Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Đến chùa Thầy tìm sự bình yên

Đến chùa Thầy tìm sự bình yên

137

“Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ

Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”

Câu ca dao xưa đã nói lên phần nào sức hấp dẫn mạnh mẽ của chùa Thầy – có tên chữ là Thiên Phúc tự, nằm gối đầu vào núi Phật Tích, còn gọi là núi Thầy – thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Cảnh đẹp đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một cái hồ lớn có tên gọi là hồ Long Chiểu (ao Rồng) màu nước xanh trong. Giữa hồ có thủy đình gồm hai tầng, tám mái, mô phỏng hình dáng đóa hoa sen. Đây là nơi trình diễn rối nước vào dịp lễ hội hàng năm.

Hai bên phía sân lớn trước chùa (nơi khán giả ngồi xem biểu diễn rối nước khi có hội) có hai cây cầu lợp mái ngói. Bên trái là cầu Nhật Tiên dẫn vào đền Tam Phủ xây trên một hòn đảo giữa hồ. Bên phải là cầu Nguyệt Tiên, nối với con đường lên núi. Hai cầu này do trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602.

Chùa Thầy có ba tòa nằm song song với nhau, toà ngoài gọi là nhà tiền tế hay chùa Hạ. Toà giữa là trung điện hay chùa Trung, toà trong cùng là thượng điện, thờ các hóa thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh, diễn tả ba "kiếp" của Từ Đạo Hạnh: Tăng, Phật và Đế vương. Phía sau chùa có lầu chuông, lầu trống. Phía trước chùa là sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu.

Cầu Nhật Tiên có 5 gian nhà gỗ lợp ngói
Cầu Nhật Tiên có 5 gian nhà gỗ lợp ngói

Trong chính điện, ở giữa là tượng thiền sư khi đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, khoác áo cà sa vóc vàng, đặt trên một bệ tượng bằng đá thời nhà Lý, có hình sư tử đội toà sen.  Đây là di vật duy nhất từ thời nhà Lý còn sót lại ở chùa.

Sau khi thăm chính điện, chúng tôi kéo nhau lên núi. Từ đây, con đường 251 bậc thang dẫn lên chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn tự, là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Hai bên đường có nhiều cây đại thụ đã có hàng trăm năm tuổi.

Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau có hang Cắc Cớ. Hang rộng và sâu, đường đi trơn nên dễ bị trượt chân, phải có đèn thắp sáng để dò đường. Tại lối vào, hơi lạnh từ trong hang phả ra mát rượi khiến những ai đã tới đây đều quên đi cái mệt mỏi trên quãng đường gồ ghề vừa qua. Phía sâu trong hang, khi trời nắng, ánh sáng rọi xuống qua một giếng trời. Khói hương quyện với hơi nước tạo nên một làn sương khói mờ ảo.

Từ chùa Cao đi ngược lên núi là đến đền Thượng, gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những luồng gió thổi thông thốc cả hai đầu. Ở chân núi phía Tây còn có chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái, chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi.

Thắng cảnh chùa Thầy đẹp nao lòng khiến chúng tôi có cảm giác thật bình yên. Sau khi thăm cảnh ở bài viết này, nếu ai đó có ý định “mục sở thị” nơi đây, chúng tôi khuyên bạn nên chuẩn bị đèn pin để chiêm ngưỡng cảnh đẹp hang Cắc Cớ.