Theo dự kiến, chúng tôi sẽ lạm bàn trên bốn lĩnh vực cần uyển chuyển thay đổi để giữ vững được sự sinh tồn của Phật giáo trong lòng mọi người, không còn bị các thế lực tôn giáo khác làm cải đạo. Nếu hiển chính thì đương nhiên sẽ phá tà, bóng tối sẽ bị che lấp nhường chỗ cho ánh sánh ngự trị, trên tinh thần đó, chúng tôi sẽ trình bày bốn nội dung liên quan đến việc thay đổi như sau: – Yếu tố thời gian. – Yếu tố không gian. – Yếu tố nhân sự. – Yếu tố tổ chức. |
Phần 1: Yếu tố thời gian
Theo phong tục tập quán của người dân Ấn Độ, vào các ngày mồng 1, mồng 8, mười bốn, mười lăm và cuối tháng là những ngày các chư thiên đi giám sát cõi người, nên các ngày này người dân thường xuyên đến các tịnh xá, tự viện để tu tập làm việc thiện, và các nước Phật giáo khác cũng theo truyền thống trên.
Nhưng thời đại đó con người chủ yếu sống bằng nghề làm nông nghiệp, hiện tại xã hội tiến bộ, công nghệ phát triển và cuộc sống thay đổi theo hướng tích cực hơn trước, hầu hết mọi tầng lớp sĩ nông công thương đều nghỉ ngày cuối tuần, vậy tại sao chúng ta lại không tổ chức tu tập vào các ngày nghỉ đó.
Xã hội phát triển, con người không chỉ chú ý tới ăn no mặc ấm mà còn chú ý tới ăn ngon mặc đẹp. Khi những nhu cầu này được đáp ứng thì họ lại hướng tới một hình thức mới hơn – đó là nơi mà ở đó họ có thể trau dồi đạo đức, tĩnh tâm và bồi dưỡng trí tuệ.
Nếu như công viên trở thành nơi tập thể dục sáng chiều quen thuộc, nơi vui chơi giải trí không còn hấp dẫn như trước nữa, đi du lịch cũng không phải là phương pháp tối ưu nhất trong những ngày nghỉ ngắn từ một đến hai ngày v.v… thì họ có thể đến chùa tĩnh tâm niệm Phật nghe giảng, trao đổi kinh nghiệm tu tập, học cách thay đổi môi trường ở nơi làm việc, có cách nhìn nhận đánh giá cởi mở hơn với những người là bạn bè, là cộng sự mà họ hợp tác, họ sẽ giảm bớt gánh nặng của công việc, tinh thần càng sảng khoái thoải mái hơn cho tuần làm việc mới.
Cho nên vấn đề thay đổi thói quen tổ chức sinh hoạt trong tự viện là một yêu cầu cấp bách của thời đại.
Chúng ta thử làm một thống kê, căn cứ tư liệu mới nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho thấy, có tất cả 14.778 các ngôi chùa trên đất nước Việt Nam, giả sử mỗi nơi đều tổ chức tu học ngày cuối tuần hoặc thời điểm phù hợp cho từng địa phương, thì trung bình mỗi chùa có 70 Phật tử tham dự, vậy có khoảng hơn 1 triệu người đến chùa tham gia khóa tu. Trong 1 triệu người đó, có mối quan hệ mật thiết với 4 thành viên, thì sẽ ảnh hưởng đến 4 triệu người. Bốn triệu người đó đang tham gia ở một cơ sở hoạt động xã hội, thì một người sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến 100 người, thế thì có 40 triệu người được sự an lạc này, xã hội do đó sẽ hài hòa ổn định hơn.
Chính vì vậy mà mong muốn các ngôi chùa có thể tổ chức theo các khoảng thời gian thích hợp, để mọi người có cơ hội về chùa nghe giảng giáo lý, tọa thiền niệm Phật và thảo luận Phật pháp, nếu chùa không đủ thầy cô tổ chức thì có thể chia các phần đó cho cận sự nam cận sự nữ thực hiện, thầy cô chỉ phụ trách việc giảng dạy và lãnh chúng tụng Kinh niệm Phật. Nếu địa phương thiếu thầy cô thì có thể luân phiên điều động hoặc để Phật tử am hiểu Phật pháp chia sẻ diễn giảng theo chuyên đề.
Ngoài ra chuyện ẩm thực, thủ quỹ, thư ký, bảo vệ, tạp vụ v.v… đều phân phối trách nhiệm cho các cận sự nam nữ, khi mỗi người có một trách nhiệm cụ thể thì họ cảm thấy tự hào vì được tin tưởng và được giao trách nhiệm để có thể đóng góp trực tiếp, khi ấy họ tự nguyện tham gia liên tục, họ sẽ có nhiều kinh nghiệm và tổ chức được các hoạt động lớn nhỏ khác, công đức này nên cùng nhau hòa hợp phát huy.
Chúng ta nên nghĩ Phật giáo có giáo pháp trí tuệ, lợi tha, đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, trong xã hội hiện tại, người mà có thời gian đến chùa tu tập ngày cuối tuần chiếm tỷ lệ 3/4, nhưng tại sao chúng ta còn bỏ ngõ, do đó đối tượng giáo hóa của chúng ta có phải bị hạn cuộc mất không, mảnh đất tâm hồn của họ đã bị chúng ta đã quên lãng, họ cần đến chùa thì chùa không mở cửa, thế thì việc cải đạo đó là chuyện đương nhiên.
Hiện tại nhiều thành phố lớn đã tổ chức ngày tu tập cuối tuần, các khóa tu mùa hè cho học sinh sinh viên, các ngày lễ lớn như Phật đản, Vu lan v.v… tổ chức có phần đa dạng nội dung và thời gian kéo dài hơn, nhưng chưa thực hiện triệt để, các vùng quê khác thì chưa thấy có nhiều tiến triển.
Và chùa viện là nơi sinh hoạt cộng đồng, nếu không khai thác hết năng lực phục vụ cộng đồng thì nguồn tài nguyên này vô cùng lãng phí, khoảng thời gian nhàn rỗi của mọi người không biết sử sụng triệt để, thì trách nhiệm đó là ở người lãnh đạo của tự viện. Hãy để:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông
Nếu muốn mái chùa vĩnh viễn là nơi che chở tâm hồn dân tộc, nếu muốn mọi người thường xuyên về chùa, muốn cho xã hội an lành hạnh phúc và giảm đi tình trạng cải đạo, việc uyển chuyển phương tiện thay đổi theo tập quán, thời gian về chùa của mọi người là điều nên làm cấp thiết, hy vọng vấn đề này được chú ý hơn nữa.