Trang chủ Diễn đàn Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia bị “gặm...

Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia bị “gặm nhấm”

88

Chùa phải thu mình vì lấn chiếm

Một ngôi chùa có kiến trúc – nghệ thuật độc đáo của Hà Nội được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ XVI đang kêu cứu vì bị lấn chiếm. Di tích hơn 300 năm tuổi – chùa Tư Khánh (còn gọi là chùa Vẽ) ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội đã không nguyên vẹn di tích cấp quốc gia còn bởi cách vào cuộc chậm đến khó hiểu của những cơ quan hữu trách, cho dù không ít người dân và nhà sư trụ trì ngôi chùa đã nhiều năm lên tiếng.

Năm 1993, chùa Tư Khánh đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành Quyết định 2015/QĐ-BT xếp hạng di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia và khoanh vùng bảo vệ. Người dân tự hào về ngôi chùa cổ kính bao nhiêu thì họ lại bức xúc bấy nhiêu vì những hành vi lấn chiếm đất nằm trong khuôn viên của chùa.

Cần phải nói thêm rằng, khi đã khoanh vùng bảo vệ di tích thì theo biên bản của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lập năm 2007, còn ghi nơi đây có gần chục hộ nằm trong khuôn viên bảo vệ chùa Tư Khánh. Ngoại trừ một trường hợp (gia đình ông Nhật) vì quá khó khăn về chỗ ở từ những năm 1960, nhà chùa sẵn lòng từ bi xếp chỗ cho gia đình ở cho đến ngày nay, còn lại nhiều trường hợp khác rất cần phải bố trí di dời đến nơi ở mới để trả lại khuôn viên của chùa nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng để kéo dài cho đến nay.

Biết là di tích cần bảo vệ nhưng hơn chục năm qua, ngôi chùa này liên tục bị gặm nhấm mất hàng trăm mét vuông đất từ nhiều phía. Điều đáng buồn là ngay cả khi chính quyền đã vào cuộc, phát hiện rõ trường hợp lấn chiếm đất chùa nhưng việc giải quyết cũng không đến nơi đến chốn.

Không gian cổng di tích chùa Tư Khánh bị thu hẹp vì nhà cao tầng.

Trong "Báo cáo và đề nghị" ngày 12/11/1994 của UBND xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm nêu: "Gia đình ông Lê Văn Thông và Lê Văn Vân đã tự ý làm nhà trên đất nội tự chùa Tư Khánh là di tích lịch sử quốc gia đã xếp hạng". Sau cuộc làm việc, gia đình ông Thông đã nhận ra vấn đề, UBND xã Đông Ngạc đã có văn bản đề nghị lên huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội cho chủ trương giải quyết theo hướng bố trí gia đình ông Thông đến chỗ ở mới, trả lại đất cho chùa. Nhưng chỉ đạo trên đến nay vẫn chìm trong im lặng!

Nhưng sự toàn vẹn của di tích không chỉ bị đe dọa bởi những hành vi lấn chiếm đất, mà còn ở việc phê duyệt kiến trúc xây dựng xung quanh sao cho không ảnh hưởng tới cảnh quan không gian kiến trúc của ngôi chùa.

Đại đức Thích Thanh Hùng – trụ trì chùa đã không ít lần cầu khẩn các cơ quan chức năng Hà Nội xem xét việc xây dựng nhà cao tầng của hộ dân nằm sát cổng chùa cạnh vành đai bảo vệ di tích. Đúng là đất của người dân đã được cấp sổ đỏ, việc xin phép xây dựng nhà ở và làm theo giấy phép là quyền của các gia đình. Nhưng đối với cơ quan quản lý đô thị, quản lý di tích văn hoá-lịch sử, nó liên quan ở chỗ: Phê duyệt thế nào để công trình đó không được ảnh hưởng tới những nội dung đã ghi trong quyết định để bảo vệ di tích.

Những vấn đề cần làm rõ

Việc cấp giấy phép xây dựng cho hộ bà Nguyễn Thị Ba (nằm ngay cổng chính di tích chùa Tư Khánh) có liên quan gì đến cảnh quan kiến trúc cổng chùa Tư Khánh?

Ông Đỗ Anh Tuấn – Trưởng phòng Xây dựng và đô thị huyện Từ Liêm cho biết: Lúc đầu hộ bà Nguyễn Thị Ba xây dựng chưa có phép. Sau khi lập biên bản đình chỉ thi công, bà Ba đã làm thủ tục xin cấp phép xây dựng nhà cao hai tầng một tum (9,64m) theo quy định. Nhưng vì mảnh đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho bà Ba nằm sát vành đai I bảo vệ di tích, nên UBND huyện Từ Liêm gửi Văn bản số 441/UB-XDĐT tới Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội đề nghị thẩm định thiết kế ngôi nhà đó, làm cơ sở cấp phép xây dựng vì liên quan đến di tích. 

