Tại các cổng của phi trường Hàng Châu và các ngã đường chính của thành phố này, nơi khai mạc diễn đàn, biểu ngữ chào mừng diễn đàn được trang hoàng hết sức lộng lẫy. Số lượng cờ phướng Phật giáo và ba-nô về diễn đàn ở phi trường Châu Sơn và thành phố này, nơi tổ chức lễ bế mạc, tăng lên gấp nhiều lần so với Hàng Châu, đúng với câu nói dân gian của Trung Quốc: “Châu sơn là hải thiên Phật quốc” (“đất nước Phật trên biển”) gắn liền với hạnh nguyện của đức Bồ-tát Quan Âm Nam Hải.
Phái đoàn Phật giáo quốc tế đã được tiếp đón trọng thể tại ngay cửa xuống của những chiếc máy bay đặc dụng. Hàng ngàn lá cờ Phật giáo và ba-nô chào mừng được trang trí đẹp mắt, dọc theo con đường nhiều cây số, từ phi trường cho đến khu vực núi Phổ Đà và các khách sạn, nơi cư trú của các tham dự viên. Số lượng cờ Phật giáo được trang hoàng tại đây hơn hẳn các Hội nghị Phật giáo thế giới tại các nước Phật giáo là quốc giáo, chẳn hạn như Thái Lan. Từ trong hội trường của diễn đàn cho đến khu tiếp tân và phục vụ, không hề treo bất kỳ quốc kỳ nào của Trung Quốc. Hoàn toàn thuần tuý mầu sắc Phật giáo. Sân khấu của diễn đàn trước khi khai mạc được trang hoàng như một chánh điện. Sau lễ khai mạc ngắn ngọn nhưng không kém phần trọng thể, tấm phong của diễn đàn xuất hiện, biến không gian chánh điện thành không gian của hội thảo.
CHỦ ĐỀ VÀ MỤC ĐÍCH CỦA DIỄN ĐÀN
Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TW phát biểu tại Diễn đàn
Chủ đề chính của diễn đàn là “Thế giới hoà hợp bắt đầu từ tâm.” Thế giới hoà hợp ở đây được hiểu là một thế giới, nơi đó con người của tất cả quốc gia và dân tộc thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau có thể cùng nỗ lực xây dựng một thế giới hoà bình và thịnh vượng. Thế giới đó, từ triết học và hành trì Phật giáo, chỉ có thể khởi đi từ tâm của mỗi người, theo tinh thần “tâm tịnh là quốc độ tịnh; tâm bình thì thế giới bình.” Tâm đó là tâm từ bi, tâm vị tha, tâm vô ngã, tâm dấn thân phục vụ con người và muôn loài.
Vị Lama truyền thừa tại Diễn đàn
Có trên 500 bài nghiên cứu gởi về diễn đàn. Ban tổ chức đã tuyển chọn một số bài tiêu biểu và nộp đúng hạn, in thành 3 quyển kỷ yếu. Diễn đàn đã chia làm 9 nhóm thuyết trình. Mỗi nhóm gồm có 8-9 thuyết trình viên. Mỗi diễn giả được trình bày tối đa 7 phút. Thành phần diễn giả rất đa dạng, từ các nhà lãnh tụ tâm linh Phật giáo, đến các nhà nghiên cứu Phật học, các nhà ngoại giao, các nhà văn hoá, giáo dục, đại diện các quốc gia và các tổ chức Phật giáo khác nhau.
Diễn đàn này đã trở thành tiêu chí không chỉ cho Phật giáo Trung Quốc trong nỗ lực vận động các cộng đồng Phật giáo Trung Quốc trong và ngoài Đại Lục ủng hộ cho việc phục hưng Phật giáo trong mãnh đất tâm linh Đại thừa, mà còn là tiêu chí của các trường phái cũng như tông môn pháp phái Phật giáo cùng ngồi lại với nhau trong tinh thần hoà hợp như nước với sữa, xoá đi các khoảng cách dị biệt về cách thức tiếp cận, lý giải và hành trì lời Phật dạy, để cùng nhau phát triển Phật giáo.
Chủ đề của diễn đàn không chỉ phản ánh được bản chất đời sống đạo đức và tâm linh nhân bản của Phật giáo, mà còn trùng hợp với truyền thống văn hoá của Trung Quốc. Các tham dự viên đã tập trung vào ba nhóm chủ đề phụ sau đây:
a) Thống nhất và hợp tác giữa các giáo phái Phật giáo: nhằm xoá đi các khoảng cách dị biệt về cách hiểu và hành (tín giải) lời Phật trong các truyền thống Nam tông (thường bị gọi là Tiểu thừa), Bắc tông (thường được gọi là Đại thừa) và Kim cang thừa, một nhánh đại thừa chuyên về Mật tông.
