Trang chủ PGVN Cửa thiền Đến chùa chữa bệnh miễn phí

Đến chùa chữa bệnh miễn phí

263

Đến chùa chữa miễn phí trong dòng chảy của thuyết giáo luân hồi trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bệnh nhân.
 
Tuệ Tĩnh đường đầu tiên
Tọa lạc tại 229/24B Thích Quảng Đức, phường 4, quận Phú Nhuận, chùa Pháp Hoa được rất nhiều bệnh nhân nghèo “chọn mặt gửi vàng” vào sáng thứ 3,5,7 hàng tuần. Men theo đường ray xe lửa, chúng tôi tìm đến chùa khi hàng trăm bệnh nhân đang ngồi chật kín. Các thành viên của phòng khám làm không kịp trở tay.
 
Thượng tọa Thích Hạnh Thu tại Tuệ Tĩnh đường.
 

Ngoài các chùa Pháp Hoa, Hưng Gia Tự… hiện tại TPHCM có rất nhiều ngôi chùa khác có phòng khám từ thiện. Nhà sư Minh Sơn – văn phòng thường trực của tịnh xá trung tâm, 21 Nguyễn Trung Trực, phường 5, quận Bình Thạnh, cho biết, nhà chùa có hoạt động từ thiện vào thứ 2,4,6. Chùa Kỳ Quang, quận Gò Vấp đón người nghèo đến khám, chữa bệnh từ thiện vào thứ 3,5.

Thượng tọa Thích Hạnh Thu cho biết, phòng khám từ thiện miễn phí thành lập ngày 10/1/1988. Trước đó, tại đại hội phật giáo tổ chức tại Hà Nội, cố GS.TS Đỗ Tất Lợi – UV Hội đồng giáo hội Phật giáo, nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng Việt Nam đã khởi xướng việc thành lập các Tuệ Tĩnh đường có tổ chức trong cả nước.

Tại TPHCM, ban điều hành hệ thống Tuệ Tĩnh đường được nhanh chóng thành lập do hòa thượng Thích Như Niệm (trụ trì chùa Pháp Hoa) làm trưởng ban, thượng tọa Thích Đạt Minh (trụ trì chùa Pháp Huệ, quận 6) làm phó ban, thượng tọa Thích Hạnh Thu làm ủy viên.
Dù từ trước có nhiều phòng khám từ thiện tại một số chùa nhưng Tuệ Tĩnh đường tại chùa Pháp Hoa là nơi đầu tiên trong cả nước thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến nay, có hơn 126 Tuệ Tĩnh đường trong cả nước, hoạt động rất sôi nổi với nhiều vườn thuốc nam được trồng ngay trong chùa. Với phương châm “đông tây kết hợp” để đạt hiệu quả cao nhất, phòng khám hiện có 24 người, ngoài tu sĩ là các lương y, bác sĩ tự nguyện đến chùa làm việc. Mỗi bệnh nhân có định mức 3 thang thuốc nam. Chùa chữa hiệu quả các bệnh: Viêm xoang, đau nhức, tiểu đường…
Thượng tọa Thu từng tốt nghiệp loại xuất sắc lớp lương y thừa kế (khóa 2000-2003) tại TPHCM. Ông tên thật là Phan Minh, SN 1948, xuất gia năm 1960. Hiện ông là trưởng ban từ thiện xã hội của Thành hội Phật giáo TPHCM – lớp thầy đáng kính của nhiều thượng tọa, đại đức khác của miền Nam.
Hơn 21 năm hành hiệp cứu người, ông nhớ nhất là trường hợp chữa cho bệnh nhân tên Nguyễn Thị Châu, ngụ quận 3, là một công chức nhà nước nhưng móng tay nổi cục, đau nhức xương khớp. Sau khi được nhà chùa chăm sóc, bà hết bệnh. Một người khác ở Long Khánh bị ung thư, được BV ung bướu trả về. Nghe người chỉ dẫn, bà tới chùa được cho thuốc uống hết bệnh. Thỉnh thoảng mỗi khi xuống Sài Gòn, bà hay ghé chùa để tặng ân nhân những trái sầu riêng vườn nhà. “Giúp đời cứu người, may mắn là được không chê, nên chúng tôi rất vui vẻ thoải mái, tâm bình thản, an lạc, hạnh phúc” – nhà sư tự hào.
Bà Nguyễn Thị Lài, 60 tuổi, nguyên là BS chuyên khoa nhi ở BV Hương Phú (Thừa Thiên Huế), nhà ở quận Gò Vấp cũng tự nguyện đến với phòng khám sau khi được một người quen giới thiệu. Ngoài bà, cơ sở còn 2 BS Thuận, Lê Hai đảm nhiệm các trách nhiệm của đông y. Phó phòng khám miễn phí, đại đức Thích Nguyên Hạnh về chùa làm công tác từ thiện 17 năm qua. Ông bảo nhiều người chữa khỏi bệnh luôn tạt qua chùa để ghé thăm là hạnh phúc nhất của đời người xuất gia.
Một ngày ở Hưng Gia Tự
Thuộc hệ thống tịnh độ tu sĩ, Hưng Gia Tự được xây dựng năm 1952 tại số 336 Lê Quang Định, phường 5, quận Bình Thạnh. Với phương châm của thầy tổ, mỗi nhà chùa là một nhà thuốc miễn phí, hiện có hơn 200 phòng khám từ Cà Mau đến Nha Trang.
 