Vấn đề rất đáng lưu tâm lại thuộc về nội dung Văn bản số 809/VHTT-QLDT ngày 31/5/2007 của Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội, phúc đáp đề nghị thẩm định thiết kế xây dựng ngôi nhà liên quan đến di tích cần bảo vệ của UBND huyện Từ Liêm.

Để bạn đọc sáng tỏ, chúng tôi xin trích nguyên văn Điều 2 Văn bản số 809/VHTT-QLDT do ông Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin ký như sau: "Hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng của gia đình bà Nguyễn Thị Ba với diện tích tầng 1: 86m2; tổng diện tích sàn: 172m2; 2 tầng chiều cao 9,64m có thể chấp thuận được. Tuy nhiên, vị trí xây dựng công trình liền kề với khu vực bảo vệ I  của di tích, yêu cầu phải điều chỉnh thiết kế không để hạng mục nhà vệ sinh ở vị trí như thể hiện tại bản vẽ".

Không biết dụng ý của quý Sở dùng cụm từ "có thể chấp thuận được" khi đề cập đến chiều cao công trình 9,64m là thế nào, chứ tận mắt chứng kiến ngôi nhà hoàn thành thì đúng là không gian khu vực cổng chùa đã bị thu hẹp và khoảng cách từ cổng chùa đến ngôi nhà chỉ là vài mét. Nói một cách thực tế, du khách đến đây khó có thể chọn vị trí nào đứng có thể chiêm ngưỡng được toàn bộ cổng chùa chứ chưa nói đến cảnh quan toàn thể di tích này. Cách trả lời chung chiêng như thế dường như không mất lòng ai, chỉ có điều để bảo vệ một cách trọn vẹn di tích trong đó có không gian cảnh quan chùa thì chưa thể.

Không gian nơi cổng chùa nay bị thu hẹp cũng có lý do từ việc buông lỏng công tác quản lý đất đai từ nhiều năm trước. Khi được huyện yêu cầu báo cáo nguồn gốc các thửa đất khu vực cổng chùa, UBND xã Đông Ngạc khẳng định việc xét và cấp sổ đỏ cho 147 hộ, trong đó có hộ nằm sát cổng chùa là đúng pháp luật, nhưng lại không lý giải được vì sao hộ trước đây được cấp 240m2, nay làm sổ đỏ diện tích đã phình ra trên 400m2. Còn nhà sư trụ trì chùa thì phân trần, dù thế nào nhà chùa cũng là một hộ liền kề vậy mà tại sao khi cấp sổ đỏ cho hộ kế bên nhà chùa không được biết?!

Hà Nội đang hướng tới kỷ niệm 1.000 năm với việc cố công xây dựng những công trình để đời. Không lẽ, dốc lòng xây dựng công trình kỷ niệm mới, mà lại thờ ơ với một di tích quốc gia hơn 300 tuổi như chùa Tư Khánh!

Cần trả lại đất cho chùa Tư Khánh

Thông tin "nóng" nhất liên quan đến diện tích đất di tích quốc gia chùa Tư Khánh bị xâm lấn, được ông Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc Nguyễn Văn Chiến đưa ra là: Xã đang lập hồ sơ đề nghị xử lý nghiêm hành vi giao đất trái thẩm quyền, đồng thời tổ chức thu hồi những thửa đất sử dụng trái phép, bảo vệ di tích. Biện pháp giành lại đất cho di tích trên 300 năm tuổi cần thực hiện, là vừa thu hồi những thửa đất bị lấn chiếm đồng thời tổ chức cho hộ dân đang ở trong chùa đến nơi ở mới.

Trả đất cho chùa, đề nghị mãi chưa xong!

Gia đình ông Nguyễn Văn Nhật hơn 40 năm qua ở trong đất chùa Tư Khánh nhưng không hề lấn chiếm, mà do nhà chùa tự nguyện cho gia đình ông Nhật đến ở. Năm 2005, sau thời gian dài chùa Tư Khánh được xếp hạng di tích quốc gia, xét thấy việc tiếp tục ở trong chùa trái với pháp luật bảo vệ di tích, mất tính tôn nghiêm, gia đình ông Nhật làm đơn gửi các cấp chính quyền xin được chuyển đến nơi ở mới. Đây rõ ràng là một nguyện vọng chính đáng, có sức lay chuyển đối với những hộ dân đến ở đất trong khuôn viên bảo vệ chùa nhưng bằng hành vi tự xâm lấn.

