nay, diện mạo đa tôn giáo, hài hòa tôn giáo, đoàn kết tôn giáo.

Theo Wikipedia Tiếng Việt, khi xây dựng nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, 3 địa điểm đã được đề nghị:

“- Trên nền Trường Thi cũ (nay là góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng, tức vị trí tòa Lãnh sự Pháp).
–    Ở khu Kinh Lớn (tại vị trí nhà thờ cũ, nay thuộc đường Nguyễn Huệ).
–    Vị trí hiện nay”

Cũng mục từ nói trên ghi nhận: “điều rất đặc biệt là nhà thờ không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh”.

Việc loại bỏ hai địa điểm đề nghị ở trên và việc chọn địa điểm như hiện nay cho thấy ý đồ của thực dân Pháp biến nhà thờ Đức Bà thành trung tâm thành phố Sài Gòn. Nếu xây ở hai vị trí đầu, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn chỉ nằm trên những đại lộ, có một mặt tiền (vị trí thứ hai) hoặc 3 mặt tiền (vị trí đầu tiên, nay là Tòa Lãnh sự Pháp).

Thực dân Pháp quy hoạch nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ở vị trí hiện nay là đặt nhà thờ Đức Bà ở trung tâm một quảng trường, chung quanh là đường giao thông công cộng. Việc không có tường rào đã biến nhà thờ này thành một tượng đài tôn giáo khổng lồ.

Cấu trúc đó là cấu trúc một xóm đạo. Việc quy hoạch vị trí nhà thờ Đức Bà Sài Gòn của thực dân Pháp biến trung tâm Sài Gòn (khu lõi quận 1 và quận 3 hiện nay) thành một xóm đạo. Cấu trúc đò là nhà thờ chính giữa, các công sở, trường học, tu viện, khu thương mại, khu dân cư… bao quanh.

Đại lộ Norodom, nơi tập trung các công sở lớn của thành phố Sài Gòn, dẫn vào Dinh Toàn quyền Đông Dương, dinh Norodom, lại nằm ở phía đuôi sau nhà thờ. Thời đó, đến Sài Gòn từ cảng ở bờ sông, phải vòng quanh nhà thờ, rồi mới đến dinh Norodom hoặc các công thự trên đại lộ Norodom.

Quy hoạch đô thị theo cấu trúc xóm đạo, với nhà thờ chính tòa ở tâm điểm,  có thể thấy ở nhiều đô thị khắp cả nước như Thủ Dầu Một, Nha Trang, Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Xuyên…, và ở những nơi khác trong TPHCM, như nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn (là nhà thờ địa phương).

Thu nhỏ lại, mỗi khu dân cư ở khu Hố Nai, Gia Kiệm… đều theo cấu trúc này.

Quy hoạch đô thị trung tâm Sài Gòn theo kiểu xóm đạo của thực dân Pháp tạo một bộ mặt kiến trúc một thủ đô với chính quyền mà phía sau các chính khách, tướng lãnh viễn chinh là các cố đạo. Chế độ Ngô Đình Diệm là sự tiếp tục của hình thức chính quyền này, với giám mục Ngô Đình Thục càng ra sức củng cố vị trí trung tâm của nhà thờ Đức Bà đối với Sài Gòn bằng cách dựng tượng “Đức Mẹ Hòa Bình” và đặt tên quảng trường theo tên tượng Đức Mẹ, là quảng trường Hòa Bình. Quảng trường này không phải chỉ là diện tích phía trước nhà thờ, mà gồm cả toàn bộ diện tích chung quanh nhà thờ. Nối với đại lộ Thống Nhất (tên trước năm 1975) dẫn vào Dinh Độc Lập, mặc nhiên đây là quảng trường trung tâm Sài Gòn.

NHỮNG NỖ LỰC ĐIỀU CHỈNH

Quy hoạch kiến trúc như thế đối với Sài Gòn đã làm người dân thành phố Sài Gòn bất bình. Những cố gắng điều chỉnh tình trạng như thế đã có từ trước năm 1975. Bài viết đầu tiên đã nhắc tới việc chính quyền Sài Gòn, sau khi lật đổ Diệm Nhu, đã quy hoạch một khu đất lớn làm Việt Nam Quốc Tự. Sau đó, Chủ tịch Ủy Ban Hành pháp Trung ương Chế độ Sài Gòn là tướng Nguyễn Cao Kỳ ủng hộ việc xây chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Công Lý (tên trước năm 1975). Việc hình thành trung tâm Quảng Đức vào thời gian giữa thập niên 1960 cũng là cố gắng đưa Phật giáo vào khu trung tâm, từng bước xóa bỏ diện mạo một đô thị Sài Gòn theo đạo Ca tô La Mã.