Bốc thuốc nam tại chùa Hưng Gia Tự.

Người nghèo đợi khám bệnh từ thiện.

Tuệ Tĩnh đường tại tịnh xá trung tâm.

Lương y Cao Thanh Tượng, trưởng ban trị sự, chủ nhiệm phòng khám từ thiện cho biết, giờ đón tiếp bệnh nhân từ 7-11 giờ các sáng các ngày thứ 3,5,7. Buổi chiều, nhà chùa dành thời gian để bào thuốc. “Thuốc đông y chữa được những bệnh mãn tính, không gây tác dụng phụ. Đó là sự ưu việt hơn thuốc tây” – lương y nói. Những người tìm đến đây thuộc ba dạng: Nghèo, đi nhiều nơi nhưng không hết, người am hiểu đông y muốn trở về với tự nhiên. Hiện tại, thời tiết thay đổi nên xuất hiện nhiều bệnh: Thấp khớp, đau nhức, chữa thuốc nam rất hiệu quả.
Mỗi tuần, phòng khám phải bốc 330 – 380 thang thuốc, người ở xa được bốc 6 thang, trong thành phố thì 3 thang. Nguồn thuốc được huy động từ các nguồn: Mua ở Chợ Lớn, phật tử mang tới… Các bệnh chữa hiệu quả là cân bằng đường huyết, phong tê thấp, nhức mỏi. Những ca ung thư có khả năng kéo dài sự sống, không gây đau đớn. Sắp tới, nhà chùa sẽ làm cao đơn hoàn tán (thuốc viên) để người bệnh khỏi mất thời gian sắc uống.
Từ năm 1989 đến 1992, lương y Tượng học khóa lương y thừa kế ở Long An, sau đó ông học tiếp tại Viện y học dân tộc thành phố, rồi về nhà chùa làm phụ tá. Năm 1996, ông chính thức khám bệnh. Những người trong phòng khám chủ yếu làm công quả. Nguyên tắc là nhanh, kỹ, rút gọn thời gian để cô bác khỏi chờ.
Ông Tượng kể rằng, có rất nhiều trường hợp ở các tỉnh xa tìm đến đây bốc thuốc. Các bệnh nhân bị nhiễm căn bệnh thế kỷ, y học phải bó tay nhưng với cơ địa khỏe mạnh và sự lạc quan của bản thân, sau khi uống thuốc của tổ tiên để lại, họ tiếp tục lạc quan để đối chọi với con bệnh khắc nghiệt đang mang trong máu. Bệnh nhân Trần Thị L, quê An Giang, hiện đang chữa trị bệnh HIV tại nhà cỏ ở Củ Chi – một địa chỉ khét tiếng của dân nhiễm kể rằng: “Nhiều lần tôi muốn được chết cho xong, chứ mang căn bệnh mà cả thế giới lên án thì sống làm gì nữa? Nghe tiếng lành đồn xa, tôi tìm đến chùa bốc thuốc về uống, ai ngờ khỏe hẳn ra, ít ra tôi cũng sống được vài năm nữa!” – cô gái từng một thời trôi dạt sang Campuchia làm trong các nhà thổ tâm sự. Với cô, ngày nào được đến chùa bốc thuốc, ăn chay niệm phật là một ngày ngập tràn hạnh phúc.
Tại trụ sở Thành hội Phật giáo TPHCM có hẳn một ban từ thiện xã hội do các thượng tọa, đại đức của các ngôi chùa chuyên lo kinh phí để khám, chữa bệnh từ thiện không chỉ trong thành phố mà còn cả các tỉnh bạn hay bà con Việt kiều tại Campuchia. Dù cho kinh tế ngày càng khó khăn nhưng với sự đóng góp của các mạnh thường quân, người đi chùa cúng công đức, các nhà sư áo nâu đã xoay sở mọi cách để các phòng khám Tuệ Tĩnh vẫn tiếp tục tồn tại.