Trang chủ Đời sống Tâm linh Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh?...

Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)

102

Ngay sau khi đăng kỳ 1 loạt phóng sự “Câu chuyện khó tin ở “nghĩa địa” các vua Trần”, nhà nghiên Đặng Hùng (Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình) đã gọi điện cho tôi để khẳng định rằng, không bao giờ có chuyện chuyển lăng mộ, hài cốt các vị vua từ Thái Bình ra Quảng Ninh. Nhà nghiên cứu Đặng Hùng lấy danh dự mấy chục năm nghiên cứu về đời Trần ở Thái Bình để khẳng định với tôi như thế.

Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)

Điều khẳng định của nhà nghiên cứu Đặng Hùng là có cơ sở vững chắc. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng 6, rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương (Nam Định), Thái Đường (Hưng Hà, Thái Bình), Long Hưng (Kiến Xương) đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp”. Cuốn sử đáng tin nhất của nước Việt đã chép rằng, vua Trần chỉ rước thần tượng (có thể là tượng vua, voi đá, ngựa đá…), chứ đâu có phải chuyển lăng mộ, hài cốt?

Ngoài sử sách chép rõ, thì ông Hùng cũng từng điền dã rất nhiều lần về làng Tam Đường để tìm hiểu về các ngôi mộ. Theo lịch sử ghi chép trong làng, lưu giữ trong các chùa chiền, thì quân Nguyên Mông, Chiêm Thành, cho đến quân Minh, khi xâm lược nước ta, đều tiến hành đào bới Phần Bụt (mộ nghi của Trần Nhân Tông). Thế nhưng, lần nào quân giặc đào bới cũng bị sét đánh chết lính. Vì vậy, chúng không dám đào bới nữa.
 

Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Đền thờ Trần Hoằng Nghị ở làng Mẹo (Hưng Hà – Thái Bình). 

Cách đây 30 năm, người dân trong làng Tam Đường ra mộ đào bới, lấy cát, sỏi, đá vụn về xây nhà, đổ mái bằng, làm lộ ra đường hầm và quách đá. Ngày đó, nhà nghiên cứu Đặng Hùng, với sự giúp sức của người dân, đã chui xuống hầm mộ. Ông Hùng quan sát được quách đá nguyên vẹn, đường hầm và có cả những súc gỗ lớn đóng cũi, giống với mộ cũi thời Bắc thuộc và thời Trần. Tuy nhiên, dưới hầm mộ nhiều rắn độc quá, nên ông phải chui lên. Năm 2000, người dân trong làng đã lấp hầm mộ lại, giữ nguyên hiện trạng đến bây giờ.

Rõ ràng, mộ các vị vua Trần ở Thái Bình còn khá nguyên vẹn, nên khó có thể nói đã di chuyển lăng mộ các vua Trần ở Thái Bình ra Quảng Ninh.

Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Tượng vua Trần Thái Tông. 

Thông tin chắc chắn nhất khẳng định mộ các vị vua Trần vẫn còn ở Thái Bình chính là cuộc khai quật gò mộ có tên Phần Cựu của Trần Thừa (Trần Thừa sinh năm 1184, mất 1234, là Thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần, cha của vua Trần Thái Tông). Trong cuộc khai quật đó, Bảo tàng Thái Bình đã thu được khá nhiều đồ cổ, đặc biệt là những bình gốm chứa tro cốt, nghi là của chính Trần Thừa.

Với những thông tin trên, nhà nghiên cứu Đặng Hùng bác bỏ tất cả các quan điểm của các nhà khoa học cho rằng nhà Trần đã di chuyển lăng mộ, gồm cả di cốt các vua Trần từ Thái Bình ra Quảng Ninh.

Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Đường lên Yên Tử. 

Việc lăng mộ các vị vua Trần còn ở Thái Bình hay đã được đưa ra Quảng Ninh, còn cần sự nghiên cứu của các nhà khoa học, lịch sử, nhưng có một điều chắc chắn, đó là, tại An Sinh (Quảng Ninh) có lăng mộ của 3 vị vua Trần, gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Định.

Cụ Hứa Văn Phán, người trông nom đền An Sinh, ngôi đền thờ 3 vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Định, là người nắm khá rõ về 3 vị hoàng đế này.

Theo cụ Phán, các tài liệu ghi chép, hiện lưu giữ trong đền đều nói rằng, năm 1381, nhà Trần đã chuyển lăng mộ các vua từ Thái Bình, Nam Định về An Sinh. Sau khi chuyển lăng mộ 3 vị, gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Định từ Thái Bình lên, đã táng vào lăng Tư Phúc trên đỉnh núi, rồi cho xây điện An Sinh để thờ 3 vị vua này. Đời sau, điện An Sinh thờ cả 8 vị vua Trần an táng ở vùng Yên Sinh.

Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Lăng Tư Phúc thờ 3 vị vua Trần nằm trên đỉnh ngọn núi này. 

Từ lời cụ Phán, lần giở lại các tài liệu, tôi nhận thấy rất nhiều thứ bất nhất, khó hiểu. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hùng, thì 3 phần mộ vua Trần ở làng Tam Đường là của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Vậy tại sao, khi chuyển từ Thái Bình về An Sinh, lại là ông Trần Giản Định, chứ không phải Trần Nhân Tông? Ngoài ra, việc chuyển lăng mộ (hoặc thần tượng – như khẳng định của nhà nghiên cứu Đặng Hùng), vào năm 1381, trong khi đó, Trần Giản Định, vị vua hậu nhà Trần, lại mất vào năm 1410. Chẳng lẽ, ông vua này lại có mộ và mộ của ông được chuyển khi ông còn sống?

