Trang chủ PGVN Đi tìm "trái tim bất diệt" của Bồ tát Thích Quảng Đức...

Đi tìm "trái tim bất diệt" của Bồ tát Thích Quảng Đức (Kì III)

866

Khi nghe tôi trình bày về nguyện vọng đi tìm “Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức, Hòa thượng tỏ ra rất hoan hỷ khi một tờ báo của ngành Dầu khí lại quan tâm nhiều đến Phật giáo như thế. Hòa thượng đã sắp xếp cho tôi một cuộc hẹn ngay hôm sau, tại tòa soạn báo Giác Ngộ. Tại cuộc gặp, Hòa thượng xác nhận rằng mình là nhân chứng duy nhất còn tại thế trong 3 vị đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra ký gửi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức vào lại một ngân hàng khác, vào một trưa Sài Gòn cuối tháng 4 năm 1991. Và đó cũng chính là lần ký gửi trái tim sau cùng cho đến hiện tại.

Hòa thượng Thích Giác Toàn – người duy nhất còn tại thế đại diện ký gửi trái tim Bồ tát vào ngân hàng.

Trong cuộc trao đổi về “Trái tim bất diệt”, Hòa thượng có chia sẻ thêm một số chi tiết mà ít ai biết đến về quá trình cất giữ trái tim. Thật ra, tổng cộng đã có 3 lần Phật bảo được ký gửi vào ngân hàng trong vòng hơn 50 năm qua. Lần thứ nhất là vào năm 1963, lần thứ hai là vào năm 1981 và lần thứ ba vào năm 1991. Nhưng trong 3 mốc thời gian đấy có một số thay đổi địa điểm cất giữ trái tim.

Cụ thể là vào thời điểm sau 30/04/1975, theo quy định chung thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) sẽ tiếp quản các ngân hàng tại Sài Gòn, trong đó có Ngân hàng Pháp, nơi cất giữ trái tim Bồ tát từ năm 1963. Thế nên NHNHVN đã tiếp nhận trái tim và chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội để lưu giữ, bảo quản. Đến năm 1981 thì đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng cơ quan chức năng liên quan đã bàn ký gửi lại ngân hàng tại Hà Nội, đó là lần ký gửi thứ hai. Đến năm 1991, cơ quan chức năng mới chuyển trái tim Bồ tát về lại TP HCM cất giữ trong NHNNVN tại đây. Sau đó, đại diện NHNNVN và cơ quan chức năng đã mời đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến tiếp nhận lại Pháp bảo này.

Hòa thượng Giác Toàn vẫn nhớ rõ bên nhận lại trái tim khi đó gồm các chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội như: Hòa thượng Thích Thiện Hào – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Từ Nhơn – Phó trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hòa thượng Thích Giác Toàn, khi đó là một Thượng tọa giữ chức vụ Ủy viên kiểm soát Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Phó ban trị sự Giáo hội Phật Giáo TP HCM. Phía môn đồ đệ tử Bồ tát Thích Quảng Đức thì có Trưởng Pháp tử là Hòa thượng Thích Thông Bửu. Các vị đại diện Giáo hội trên có trách nhiện đón nhận lại quả tim mà Ngân hàng và các cơ quan bàn giao lại.

Chân dung Hòa thượng Thích Quảng Đức

Đó cũng chính là lần đầu tiên mà Hòa thượng Giác Toàn tận mắt chứng kiến trái tim Pháp bảo. Theo Hòa thượng miêu tả lại thì trái tim Bồ tát được giữ bên trong một tháp đồng, cao khoảng 0,5 mét, rộng khoảng khoảng 0,3-0,4 mét. Trên tháp đồng vẫn còn nguyên niêm phong có chữ ký và khuôn dấu của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết và Hòa thượng Thích Từ Nhơn – hai đại diện đã đứng ra ký gửi trái tim vào ngân hàng năm 1963.

“Sau nhiều năm qua không ai dám mở tháp ra để xem trái tim thế nào! Thứ nhất bởi vì đó là một Pháp bảo linh thiêng của Phật giáo. Thứ hai là vì trái tim đó cũng là một vật thể của con người bằng xương bằng thịt. Sau 50 năm qua, chưa có nhà khoa học nào kiểm tra xem trái tim thế nào nên không ai mà dám mở. Vì theo thông thường thì một vật thể bình thường của con người sau từng ấy năm gặp gió là tan” – Hòa thượng Giác Toàn chia sẻ.

Tủ đựng các di bảo vật của Hòa thượng Quảng Đức tại Tổ đình Quán Thế Âm

Khi đó, đại diện NHNNVN cho biết đã cất giữ và bảo quản tốt trái tim kể từ sau ngày 30/04/1975 và nay muốn trao lại cho đại diện Phật giáo. Nhưng Hòa thượng Thích Giác Toàn cho biết là chư tôn đức giáo phẩm sau khi bàn bạc đã đi đến quyết định thống nhất là gửi trái tim lại cho NHNNVN bảo quản. Lý do chính là vì khi đó, Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có bảo tàng nào để bảo quản và tôn trí “trái tim bất diệt” cho tương xứng nên các hòa thượng không ai dám nhận về. Thế là các vị chư tôn đức giáo phẩm đã làm thủ tục ký gửi trái tim Bồ tát lại ngân hàng.

