Trang chủ Tin tức DI LẶC CHƠN DI LẶC

DI LẶC CHƠN DI LẶC

767

 

“Di Lặc Chơn Di Lặc,
Hóa thân thiên bách ức,
Thời thời thị thời nhơn,
Thời nhơn giai bất thức “.

Kính mừng Khánh đản  đức Di Lặc Từ Thị tôn Phật. Đúng vào ngày mùng một Tết, Ngài xuất hiện giữa mùa xuân của thế nhân::

“Bụng to, má núng đồng tiền
Vây quanh sáu trẻ ngửa nghiêng reo hò”

“Mỗi năm bắt đầu từ mùa Xuân.” hay “Thiên hữu tứ thời Xuân tại thủ”. Mùa Xuân là mùa muôn hoa đua nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật hồi sinh, lòng người phơi phới hân hoan đón mừng Xuân mới. Đối với người con Phật, hơn ai hết, đón mừng Năm mới, “Mừng Xuân Di Lặc” với một niềm hỷ lạc vô biên.

Di Lặc (彌勒) là phiên âm, còn dịch nghĩa là Từ Thị (慈氏), “người có lòng từ”, cũng có thuyết cho rằng Ngài có tên là Vô Năng Thắng (無能勝), phiên âm Hán-Việt là A-dật-đa. Di Lặc là một vị Bồ Tát và cũng là vị Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trên Trái Đất.

Theo truyền thuyết và kinh điển Phật giáo, Di Lặc là vị Bồ tát sẽ xuất hiện trên Trái Đất, đạt được giác ngộ hoàn toàn, giảng dạy Phật Pháp, giáo hóa chúng sinh, và chứng ngộ thành Phật.

Phật Di Lặc sẽ là vị Phật kế thừa Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Cõi giáo hóa của Bồ Tát hiện nay là cung trời Đâu-suất.. Bồ Tát Di-lặc được tiên tri sẽ giáng sinh trong khoảng 30.000 năm nữa theo năm cõi trời Đâu-suất, từc khoảng 5 tỉ 760 triệu năm nữa theo năm Trái Đất, khi Pháp đã bị lãng quên trên cõi Diêm phù đề.

Sự tích về Phật Di Lặc được tìm thấy trong các tài liệu kinh điển của tất cả các tông phái Phật giáo (Nguyên thủy, Đại thừa, Kim cương thừa), và được chấp nhận bởi hầu hết các Phật tử như là một sự kiện sẽ diễn ra khi Pháp đã bị lãng quên trên Trái Đất.

Tên Từ Thị (Maitreya tiếng Phạn, hay Metteyya tiếng Pāli) xuất phát từ truyền thuyết: vì muốn giáo hóa chúng sinh nên từ lúc mới phát tâm, Ngài đã không ăn thịt chúng sinh. Còn theo Đại Nhật Kinh Sớ, Từ Thị nghĩa là chủng tánh từ bi, gồm hai chữ: Từ (慈)trong Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) của Phật, Thị (氏) là chủng, họ, tộc, do lòng Từ đó sinh ra từ chủng tánh Như Lai, có năng lực làm cho tất cả thế gian không đoạn dứt Phật chủng.

