Trang chủ Bài nổi bật Di sản văn hóa Phật giáo trong xã hội đương đại Việt...

Di sản văn hóa Phật giáo trong xã hội đương đại Việt Nam

Ở bài này, chúng tôi thử lý giải xem Phật giáo có những đóng góp gì giúp Việt Nam có thể làm nên kỳ tích biến những điều tưởng như không thể thành có thể như hai câu hỏi nêu trên.

1060

1. Lời mở đầu

Thực tế lịch sử cho thấy, văn hóa Phật giáo là văn hóa giàu tính nhân văn, bác ái, vị tha và hướng thiện. Lý tưởng của Phật giáo là giúp con người thoát khổ, giáo dục tình thương yêu giữa con người với con người, giữa con người và môi trường thiên nhiên. Các nhà khoa học khẳng định, sự truờng tồn của Phật giáo trong hơn 25 thế kỷ qua được kết tinh lại không chỉ ở các triết lý và giáo lý cao siêu của nó mà còn hiển lộ ra ở sự vĩnh hằng của những giá trị nhân văn mang tính toàn nhân loại, và được hội tụ trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo.

Ở Việt Nam, có hai câu hỏi đã nhiều năm chưa được giải đáp một cách đầy đủ và có sức thuyết phục, là:

– Vì sao trải qua hơn một ngàn năm dưới ách đô hộ của ngoại bang, Việt Nam chẳng những không bị đồng hóa về mặt văn hóa, ngược lại, còn có khả năng tiếp biến văn hóa, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc để tìm lại được sự thăng hoa và phát triển văn hóa ở thời kỳ độc lập tự chủ, Lý – Trần , thế kỷ X – XIV;

– Tại sao một nước nhỏ, dân không đông, kinh tế chưa phát triển lại có thể đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược hùng mạnh vào bậc nhất trên thế giới, bảo vệ được nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ hàng ngàn năm qua;

Ở bài này, chúng tôi thử lý giải xem Phật giáo có những đóng góp gì giúp Việt Nam có thể làm nên kỳ tích biến những điều tưởng như không thể thành có thể như hai câu hỏi nêu trên.

2. Văn hóa Phật giáo là một thành tố kiến tạo nên văn hóa dân tộc

Cố GS. Trần Quốc Vượng – một học giả nổi tiếng của Việt Nam đã trình bày quan điểm về văn hóa tôn giáo trên Nguyệt san Công giáo dân tộc, số 1/1989. Theo ông, “Ở trung tâm mỗi tôn giáo lớn đều có hạt nhân triết học, đều có chủ nghĩa nhân đạo – thành tựu văn hóa lớn nhất của loài người. Cái “từ bi” của nhà Phật, cái “bác ái” của Chúa Kitô, cái nhân nghĩa của Khổng Nho là hạt ngọc văn hóa, tôi thấy thế này: Xét theo quan điểm lịch sử phát sinh và trưởng thành, tôn giáo vừa là sản phẩm của văn hóa, vừa là thành phần hữu cơ, một nhân tố cấu thành văn hóa”.

Theo cách tiếp cận như vậy, chúng ta có thể tạm phác ra một vài đặc điểm của Phật giáo ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, Phật giáo vừa là tôn giáo, vừa là hệ tư tưởng và vừa là văn hóa, đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội của Việt Nam hàng ngàn năm qua. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, năm 2006, ở Việt Nam có gần 10 triệu tín đồ Phật giáo. Còn theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y Tam bảo, có 839 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.498 tăng ni, hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường…[1]

Du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, Phật giáo tồn tại chủ yếu ở cấp độ tâm lý và văn hóa tôn giáo nhiều hơn là một hệ thống nghiêm ngặt những giới luật và thiết chế. Đại đa số người dân không thuộc kinh Phật ngoài mấy câu “Nam mô A Di Đà Phật” hay “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát”, song họ đều cảm thấy rất mãn nguyện, hướng tới Phật với niềm tin sâu sắc rằng mọi khổ đau, bất trắc sẽ được diệt trừ. Điều này đã được cố GS. Trần Văn Giàu khẳng định, “Phật giáo phổ biến trong đại đã số nhân dân. Người dân không biết gì về triết lý cao xa của Phật mà chỉ biết cầu phúc, chỉ biết chuyện quả báo, luân hồi. Từ lâu, triết lý Phật giáo trở thành một thứ đạo đức học từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, là hạt nhân, chúng sinh có thể hiểu và làm được, không cao xa, rắc rối như triết lý Phật giáo nguyên thủy. Tu thân, tích đức ở kiếp này để an vui, hưởng phúc ở kiếp sau”[2].

