Hé lộ nơi cất giữ trái tim Phật bảo
Trong quá trình đi tìm bí mật “Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức, chúng tôi có tìm đến Tổ đình Quán Thế Âm trên đường mang tên của Bồ tát, đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, TP HCM (50 năm trước, địa chỉ của Quán Thế Âm là 68 Nguyễn Huệ, Quận Phú Nhuận). Đây là ngôi chùa thứ 31 mà Bồ tát Thích Quảng Đức đã trùng tu, xây dựng trong suốt hành trình hoằng dương chánh pháp từ miền Trung vào miền Nam; Tổ đình Quán Thế Âm cũng chính là di tích cuối cùng Bồ tát Thích Quảng Đức làm trụ trì trước khi tự thiêu.
Đây hiện là nơi duy nhất còn lưu giữ đầy đủ những hiện vật của Bồ tát khi tại thế, cũng như là nơi lưu giữ những hình ảnh, tài liệu quan trọng nhất về cuộc đời Bồ tát. Trụ trì của Quán Thế Âm kế vị Bồ tát Thích Quảng Đức chính là vị trưởng Pháp tử của Ngài, Hòa thượng Thích Thông Bửu. Nhưng, Hoà thượng Thích Thông Bửu cũng đã viên tịch mấy năm trước. Vị trụ trì đương nhiệm là Thượng tọa Thích Giác Trí.
Ảnh ngọn lửa tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức do một phóng viên nước ngoài chụp lại.
Thượng tọa Giác Trí đón chúng tôi tại phòng làm việc. Sau khi chia sẻ thông tin về Bồ tát Thích Quảng Đức, ông đưa tôi đến phòng thờ Bồ tát, cũng là nơi đang cất giữ những hiện vật như giường ngủ, y, bát, tọa cụ, hình ảnh lúc sinh thời của Bồ tát… Nơi đây, Thượng tọa đã tìm và trao cho tôi một tài liệu quý của cố Hòa thượng Thích Thông Bửu viết về thầy của mình khi ông còn tại thế, vào khoảng 8 năm trước.
Hòa thượng Thông Bửu kể lại trong tài liệu này rằng sau khi biết có “trái tim bất diệt” tồn tại, chính quyền mở chiến dịch “nước lũ” tấn công các chùa chiền, bắt Tăng Ni giam nhốt. Điểm trọng yếu của chiến dịch “nước lũ” này là tấn công chùa Xá Lợi, bắt toàn bộ lãnh đạo và cướp “trái tim bất diệt”. Đoán biết trước được âm mưu này nên các vị chư tôn đức giáo phẩm tại chùa Xá Lợi đã làm giả một trái tim khác bằng thạch cao để thờ. Còn trái tim thật của Bồ tát thì mang đi ký gửi vào ngân hàng Pháp tại Sài Gòn để bảo mật. Việc ký gửi có dán niêm phong chữ ký của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết và Hòa thượng Thích Từ Nhơn.
Phóng viên trò chuyện cùng Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, người đã tổ chức Lễ tự thiêu cho Bồ tát Quảng Đức năm 1963
Tuy nhiên, diễn biến cụ thể hơn về “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức ở chùa Xá Lợi sau khi đưa từ An dưỡng địa về thờ thì có lẽ Thượng toạ Thích Đồng Bổn, trụ trì hiện tại của chùa là người hiểu rõ nhất. Ngài đã kể lại với chúng tôi rằng, trái tim được đưa về chùa Xá lợi và thờ tại đây khoảng hơn 3 tháng. Từ sau sự kiện tự thiêu và “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức xuất hiện, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở khắp các địa phương tỉnh thành trên cả nước bùng phát mạnh mẽ. Do trái tim đã trở thành biểu tượng đấu tranh bất bạo động của Phật giáo, chính quyền rất lo sợ và tìm mọi cách đánh cắp trái tim để dập tắt phong trào đấu tranh này.
Không những thế, một vài thế lực ngoại quốc cũng manh nha đánh cắp trái tim ấy. Nhưng ngay trong đêm mật vụ xong vào áp đảo nhà chùa để lấy đi trái tim thì nhà chùa đã được mật báo trước. Không những thế, Hòa thượng Trí Quang cũng dự đoán trước được tình hình nên khi có biến cố, ông đã ôm trái tim nhảy qua bên kia hàng rào vào Toà Đại sứ của Mỹ tại Sài Gòn và trốn thoát được.
Còn về trái tim giả, hay còn gọi là trái tim mô phỏng thì hiện tại vẫn còn được lưu giữ tại Tổ đình Quán Thế Âm. Trái tim mô phỏng ấy được Thượng toạ Đồng Bổn miêu tả là rất khác với trái tim thật vì nó to lớn hơn. Trong khi trái tim thật sau nhiều lần nung thì chỉ còn to hơn hạt mít, màu nâu đen.
Cận cảnh trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức
Thế là “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức được cất giữ trong ngân hàng Pháp tại Sài Gòn từ khoảng tháng 09/1963 cho đến sau ngày 30/04/1975. Khi tủ sắt được mở ra, cố HT Thích Thông Bửu, người chứng kiến trực tiếp khi đó đã miêu tả lại rằng: Quả tim vẫn còn nằm trong chiếc hộp, trên hộp có bảo quản bằng một sợi dây bằng đồng hình chữ thập và có hai hàng chữ: “Lệnh niêm phong của Đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Nghiêm cấm không ai được mở khi chưa có lệnh”. Hôm đó, dây niêm phong hình chữ thập chỉ bị cắt một góc, ba góc còn lại vẫn nguyên. Như vậy là trái tim chưa hề bị đưa ra khỏi hộp trước đó…
Nhưng sau gần 40 năm kể từ lần ký gửi vào năm 1975 đó, trái tim liệu có còn tồn tại hay không và chính xác thì hiện nay đang được cất giữ nơi nào, sau nhiều thay đổi của lịch sử? Đó hiện vẫn là một câu hỏi lớn của rất nhiều Tăng Ni, Phật tử mong muốn được rõ; cũng như họ mong muốn được một lần chiêm bái Pháp bảo ấy của Phật giáo Việt Nam…