Trang chủ Diễn đàn Đèn xanh ''Mang niềm tin Công giáo vào giáo dục nghề nghiệp''...

Đèn xanh ''Mang niềm tin Công giáo vào giáo dục nghề nghiệp'' đã bật? còn Phật giáo bao giờ?

208

1. Dẫn vào giới thiệu

Chúng tôi đã thông tin về “trường cao đẳng thuộc tôn giáo đầu tiên tại Việt Nam”. Tôn giáo ở đây là đạo Ca tô La Mã. Nay xin thông tin chi tiết về trường cao đẳng thuộc tôn giáo đầu tiên tại Việt Nam bằng việc giới thiệu bài báo “Mang niềm tin Công giáo vào giáo dục nghề nghiệp”.

Trước khi trích dẫn giới thiệu bài bào này, xin có một vài lưu ý với bạn đọc.

1.1. Mục tiêu trường cao đẳng này được xác định rõ ràng, cụ thể và mạnh mẽ: Mang niềm tin Công giáo vào giáo dục nghề nghiệp.

1.2. Đối với người ngoài đạo Ca tô La Mã, mục tiêu đó hiển nhiên là cải đạo thông qua giáo dục nghề nghiệp.

1.3. Quy trình của trường này không đóng lại ở khâu tốt nghiệp, mà còn đến khâu việc làm, nghĩa là rất hấp dẫn đối với người học.

1.4. Hoạt động tôn giáo trong trường này cũng được xác định cụ thể. Các linh mục, tu sĩ “tham gia vào đội ngũ hướng dẫn tâm linh cho học sinh, sinh viên”.

1.5. Cũng với mục tiêu như vậy, bài báo đăng bức ảnh được chú thích “thánh lễ tại Nhật Bản của các du học sinh Hòa Bình khóa 3”.


1.6. Việc dạy giáo lý trong trường là có. Bài báo viết “Học viện người Công giáo sẽ được học thêm giáo lý và kỹ năng sống. Trong khi đó các em không cùng tôn giáo cũng được học hỏi, sinh hoạt, tìm hiểu các tôn giáo của thế giới…” Nghĩa là, sinh viên không có đạo Ca tô La Mã cũng học giáo lý Ca tô La Mã, bên cạnh việc giới thiệu các tôn giáo khác và theo nội dung câu trả lời trước đó, linh mục tu sĩ Ca tô La Mã là “đội ngũ hướng dẫn tâm linh cho học sinh, sinh viên…”.

1.7. Năm 1957 tại miền Nam, đạo Ca tô La Mã đã mở đại học đầu tiên thuộc tôn giáo này là Đại học Đà Lạt. Sau hơn 40 năm gián đoạn, đạo Ca tô La Mã vẫn là đơn vị sở hữu điều hành “trường cao đẳng thuộc tôn giáo đầu tiên tại Việt Nam”. Không biết những nhà lãnh đạo Phật giáo có được thông tin đầy đủ về sự kiện này chưa? Giáo hội Phật giáo Việt Nam có sự chuẩn bị nào chưa? Bao giờ mới có trường cao đẳng thuộc Phật giáo Việt Nam?

1.8. Có thể xem đấy là sự kiện đạo Ca tô La Mã phục hồi hệ thống giáo dục bậc đại học của họ không? Hệ quả của việc này được các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam nhận thức ra sao,? Hệ quả của việc linh mục tu sĩ đạo Ca tô La Mã giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu các tôn giáo trên thế giới, trong đó có Phật giáo, sẽ như thế nào?