Vị trí của chùa Vĩnh Nghiêm, với ngôi tháp cao, trong quá trình xây dựng đã được dư luận báo chí Sài Gòn lúc đó đánh giá cao, vì khách đến Sài Gòn từ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ trông thấy một biểu tượng Phật giáo khi đi vào thành phố. Tuy nhiên, cố gắng này chỉ có mức độ điều chỉnh hạn chế thực trạng mà chúng ta đang nói (1).

Cố gắng điều chỉnh quan trọng thực trạng một diện mạo một thành phố Sài Gòn theo đạo Ca tô La Mã là việc đổi tên công trường Hòa Bình, đặt theo tên bức tượng Đức Mẹ, thành “Công trường Kennedy”. Việc này chỉ có ý nghĩa tinh thần, nhưng rất quan trọng, vì nó nằn trong đợt đổi tên các địa danh trong thành phố Sài Gòn có liên quan đến chế độ Ngô Đình Diệm, như đổi tên đại lộ Ngô Đình Khôi thành đại lộ Cách Mạng, đại lộ Nhân Vị thành đại lộ Trần Hoàng Quân. Cái tên Công trường Hòa Bình được xem là dính líu với chế độ Diệm và màu sắc Ca Tô La Mã nên cũng bị xóa bỏ trong dịp này (1964).

Sau đó, vai trò trung tâm của công trường Kennedy được đặt lại. Báo chí Sài Gòn chỉ trích việc lễ đài quốc khánh chế độ Sài Gòn được dựng ở mặt phía sau nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, coi đây là vấn đề kỷ niệm ngày lật đổ chế độ Sài Gòn bằng một cuộc lễ có bối cảnh như thế thì thật không ổn. Lấy lý do 2 cao điểm là tháp chuông nhà thờ Đức Bà và tháp Viba Bưu điện trung tâm có thể là cao điểm đánh dấu tọa độ pháo kích (điều đã xảy ra vào năm 1966), cuộc duyệt binh Ngày Quân lực chế độ Sài Gòn đã được các tướng lãnh quân đội Sài Gòn đề xuất dời ra đường Trần Hưng Đạo. Như thế, quân đội Sài Gòn khi diễu hành không phải đi ngang mặt sau của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tránh được hình thức cuộc lễ tổ chức “trong xóm đạo”, dưới bóng nhà thờ. Lễ Ngày Quân lực chế độ Sài Gòn năm 1973 đã được tổ chức theo hướng tránh khu trung tâm tôn giáo nhà thờ Đức Bà (2).

Diện mạo kiến trúc Sài Gòn những năm đầu sau 1975 vẫn cơ bản như trước, nhưng yếu tố đạo Ca tô La Mã đã có sự điều chỉnh bằng việc đặt tên mới cho quảng trường trước nhà thờ Đức Bà và chuyển đổi chức năng sử dụng nhiều cơ sở của đạo Ca tô La Mã.

Sau năm 1975 cấu trúc xóm đạo khu trung tâm Sài Gòn đã bị bước đầu xóa bỏ bằng việc quảng trường trước nhà thờ Đức Bà được đổi tên thành quảng trường Công xã Paris.

Đây là một điều chỉnh rất quan trọng dù là chỉ có tính chất tinh thần, đối ứng trước mắt, chưa đi vào thay đổi kiến trúc.

Việc chọn tên Công xã Paris đặt cho quảng trường trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là một việc làm rất có ý nghĩa. Công xã Paris là một sự kiện lịch sử, mà tinh thần chính là lật đổ sự thống trị của giáo quyền đạo Ca tô La Mã ở nước Pháp. Do sự quan trọng của nó, chúng tôi xin đi sâu vào sự kiện này.

