Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Để tìm hiểu Phật giáo trong quan hệ với các tôn giáo...

Để tìm hiểu Phật giáo trong quan hệ với các tôn giáo khác

0

Sách dày 267 trang, khổ 13 x 19 cm, do Nhà xuất bản Công an Nhân dân xuất bản năm 1998, vẫn còn khá dễ tìm, đặc biệt là trong các thư viện.

Nếu cần tìm thông tin về các tôn giáo lớn trên thế giới, quyển sách không dày này chỉ cung cấp cho chúng ta những thông tin khái quát, cơ bản. Bạn đọc Phật tử muốn tìm thông tin về Phật giáo, thì có lẽ sẽ thất vọng, vì so với nhiều tài liệu tôn giáo học, thông tin về Phật giáo trong quyển “Tôn giáo thế giới và Việt Nam” còn khá sơ lược.

Tuy nhiên, nếu bạn đọc muốn tìm hiểu về tiến trình hoạt động và phát triển của các tôn giáo tại Việt Nam hiện nay, trong đó có Phật giáo, với mối quan hệ tương tác với các tôn giáo khác, thì “Tôn giáo thế giới và Việt Nam” là một tài liệu đáng quan tâm.

Sách có 6 phần chính, trong đó, phần III, “Các tôn giáo ở Việt Nam” là phần mà chúng tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc.

Trong phần này, tác giả Mai Thanh Hải dường như miêu tả từng tôn giáo riêng lẻ, nhưng đọc hết cả phần, diện mạo chung của hoạt động tôn giáo tại Việt Nam hiện ra khá rõ nét trong sự phức tạp của nó.

Đối với Phật giáo, số lượng tín đồ ghi nhận ước lượng lúc bấy giờ là “khoảng 15 triệu”. Sự phát triển của Phật giáo Việt Nam cũng được ghi nhận, tuy chủ yếu chỉ về mặt bề nổi, và kèm theo đó là một số vấn đề phát sinh: “Khoảng mươi năm gần đây, đời sống tín ngưỡng có nhộn nhịp hơn trước. Số người đi lễ chùa tăng lên một cách đáng kể, trong đó có cả nhiều người không hiểu biết gì về giáo lý  và tổ chức giáo hội, thậm chí nhiều người chỉ cốt tìm ra một chốn yên ổn tâm hồn. Ở một số chùa, việc cúng bái vượt ra khỏi giáo lý và kỷ cương nhà chùa, pha tạp và xen kẽ nhiều hình vẻ mê tín dị đoan; trong “tâm linh” nhiều người đi lễ chùa (như chùa Hương chẳng hạn), có không ít người muốn cầu xin một ít may mắn nào đó để trốn được thuế, để “một vốn bốn lời”, thậm chí muốn xin xỏ một “đặc ân” trên trời rơi xuống, hoặc một đòn thù báo oán, chẳng khác gì họ cầu xin ở các phủ, các đền bà chúa nọ, ông thánh kia. Ở một khía cạnh khác, đạo Phật gần đây còn là nguồn an ủi cho một lớp người đứng tuổi, là nơi xa lánh cõi đời của một số người gặp “số mệnh” lênh đênh và cũng là một vốn liếng cho một số trí thức muốn lần trở lại khía cạnh triết lý của của đạo Phật. Đông người đi lễ chùa, chưa hẳn đã là một tiêu chí để đánh giá thành đạt cao thấp của cửa Phật. Khâu chủ chốt quyết định tương lai đạo Phật ở Việt Nam rất có thể phải tìm lại trong các bài học sâu sắc của những chặng đường gắn bó với dân tộc, với thời cuộc.”

