Trang chủ Thời đại Xã hội Để Phật giáo Việt Nam đồng hành, gắn bó với dân tộc

Để Phật giáo Việt Nam đồng hành, gắn bó với dân tộc

81

PHẬT GIÁO NHẬP THẾ


Trong các cuộc trường kỳ kháng chiến Phật Giáo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc. Nhiều nhà sư đã tạm gác áo Cà Sa mặc áo lính, thành anh bộ đội Cụ Hồ. Nhiều nhà Chùa là cơ sở cách mạng, là nơi che dấu, nuôi dưỡng cán bộ, thương bệnh binh. Chiến tranh tàn phá nhiều làng mạc và các ngôi chùa cũng bị hư hại.ư


Hoà bình lập lại, Phật Giáo Việt Nam đã sớm được thống nhất. Năm 2007 đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần 6 đã được tổ chức thành công ở Hà Nội. Nhiều ngôi chùa đã được tu sửa lại. Có nhiều vị sư trụ trì cùng với sự tham gia đóng góp của tín thí thập phương đã tu sửa nhiều chùa trong khu vực. Cảnh quan của các chùa đã khang trang hơn. Các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học của Phật giáo đã được mở ra để đào tạo các tăng ni sinh. Thập phương tín thí đóng góp lương thực thực phẩm, đèn sách cho tăng ni sinh ăn học.


Mấy năm gần đây, Viện Phật giáo đã được xây dựng với quy mô lớn hơn ở Miền Bắc và Miền Nam. Nhiều tăng ni ra trường đã đảm trách tốt công việc. Một số tăng ni trẻ đã được cử đi trụ trì các chùa ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Giáo hội Phật giáo đã cử một số vị đi học ở nước ngoài, những nơi có truyền thống về Phật giáo và đã mang về các học vị tiến sĩ Phật học.


Phật giáo Việt Nam tự hào vì đã có Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người Việt Nam có khả năng thuyết giáo thành công nhất ở Châu Âu và được thế giới ngưỡng mộ. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách và còn là một nhà thơ Việt Nam lại có vinh dự được diễn thuyết tại Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc năm 2008 tại Hà Nội.


Phật giáo Việt Nam cũng tự hào vì đão có Thiền sư Thích Thanh Từ phục hồi và tiếp nối dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, khơi dòng văn hóa Phật giáo đặc sắc trong thời đại mới.


Tới đây, bên cạnh lực lượng các vị xuất gia, các cư sĩ tại gia cũng có những vị xuất sắc, hiểu biết thâm sâu giáo lý và tu tập miền mật những pháp tu vi diệu, đóng góp vào việc hoàng dương Phật pháp.


Các cơ quan ngôn luận của Giáo hội hoạt động đều đặn. “Tạp chí Nghiên cứu Phật học”, tạp chí “Văn hóa Phật giáo”, báo “Giác ngộ” … là những tờ báo có uy tín, có nhiều bài viết giá trị.


Nhà xuất bản tôn giáo những năm gần đây đã cho ra đời nhiều công trình dịch thuật, nhiều kinh sách. Thư viện Phật học được bổ xung thêm nhiều kinh sách có giá trị và ngày càng có nhiều độc giả. Một số chùa như chùa Liên Phái, Phật tích… đã có thư viện Phật học ở trong chùa. Việc phát hành kinh sách đã ngày càng phong phú. Tín thí thập phương đã công đức đóng góp cho việc ấn tống kinh sách. Nhờ vậy, người muốn tu học có điều kiện tìm kiếm kinh sách dễ dàng hơn.


Cùng với các thiền viện, một số chùa như chùa Hoàng Pháp ở Miền Nam, chùa Liên Phái, chùa Hưng Ký, chùa Bồ Đề ở Hà Nội v.v… đã thường xuyên tổ chức việc giảng pháp và có được các khoá tu đều đặn trong năm cho các Phật tử. Đó là những thành tựu của Phật giáo Việt Nam, dù ban đầu, sơ khở, nhưng thật đáng tán thán.


VẤN ĐỀ ĐẶT RA


Tuy nhiên, ở bình diện tu học, có đôi điều còn nên suy nghĩ. Ở thời Đức Phật tại thế, hầu hết các giới luật, các giáo lý được đưa ra và chỉ dạy là nhằm giải quyết những vấn đề của thực tế đặt ra. Đức Phật khi ấy đã là người toàn giác, toàn trí và toàn thiện nên những vấn đề đặt ra đã được Ngài giải quyết chuẩn xác.


Với trí tuệ toàn giác, Ngài đã nhìn thấu suốt hết mọi quy luật của vũ trụ, của nhân sinh đúng như bản chất tích thực của nó. Đó là những vấn đề cốt lõi thuộc chân đế (hay chân lý tuyệt đối). Bởi đã là chân lý tuyệt đối nên ngàn ngàn đời vẫn không thay đổi.


Song việc vận dụng những chân đế đó vào từng thời đại, từng quốc độ sao cho thiết thực nhất, hữu ích nhất cho việc tu tập, chuyển hoá tâm thức, chuyển hoá xã hội, đó là điều hết sức cần thiết. Để làm được điều này cần có những công trình nghiên cứu thật nghiêm túc.


Thời đại ngày nay thời gian thì ít ỏi, công việc lại quá nhiều, ai ai cũng thấy tối ngày bận rộn. Mọi nhu cầu của cuộc sống ngày càng gia tăng (ngược lại với nhu cầu thiểu dục).


Thời Phật tại thế đã không cho các đệ tử của mình ngủ quá 3 đêm ở một gốc cây. Việc tu tập chỉ ở trong rừng chưa có tịnh xá ở thời kỳ đầu. Áo chỉ có 3 bộ. Lương thực thực phẩm không được dự trữ, ngoài việc hàng ngày đi khuất thực để chỉ có một bát cơm đủ cho một người ăn no mỗi ngày.