2. Xuất xứ

2.1. Tên tư liệu: “Mang niềm tin Công giáo và giáo dục nghề nghiệp”

2.2. Tác giả: Linh mục Hiệu trưởng Giuse Nguyễn Văn Uy trả lời phỏng vấn, Mai Lan thực hiện.

2.3. Thông tin xuất bản: Báo Công giáo và dân tộc số 2123, trang 14, 15.

3. Trích dẫn giới thiệu:

“Mang niềm tin Công giáo vào giáo dục nghề nghiệp

Như chúng tôi đã đưa tin, trường Trung cấp Hòa Bình Xuân Lộc chính thức trở thành trường Cao đẳng Công giáo đầu tiên tại Việt Nam sau năm 1975 kể từ ngày 1.9.2017. Báo Công giáo và Dân tộc (CGvDT) đã có cuộc trao đổi với linh mục Hiệu trưởng Giuse Nguyễn Văn Uy (Lm NVU) về các hoạt động của trường trong tương lai.

CGvDT: Xin chúc mừng cha cùng toàn thể Ban Giám hiệu, các thầy cô, học sinh, sinh viên nhân dịp trường được nâng từ trung cấp lên cao đẳng. Thưa cha, chặng đường mới sẽ có nhiều thay đổi, cụ thể là trong kế hoạch đào tạo. Xin cha nói sơ lược về chương trình hoạt động sắp tới của trường?

Lm NVU: Quyết định cho thành lập trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc đã được công bố ngày 1.9 vừa qua, nhưng để đi vào hoạt động, còn phải chờ sự cho phép hoạt động các nghề mà trường đăng ký ở cấp cao đẳng. Trường đã nộp đơn xin với Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp cho phép dạy 6 nghề trong hệ cao đẳng vào năm học 2017 – 2018 gồm: quản trị khách sạn, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kế toán doanh nghiệp, thiết kế đồ họa, may thời trang. Như vậy, khi có quyết định sau cùng, trường sẽ có 2 hệ đào tạo theo khung của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: hệ trung cấp vẫn đào tạo 21 nghề như 5 khóa vừa qua, hệ cao đẳng sẽ có 6 nghề như trên. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chuẩn bị xong chương trình liên thông cao đẳng, đặc biệt dành cho các học viên đã tốt nghiệp bậc trung cấp của trường với thời gian đào tạo chỉ từ 1,5 đến 2 năm. Nhà trường sẽ lo đầu ra để có công ăn việc làm cho các em và cũng liên kết với Học viện Taiken Nhật Bản để nếu học viên nào muốn đi du học tại “Đất nước mặt trời mọc” thì sẽ dạy tiếng Nhật, lo giúp mọi thủ tục.

Cha có thể cho biết thêm về các học bổng và chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ?

Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc do Tòa Giám mục Xuân Lộc đầu tư và Ban Bác ái Xã hội – Caritas của giáo phận quản lý, điều hành. Vì thế, với tính chất “trường này phải gọi là trường bác ái” như lời của ông Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã nói, chúng tôi đã thực hiện những việc hỗ trợ cho các học sinh nghèo như đưa ra mức học phí thấp, miễn phí hoàn toàn cho các học sinh mồ côi cha mẹ, cấp học bổng hằng năm vào dịp trao bằng tốt nghiệp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được cha xứ và chính quyền xã phường giới thiệu. Học bổng là 2 triệu đồng/năm, tương đương với 1/2 học phí cả năm học. Thêm nữa, đối với học viên muốn đi du học tại Nhật Bản mà hoàn cảnh gia đình không thể đáp ứng thì nhà trường cũng tìm biện pháp giúp cho các em đạt được ước nguyện.


Đầu ra nghề nghiệp luôn là yếu tố được phụ huynh và các học sinh, sinh viên quan tâm. Nhà trường đã chuẩn bị vấn đề này như thế nào, thưa cha?