Tình hình phát triển như thế của Phật giáo Việt Nam là một bức tranh xen lẫn các mảng sáng/tối. Thế nhưng, sẽ rất đáng lưu tâm nếu đặt Phật giáo bên cạnh sự phát triển của các tôn giáo khác ở Việt Nam. Sách “Tôn giáo thế giới và Việt Nam” dành một sự lưu ý khá đặc biệt đối với đạo Tin Lành. Tác giả Mai Thanh Hải không giới hạn sự tìm hiểu chỉ ở Tin Lành Cao nguyên mà ông còn ghi nhận sự phát triển của tôn giáo này ở nhiều tỉnh đồng bằng. Đoạn dưới đây trích từ sách dẫn trên, các trang từ 163 đến 167:

Mấy tháng đầu năm 1975, ngụy quyền Sài Gòn tan rã, lính Mỹ bỏ chạy, các giáo sĩ Tin Lành người nước ngoài cũng tháo chạy, kéo theo một số đông giáo sĩ người Việt; một số chức sắc và tín đồ trước kia đã là sĩ quan ngụy, nay lại tham gia tổ chức FULRO vũ trang chống chính quyền; phạm vi và mức độ hoạt động của Tin Lành giảm sút hẳn, thậm chí nhiều nơi như liệt hẳn, như chưa từng tồn tại. Mười năm qua đi, mấy năm cuối của thập kỷ 80, người ta lại thấy một số giáo sĩ Tin Lành quay trở về chốn cũ, phục hồi lễ bái cầu nguyện, thu nạp thêm hội viên mới, xây dựng thêm nhiều cơ sở mới ở các vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh. Những năm gần đây, người ta thấy Tin Lành lan tỏa trong thinh lặng nhưng rất nhanh trong rất nhiều buôn ấp Tây Nguyên, cả tận các xóm nhỏ khuất nẻo đầu nguồn cuối rừng (đến năm 1995, số người theo Tin Lành ở Tây Nguyên đã lớn gấp ba lần số tín đồ hồi tướng Mỹ John Paul Vann trực tiếp chỉ đạo ở Tây Nguyên những năm đầu thập kỷ 70). Cũng có những hoạt động tương tự ở một số vùng của các tỉnh Long An, Bến Tre, Quảng Nam, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang, v.v… Đáng chú ý là Tin Lành gần đây đưa ra nhiều hình thức “tân kỳ” dễ hấp dẫn, như làm lễ “bồi linh”, “hiệp nguyện” (nhiều nơi còn kết hợp nhảy múa ca hát cho linh hồn được thanh thỏa…). Nhiều cơ sở cũ của Phục Lâm được phục hồi mạnh hơn xưa, họ làm cho nhiều đảng viên cán bộ sợ bị cô lập hoặc bị “lạc hậu” nên cũng a dua ừ ào về thế giới tâm linh, về thế kỷ XXI tới đây là thế kỷ của tôn giáo hiện đại, cụ thể là thế kỷ của Tin Lành,  của Ngũ Tuần, v.v…; ở nhiều thành phố như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nam Định và cả ở Hà Nội, trong môi trường trí thức, cũng xuất hiện các nhóm “nói tiếng lạ” vừa nhịn ăn, cầu nguyện la hét, đợi Chúa Giáng lâm, theo kiểu giáo hội Ngũ Tuần (còn gọi là giáo hội Ngày thứ năm mươi – Cinquantieme jour – Pentecotism); phong trào “nói tiếng lạ” cũng len lỏi cả đến một số vùng đông người Công giáo và một số vùng miền núi xa xôi như Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái v.v… Những cuộc di cư cỡ bỏ túi kéo dài liên tục mươi năm nay trong vùng đồng bào Hmong, vụ tự sát mông muội ở bản Pá He (Sơn La), các cuộc đột biến trong giáo hội Moon ở Hàn Quốc, AUM ở Nhật, David ở Mỹ, Anh em trắng của Đức Bà ở Liên Xô cũ, Đền Mặt trời ở Pháp và Thụy Sĩ, v.v… chẳng phải là những hồi chuông liên tục báo động cho tất cả những ai quan tâm đến tôn giáo đó sao? Một số người Bắc Âu và Hàn Quốc, dưới tư cách tham quan hoặc chuyên gia kỹ thuật, đã móc nối các đường dây “đi tu nghiệp”, thăm viếng du lịch “Tân sứ đồ” và “Hội Thánh bốn phương”, hoặc đi hợp tác lao động, để làm những việc phi tôn giáo dưới danh nghĩa Tin Lành canh tân.