Ngày nay, hầu như cả thế giới, cả loài người đều đổ xô vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhà nhà lo kiếm tiền, người người lo kiếm tiền không mệt mỏi. Việc gia tăng những nhu cầu tiện nghi của cuộc sống nếu ở mức độ hợp lý thì đó là sự tiến bộ của xã hội. Nhưng nếu thái quá thì lại là một sự tàn phá về đạo lý, tàn phá tâm thức thúc đẩy càng lớn lòng ham muốn, khiến suốt cuộc đời mỗi người cứ chạy theo những cái đó mà chẳng bao giờ thấy đủ.


Như Braude đã nói “Người khôn ngoan là người biết đến giới hạn nào thì tham vọng không còn là một phẩm chất tốt nữa”. Sự tham muốn ấy đã làm tham, sân, si gia tăng không ngừng và cái thiện cũng giảm thiểu không ngừng. Mọi tham vọng đang được đẩy lên ở đỉnh cao. Tham nhũng là quốc nạn mà cũng là thế giới nạn. Những đặc điểm này tác động đến xã hội, đến mọi người, đến hàng cư sĩ và cả hàng xuất gia.


Tuy vậy, xã hội ngày nay cũng có những mặt tích cực. Khoa học kỹ thuật đã phát triển không ngừng và khả năng chinh phục của con người trong mọi lĩnh vực cũng ngày càng lớn. Người tu học ngày nay cần một hệ thống giáo lý có lưu tâm tới những vấn đề này để chuyển hoá tâm thức góp phần thúc đẩy xã hội phát triển đi lên, mà lại giảm thiểu được nhiều nhất những tác động kéo lùi đạo lý đi xuống.


Giáo lý chân chính sẽ là ngọn đuốc soi đường cho thực tiễn phát triển đúng đắn. Có được một hệ thống giáo lý như vậy cho hiện tại là một “Phật chức”, một “Thiên chức” vô cùng vĩ đại của Phật giáo. Nguyện cầu mười phương chư Phật, Bồ tát gia hộ.


Trong quá trình tu học, điều khó nhất là việc thực hành, làm theo hạnh Phổ Hiền, hạnh Bồ Tát. Hành để không ngừng tăng trưởng công đức, phước lực. Hành để có được những phần chứng đắc. Hành để nâng tầm tâm thức lên ngõ hầu có thể rũ bỏ được những trần cấu và tiếp cận được phần nào với tuệ đăng sáng chói và pháp thân thanh khiết của chư Phật.


Người tu học ngày nay rất cần, thật cần những phương pháp tu tập nào hiệu quả nhất để có thể điều chỉnh những suy nghĩ, những thói quen đã ăn sâu nhiều đời nhiều kiếp, khiến cho có thể điều phục được tâm và khai mở được trí tuệ. Tất cả nhằm dẫn tới sự thăng hoa để đạt tới một trí tuệ toàn giác và một tấm lòng toàn thiện.


Ở đây lại cũng rất cần sự nghiên cứu nghiêm túc, sự thực nghiệm cẩn mật để có được những chứng đắc. Đó sẽ là những tấm gương, rút ra những bài học thực tiễn cho các thế hệ tu học noi theo.


Nhằm phục vụ cho việc tu học cũng rất cần có một kế hoạch in ấn kinh sách nhằm đảm bảo hai yêu cầu là: vẫn đề cập tới những vấn đề lõi cốt, tinh yếu của giáo lý, nhưng cũng đã được vận dụng uyển chuyển phù hợp với thực  tế xã hội ngày nay.


Việc phát hành kinh sách cũng rất nên có sự tổ chức sắp xếp phân loại để người tu học dễ tìm kiếm các loại sách từ thấp đến cao. Khắc phục tình trạng tuỳ tiện hoặc không kiểm soát được sự chuẩn mực của các ấn phẩm kể cả băng đĩa.


Việc tu học ngày nay chắc có khoảng 85% mới chỉ nhằm giao duyên với Phật pháp. Ở hàng xuất gia thì bận bịu quá nhiều với các Phật sự, việc xây dựng chùa tháp và phục vụ tín ngưỡng, rất ít thời gian để tu học. Hàng tại gia  một số biết tụng kinh niệm Phật còn thì nặng về lễ lạy, bái sám, cầu nguyện cho cuộc sống hiện tại được an lành.


Nhưng cái thực sự để có được cuộc sống an lành đó là phải thực hiện mọi điều lành, tránh mọi điều bất thiện thì lại chưa có mấy ai quan tâm đầy đủ. Bởi vậy, việc tiến tu, chứng đắc và hoá độ chúng sinh thực còn khá khiêm tốn.


Từ thực tế trên đang đặt ra vấn đề khẩn thiết mong các vị cao tăng, các minh sư sớm có được kế hoạch ngõ hầu đáp ứng nguyện vọng mong cầu tu học của đại chúng. Sớm có được một hệ thống giáo lý đảm bảo những điều cốt tuỷ mà Đức Phật đã chỉ dạy, nhưng lại vận dụng được những điều thiết yếu nhất, thích hợp nhất cho thời đại hiện nay.


Bên cạnh đó là một hệ thống các biện pháp tu tập, lễ lạy nhằm giúp cho đại chúng (những người thực sự muốn tu học) từng bước có được cuộc sống an lành thân tâm an định. Kế đó, là một hệ thống những biện pháp tu tập hiệu quả từ thấp tới cao nhằm chuyển hoá tâm giải thoát khỏi sự sai sử của ngũ uẩn tiến tới giải thoát khỏi vô minh, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.