Nói về tương lai của đức Di Lặc thì trong Kinh Di Lặc Hạ Sinh chép rằng: ” hiện nay đức Di Lặc là một trong bốn vị Bổn Xứ Bồ Tát đang ở nội viên cung trời đẩu xuất, đợi đến khi thế giới này hết kiếp giảm thứ chín, đến kiếp tăng thứ mười, lúc ấy Ngài sẽ hóa thân xuống cõi trần này trong nhà của một vị Bà La Môn tên là Tu Phạm Na.  Thân mẫu của Ngài tên là Phạm Na Bạt đề.  Khi sinh ra Ngài có nhiều tướng tốt, đức hạnh vẹn toàn, thông minh quán chúng, lớn lên Ngài xuất gia tu hành, đến núi Kê Túc để nhận lãnh Y Bát của đức Phật Thánh Ca, do Tổ Ma Ha Ca Diếp trao lại.  Rồi Ngài đến ngồi dưới gốc cây Long Hoa dùng Kim Cang trí trừ sạch vô minh, chứng đắc Vô Thượng Bồ đề.  Ngài bắt đầu thuyết pháp tại Giảng đường Hoa Lâm dưới cây Long Hoa.  Hội thứ nhất độ được 96 ức người thành A la Hán. Hội thứ hai độ được 94 ức người thành A La Hán,  Hội thứ ba độ 92 ức người thành A La Hán.  Do vậy mà gọi là “Long Hoa Tam Hội“.  Ngài thuyết pháp đến sáu vạn năm, hóa độ vô số chúng sinh tu hành thoát khổ “.

Một trong những hóa thân của Ngài mà chúng ta thường nghe nhất Bố Đại Hòa Thượng trong Phật Giáo Trung Hoa, đó là một vị hòa thượng ở đất Minh Châu, huyện Phụng Hóa (Trung Hoa), Ngài thường mang cái đãy bằng vải  đi khắp chợ búa xóm làng, ai cho gì cũng bỏ hết vào đãy mang đi.  Ngài thường giảng kinh cho người nghèo, làm nhiều điều mầu nhiệm, lạ thường.   Trong thiên hạ không ai hiểu được Ngài là người như thế nào, chỉ cùng nhau gọi là vị Bố Đại Hòa Thượng ( vị Hòa thượng mang túi vãi lớn),  đến đời Lương, niên hiệu Trình Minh năm thứ ba, Ngài nhóm chúng lại tại chùa Nhạc Lâm, Ngài ngồi ngay thẳng nói bài kệ:

“Di Lặc Chơn Di Lặc,
Hóa thân thiên bách ức,
Thời thời thị thời nhơn,
Thời nhơn giai bất thức “.

Có nghĩa là:

Di Lặc thật Di Lặc,
Biến trăm ngàn ức thân,
Thường hiện trong cõi đời,
Người đời chẳng ai  biết “.

Nói xong bài kệ, Ngài an nhiên thị tịch.

Có thuyết cho rằng, chính Bồ Tát Di-lặc là người khởi xướng hệ phái Duy thức của Đại thừa. Một số học giả cho rằng, vị này chính là Maitreyanatha (sa. maitreyanātha), thầy truyền giáo lí Duy thức cho Vô Trước (sa. asaga). Truyền thống Phật giáo Tây Tạng cho rằng, Ngài là tác giả của năm bài luận, được gọi là Di Lặc (Từ Thị) ngũ luận:

  1. Đại thừa tối thượng luận hoặc Cứu cánh nhất thừa bảo tính luận (sa. mahāyānottaratantra)
  2. Pháp pháp tính phân biệt luận (sa. dharmadharmatāvibaga)
  3. Trung biên phân biệt luận (sa. madhyāntavibhāga-śāstra)
  4. Hiện quán trang nghiêm luận (sa. abhisamayālakāra)
  5. Đại thừa kinh trang nghiêm luận (sa. mahāyānasūtralakāra)

Kính mừng Xuân Di Lặc Giáp Ngọ, 2014 ngày mùng một Tết đến chùa lễ Phật không phải là chỉ cầu được giàu sang, phú quý mà chính là để chư Phật gia hộ cho thân tâm an lạc, gia đạo bình an, phát tâm rộng lớn tu hành để chóng thành Phật quả như Thiện Tài cầu đạo trong Kinh Hoa Nghiêm đã phát nguyện: Các bậc dũng mãnh vĩ đại, đã thành tựu vô số hạnh, An trụ nơi tháp này, Tôi chắp tay kính lễ, đức Di Lặc tôn quý, Là con trưởng chư Phật , Mong ngài đoái tưởng tôi “…

 NNC TRÍ BỬU- Trước thêm năm mới Xuân Giáp Ngọ – 2014