Trang chủ Nghiên cứu Thiền học Để ngộ tông chỉ Phật

Để ngộ tông chỉ Phật

446

Bài viết này để trả lời một câu hỏi: Làm thế nào để ngộ? Ngộ đây là ngộ tông chỉ Thiền, tức ngộ tông chỉ Phật. Người viết không dám trả lời minh bạch, vi bản thân tu và học đều chưa sâu, nơi đây chỉ trình bày qua nhiều kinh luận để giúp độc giả tham khảo.

Ngộ đây là hiểu, là nhận biết, là thấy, là kinh nghiệm thực chứng. Nghĩa là, có nhiều mức độ, cạn và sâu; có khi gọi là tiểu ngộ và đại ngộ. Do vậy, lịch sử Thiền Tông ghi lại nhiều trường hợp các Thiền sư đã trải qua nhiều lần ngộ. Như ngài Đại Huệ Thiền Sư (1088-1163) sau khi theo học nhiều vị sư, đã triệt ngộ tông chỉ Thiền phái Tào Động, vẫn nghĩ rằng cần học thêm, nên tới học với ngài Trạm Đường, khi ngài Trạm Đường tịch mới tới tham vấn nhiều sư khác, và sau cùng về học ngài Viên Ngộ; sau khi tham nhiều công án đều hiểu hết, được Viên Ngộ phó pháp Lâm Tế Chính Tông. Sách Đại Huệ Ngữ Lục, bản dịch của Thầy Duy Lực, ấn bản 1992, nơi trang 10, ghi rằng dù đã được phó pháp, trích: “Sư đã triệt ngộ, nhưng đối với công án ‘Mấy thiền khách’ vẫn còn nghi, nên hỏi Viên Ngộ”… Nghĩa là, trong đời tu học, ngộ có thể tới cả trăm lần. Chỉ trừ, người có cơ duyên một lần đại ngộ là xong, dứt bặt tham sân si.

Ngộ ở mức độ đơn sơ nhất, là hiểu qua ý thức phân biệt. Như thế, tất cả chúng ta đều có thể trải qua kinh nghiệm ngộ này. Thí dụ, hãy tự nhìn vào tâm mình, khi nghe bài kệ bốn dòng của Ngài Huệ Năng (nơi đây, sẽ viết xuôi một dòng cho dễ đọc):

“Bồ-đề bổn vô thọ, Minh cảnh diệc phi đài, Bản lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai.”

Bản dịch của Thầy Thanh Từ là:
“Bồ-đề vốn không cây, Gương sáng cũng chẳng đài, Xưa nay không một vật, Chỗ nào dính bụi nhơ.”

Bồ đề là trí tuệ, là khi nhìn vào tâm mình, ngay khi tỉnh giác nghe kệ đó, sẽ thấy rằng cái nghe và được nghe (kệ), cái nhận biết và được nhận biết (ý nghĩa bài kệ) vốn là không có cây nào, vì trước khi nghe (kệ) và trước khi nhận biết (ý nghĩa bài kệ) thì tâm mình chỉ là cái tịch lặng rỗng rang. Trong khi cảnh hiện ra, tâm như gương sáng (nhận ra âm thanh bài kệ và hiểu ý nghĩa bài kệ) chẳng hề dựa trên đài, trên bục, hay trên bất kỳ cái gì. Xưa nay (trước khi nghe kệ tới giờ) vốn không một vật, vì trước đó là tâm tịch lặng; ngay chỗ đó, hễ tỉnh giác sẽ thấy không hề có bụi gì nhơ cả. Như thế là ngộ: Nhìn tâm, đối chiếu bài kệ, hiểu ngay ý nghĩa. Đây là ngộ qua lý luận, qua biện biệt. Tương tự, cũng có thể đối chiếu qua Bát Nhã Tâm Kinh, tâm mình từ nơi tịch lặng (vô tướng, tức Không) hiện ra cái nghe bài kệ (cái được nghe, tức Sắc), sẽ nhận ra Không tức thị Sắc… Do vậy, chúng ta hiểu được vì sao Phật Giáo Tây Tạng thường dạy lý luận đầu tiên. Cần phải ngộ trước, dù là ngộ sơ sài, rồi mới tu sau, mới không chệch hướng. Chưa ngộ, chưa gọi là tu.

