Trang chủ Văn học Đêm hội thơ văn chùa Huyền Không

Đêm hội thơ văn chùa Huyền Không

121

Đây là một trong những chương trình sinh hoạt văn hóa hàng năm tại Huyền Không nhằm đánh giá lại quá trình giáo dục, sáng tác nghệ thuật của Tăng Ni; một chương trình đào tạo mà theo như lời sư Giới Đức “một đạo sĩ cần phải có chất thi sĩ, và một thi sĩ cần có chất đạo sĩ” nhằm mục đích “tải đạo”, phục vụ hoằng pháp.


 


Tôi thật sự bất ngờ khi nhận thấy việc làm hiếm hoi và tưởng chừng như trái với giáo lý nhà Phật nhưng những gì đã diễn ra trong đêm hội thơ văn của Tăng, Ni tại chùa Huyền Không khiến cho tôi phải suy nghĩ nhiều về phương thức giáo dục cũng như những hoài bão của chư tôn đức trong vấn đề hoằng pháp. Phải chăng đây là sự tìm tòi một hướng đi mới phù hợp trong thời buổi “hội nhập” hiện nay?


 


Những truyện ngắn, tùy bút được các nhà văn đánh giá cao như “Hạt giống Bồ đề” của sư Chơn Hữu hay “Thả dòng mơ ước” của sư Chơn Hạnh hoặc “Màu của chiếc lá đêm” của sư Pháp Thiện… không những có tính nhân văn, nhân bản cao như sự đánh giá nhà văn Hà Khánh Linh mà còn “tải được đạo” theo một nghĩa tích cực của sự hoằng pháp, sự giáo dục đạo đức con người theo tư tưởng và triết lý nhà Phật.


 


Bất ngờ và thán phục là điều luôn rộn lên trong lòng mọi người tham dự đêm hội. Với giọng đọc trầm ấm và diễn cảm của TT.Pháp Tông, truyện ngắn “Thả dòng mơ ước” (Chơn Hạnh) vốn mang một sự dửng dưng mà đầy nước mắt trước những nỗi đau nghiệp dĩ, luân hồi của nhân thế lại càng thấm thía hơn với sự thật nghiệt ngã của nhân quả trả vay. Hỡi ôi! Cuộc đời một gã chài lưới quanh năm sống chung với con đò, lúc lâm chung đành để thân xác trôi theo dòng sông, một ảnh tượng của ái thủ và dòng sinh tử luân lưu.


 


Những giọng ngâm Nam ai, Nam bình truyền cảm và nặng chất Thiền của các nghệ sĩ trong Câu lạc bộ Âm nhạc truyền thống Huế với những bài thơ “Chiều” của sư Chơn Tín, “Hoa đá” của sư Minh An, “Sen vàng”, “Nghe mưa” của sư Chơn Hữu… những sương khói, những gió mưa, những sợi nưáng vốn qua thơ của quý sư đa sắc màu: màu tím của chiều, màu vàng của nắng, màu nhạt nhòa của sương khói hay màu mong manh của sợ gió, tơ trời… đang được bay lên, bay lên.


 


Nói như nhà thơ Mai Văn Hoan: “Thơ của các sư vốn rất thiền vị nhưng lại rất nặng tình nhan thế, đấy là cuộc đời. Thật đấy mà cũng là mơ đấy, chợt nhòa chợt hiện, chợt buồn chợt vui. Hầu hết những bài thơ của các sư đều có màu của sự thong dong, giải thoát nhưng đâu đó cái tâm, cái tình và cái vướng mắc của thế cuộc vẫn còn như dan díu. Âu đó là nỗi lòng trắc ẩn trước những thân phận con người của những ai đã và đang hướng đến con đường giải thoát giác ngộ”. Tôi không đồng ý với ai đó rằng, thơ của quý sư còn rất đời, còn hệ lụy với những ưu tư, những chia ly, những tạ từ và những nỗi buồn man mác… Bởi tất cả những biểu hiện trong thơ (xin nhắc lại là trong thơ) chỉ là những sự thể hiện tâm hồn của nhà sư trước những cái thực, trước những sự mất mát và đau thương của cuộc đời, cảm thông bằng những rung cảm ấy là đức từ bi.


 

Sự thành công của đêm hội thơ khiến tôi có nhiều suy nghĩ. Phải chăng Phật giáo chúng ta đang để trống một nội dung sinh hoạt và dường như đang thiếu vắng sự giáo dục, khuyến khích phát triển tài năng sáng tác thơ văn trong Tăng, Ni trẻ. “Văn dĩ tải đạo” – đúng, người ta đã đến và đã có thật nhiều cảm xúc trước những truyện ngắn, những tùy bút, những bài thơ thấm đẫm tình người, tình đời. Họ đã có nhiều thiện cảm, nhiều sự ưu ái với quý sư mà tìm đến với Phật giáo. Tôi không cho đấy là một sự tình cờ; những gì mà quý sư đã làm được cho người yêu thơ văn ở Huế hôm nay là cả một quá trình dài trong việc hướng Tăng, Ni đến với nghệ thuật để họ vững tin bước vào đời với trọng trách hoằng pháp trong mai hậu.