b) Phát huy tinh thần trách nhiệm xã hội của Phật giáo: nhằm ứng dụng vào đời sống thường nhật lời Phật dạy về đạo đức xã hội, mối quan hệ giữa con người với con người, con người với động vật và thiên nhiên. Phương thức ứng dụng này sẽ hình thành nên một bộ mặt Phật giáo dấn thân, góp phần xoá đi nỗi khổ niềm đau của chúng sinh.
c) Sứ mệnh hoà bình của Phật giáo: Các nguyên lý cộng tồn trong hiểu biết và tương kính, phát xuất từ trái tim từ bi và tâm hỷ xả của Phật giáo sẽ là nền tảng của một thế giới hoà bình, không còn chiến tranh, hận thù, giết chóc, bạo lực và khủng bố. Phát huy tinh thần vô ngã, vị tha, loại bỏ chủ nghĩa độc tôn, chuyển hoá các mâu thuẫn, thiết lập đối thoại đa nguyên văn hoá, tôn giáo, ý thức hệ, giữa các liên minh, quốc gia, sắc tộc và cá nhân sẽ là con đường dẫn đến hoà bình theo tinh thần Phật dạy.
Mục đích của diễn đàn là nhằm thiết lập một không gian đối thoại và hợp tác các giáo phái Phật giáo khắp thế giới để tạo ra phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Quốc và xác định vai trò lãnh đạo tinh thần và tâm linh của Phật giáo đối với dân chúng châu Á. Đặc điểm của diễn đàn này là tính xã hội hoá và đa dạng hoá ở mức độ cao cấp, tạo cơ hội dân chủ cho tất cả tăng ni và Phật tử có tấm lòng tôn kính, bảo hộ Phật giáo, thương nhân loại đang đối đầu với nhiều khủng hoảng nghiêm trọng, có thể thường xuyên hội họp, thảo luận, tìm ra những giải pháp cho các vấn nạn thời đại. Tất cả tham dự viên, bất luận tín ngưỡng tôn giáo, tăng hay tục, đều được mời gọi tham gia vào diễn đàn, thảo luận về phương thức hành trì và truyền bá lời Phật dạy, một cách đa dạng và phong phú.
NGUỒN GỐC CỦA DIỄN ĐÀN
Các giáo phái và tổ chức Phật giáo khắp thế giới ngày nay không còn hạn chế phạm vi hoạt động trong quốc gia của mình nữa, mà đã phổ biến rộng khắp, đáp ứng nhu cầu Phật sự ngày càng cao. Khái niệm một tổ chức Phật giáo thế giới có thể quy tụ các bậc lãnh tụ Phật giáo khắp năm châu ngồi lại với nhau vì mục đích tìm ra được những giải pháp thiết thực để phổ hoá Phật pháp đến với mọi người đã trở thành niềm thao thức chung của nhiều cao tăng thạc đức thời hiện đại.
Vào tháng 10-2004, khi Hội thảo giao lưu hữu nghị Phật giáo lần thứ bảy được tổ chức tại Bắc Kinh với sự tham dự của Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Nhật Bản, tám vị lãnh đạo Phật giáo tại Đài Loan và Hongkong đã quyết định tổ chức diễn đàn Phật giáo thế giới tại Trung Quốc, để góp phần vực dậy một đạo Phật đã ngủ quên trong nhiều năm qua, dưới thời xã hội chủ nghĩa. Tám vị lãnh đạo đó là Hoà thượng Nhất Thành (1927), đại lão hoà thượng Bổn Hoán (?? 1907), Hoà thượng Tinh Vân (1927), HT. Duy Giác (1928), HT. Giác Quang (1918), TT. Thánh Huy (1951), Rinpoche Jiamuyang Luosangjiumei Tudanquejijima (1948) và TT. Huba Longzhuangmeng (1960).
Trung Quốc vốn là cái nôi của Phật giáo Đại thừa trong quá khứ, trong nhiều năm qua như một con sư tử đang ngủ quên trong rừng sâu trong thời XHCN, đã bắt đầu tỉnh giấc, vươn mình. Với tấm lòng vì Phật giáo và uy tín của tám vị lãnh tụ Phật giáo, trong vòng một năm vận động, từ tháng 10-2004 đến 11-2005, ý tưởng tổ chức diễn đàn Phật giáo đã được các cộng đồng Phật giáo Trung Quốc ở Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan cũng như hơn 40 quốc gia trên thế giới đồng tình và ủng hộ. Nhiều cuộc họp trù bị đã được tổ chức, nhằm bàn thảo và chọn chủ đề, cũng như phác thảo kế hoạch tổ chức trong vòng hơn một năm rưỡi qua, đã giúp cho diễn đàn được thành tựu mỹ mãn.