.

Trong Kinh Tạng Thanh Văn (Nikaya và A Hàm), Đức Phật gọi ngộ là Chính kiến, có khi gọi là Chính tri kiến. Và Chính kiến luôn luôn phải đi trước tất cả các thiện pháp. Chưa có Chính kiến, chưa gọi là tu. Chưa có Chính kiến, vẫn còn là bóng đêm trước mắt chúng ta.
Kinh AN 10.121, bản dịch của Thầy Minh Châu, giải thích rằng Chính kiến là mặt trời mọc, trích:

“Khi mặt trời mọc, này các Tỷ-kheo, cái này là đi trước, cái này là tướng báo trước, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các thiện pháp, cái này là đi trước, cái này là tướng trước, tức là chính tri kiến.

Từ chính tri kiến, này các Tỷ-kheo, có chính tư duy. Từ chính tư duy, có chính ngữ. Từ chính ngữ, có chính nghiệp. Từ chính nghiệp, có chính mạng. Từ chính mạng, có chính tinh tấn. Từ chính tinh tấn, có chính niệm. Từ chính niệm, có chính định. Từ chính định, có chính trí. Từ chính trí, có chính giải thoát.” (1)
.
Nghĩa là, chính kiến có tầm mức cực kỳ quan trọng, là bảng chỉ đường ban đầu, chệch đi là ra ngõ quẹo sai hướng. Đức Phật giải thích chính kiến theo nhiều mức độ, tùy theo trình độ người đương cơ trong kinh. Trong rất nhiều kinh, chúng ta có thể hiểu chính kiến qua lý luận, qua biện biệt.

Như trong Trung A Hàm, Kinh MA 189 (Kinh Thánh Đạo), bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, trích:
“Thế nào gọi là chính kiến? Đó là thấy rằng có bố thí, có trai tự, có chú thuyết, có thiện, ác nghiệp, có quả báo của thiện, ác nghiệp, có đời này đời sau, có cha có mẹ, có bậc chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, trong đời này hay đời sau tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là chính kiến.” (2)

.

Đối với Thiền Tông, nếu chỉ ngộ đơn giản, là chưa đủ. Vì khi ngộ qua lý luận, qua biện biệt, là vẫn còn vin vào chữ, vào ký hiệu, vào ngón tay… để thấy và nhận biết; nghĩa là, còn hiểu qua một màn ý thức. Do vậy, Thiền Tông yêu cầu đốn ngộ, là không nghĩ ngợi, là tức khắc lìa mọi lý luận, là lìa chữ, lìa ký hiệu, lìa ngón tay… mà thấy ngay thực tướng vô tướng của tất cả những cái thấy, nghe, hay biết. Từ ngộ qua lý luận cho tới đốn ngộ là một chặng đường tu học dài lâu.

Trong sách Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận của Thiền Sư Tuệ Hải, bản Việt dịch của Thầy Thanh Từ, giải thích về đốn ngộ, trích:

“- Thế nào là đốn ngộ?

– Đốn ngộ là ngay trong đời này được giải thoát. Làm sao mà biết? Ví như sư tử con, khi mới lọt lòng mẹ quả nhiên là sư tử. Người tu đốn ngộ cũng như thế, ngay khi tu liền vào vị Phật. Như tre mùa xuân sanh măng, cũng ngay trong mùa xuân măng bằng tre, đồng không có khác. Vì cớ sao? Vì trong ruột trống. Người tu đốn ngộ cũng như thế. Vì chóng trừ vọng niệm, hằng dứt ngã nhân, cứu kính không tịch, cùng Phật bằng nhau, đồng không có khác.” (3)