Thế nhưng hành trình lá đơn ấy cũng không thuận lợi, nó đi đến UBND xã Đông Ngạc, nhận được câu trả lời: UBND xã nhận thấy nguyện vọng của gia đình xin được di chuyển ra khỏi chùa là phù hợp với quy định của pháp luật, hoan nghênh ý thức chấp hành đó nhưng xã không đủ thẩm quyền cấp đất cho gia đình ông di chuyển… Nguyện vọng đó đồng thời gửi tới Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội, Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa – Thông tin… Cuối cùng trở về UBND huyện Từ Liêm, đề nghị UBND huyện xem xét giải quyết theo thẩm quyền…

Ai cũng biết, UBND huyện thì làm gì có thẩm quyền cấp đất. Nhưng với trách nhiệm của huyện, UBND huyện Từ Liêm báo cáo lên UBND thành phố xin chủ trương giải quyết rồi không biết vì lý do gì, nguyện vọng đó cũng đi vào im lặng! Với suy nghĩ, đã bảo vệ di tích thì không có lý do gì lại để tồn tại một hộ dân trong chùa cho dù đó không phải là người lấn chiếm, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với ông Nguyễn Kim Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm.

Ông Phó Chủ tịch huyện cho biết, trường hợp ông Nhật muốn xin đi nhưng xã, huyện đều không có thẩm quyền cấp đất ở mới cho gia đình ông cũng như những hộ khác. Huyện đã chỉ đạo xã Đông Ngạc thống kê, báo cáo thành phố về các hộ trong diện di dời để chờ thành phố cho chủ trương giải quyết, kể cả kinh phí phục vụ giải toả. Thật bất ngờ, trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc Nguyễn Văn Chiến, chúng tôi được biết gia đình ông Nhật đã nằm trong danh sách hơn 50 hộ được cấp đất giãn dân đợt này.

Sớm trả lại đất cho di tích

Trước phóng viên Báo CAND, ông Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc khẳng định: Xã đang làm thủ tục thu hồi thửa đất lấn chiếm khu vực cổng chùa Tư Khánh, cùng một số diện tích đất sử dụng trái phép thuộc khuôn viên di tích. Khu vực đang nóng chuyện xâm lấn hiện nay, theo ông Chủ tịch là ao rau xóm 4C Đông Ngạc. Tại đây, diện tích ao rộng chừng 700m2.

Với thời gian, không ít hộ đã xâm lấn nay cái ao đó đã trở thành một bãi rác khá lớn, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Mới đây, UBND xã cử đoàn cán bộ chức năng tổ chức kiểm tra, xác định lại mốc giới. Kết quả như ông Nguyễn Văn Chiến cho biết, thì nhiều hộ dân đã tự rời mốc giới mở rộng diện tích của gia đình họ, lấn vào diện tích ao chùa. Ở đây cũng xuất hiện một số trường hợp đưa ra lý do, rằng đã được hợp tác xã giao đất hoặc cho thuê đất, nên họ có quyền sử dụng.

Chính số diện tích được giao dạng này đang là vấn đề phức tạp liên quan đến việc xác định rõ mốc giới, lấy lại đất ao chùa. Nói về biện pháp xử lý, ông Chủ tịch xã Đông Ngạc trả lời ngay, theo Luật Đất đai năm 1993, hợp tác xã không có thẩm quyền giao đất của tập thể cho người dân, vì thế UBND xã Đông Ngạc đang chỉ đạo lập hồ sơ các trường hợp cấp đất trái thẩm quyền đề nghị cấp trên xử lý theo quy định.

Có một nguyên nhân dẫn tới việc không ít trường hợp lợi dụng nấn ná không chịu di dời khỏi khuôn viên bảo vệ chùa, là khi quy hoạch vùng bảo vệ di tích, sự phối hợp giữa ngành Văn hoá – Thông tin với chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ. Cụ thể là xác định vùng cần bảo vệ trên bản đồ nhưng lại thiếu cụ thể khi xác lập, bàn giao những mốc giới trên thực địa. Việc quy hoạch, công nhận di tích từ năm 1993, đã xác định rõ những khu vực cần di dời nhưng lại thiếu quyết liệt dẫn đến việc giải toả các trường hợp nằm trong vùng bảo vệ bây giờ gặp khó khăn.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng xâm lấn đất khu di tích chùa Tư Khánh, thì giữa ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương phải xác định rõ mốc giới quy hoạch vùng bảo vệ, trên cơ sở đó kiên quyết đưa ra khỏi khu vực di tích những trường hợp lấn chiếm đất, đồng thời bố trí tái định cư cho các hộ dân theo đúng chế độ chính sách. Dư luận đang chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm và TP Hà Nội