8h, chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10) đã tấp nập khách thập phương đến dâng lễ. Người khệ nệ với mâm to quả bánh, đôi đèn, chai dầu; người mang hoa quả tươi, cành vàng lá ngọc; cũng có người chỉ mang vài ba quả cam, cành táo, chuỗi hoa… Trong gian thờ chật hẹp, người người chen vai nhau xì xụp khấn vái, cầu nguyện, cầu an, cầu phúc, cầu cho mọi điều tốt lành đến với mình, với người thân, với gia đình,…
Những điều ước dung dị
Tại các chùa lớn như Vĩnh Nghiêm (quận 3), chùa Phổ Quang (quận Tân Bình), chùa Xá Lợi (quận 3) vào ngày này không lúc nào ngớt khói hương, các gian thờ đặt đồ lễ chật kín, mâm nọ chồng lên mâm kia. Bà Đinh Thùy (68 tuổi, nhà ở Tô Hiến Thành, quận 10) cho biết: “Rằm tháng Giêng năm nào gia đình tôi cũng vào chùa dâng hương cầu an, cầu phúc”. Bởi theo quan niệm của bà “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên trong ngày này, bà không chỉ đến chùa thắp nhang mà còn ăn chay để cầu nguyện cho gia đạo bình yên, người thân mạnh khỏe. Chị Thanh Phương (Cách Mạng Tháng 8, quận 10) thì năm nào cũng ghé chùa Xá Lợi (quận 3) để cầu mua may bán đắt trong năm.
Từ ngày 8/2, đã có nhiều người đổ về chùa Vĩnh Nghiêm dâng lễ. Ảnh: N.Linh |
Không riêng gì các chùa lớn, chùa nhỏ cũng tấp nập dòng người. Từ 7h, bãi giữ xe của chùa Phước Hải (quận 1) đã kín mít. Dòng người đông đến mức chen chân không lọt. Người trông nhang đèn phải luôn tay lấy bớt nhang khách vừa thắp ra để phòng khi hỏa hoạn. Anh Duy Thành (Nơ Trang Long, Bình Thạnh) cho biết: “Đối tượng đi lễ bây giờ không chỉ có các bà già, dân buôn bán mà thanh niên đi cũng rất đông. Chỉ khác là dân làm ăn buôn bán thì cầu buôn may bán đắt, trúng quả đậm, người trí thức cầu cho gia đình mạnh khoẻ, con cái thành tài”.
Lễ hội mang tính cộng đồng
Vào những ngày này, tại TP HCM, đèn lồng được treo từ đường Nguyễn Trãi đến Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm, Trang Tử… Tại các cổng chùa thường có các hàng bán vàng lễ, sách nhà Phật. Các khu chợ thì tấp nập người mua bán, đặc biệt là hoa quả tươi cho người đi lễ. Tại các hội quán cũng đồng thời diễn ra các hoạt động như trà đạo, thi đố đèn, trình diễn thư pháp, liễn xuân, vẽ tranh, ký họa chân dung, thủ ấn hoạ… Bạn Nguyễn Hoàng Lê (Lương Nhữ Học, quận 5) cho biết, dù không là Phật tử nhưng vào Tết Nguyên tiêu cũng thường hay cùng gia đình đến chùa và xem các lễ hội du thuyền, cà kheo, lân sư rồng, võ thuật, tạp kỹ và các trò chơi dân gian tại Trung tâm văn hóa quận 5.
Hòa thượng Thích Nhuận Tâm (Thiền viện Vạn Hạnh) cho biết: “Tại Thiền viện Vạn Hạnh sẽ trưng bày hai nghìn tập thơ của thi sĩ từ mọi miền trên cả nước nhân Tết Nguyên tiêu cho khách thập phương và người yêu thơ thưởng lãm. Theo hòa thượng, người dân ngày nay đã biến Tết Nguyên tiêu thành dịp lễ hội mang tính cộng đồng, cùng với những lễ hội lớn đầu năm.
Nhân lễ Nguyên tiêu, nhiều gia đình cũng tới chùa làm lễ dâng sao giải hạn. Người được nêu tên xin giải hạn thường được phán là năm nay gặp sao Thái Bạch, La Hầu, Kế Đô… Lễ vật cúng dâng sao thường dùng hoa quả, trầu cau, chè rượu, vàng mã và hình nhân thế mạng. Những người đi lễ chùa khi ra về còn được lấy lộc là quả quýt, quả cam hay bao lì xì…gọi là tiền lộc, tiền tài mà theo truyền thống dân gian từ lâu đã hình thành và bảo tồn cho đến hôm nay vẫn còn lưu giữ.