Khán giả ra về vẫn còn âm vang giai điệu Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật (của Thẩm Oánh) do dàn hợp ca với bè lĩnh xướng trầm hùng của các tăng ni thể hiện.
Chương trình hội tụ được một số tinh túy của âm nhạc truyền thống Việt Nam cùng chất liệu âm nhạc Tây phương, là nơi điệu múa Lục cúng hoa đăng cổ kính đứng cạnh ballet hiện đại.
Lục cúng hoa đăng – đặc sản của cung đình Huế- với sự chuyển vận biến ảo của những ngọn đèn sen hồng trên nền tối đã khiến khán giả nhiều lần vỗ tay cảm kích.
Bản thân điệu múa vốn dùng trong tế tự như đã mang ngôn ngữ và hình tượng của nhà Phật.
Hoa khai kiến Phật lại là tên của màn múa hiện đại do Tấn Lộc biên đạo dựa trên ý tưởng của Đại đức Thích Minh Hiền (người chỉ đạo sản xuất đêm diễn).
Con người vô tâm sống trong vòng sinh lão bệnh tử vô thường tưởng như không lối thoát cho đến khi vị sứ giả của giải thoát giáng thế.
Trong hầu hết vở múa, các diễn viên mặc đồ trắng vặn vẹo, quằn quại, chạy đi chạy lại; khi được soi rọi nhờ kiến giải của Phật, mới chuyển qua các y sắc vàng đỏ… và đi đứng ngay hàng thẳng lối.
Vào thời điểm được chờ đợi, không có diễn viên đóng vai đức Phật nào bước ra, mà chỉ có hình tượng Phật ngự tòa sen trên màn hình lớn chính giữa sân khấu.
Đại diện cho truyền thống Việt Nam còn có hòa tấu âm nhạc cung đình Huế (kết hợp với dàn trống của Xuân Sơn) và hát văn Hương Sơn phong cảnh ca (lời thơ Chu Mạnh Trinh). Các tiết mục đều đạt tới độ trau chuốt, do các nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam trình diễn.
Khi giọng hát thánh thót điêu luyện của NSND Thanh Hoài vừa kết thúc, trên các màn hình cũng từ từ hiện lên logo chùa Hương (ngôi chùa mà Đại đức Thích Minh Hiền trụ trì)- vẽ bằng ánh sáng.
Còn song hành với điệu nhạc Lưu thủy của dàn nhạc cung đình Huế là tất nhiên là hình ảnh điện Thái Hòa…
Điều khá thú vị là một điệu nhạc phục vụ một tín ngưỡng khác lại xuất hiện “trót lọt” trong chương trình Phật nhạc.
Phải chăng cũng là một biểu hiện của tính bất phân biệt trong tinh thần Phật giáo. Trên thực tế, hầu như các ngôi chùa Bắc vẫn mang trong lòng một điện thờ Mẫu.
Các ca sĩ tham gia đêm diễn đều đem đến những màn khoe giọng tốt nhất. Mỹ Linh với Chắp tay hoa (nhạc Phạm Duy, lời Phạm Thiên Thư), Trọng Tấn với Nam mô bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật (Thẩm Oánh)- cả hai cùng hào sảng Ca mừng VESAK (sáng tác của Anh Quân) tới 2 lần – cả trong phần mở màn và kết thúc chương trình.
Sự xuất hiện bất ngờ của nam ca sĩ Howard McCrary- được giới thiệu từng đoạt giải Grammy, đã đem lại hương vị và đẳng cấp quốc tế cho chương trình.
Đến từ Hồng Công, nghệ sĩ da màu này đã chuyển đến một thông điệp lớn: Đã đến lúc toàn thế giới là một- bằng một bài hát giản dị, một giọng hát nhẹ nhàng thủ thỉ nhưng lại đầy mãnh lực, hoành tráng ở cao trào.
Đạo diễn Việt Tú và biên đạo múa Tấn Lộc sử dụng một số thủ pháp đơn giản song khá ấn tượng, ý nghĩa- như những hàng nến chạy đi chạy lại khi Khánh Linh hát Lạy Phật con về (Lê Mạnh Cương) hay về cuối đêm diễn, khi Mỹ Linh được tấm lụa trắng công kênh lên cao. Bài hát của Thẩm Oánh một lần nữa được láy lại bằng dàn đồng ca.
Ở những phút cuối của màn kết này, một lá cờ lớn hạ xuống giữa khán phòng mang theo chữ Om- biểu tượng cho Chân như, cũng là âm tiết mở đầu cho câu chú đem lại phúc lành của nhà Phật: Om-ma-ni-pad-me-hum.