Ngược lại, vào mùa lễ hội kéo dài hết mùa xuân hàng năm, lại có trăm đôi chân dẻo dai khác không hề bước lên cáp treo, mà hàng ngày họ leo bộ lên những bậc cấp, trong đó có những đoạn đường rất cheo leo, là những hòn đá trơn trợt bám vào nhau để kiếm sống bằng nghề săn lùng hái lượm để bán đủ thứ cho khách hành hương. Đối với họ, cánh rừng trúc Yên Tử bạt ngàn và hiểm nguy kia là miếng cơm manh áo. Đó là những người hái măng và bán măng trên Yên Tử. Bên cạnh đó, trong cánh rừng bạt ngàn Yên Tử còn rất nhiều cây cỏ dược liệu, những cây cỏ này cũng được những người khai thác hái, dào… đem ra bán phục vụ khách du lịch. Trong cuộc hành trình đến Yên Tử, việc mua măng trúc hay nhiều thứ khác cũng là cái thú của người hành hương.
Chỉ cần bước chân vào con đường vào suối Giải Oan là đã gặp những người bán măng. Những người bán măng ngồi, đứng đủ kiểu mời chào khách mua măng. Loại măng trúc rất bé, để hái được chúng để bày bán giữa một lượng hàng trăm người chen lên núi, len vào những triền dốc thì thấy những người bán măng đã phải gian khó như thế nào để có vài ký măng đẻ bán cho cho du khách. Nhưng nếu đã từng đi Yên Tử thì không ai mua măng khi vừa bắt đàu cuộc hành trình, vì đó chỉ mới là bước chân khởi đầu cho một cuộc hành trình đến cõi thiền gian nan, dẫu rằng đến thời điểm này đã có hai hệ thống cáp treo hỗ trợ, để khách hành hương giảm bước chân đi của mình.
Những người bán măng và bán nhiều loại khác như khoai mài, các loại lá thuốc,rễ cây, nấm linh chi và nhiều cây cỏ hái từ trong rừng Yên Tử ,bắt đầu bày bán từ mờ sáng, khi có người khách đầu tiên chạm đến miền đất thiêng này. Ngạc nhiên hơn khi lên tới tận con đường đày gian nan để chạm gặp chùa Đồng, trong mây vờn và không khí lạnh buốt cũng bắt gặp cả mấy chục người bất kể trắc trở, bày hàng trên các gộp đá, mời chào khách mua. Có thể nói là mổi người bán hàng trên đỉnh núi cao vời vợi của đỉnh Yên Tử cũng đã trở thành một vị bác sĩ khi họ chỉ định rành rọt các loại cây cỏ có công dụng chữa bênh cho khách hành hương.
Măng trúc Yên Tử có thể được coi như là một đặc sản trong cuộc hành trình dừng chân Yên Tử. Có người tin rằng mua măng ở độ cao 1600 mét sẽ ngon hơn mua măng dưới chân núi. Những người bán măng cũng sẳn sàng mang măng đi theo khách nếu mua số nhiều để đem đến tận cáp treo. Giá bán có khi bằng ký, nhưng thịnh nhất là bỏ trong bao bì với giá 10 ngàn đến 20 ngàn đồng một bao. Để có được một lượng măng vài trăm ký mổi ngày hoặc có khi hơn phục vụ du khách, những người hái măng lùng sục khắp rừng bằng sức mình. Có người ở lại cả tuần lễ, và họ quen đường xá núi rừng ở đây như ở nhà. Mổi mùa lễ hội, có người kiếm cả chục triệu nhờ việc khai thác rừng trúc Yên Tử và các loại cây thuốc , củ quí trong rừng.
Tôi đã ăn thử loại măng trúc Yên Tử. Măng luộc lên chấm với muối mè có hương vị riêng, khác với măng trong rừng khác. Măng Yên Tử cũng đã thoát khỏi rừng và trở thành đặc sản của nhiều nhà hàng qaunh vùng. Măng đã được chế biến thành măng ngâm chua trong lọ cho khách tỉnh xa mua về làm quà. Một người buôn bán lý luận rằng nếu không khai thác măng thì rừng trúc Yên Tử khó phát triển. Còn những người quản lý thì không thể ngăn chặn lực lượng cả vài trăm người vào rừng Yên Tử, đủ mọi cách đào xới tìm măng và cây dược liệu. Du khách lại thích thú với đặc sản Yên Tử trong cuộc hành hương của mình..Vì thế, trên con đường cao vòi lên núi Yên Tử đã trở thành con đường buôn bán cỏ cây.
Theo: Chu du 24