Thứ hai, Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã ít nhiều được bản địa hóa. Phật giáo đã hòa quyện với tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo khác, cùng với văn hóa bản địa kiến tạo nên một nền văn hóa, sinh hoạt tôn giáo đa dạng. Sự giao thoa giữa tôn giáo ngoại sinh và tín ngưỡng bản địa đã phản ánh quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, trong đó, tính dân tộc và tính quốc tế luôn có sự đan xen lẫn nhau.

Thứ ba, Phật giáo về cơ bản có khuynh hướng “chung sống hòa bình” với các tôn giáo khác. Ở Việt Nam, hiện tượng hỗn dung tôn giáo (Nho – Phật – Lão) được các nhà khoa học khằng định là một đặc trưng nổi bật của văn hóa nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng. Khi Kitô giáo, Tin lành và Hồi giáo xuất hiện, thì các tôn giáo ở Việt Nam vẫn cùng song song tồn tại trong hòa bình, có chung một mục đich lớn là góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Thứ tư, Việt Nam chắt lọc từ triết lý Phật giáo những yếu tố thích hợp với điều kiện lịch sử – xã hội của đất nước để tạo lập tinh hoa văn hóa dân tộc, Khi nghiên cứu Mâu Tử, GS. Lê Mạnh Thát đã nhận xét: “Triết lý Phật giáo được nhìn nhận như một “con đường”, ở nhà có thể dùng thờ cha mẹ, làm chủ nước có thể dùng trị dân, đứng một mình có thể dùng để sửa thân”. [3]

Văn hóa đạo đức của Phật giáo góp phần làm nảy sinh và khích lệ thái độ yêu thương đồng loại và niềm kiêu hãnh của con người, khiến chúng ta quan tâm nhiều hơn đến hạnh phúc của người khác, trong phạm vi gia đình, cộng đồng xã hội và xa hơn nữa là cả nhân loại. Từ bi và trí tuệ trong Phật giáo đã trở thành chất liệu nuôi dưỡng, giúp cho tâm Phật tử an lạc và hạnh phúc, vì thế, nó có khả năng kết nối lòng người và đoàn kết xã hội.

Đức tin là một trong những giá trị tinh thần quý báu nhất mà đạo Phật đem lại cho người Việt Nam. Theo GS. Minh Chi “Đạo Phật là tôn giáo của niềm tin nhưng không phải là niềm tin ở Thượng Đế mà là niềm tin ở con người, ở lý trí của con người biết phán xét phải trái, ở trái tim của con người biết yêu thương đồng loại, ở ý chí của con người vươn tới cái tối thiện[4]. Đức tin đó củng cố tinh thần độc lập, tự cường của người Việt Nam, không chịu khuất phục cường quyền, sẵn sáng hy sinh cho nền độc lập, tự chủ của đất nước, vì chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

Thứ năm, với khả năng “gắn đạo với đời”, “đồng hành cùng dân tộc”, Phật giáo đã có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhiều tu sĩ đã bỏ áo cà sa, sẵn sàng nhập thế, cầm vũ khí cùng quân dân cả nước đánh giặc bảo vệ tổ quốc. Ở một số thời kỳ lịch sử, Phật giáo đã phát huy ảnh hưởng như “nguồn năng lượng” thúc đẩy sự phát triển, thậm chí còn chi phối tư tưởng và học thuật, văn học, nghệ thuật của đất nước như dưới các triều đại Lý – Trần, thế kỷ X – XIV.

