Trang chủ Diễn đàn Đề xuất GHPGVN trực tiếp truyền hình toàn quốc Lễ Phật Đản

Đề xuất GHPGVN trực tiếp truyền hình toàn quốc Lễ Phật Đản

65

Với tinh thần trên, nhiều lễ hội Phật giáo, đặc biệt là lễ Phật đản, đã được các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương thông tin. Lễ Phật đản ở một số tỉnh thành đã được trực tiếp truyền hình. Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn được truyền hình trực tiếp.

Mới đây, theo Phattuvietnam.net, Đài Truyền hình Kiên Giang đã trực tiếp truyền hình lễ khai mạc Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tổ chức tại địa phương này. Được biết, một số tỉnh tới đây như Thái Nguyên cũng sẽ truyền hình trực tiếp lễ Phật đản.

Như vậy, chủ trương trực tiếp truyền hình các buổi lễ  Phật giáo không chỉ là chủ trương từ phía Phật giáo, mà còn là chủ trương từ phía chính quyền, đã được một số địa phương thực hiện.

Tham dự  lễ Phật đản không chỉ là tăng ni tín  đồ Phật giáo, mà còn có sự tham dự  của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc… Nội dung các bài phát biểu trong cuộc lễ của các vị lãnh đạo Đảng , Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận… tất nhiên, cần được phổ biến đến rộng rãi tăng ni Phật tử và cả toàn dân thực hiện công tác dân vận, thể hiện sự đúng đắn trong chính sách tôn giáo của lãnh đạo ta.

Lễ Vesak 2008 tại Hà Nội đã được Đài Truyền hình Việt Nam trực tiếp truyền hình.

Như vậy, chúng ta có cơ sở để hướng đến việc trực tiếp truyền hình hàng năm Lễ Phật đản cũng như các cuộc lễ Phật giáo đột xuất khác.

Truyền hình trực tiếp Lễ Phật Đản là mở rộng quy mô của lễ hội lên đến hàng ngàn lần. Số người chứng kiến cuộc lễ không chỉ  là số người có mặt tại địa điểm hành lễ, mà qua sóng VTV hay VTC chẳng hạn, số  người chứng kiến mở rộng lên quy mô cả  nước, có thể lên đến hàng chục triệu người.

Trở  ngại chính cho việc tổ chức trực tiếp truyền hình Lễ Phật Đản, có thể, là từ phía các đài truyền hình.

Hiện nay, chương trình truyền hình các đài đã được sắp xếp trước cố định, xuất phát từ nhu cầu phục vụ đăng ký quảng cáo. Các chương trình trực tiếp truyền hình một phần là những chương trình đột xuất, sẽ gây khó xử, vì các đài truyền hình sẽ phải dời các chương trình dự kiến lại và có thể rơi vào tình trạng thực hiện không đúng thỏa thuận với doanh nghiệp quảng cáo.

Do đó, việc trực tiếp truyền hình chỉ thực hiện khi rất cần thiết, đặc biệt là theo chỉ thị cơ  quan tư tưởng văn hóa cấp trên.

Để  có thể xúc tiến trực tiếp truyền hình lễ Phật đản, trong thời gian trước mắt, phía Phật giáo có thể góp phần tài chính làm giảm thiệt hại cho các đài truyền hình vì phải hủy các nội dung quảng cáo trong chương trình đã xác định phát từ trước.

Do Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nên có thể xem các buổi lễ có tính chất quần chúng do Giáo hội tổ chức, có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là sinh hoạt của Mặt Trận Tổ quốc. Vì vậy, có thể xét để giải quyết truyền hình trực tiếp như một sinh hoạt của Mặt trận.

Phía Phật giáo có thể tăng yếu tố quần chúng của lễ hội Phật đản bằng cách trong phần cuối của buổi lễ, có thể tổ chức bổ sung nội dung vận động doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân ủng hộ tài chính cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo, cứu trợ (tương tự hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường được tổ chức truyền hình).

Như thế, lễ Phật đản được mở rộng thành hoạt động thúc đẩy thể hiện cụ thể tinh thần từ bi, tương thân tương ái, nhân đạo, đoàn kết toàn dân, thực hiện chủ trương của Đảng. Đây là cơ sở quan trọng giúp các đài truyền hình dễ dàng thực hiện việc trực tiếp truyền hình Lễ Phật đản.

Lễ Phật  đản trong tinh thần như thế được trực tiếp truyền hình trên phạm vi toàn quốc (chẳng hạn, do Đài Truyền hình Việt Nam, đơn vị có mạng phát hình toàn quốc thực hiện) không chỉ đem lại lợi  ích cho Phật giáo hay Mặt trận Tổ quốc, mà là cho toàn thể người dân Việt Nam, thực hiện chủ trương đoàn kết toàn dân, tương thân tương ái đồng bào của Đảng và Nhà nước.

Ngoài  Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình VTC thuộc Bộ  Thông tin Truyền thông, đơn vị đã thực hiện nhiều chương trình truyền hình giá trị về Phật giáo, cũng có cơ sở phát hình toàn quốc bằng kỹ thuật analog (thu xem dễ dàng qua anten thường).

Mong rằng trong ước mơ trực tiếp truyền hình Lễ Phật  đản sẽ được thực hiện trong Phật đản này. Chỉ cần Giáo hội cử ra một tiểu ban xúc tiến mục tiêu này.

Nếu gặp khó khăn, một phương án khác là có thể tìm đến những kênh truyền hình địa phương, nhưng đã phủ sóng toàn quốc qua vệ tinh Vinasat-1 như Đài Phát Thanh Truyền hình Hà Nội chẳng hạn.

Sẽ là một điều không hay đối với diện mạo Phật giáo, nếu Lễ Phật đản do một tỉnh hội Phật giáo nào đó tổ chức, lại được phát toàn quốc qua kênh truyền hình địa phương nhưng truyền dẫn qua vệ tinh, còn Lễ Phật đản do Trung ương Giáo hội tổ chức thì lại không được như thế.

Trong những năm sau, khi việc trực tiếp truyền hình Lễ Phật  đản đã trở thành hoạt động định kỳ  ấn định từ trước, thì chắc chắn việc hỗ trợ đài truyền hình giải quyết việc  điều chỉnh hợp đồng quảng cáo đã ký sẽ  không còn là vấn đề nữa.