THÀNH CÔNG CỦA DIỄN ĐÀN
Trong lễ khai mạc diễn đàn, đại diện chính phủ Trung Quốc khẳng định rằng “chính phủ và nhân dân hãy cùng nỗ lực giúp Phật giáo thiết lập một thế giới hoà hợp. . . Phật giáo đã có nhiều đóng góp quan trong cho hoà bình thế giới và làm giàu văn hoá nhân loại. Diễn đàn Phật giáo thế giới phải đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm phương thức xây dựng một thế giới hoà hợp và an vui.” Đây là khẳng định mang tính chính sách mới đối với Phật giáo, tôn giáo lớn nhất tại Trung Quốc, có bề dày lịch sử gắn liền với quá trình dựng nước và bảo vệ đất nước này.
Diễn đàn này được xem là hội thảo Phật giáo quốc tế lớn nhất tại Trung Quốc, nhất là kể từ năm 1949 đánh dấu triều đại Trung Quốc Mới. Diễn đàn đã diễn ra trong sự ngạc nhiên thán phục là nhờ vào các nỗ lực chưa từng có của các cộng đồng Phật giáo Trung Quốc trong và ngoài Đại Lục, trong thời Trung Quốc XHCN, một chính thể đã từng có chính sách cách mạng văn hoá sai lầm vào những năm 1966-1976, đẩy Phật giáo vào con đường suy vong.
Thành công nhất của Diễn đàn lần này là các lãnh tụ Phật giáo Trung Quốc khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong và Macau không chỉ là những thành viên trở về tham dự, mà còn là những vị cao tăng đã tham gia vận động cho diễn đàn được diễn ra như sự thành công của nó. Trong số đó, phải kể đến phái đoàn Phật giáo Đài Loan gồm 16 vị, do Hoà thượng Tịnh Lương làm trưởng đoàn; phái đoàn Phật giáo Hongkong gồm 28 vị, do Hoà thượng Giác Quang làm trưởng đoàn và phái đoàn Phật giáo Macau gồm 6 vị, do Hoà thượng Kiến Kiếm làm trưởng đoàn.
Ấn tượng nhất là công lao vận động và đóng góp của Hoà thượng Tinh Vân, sáng lập Phật Quang Sơn Quốc Tế, người chủ trương Tịnh độ nhân gian và sự tham dự của Hoà thượng Tịnh Không, người Úc gốc Hoa, chủ trương Tịnh độ Tây phương. Ngoài ra, còn có sự tham dự của ngài Ban-thiền Lạt-ma thứ 11, vị lãnh tụ tâm linh thứ hai sau đức Dalai Lama và Rinpoche Jiamuyang Luosangjiumei Tudanquejijima được quan niệm như vị Phật sống Jamuyang thứ sáu của tu viện Labuleng.
THAY LỜI KẾT
Trong những năm 1966-1976, khi cuộc cách mạng đại văn hoá của Trung Quốc diễn ra, các tổ chức Phật giáo trở nên tê liệt, Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc bị ép buộc ngưng hoạt động, chùa chiền bị hư hoại, tăng ni không được chính thức xuất gia. Nhận thức được những sai lầm nghiêm trọng đó, chính phủ Trung Quốc ngày nay đã thay đổi chính sách tôn giáo, chùa chiền được trùng tu, giáo dục và tâm linh Phật giáo đang được khuyến khích. Tuy vậy, Phật giáo Trung Quốc còn phải trải qua một thời gian dài để phục hoạt truyền thống tâm linh Phật giáo lâu đời tại đất nước nổi tiếng là thiên đường của Phật giáo Đại thừa.
Điều đáng quan tâm khác là, các vị cao tăng Phật giáo ngoài Đại Lục đã từng có quan hệ lận đận với chính phủ Trung Quốc sau năm 1949, bỏ nước ra đi, nay vì nhìn thấy được dấu hiệu nhiệt tâm của chính phủ Trung Quốc, đã trở về tham dự diễn đàn, góp một bàn tay cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo tại đất nước này, theo tinh thần: “không chấp quá khứ, không giữ hận thù, hỷ xả khoan dung, độ lượng chuyển hoá.”
Hình ảnh lúc bế mạc
Sau mấy ngày làm việc trong tinh thần dân chủ và đoàn kết, diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ nhất đã khép lại bằng lễ cầu nguyện hoà bình và tuyên cáo Phổ Đà Sơn với thông điệp từ bi cứu khổ của Bồ-tát Quan Thế Âm, nhưng những ấn tượng và niềm tin về sự vươn mình của Phật giáo Trung Quốc vẫn còn đọng lại trong tâm thức của các tham dự viên. Mong sao thông điệp “thế giới hoà hợp bắt đầu từ tâm” không chỉ có ý nghĩa đối với các cộng đồng Phật giáo Trung Quốc trong và ngoài nước, mà còn là phương châm ứng xử của tất cả cá nhân, tổ chức xã hội và các quốc gia, để cuộc sống này trở nên an lạc và thảnh thơi, bất luận nguồn gốc tôn giáo, sắc tộc, màu da và giới tính.