Trang chủ Diễn đàn Đi tụng… nuôi vợ con

Đi tụng… nuôi vợ con

61

Để phân biệt được sư giả và sư thật đi tụng kinh cầu siêu cho đám tang, tôi nhờ thầy Thích Lệ Châu, thành viên Ban Tăng sự Thành hội Phật giáo TPHCM, đi cùng. Chúng tôi mục kích tại lò hỏa táng Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân-TPHCM vào trưa 24-12, một sư giả tháp tùng đám tang.

Đọc kinh bậy bạ lấy 450.000 đồng/ngày

“Nam mô sô rô bát ra tô….”. Nghe câu kinh mà sư giả tụng liên hồi, thầy Thích Lệ Châu lắc đầu: “Đây là sư giả. Câu kinh đúng phải là “Nam mô tô rô bà gia đát tha…”. Thầy Thích Lệ Châu tiết lộ: Khi đi tụng, từ chiếc mỏ tụng đến quần áo phải tươm tất, chỉnh tề, dáng vẻ của nhà sư cũng phải giữ đúng tư thế uy nghi mà sư đã được luyện trong nhà chùa. Vì vậy nhìn đôi mắt dáo dác, của “sư” đang tụng kia, cộng với sự cẩu thả, bừa bãi trong tác phong, đi lại, tôi biết gia chủ của đám tang đã thỉnh nhầm sư giả.

Gia chủ của đám tang cho biết trước khi đem người chết đi hỏa táng, gia đình đã nhờ “sư” tụng trong hai ngày. “Sư” ra giá 450.000 đồng/ngày, tụng hai ngày nhận đủ 900.000 đồng. Gia chủ đám tang tỏ ra thất thần, khi được thầy Thích Lệ Châu giải thích việc đọc kinh bậy bạ của vị “sư” kia. Thầy giảng: “Cầu siêu là việc không đơn giản với các sư, phải thuộc rất nhiều kinh mới làm được. Ngay trong chùa, nhiều sư chưa thuộc kinh cũng không dám nhận lời đi tụng. Nếu đủ khả năng tụng, khi nhận lời, các sư cũng không hề đặt điều kiện về tiền bạc với gia chủ”.

Cưới vợ sinh con vẫn tự xưng là “sư”






Thầy Thích Lệ Châu thở dài: “Cuộc sống bây giờ có quá nhiều người lợi dụng tấm áo nhà Phật để lừa gạt. Nếu người dân trực tiếp lên chùa thỉnh thầy thì làm sao có chuyện sư giả lợi dụng đám tang để trục lợi!”.


Trong những ngày theo các đám tang, chúng tôi bắt gặp một “sư” chừng 30 tuổi thường đi lại hành nghề bằng chiếc xe Cub màu xanh nhạt. Chiều 24-12, chúng tôi bám đuôi vị “sư” này về nơi cư ngụ ở tổ 18, khu phố 7, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè – TPHCM. Ông Nguyễn Minh Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Nhà Bè, cùng công an địa phương đã phối hợp với chúng tôi “tập kích” căn nhà của “sư” này. “Sư” tên thật là Nguyễn Thành Quyên, sinh năm 1978, quê gốc ở tỉnh Long An. Ông Quyên chưa xuất trình được giấy tờ tu sĩ. Trong khi công an tiến hành tịch thu những phương tiện hành nghề cầu siêu của ông như áo chùa, bộ gõ, bài vị thì chúng tôi ngỡ ngàng vì sự xuất hiện của… vợ con “sư”. Chính việc này đã phơi bày sự sai trái của ông Quyên! Buồn cười hơn, trong lúc biện hộ cho chồng, vợ của ông Quyên vẫn liên tục gọi người đầu gối tay ấp với mình bằng “thầy”.