Một tài liệu khác thì ghi chép rằng, năm 1381, nhà Trần chuyển lăng Trần Thái Tông từ Thái Bình và chuyển lăng Trần Thánh Tông từ Nam Định về Yên Sinh. Trần Giản Định được phụ táng vào lăng Tư Phúc sau này.

Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Dãy Yên Tử bao bọc vùng An Sinh. 

Ngoài ra, ở An Sinh cũng không có lăng mộ nào của vua Trần Nhân Tông. Hiện chỉ có tháp mộ cạnh am Ngọa Vân trong rừng già, sườn tây Yên Tử, được coi là lăng mộ của vua Trần Nhân Tông. Chẳng lẽ, tại Thái Bình có 3 mộ vua Trần, một mộ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa và 4 hoàng hậu, mà lại chỉ chuyển có mỗi lăng Trần Thái Tông?

Thông tin về việc di chuyển mộ các vị vua Trần từ Nam Định và Thái Bình ra An Sinh còn nhiều điều chưa sáng tỏ, cần sự tranh luận của các nhà khoa học, tác giả xin khoanh lại vấn đề này.

Trở lại câu chuyện về lăng mộ táng 3 vị vua Trần, gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Giản Định. Theo các nhà sử học, sở dĩ, lăng mộ các vua Trần được chuyển từ Thái Bình về vùng đất này, ngoài việc tránh sự cướp bóc, phá hoại của quân Chiêm Thành, thì đây chính là vùng đất tổ tiên của các vị vua Trần.

Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Đền An Sinh thờ 8 vị vua Trần có lăng mộ ở An Sinh.. 

Đại Nam nhất thống chí chép: “Bia thần đạo ở Yên Sinh nói rằng tiên tổ nhà Trần vốn người Yên Sinh, huyện Đông Triều, sau dời đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (Mỹ Lộc, Nam Định), cho nên các vua Trần đều táng ở Yên Sinh, mà khi nhường ngôi xuất gia cũng lấy Yên Sinh làm nơi tu ẩn”.

Theo gia phả họ Trần, tổ tiên nhiều đời cư trú ở An Sinh, đàn ông làm nghề chài lưới, đàn bà trồng cấy, dệt vải. Trần Kinh khi đi đánh cá, buôn bán thủy, hải sản xa nhà, thấy vùng đất bồi ở lộ Thiên Trường màu mỡ, phì nhiêu đã dừng chân. Ông cho người đắp đê, cải tạo, biến vùng đất bồi thành ruộng vườn, đặt tên vùng đất là Tức Mặc, rồi phát tích đế vương.

Lúc ở ngôi, Trần Thái Tông đã ban cho Trần Liễu vùng An Sinh làm ấp thang mộc vào năm 1237. Đời Trần Dụ Tông vùng đất An Sinh được đặt tên là Đông Triều. Sách Đông Triều huyện chí viết: “Đông Triều có nhiều núi non, dân cư ruộng đất xen lẫn với núi rừng… Núi non chót vót, tạo lên thành lũy, trường giang uốn lượn tạo nên thắng địa. Đường thủy thông nhau, nối liền các trấn thành, sông Khu Cầu Tháp là nơi người vật hội tụ, cũng là nơi danh thắng của phía Đông vậy”.

Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Tượng An Kỳ Sinh trên đỉnh Yên Tử. 

Các đời vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, khi còn ở ngôi báu cũng như khi đã rời ngai vàng làm Thái Thượng Hoàng đều rất quan tâm đến vùng đất này.

Năm 1320, Thượng Hoàng Trần Anh Tông mất, triều đình đã cho xây Thái Lăng ở Yên Sinh để đặt di hài của ngài, đồng thời cho xây dựng miếu để hằng năm về bái yết, tế lễ.

Về sau, các công trình như Mục lăng, Phụ Sơn lăng, Nguyên lăng, Đồng Hỷ lăng cũng được lần lượt dựng lên tại Yên Sinh. Năm 1381, để tránh nạn phá hoại của Chiêm Thành, nhà Trần tiếp tục chuyển các lăng ở Thái Bình, Nam Định về Yên Sinh. Sau khi chuyển về Yên Sinh, nhà Trần cho xây dựng tiếp hai khu lăng lớn là Tư Phúc lăng và Ngải Sơn lăng. Ngoài ra, nhà Trần dựng điện lớn là Điện An Sinh để thờ cúng các vị tiên đế.

Điện An Sinh đã trải qua nhiều lần sụp đổ, xây dựng, tôn tạo lại. Từ cả trăm năm trước, điện An Sinh đã là một phế tích. Năm 1997, nhờ công đức của khách thập phương, UBND huyện Đông Triều đã xây dựng lại điện và gọi là Đền An Sinh, thờ 8 vị vua Trần.

Lăng mộ các vua Trần tọa lạc trên vùng đất non bình thủy tụ, trên diện tích 15km2, kéo dài từ núi Đạm Thủy đến núi Ngọa Vân thuộc xã An Sinh. Quần thể lăng mộ và đền, miếu trong khu vực có giá trị đặc biệt quan trọng, nên từ năm 1962, Bộ Văn hóa đã xếp hạng khu di tích Đền thờ và lăng miếu các vua Trần là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Còn tiếp…