Nhiều năm nay nhà trường đã liên kết với các công ty – xí nghiệp trên địa bàn để có môi trường thực tập, và đầu ra việc làm cho học viên. Trường đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên trước khi ra trường, để các em tự tin tiếp cận với thị trường lao động, và như vậy, cùng với những kỹ năng, nghề nghiệp sẽ tăng thêm khả năng thành công. Chúng tôi luôn nhận định rằng, việc tiếp nhận học sinh, sinh viên vào trường là để đào tạo các em thành những người thợ, những chuyên viên, và chuẩn bị để các em có việc làm phù hợp với nghề đã học. Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc đã đặt mục tiêu này lên hàng đầu và đạt hiệu quả là các học sinh ra đều trường có công việc làm: một số em trở về địa phương để cùng gia đình lập cơ sở sản xuất; 89% học sinh đã đi làm tại các công ty; số còn lại đi du học hoặc hợp tác lao động tại Nhật Bản.

Là trường cao đẳng thuộc tôn giáo đầu tiên tại Việt Nam, nhà trường đã có những hoạt động nào để giúp phát triển đời sống tinh thần và sự liên đới cho các học viên?

Đức Giám mục giáo phận đã bổ nhiệm về trường 3 linh mục, 2 nữ tu thuộc dòng Đaminh Thánh Tâm, cùng sự phục vụ của các chủng sinh thuộc Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, trong việc nâng đỡ các em về mặt tinh thần. Trường còn có những tu sĩ của các dòng tu gởi đến để học thêm. Các vị này cũng được mời tham gia vào đội ngũ hướng dẫn tâm linh cho học sinh, sinh viên có nhu cầu. Tuy là trường thuộc Công giáo, nhưng chúng tôi cũng đón nhận các học sinh không cùng tín ngưỡng, tôn giáo. Trong sinh hoạt thường ngày, không hề có sự phân biệt nào cả, tất cả các em đều được chăm sóc đồng đều, hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Học viên người Công giáo sẽ được học thêm giáo lý và kỹ năng sống. Trong khi đó các em không cùng tôn giáo cũng được học hỏi, sinh hoạt, tìm hiểu các tôn giáo của thế giới, học kỹ năng sống, tham gia các sinh hoạt ngoại khóa như thể dục thể thao, dã ngoại từ thiện… Từ đó, tất cả các học sinh, sinh viên của trường cùng sống hòa hợp, chan hòa, đoàn kết với nhau.

Sau cùng, xin cha chia sẻ một vài tâm tình trong giai đoạn phát triển mới của trường?


Được đánh giá cao những thành quả của trường trong 4 khóa vừa qua, và nay được nâng cấp lên Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc, là niềm vui khôn tả và thỏa lòng mong ước của toàn thể giáo phận. Chúng tôi, Ban Giám hiệu và các thầy cô, cùng học sinh nhà trường, hết lòng cảm ơn chính quyền các cấp đã giúp đỡ cho giáo phận có ngôi trường này. Vì giáo dục nghề nghiệp lên bậc cao đẳng là bậc cao nhất rồi, như vậy các em sẽ có một vị trí tốt trong nghề, giúp ích cho bản thân, gia đình và có cơ hội tốt đóng góp với xã hội.

Điều mừng là như vậy, nhưng chúng tôi luôn trăn trở việc phải làm sao cho trường phát triển, cho việc đào tạo con người toàn diện được trở thành hiện thực, cho các em ra trường có cuộc sống tốt, có những đóng góp đáng kể với xã hội và Giáo hội. Bên cạnh đó, trường còn phải tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, về trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu học hỏi và thực hành của học viên, giúp cho khoảng cách giữa thực tập với trang thiết bị của trường và máy móc hiện đại trong môi trường làm việc tại các công ty xí nghiệp được thu ngắn lại. Thêm nữa, chúng tôi cũng còn rất nhiều khó khăn để phát triển trong tương lai, nên mong mọi người cầu nguyện, động viên. Và nhất là mong sẽ có nhiều thầy cô có tâm, có tầm mang thao thức của niềm tin Công giáo, tiếp tay với chúng tôi trong sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp.

 Xin chân thành cảm ơn cha.

Mai Lan thực hiện”.