Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Di sản tư liệu mộc bản Phật giáo tại Huế đối mặt...

Di sản tư liệu mộc bản Phật giáo tại Huế đối mặt nhiều nguy cơ

323
Thượng tọa Thích Không Nhiên giới thiệu về mộc bản Phật giáo hiện còn lưu giữ ở chùa Hải Đức, TP Huế

Mộc bản Phật giáo tại Huế hiện còn được lưu giữ khá đồ sộ, với đa dạng các loại hình không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa và còn có giá trị nghệ thuật độc đáo.


Thừa Thiên Huế được mệnh danh là xứ sở của Phật giáo với cả nghìn ngôi chùa, trong đó có nhiều cổ tự nổi tiếng từ thời các chúa Nguyễn, vua Nguyễn. Cũng vì thế, nhiều ngôi chùa tại đây hiện còn lưu giữ và bảo quản một lượng lớn mộc bản Phật giáo. Qua khảo sát của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, đã có 2.933 bản khắc đang được lưu giữ tại 13 ngôi chùa và các từ đường họ tộc, như ở chùa Thiên Mụ, Từ Đàm, Báo Quốc, Bảo Lâm, Từ Hiếu, Giác Lâm, Hải Đức, từ đường Đào Lý Phương Viên của họ Đặng… Mộc bản Phật giáo tại Huế có tuổi đời hàng trăm năm, trong đó có bản khắc Kim Cang kinh từ năm Chính Hòa 19 (1698) do chúa Nguyễn Phúc Chu chủ trì khắc bản, được xem là mộc bản cổ nhất còn tồn tại của xứ Đàng Trong; hay mộc bản Tam kiếp tam thiên tôn Phật danh kinh với số 48 ván khắc, được khắc vào năm Cảnh Hưng 33 (1772)…

Nội dung của mộc bản Phật giáo ở Huế khá phong phú, gồm các bộ kinh, luật, luận, khoa nghi, trước tác, phái điệp quy y, tranh đồ họa cổ…, chính vì vậy được xem là di sản tư liệu quý và luôn được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu xã hội, nhân văn, ngôn ngữ, thư tịch cổ và lịch sử Phật giáo. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, Huế đã giữ được những mộc bản Phật giáo sớm nhất và liên tục. Mộc bản Phật giáo ở Huế đã chuyển tải được những giá trị về văn hóa lịch sử, ngôn ngữ, mỹ thuật… Với những bản khắc không chỉ có kinh và sách, mà còn cả trước tác, tranh nghệ thuật minh họa trong kinh sách, tất cả điều đó đã thoát ra khỏi nội hàm Phật giáo. Về số lượng lẫn chất lượng và tính quảng bá, phổ cập trong các tầng lớp xã hội, cũng như từ trong cung đình ra tới dân gian thì di sản mộc bản Phật giáo là một trong những di sản quan trọng bậc nhất, có giá trị nhiều mặt.

 Toàn bộ 1.319 bản khắc ở chùa Từ Đàm đã được thống kê, phân loại và đưa đến lưu trữ, bảo quản tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

“Mộc bản Phật giáo tại Huế là nguồn tư liệu quý để nhiều ngành khác tham khảo. Tuy nhiên với thời gian tồn tại hàng trăm năm, nhiều mộc bản đang đứng trước nguy cơ bị hư hại, mất mát nếu không được bảo quản đúng kỹ thuật. Do đó, để gìn giữ kho di sản này, không chỉ cần “tấm lòng” mà còn cần sự chung tay của những người có trách nhiệm, chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn…”, ông Thông nhấn mạnh. Chùa Từ Đàm là ngôi chùa tại Huế lưu giữ nhiều nhất về mộc bản Phật giáo, có 828 tấm ván với 1.319 mặt khắc. Do số lượng mộc bản quá nhiều nên nhà chùa phải sắp xếp và lưu giữ ở một căn phòng phía dưới tầng hầm và thường xuyên phải thắp sáng điện để duy trì nhiệt độ phù hợp. Song thời tiết khắc nghiệt của xứ Huế nên cách bảo quản này không đạt hiệu quả lâu dài, đã có nhiều mộc bản bị hư hại và đối diện với nguy cơ mục nát. Để đảm bảo an toàn cho “tài sản” này, chùa Từ Đàm đã chuyển toàn bộ số mộc bản nói trên đến Học viện Phật giáo tại Huế để bảo quản, lưu giữ hiệu quả hơn.

Thượng tọa Thích Không Nhiên, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang tiến hành xây dựng Trung tâm lưu trữ di sản văn hóa Phật giáo tại cơ sở 1 của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (xã Thủy Bằng, TP Huế). Đây sẽ là trung tâm bảo quản và lưu giữ đạt chuẩn không chỉ với hệ thống mộc bản Phật giáo hiện có, mà còn lưu giữ các di sản Phật giáo khác như: tượng Phật cổ, Pháp y… Trong đó có không gian trưng bày, giới thiệu đến các tăng, ni, phật tử, các nhà nghiên cứu và cộng đồng về “đời sống” của mộc bản Phật giáo Huế”. Cũng theo Thượng tọa Thích Không Nhiên, “mộc bản Phật giáo Huế là một di sản tư liệu có giá trị không chỉ đối với Phật giáo mà còn là phần không thể tách rời trong dòng chảy văn hóa dân tộc, liên quan đến văn học, sử học, ngôn ngữ học của xứ Đàng Trong và của Huế qua các thời kỳ lịch sử. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ in ấn, nhiều mộc bản đã không sử dụng trực tiếp nhưng một số mộc bản về mặt tâm linh vẫn được sử dụng như một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng dân gian. Bởi vậy, việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản mộc bản không chỉ là của Phật giáo mà cần có sự chung tay của các tổ chức xã hội, cơ quan chuyên môn”.

 SƠN THÙY/VĂN HÓA