Từ những đặc trưng văn hóa nêu trên, có thể khẳng định, trong lịch sử hàng ngàn năm du nhập vào Việt Nam, văn hóa Phật giáo đã bắt rễ sâu vào văn hóa dân tộc và có vai trò to lớn trong việc liên kết lòng người, đoàn kết quốc gia, là thứ “màng lọc” hữu hiệu chống đồng hóa văn hóa và bảo lưu  bản sắc và đa dạng văn hóa của Việt Nam. Và cũng có thể coi đó là một trong những căn cứ khoa học quan trọng để góp phần lý giải hai câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết này.

3. Di sản văn hóa Phật giáo ở Việt Nam

Có thể khẳng định, Phật giáo đã để lại dấu ấn sâu đậm trong “văn minh vật chất và văn minh tinh thần” của dân tộc. Chúng ta cũng thấy rõ, trong Phật giáo có sự dung hội giữa tâm hồn Việt Nam và giáo lý căn bản của đạo Phật. Sự hòa đồng đó sâu đậm đến mức, với tâm hồn Việt, Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn được coi là lối sống, đạo đức, “thứ năng lượng nuôi sống tâm hồn con người”. Trong tâm thức người Việt Nam, Đức Phật hiển hiện như con người chứ không phải thượng đế hay thần linh. Ở Việt Nam, Đức Phật đồng thời được tôn kính như một vị giáo chủ, người thày tâm linh và người thày đạo đức vĩ đại. Đạo Phật khẳng định khả năng con người dựa trên nghị lực của bản thân để đạt tới chân lý và giác ngộ, và vì thế, văn hóa Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

3.1. Di sản văn hóa vật thể

Nhìn từ góc độ kiến trúc nghệ thuật Phật giáo, ta thấy nhiều ngôi chùa xứng đáng được tôn vinh với tư cách là các di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu và những “bảo tàng nghệ thuật điêu khắc” sống động. Người Việt Nam thường nói: “Mái chùa che chở hồn dân tộc”. Điều đó chúng tỏ Phật có vai trò quan trọng và gần gũi với người dân đất Việt đến chừng nào. Trong mỗi ngôi chùa có một Phật điện với hệ thống tượng Phật, Bồ tát mà mỗi pho tượng là một tác phẩm điêu khắc gỗ hoàn chỉnh, được sắp xếp theo một trật tự nhằm chuyển tải lịch sử tư tưởng, giáo lý Phật giáo. Theo đó, đứng trước Phật điện, mọi Phật tử đều có thể cùng một lúc chiêm bái và tiếp nhận nhiều tri thức Phật giáo. Không gian văn hóa của chùa Phật khá chuẩn mực, mang tính hệ thống và tổng hợp, gắn bó hữu cơ giữa kiến trúc, điêu khắc, hội họa và cảnh quan thiên nhiên (Tam quan, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, gác chuông, điện Mẫu…). Ví dụ, chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội là một quần thể gồm 3 nếp nhà song song: Bái đường, chính điện và hậu cung. Trong đó, Phật điện có tới 72 pho tượng Phật rất đặc sắc. Có thể coi đây là một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc tượng Phật của Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2012, có 788 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia trên tổng số 3.374 di tích của cả nước.

3.2. Di sản văn hóa phi vật thể

Có thể nói, văn hóa đạo đức là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Phật giáo. Từ, bi, hỉ, xả trong Phật giáo là “liều thuốc” làm trong sáng hơn đời sống tinh thần, trong đó có đời sống tâm linh của Phật tử trước áp lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cũng như sự cạnh tranh quyết liệt vì lợi nhuận trong kinh tế thị trường. GS. Hoàng Như Mai nhận xét: “Nếu những giới luật của đạo Phật mà được thấm nhuần một phần nào vào nhân loại thì xã hội sẽ giảm đi biết bao nhiêu tội ác và cuộc sống sẽ hướng thiện, thuận hòa hơn”. [5]

Với tư tưởng khoan dung, hòa bình, khuyến thiện, ngừa ác, văn hóa đạo đức Phật giáo sẽ góp phần thức tỉnh lương tri con người,  làm cho con người được sống trong hòa bình, nhân ái, chủ động phòng ngừa cái ác và hiểm họa chiến tranh hạt nhân cũng như khủng bố quốc tế và xung đột sắc tộc, tôn giáo. Trong một quốc gia, khát vọng sống yên bình trên một đất nước thành bình chỉ được hiện thực hóa khi đời sống được xây dựng trên nền tảng đạo đức “vô ngã, vị tha”, để từng cá nhân trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm của xã hội.