Giáo sư Đỗ Đức Hiểu, tác giả quyển “Văn học Công xã Paris” (nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978) đã viết như sau về tinh thần đối kháng giáo quyền đạo Ca tô La Mã của Công xã Paris: “Sau khi hủy bỏ cái công cụ vật chất của Nhà nước cũ, Công xã đập tan cái công cụ tinh thần của chế độ tư sản là nhà thờ. Ngày 2 tháng tư, công xã công bố pháp lệnh tách Giáo hội khỏi nhà nước, bãi bỏ ngân sách về việc thờ cúng; các tài sản của nhân dân bị nhà thờ cướp đoạt, được trả lại cho quốc giá; các giáo sĩ sẽ sống ẩn dật bằng của bố thí như những thánh tông đồ trước kia của họ. Nhà trường được giải thoát khỏi mọi ảnh hưởng của tôn giáo và mở rộng cửa đón con em của nhân dân lao động. Tượng Chúa Jesus và tượng Thánh mẫu bằng vàng, bạc treo ở nhà trường “xúc phạm đến tự do tín ngưỡng”, cần bỏ đi và gửi đến Sở đúc tiền. Nếu việc đập tan bộ máy nhà nước không gặp cản trở gì lớn- bởi vì chính phủ và mọi nhân viên của nó đã trốn khỏi Paris – thì việc thực hiện Pháp lệnh về Nhà thờ vấp phải sự phản ứng kịch liệt, có khi điên cuồng, của các giáo sĩ phản động kéo lê cái áo dài đen thảm đạm khắp hang cùng ngõ hẻm để vận động chống lại Công xã và dò xét tình hình. Bọn thầy tu ấy lợi dụng tình trạng đói rét của Paris, dưới chiêu bài đi quyên và phân phát áo quần và bánh mì cho trẻ em, tuyên truyền phản cách mạng, nhằm gây hoang mang và làm nhụt ý chí của quần chúng. Một số trở thành gián điệp và tay sai của Versailles. Song, hết sức cảnh giác và dũng cảm, phụ nữ Paris không cho bọn gián điệp đội lốt thầy tu ấy “làm việc phúc”. Người phụ nữ gánh vác tất cả; họ dõng dạc nói: “Chúng tôi có đầy đủ những khả năng để làm việc ấy”. Nhà thơ Vermesch ca ngợi sự thắng lợi của Công xã trong công cuộc “phi nhà thờ hóa” trong mọi lĩnh vực của đời sống nhân dân; xiềng gông tôn giáo đè nặng lên châu Âu từ hai nghìn năm nay, bị vứt bỏ:
Và chúng ta thét lên trong gió lộng trên trời:
Thánh thần đã chết: đây con người.

Như thế, đặt tên quảng trường nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là Công xã Paris là một cách điều chỉnh tinh thần quy hoạch đô thị của thực dân Pháp một cách cứng rắn, quyết liệt, thông minh và nhiều ý nghĩa.

Trong hướng điều chỉnh như vậy, việc điều chỉnh chức năng một số cơ sở vật chất của đạo Ca tô La Mã ở 2 phía đông và tây của trung tâm TPHCM, biến nó thành cơ sở giáo dục khoa học công hữu cũng góp phần vào việc điều chỉnh diện mạo một thành phố theo đạo Ca tô La Mã. Mật độ tu viện, trường học của đạo Ca tô La Mã tại trung tâm TPHCM trở nên thưa hơn, khiến giảm bớt dáng vẻ tôn giáo Ca tô La Mã cho thành phố.

Tuy vậy, đến thập niên 2000, với việc trả lại một số cơ sở của đạo Ca tô La Mã được trưng dụng trước đây, diện mạo đạo Ca tô La Mã ở trung tâm TPHCM có chiều hướng khôi phục.

Vì vậy, vấn đề điều chỉnh diện mạo kiến trúc tôn giáo cho khu vực trung tâm TPHCM trở nên bức thiết. Trong đó, phương án xây dựng một ngôi chùa lớn ở khu trung tâm mở rộng của TPHCM là khu đô thị mới Thủ Thiêm có thể nhìn thấy từ trung tâm TPHCM hiện tại (đại lộ Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Bến Bạch Đằng, quảng trường Mê Linh) là phương án khả thi hơn cả.

Chúng tôi, từ cương vị một công dân TPHCM, tiếp tục hướng về những vị tu sĩ yêu nước, yêu thành phố quê hương trong Ban Trị sự Phật giáo TPHCM.

MT

(1) Có lẽ do ủng hộ xây chùa Vĩnh Nghiêm, nên vị tướng này được thờ trong chùa Vĩnh Nghiêm với một bức ảnh lớn.

(2) Có thể xem hình ảnh tư liệu trên You Tube.                                                                                                         

(3) Đỗ Đức Hiểu: Thi pháp hiện đại – Một số vấn đề lý luận và ứng dụng, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012, trang 188.