Mặc khác, do chính sách ngoại giao đa phương đa diện của đất nước, chúng ta đón tiếp nhiều đoàn đại biểu Tin Lành các nước đến thăm và viện trợ xã hội. Cũng có đoàn đưa ra những kiến nghị rất cụ thể khiến cho chúng ta không thể không suy nghĩ tín toán, như đoàn ADRA của tổ chức Tin Lành Mỹ, đề nghị được cung cấp tiền bạc và kinh sách cho các mục sư Việt Nam, đề nghị cho lập Văn phòng đại diện thường trực tại mấy thành phố, cho xây dựng thêm nhiều nhà thờ ở những nơi tín đồ chẳng có bao nhiêu, v.v…

Điểm lại diễn biến gần một trăm năm đạo Tin Lành vào Việt Nam, người ta có thể ghi nhận rằng quá trình này chịu sự tác động quá lớn của các sự kiện chính trị xã hội, nhất là khi đất nước bị chia cắt, Tin Lành miền Nam mang dấu ấn rất sâu nặng của cuộc cọ sát máu lửa kéo dài hai mươi năm. Đã có nhiều năm kéo dài sau khi nước nhà được thống nhất, nhiều người tưởng lầm rằng Tin Lành đối với nước ta chỉ là một vấn đề của quá khứ,  cũng không nên tưởng lầm rằng đây là vấn đề của một số biện pháp hành chính gọn nhẹ. Không nên nhìn nhận rằng hoạt động truyền giáo của Tin Lành lúc này hay lúc kia thuần túy là những hoạt động dò la, do thám tình hình để phục vụ cho các kế hoạch hành quân hay các chương trình này nọ, nhưng cũng không nên chỉ thấy những người đi truyền giáo sống rất thanh bần, mang một niềm tin nung nấu trong tâm can, chỉ đăm đăm một mục tiêu duy nhất là “hầu việc Chúa”. Cho đến nay, số tín đồ Tin Lành trong cả nước đã vào khoảng 400.000 người, thuộc hơn mười giáo hội khác nhau, khoảng 500 giáo sĩ (trong đó có 112 người thuộc các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên). Tuy số lượng không lớn lắm, nhưng Tin Lành chọ lựa các hình thức hoạt động mềm dẻo, giáo lý và lễ nghi được đơn giản hóa và quần chúng hóa nhiều nơi đã thích nghi dễ dàng với phong tục tập quán và “khẩu vị” người địa phương (1). Các tệ nạn xã hội, sự phân tầng giàu nghèo, những bất thường trong thiên tai dịch bệnh, v.v… đều là những duyên cớ bức bối cho con người ta đi tìm nguyên nhân, giải pháp, mà những con đường để đi tìm các lời giải đáp đó đâu phải chỉ có một! Có thể dự liệu là tới đây, số lượng tín đồ và phạm vi hoạt động của Tin Lành còn có thể tăng, điều cốt yếu là tín đồ Tin Lành không tách rời điều kiện lịch sử mới, tìm được nhiều phương sách đúng đắn để hòa nhập trong cộng đồng dân tộc cùng nhau vững bước trên con đường tốt đời, đẹp đạo.”

Các vấn đề sẽ trở nên đáng lưu ý hơn, nếu chúng ta so sánh với những con số dẫn lại ở trên với số liệu thống kê của cuộc Tổng Điều tra dân số năm 2009. Theo cuộc Tổng Điều tra dân số năm 2009, số người theo đạo Phật chỉ còn 6.802.318 người. Như vậy là giảm đến hơn phân nửa. Trong khi đó số người theo Tin Lành là 734.168 người, có thể nói là tăng gần gấp đôi.

MT