Chúng ta thường tự nhủ rằng khi có nhiều tiền, có nhà lầu xe hơi, được thăng quan tiến chức, được nhiều bổng lộc, có vợ đẹp con khôn… thì hạnh phúc sẽ đến. Tuy nhiên, khi đã đạt được những điều đó, chúng ta có thực sự hạnh phúc không?
Cái mà chúng ta thường gọi là hạnh phúc trong cuộc sống có muôn hình vạn trạng. Tuy nhiên, tất cả đều dường như quá mong manh, vô hình, dễ tuột khỏi tầm tay, bởi cuộc sống là vô thường, mọi thứ đều có thể biến đổi nhanh chóng sau một biến cố nào đó, nếu bám chặt vào đó, chúng ta lại trở nên đau khổ hơn gấp bội.
Những nỗi đau khổ trong cuộc sống cũng thật nhiều cung bậc, sắc thái. Có khi đó là nỗi bực bội, ghen tức, đố kị, có khi đó là sự tự ti, tự cao tự đại, có khi đó là sự nghi hoặc, căng thẳng, bất an…
Nguồn gốc sâu xa của những nỗi khổ ấy là gì? Làm thế nào để thoát khổ và đạt được hạnh phúc an lạc, viên mãn? Hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã “bắt mạch” được căn bệnh trầm kha của con người và tìm ra đơn thuốc giúp chúng ta thoát khổ. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tỉnh táo, sáng suốt để nhận ra “căn bệnh” của mình, đủ kiên trì nỗ lực để thực tập và chữa bệnh”.
Đi giữa vô thường là cuốn sách tập hợp những bài viết trong Tạp chí Văn hóa Phật Giáo từ năm 2007 đến năm 2010 xoay quanh các vấn đề liên quan đến những nguyên nhân khiến chúng ta khổ và phương cách để đoạn diệt khổ và đạt được chân hạnh phúc.
Cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1 của cuốn sách sẽ cho ta thấy Khổ là gì? và Không khổ là gì? Thế nào là khổ đau, thế nào là hạnh phúc? Những bài viết trong phần này sẽ giúp độc giả tiếp cận với khái niệm khổ đau và hạnh phúc trong Phật giáo.
Phần 2 của cuốn sách giúp ta nhận diện khổ đau nơi cuộc sống này. Gương mặt của khổ đau: sân si, ghen tuông, đố kị, nhút nhát, tự cao tự đại, giận dữ, thù hận, lo lắng… Nguyên nhân của bất hạnh, đau khổ là do không có lòng tin, không hổ thẹn, không sợ hãi, không tinh tấn, không có trí tuệ.
Phần 3 chỉ cho ta phương cách để loại bỏ nỗi khổ, để đạt được chân hạnh phúc, gương mặt của hạnh phúc đích thực.