Chúng ta có thể nhận thấy, điểm nổi trội và thuyết phục trong văn hóa Phật giáo Việt Nam ở các khía cạnh sau:

– Không chấp nhận một đấng tối cao toàn năng;

– Không chấp nhận giáo điều, niềm tin mù quáng;

– Không thiên về giáo lý mà khuyến khích con người hành động.

Đạo Phật giáo dục và khuyến khích lối sống đạo đức theo hướng từ – bi – hỉ – xả, với mô thức vận hành mềm dẻo là:

– Giới luật Phật giáo – không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không rượu chè, cờ bạc, nghiện hút…;

– Giữ giới luật Phật giáo là thực hành đạo đức, là điều kiện để có tự do, tự tại trong Thiền – Định – Tuệ, giữ cho tâm tĩnh lặng, tìm lại sự cân bằng về tâm lý và sự an lạc cho bản thân mình;

– Làm từ thiện, dâng hiến tình thương một cách thầm lặng, không vì danh lợi trên nguyên lý “vô ngã vị tha”.

Nội dung, mục tiêu và phương pháp giáo dục đạo đức của Phật giáo là nhằm giúp con người đạt được những kết quả quan trọng là “đạo đức hơn. Có khả năng hơn và hạnh phúc hơn”[6]. NHờ thế, văn hóa Phật giáo có khả năng điều chỉnh hành vi, hướng dẫn hành động của Phật tử, góp phần tạo lập môi trường xã hội lành mạnh, phục vụ cho phát triển bền vững.

Lễ hội Phật giáo/hội chùa là một thành tố văn hóa mang giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Phật giáo (mà tiêu biểu nhất là lễ Phật đản, lế Vu lan và hội xuân tổ chức tại các ngôi chùa thờ Phật) được vận hành như sau:

– Để thực hành lễ hội, người ta đã sáng tạo và duy trì một thiết chế văn hóa đặc thù là ngôi chùa thờ Phật – không gian văn hóa – tâm linh có ý nghĩa lớn trong đời sống của Phật tử.

– Để duy trì hạt nhân tâm linh (Đức Phật và các vị Bồ Tát) cũng như củng cố niềm tin thành kính vào Đức Phật, người ta sáng tạo ra các nghi thức, nghi lễ và lễ hội/ các giá trị văn hóa phi vật thể.

– Ngược lại, các nghi thức, nghi lễ thiêng liên cũng như lễ hội Phật giáo tạo ra sức hấp dẫn, thu hút các Phật tử đến với ngôi chùa thờ Phật và tham gia các lễ hội Phật giáo, tu tập, học hỏi giáo lý, thực hành Phật sự và phát triển đời sống tâm linh. Tại Việt Nam, có hai lễ hội Phật giáo hấp dẫn nhất là: hội chùa Hương ở thành phố Hà Nội và hội chùa Yên Tử ở tỉnh Quảng Ninh (trung tâm Thiền phái Trúc Lâm). Đây là hai lễ hội xuân có ảnh hưởng lan tỏa ra những vùng rộng lớn trong cả nước, kéo dài hàng tháng, thu hút hàng triệu Phật tử và du khách tới thăm.

3.3. Các vị thiền sư nổi tiếng với tư tưởng nhân văn và tấm gương đạo đức là di sản văn hóa Phật giáo quý giá của Việt Nam

Trước hết, cần khẳng định, kho tàng kinh điển Phật giáo là di sản văn hóa phi vật thể quý giá, có khả năng giáo dục con người loại trừ nguyên nhân gây ra  đau khổ, và nhờ đó mà được sống an vui, hạnh phúc.