Ông Nguyễn Bảo Duy, cảnh sát khu phố 7-nơi đôi vợ chồng này cư ngụ – cho biết ông Quyên và vợ đã làm giấy khai sinh cho con, đến nay đứa con đã 3 tuổi. Ngày 29-12, đại diện Thành hội Phật giáo TPHCM đã liên hệ với thượng tọa Thích Minh Thiện, Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An. Thượng tọa cho biết năm 1989, ông Quyên bắt đầu tu tại chùa Khánh An của tỉnh, nhưng hiện nay, ông đã lên TPHCM sinh sống và cưới vợ sinh con nên mặc nhiên theo giới luật Phật giáo, ông Quyên không còn là người của nhà Phật. Giấy tờ tu sĩ của ông này đã không còn giá trị, nếu ông còn giữ sẽ bị tịch thu!

Theo những người dân ở khu phố 7, thị trấn Nhà Bè, ông Quyên không chỉ ngang nhiên mặc áo nhà chùa đi cầu siêu mà còn phối hợp với 3-4 đối tượng khác để móc nối, thay nhau “chạy sô” đi tụng các đám tang. Căn nhà vợ chồng ông Quyên đang sống được xem là nơi tụ tập của các đối tượng này. Ông Nguyễn Bảo Duy cho biết: Nếu phát hiện những đối tượng khả nghi lui tới địa bàn mình, cảnh sát khu vực sẽ bắt giữ, xử lý!

Móc nối với trại hòm

Để kiếm khách, giới sư giả đã móc nối, ăn chia với trại hòm. Và chính sự tinh quái của những ông chủ trại hòm mà người dân thuê nhầm sư giả. Chiều 25-12, chúng tôi đến trại hòm N.S ở quận Tân Bình – TPHCM. Sau khi dẫn chúng tôi đi xem các loại hòm giá từ 10-20 triệu đồng, ông chủ trại hòm hỏi: “Tang chủ có muốn nhờ thầy chùa đến cầu siêu không, ở đây chúng tôi biết rất nhiều thầy chùa uy tín”. Ông chủ này cho biết giá một ngày tụng là 350.000 đồng. Mỗi ngày tụng 3 lần. Số ngày tụng tùy thuộc vào “thầy”, nếu không chọn được ngày tốt để chôn hoặc hỏa táng thì số ngày tụng phải kéo dài và số tiền theo đó mà nhân lên. Khi chúng tôi xin số điện thoại của “thầy” để lên chùa gặp trực tiếp thì ông chủ ngắt lời: “Ở đây cứ đưa tiền, chúng tôi bao trọn gói, lo từ A đến Z, đúng ngày giờ thầy sẽ tới, không cần tới chùa”. Đến khi chúng tôi chê giá bán hòm quá cao để bỏ đi, chủ trại hòm chạy theo thành thật: “Nếu anh mua, tôi sẽ giảm giá hòm cho anh 10%. Giá cầu siêu cũng có thể hạ xuống một tí, vì thực ra mấy ông thầy chúng tôi quen chỉ ở nhà chứ không ở chùa. Mấy ổng tụng để nuôi vợ con”.







“Cầu siêu” đến mang thai

Thành hội Phật giáo TPHCM cho biết đầu năm 2007 có một người phụ nữ lên trụ sở thành hội để “kiện” một “sư” làm con gái mình mang thai rồi bỏ mặc. Theo người phụ nữ này, khi chồng bà mất, được sự giới thiệu của một trại hòm, gia đình đã thỉnh “sư” về cầu siêu cho đám tang. “Sư” giới thiệu mình tu tại chùa T.A ở quận 4-TPHCM. Sau đó “sư” kết thân với gia đình và dụ dỗ con gái lớn trong nhà làm cô này mang thai. Thành hội Phật giáo TPHCM đã tiến hành xác minh. Cuối cùng thủ phạm của bào thai là một sư giả, không tu ở bất cứ chùa nào mà chỉ là người mượn áo nhà chùa móc nối với trại hòm để đi tụng lấy tiền ở các đám tang.