Đó là vào một buổi trưa những ngày cuối tháng 04 năm 1991, tại văn phòng làm việc của NHNNVN tại TP HCM. Đại diện bên gửi gồm có 3 vị là Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Từ Nhơn, Thượng tọa Thích Giác Toàn. Bên nhận gồm có ông Trịnh Thanh Tùng – Vụ phó Vụ phát hành kho quỹ NHNN, bà Trần Thị Kim Liên – Kế toán NHNN, ông Phạm Văn Hùng – Giám đốc Bảo tàng Cách mạng TP HCM, ông Bùi Văn Hàn – Cục phó Bộ Nội vụ, ông Đỗ Quốc Dân – Phó Ban Tôn giáo TP HCM.

“Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức là một bảo vật vô giá, chẳng những của Phật giáo Việt Nam mà là của Tổ quốc Việt Nam. Do tính chất đặc biệt thiêng liêng ấy nên nghi thức ký nhận và bàn giao gửi được tiến hành một cách rất nghiêm cẩn với các thành phần được quần chúng hoàn toàn đặt niềm tin” – Hòa thượng Giác Toàn cho biết. Văn bản ký gửi trái tim lần thứ 3 này mang số 03.BB.TG, hiện Trung ương Giáo hội vẫn còn đang giữ.

Thượng tọa Thích Giác Trí.

Khi biết được thông tin về nơi đang cất giữ trái tim bất diệt của Bồ tát Quảng Đức tại NHNNVN chi nhánh TP HCM từ các vị Hòa thượng, tôi đã liên hệ trực tiếp đến ngân hàng để xác nhận thông tin. Tuy nhiên, một kết quả hoàn toàn bất ngờ đã xảy ra, đại diện NHNNVN Chi nhánh TP HCM đã trả lời bằng công văn rằng sau khi tiến hành kiểm tra, rà soát kho quỹ và các chứng từ, tài liệu hiện đang lưu trữ thì cho thấy ngân hàng không lưu giữ bất kỳ hiện vật nào là “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức. Cũng như họ không lưu giữ bất kỳ tài liệu hay thông tin gì liên quan đến trái tim ấy… Thú thật, đó là một kết quả khiến chúng tôi quá bất ngờ và cảm thấy khá hụt hẫng khi nghĩ về một quá trình dài đi tìm hiểu về trái tim vừa qua!

Chúng tôi liên hệ lại với Hòa thượng Giác Toàn để báo tin này, Hòa thượng cũng lấy làm bất ngờ và hỏi lại tôi rằng: “Anh có chắc đến đúng địa chỉ NHNNVN tại số 19 Bến Chương Dương không?”. NHNNVN Chi nhánh TP HCM thì tôi đã đến đúng, nhưng “Số 19 Chương Dương” mà Hòa thượng nhắc lại là địa chỉ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)! Hòa thượng cho biết chỉ nhớ là số đó, đường đó, nhưng không chắc chắn vì sự việc xảy ra cũng khá lâu rồi. Ngay sau đó, Hòa thượng có hỏi lại một vài vị tôn túc lãnh đạo khác của Trung ương Giáo hội thì biết chắc chắn là trái tim đang được giữ ở NHNNVN Chi nhánh TP HCM.

Chùa Xá lợi, nơi nhục thân và trái tim của Hòa thượng Quảng Đức được lưu giữ

Sau đó, một mặt chúng tôi trực tiếp liên hệ và gửi công văn đến Ngân hàng Vietcombank để xác nhận về thông tin cất giữ trái tim Hòa thượng Thích Quảng Đức. Bởi theo chúng tôi tìm hiểu thì ngân hàng này được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/1963, tức trùng khớp với khoảng thời gian diễn ra sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Hơn thế, ngân hàng Vietcombank còn có tiền thân là Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên kết quả vẫn là không tìm thấy!

Song song đó, chúng tôi cũng đã liên hệ trực tiếp đến Trụ sở chính của NHNNVN tại Hà Nội. Đại diện ngân hàng, Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ có công văn xác nhận rằng: NHNNVN, Chi cục Phát hành và Kho quỹ tại TP HCM đang lưu giữ trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức!

Như vậy, cuối cùng thì chúng tôi cũng xác định được chính xác nhất về sự tồn tại và nơi cất giữ trái tim Bồ tát, dù yêu cầu về việc được tiếp cận quan sát trái tim đã không được chấp nhận. Đại diện NHNNVN cho biết ngân hàng chỉ là nơi giữ hộ về hiện vật, không có thông tin cũng như thẩm quyền cung cấp thông tin.