Hệ thống giáo dục và đào tạo của Phật giáo đã sản sinh ra nhiều vị Tổ sư, cao tăng, là những vị thực tu, thực chứng, có kiến giải sâu sắc, có tầm nhìn thấu thị nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Do vậy, lời nói, câu chữ viết thành văn, các tác phẩm nghiên cứu Phật học của họ đều sâu sắc và có tầm ảnh hướng lớn, điều chỉnh, hướng dẫn hành động cho các Phật tử. Tiêu biểu nhất phải kể đến Đệ nhất Phật hoàng Trần Nhân Tông – người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam. Với tinh thần “nhập thế” phản ánh rất rõ trong tác phẩm “Cư trần lạc đạo” của ngài, đã góp phần to lớn tạo nên sức mạnh Đại Việt, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc để đánh thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước ở thế kỷ XIII. Tinh thần nhập thế từ đó đã trở thành phương châm hành động của Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp và dân tộc”, “tốt đời, đẹp đạo”, và Phật giáo Việt Nam thực sự là một tôn giáo “có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc” từ lâu đời.

Có thể nói, các vị thiền sư, cao tăng luôn có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, Vào thời kỳ phong kiến tự chủ, “các nhà sư là những người có học, họ thuộc tầng lớp trí thức, có ý thức về quốc gia dân tộc, sống gần gũi với nhân dân lao động. Họ là đại diện cho tinh thần dân tộc”[7]. Xin dẫn ra đây 3 vị thiền sư đã từng có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Việt Nam là: thiền sư Pháp Thuận (914 – 990), thiền sư Khuông Việt (933 – 1011) và thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1025) – người có nhiều đóng góp trong việc mở ra triều đại nhà Lý, một trong những triều đại nổi bật trong lịch sử Việt Nam.

Giai thoại kể lại rằng, khi được vua Lê Đại Hành (941 – 1005) tham vấn về kế sách giữ nước, thiền sư Pháp Thuận đã khuyên, với đại ý là: nếu cả nước gắn bó, đoàn kết với nhau chặt chẽ như dây mây quấn thì nước Nam sẽ thái bình. Đó cũng là chân lý và triết lý sống của người Việt Nam. Một nước nhỏ, dân không đông, nhưng nếu biết liên kết với nhau thành một khối, thì có thể tạo thành sức mạnh vô địch mà kẻ thù xâm lược dù có hùng mạnh đến đâu cũng không làm gì được. Khối đoàn kết đó trước tiên phải được xây dựng trên cơ sở đức tin – tình thương – trí tuệ theo tinh thần của Phật giáo.

Từ những phân tích ở trên, ta thấy, di sản văn hóa phi vật thể của Phật giáo hàm chứa các giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật mà hạt nhân chính là: Đức tin – Tình thương – Trí tuệ. Đó cũng là giá trị văn hóa phi vật thể tốt đẹp nhất mà Phật giáo đã cống hiến cho Việt Nam và thế giới.

Cuối cùng, để khẳng định vai trò của Phật giáo nói chung và di sản văn hóa Phật giáo nói riêng trong xã hội đương đại Việt Nam, chúng tôi xin trích dẫn ở đây lời phát biểu của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam – Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tại Hà Nội: “Việt Nam là đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm, từ 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bì, hỉ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời, hộ quốc an dân”. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết còn nhấn mạnh “VESAK 2008 được tổ chức ở Việt nam là sự khẳng định, Nhà nước  Việt Nam tôn trọng và ủng hộ quyết định đúng đắn của Liên hợp quốc chọn ngày này là ngày văn hóa tôn giáo thế giới, luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có đạo Phật”./.

[1] Theo sách trắng: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, xuất bản năm 2006 và http//ww.giacngo.vn

[2] Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học – xã hội, Hà Nội, 1980, tr.145

[3] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu Mâu Tử, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh, Sài Gòn 1982, tr. 511

[4] GS. Minh Chi, Giáo dục Phật giáo đối diện với những vấn đề hiện tại, in trong sách Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại nhiều tác giả), Nxb T. Hồ Chí Minh, 2005, tr.97

[5] GS. Hoàng Như Mai, Giáo dục Phật giáo trong giai đoạn hiện tại, Sđ, tr. 79

[6] Hòa thượng Thích Chơn Quang, Các mối quan hệ hữu cơ trong vấn đề giáo dục Phật giáo, Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr.216.

[7] Nguyễn Lang, Việt nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000, tr.185


PGS.TS Đặng Văn Bài

Theo Vanhien.vn