Có nghĩa là, nhận ra thực tướng các pháp là Không, là rỗng lặng. Chính cái nhận ra đó là tâm tỉnh giác. Chính ngay khi nghe, biết ngay cái được nghe (thí dụ, tiếng chim kêu, tiếng gió thổi) vốn là rỗng rang, chỉ là duyên hợp, không hề có thực tướng – và lúc đó nhận ra không hề có chút gì gọi là ngã tướng nơi người nghe và cái được nghe. Nhờ đốn ngộ, vọng niệm sẽ bị xổ ra ào ạt, tất cả tâm chấp [có] ngã, chấp [có] nhân đều tuôn ra ào ạt. Trong thời kỳ đầu truyền pháp, Đức Phật đã dạy pháp đốn ngộ, pháp chỉ thẳng, không qua bất kỳ phương tiện nào (dù là ngồi, hay hít thở).

Đối chiếu sẽ thấy, ngài Tuệ Hải chỉ lặp lại lời Đức Phật dạy trong nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời. Đức Phật dạy trong Kinh Sn 5.15, trích như sau:

“1119. [Đức Phật] Hỡi Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không thể thấy người đã nhìn thế giới này như thế.” (4)

.

Đức Phật cũng nói một cách khác: Chính kiến tức là thuốc xổ bậc Thánh. Nhờ nhận ra chính kiến (tức, ngộ), tà kiến sẽ xổ ra ào ạt.

Đức Phật dạy trong Kinh AN 10.108, bản dịch của Thầy Minh Châu viết, trích:

“Này các Tỷ-kheo, thế nào là thuốc xổ bậc Thánh, thuốc xổ này thành công, không có thất bại. Do duyên thuốc xổ bậc Thánh này nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh… các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não?
Với người có chính kiến, này các Tỷ-kheo, tà kiến bị xổ ra. Các ác bất thiện pháp do duyên tà kiến sanh khởi nên các pháp ấy được xổ ra và các pháp thiện do duyên với chính kiến đi đến viên mãn trong tu tập. Với người có chính tư duy, này các Tỷ-kheo, tà tư duy bị xổ ra… Với người có chính ngữ, này các Tỷ-kheo, tà ngữ bị xổ ra… Với người có chính nghiệp, này các Tỷ-kheo, tà nghiệp bị xổ ra…

Với người có chính mạng, này các Tỷ-kheo, tà mạng bị xổ ra… Với người có chính tinh tấn, này các Tỷ-kheo, tà tinh tấn bị xổ ra… Với người có chính niệm, này các Tỷ-kheo, tà niệm bị xổ ra… Với người có chính định, này các Tỷ-kheo, tà định bị xổ ra… Với người có chính trí, này các Tỷ-kheo, tà trí bị xổ ra… Với người có chính giải thoát, này các Tỷ-kheo, tà giải thoát bị xổ ra… Các pháp ác bất thiện, do duyên tà giải thoát sanh khởi, các pháp ấy bị xổ ra và các pháp thiện, duyên với chính giải thoát đi đến viên mãn trong tu tập.” (5)

.

Tuy nhiên, có Chính kiến vẫn có thể rơi vào địa ngục.

Đức Phật giải thích rằng, ngay cả người giữ giới luật và có Chính kiến, vẫn có thể rơi vào địa ngục: hoặc vì ác nghiệp làm từ đời trước, hoặc vì ác nghiệp làm về sau (nghĩa là, có Chính kiến vẫn có thể gây nghiệp ác), hoặc khi cận tử đột nhiên khởi tà kiến (nghĩa là, giây phút cận tử rất quan trọng). Như thế, cho thấy tà kiến rất mực nguy hiểm.

Kinh MN 136, bản dịch của Thầy Minh Châu, nói rõ 3 trường hợp cả đời tu nghiêm túc nhưng vẫn có cơ nguy rơi vào địa ngục, trích:

“Ở đây, này Ānanda, người nào từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân tâm, có chính kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục … Hoặc là một ác nghiệp đưa đến cảm giác khổ thọ do người ấy làm từ trước, hay một ác nghiệp đưa đến cảm giác khổ thọ do người ấy làm về sau, hay trong khi mệnh chung, một tà kiến được người ấy chấp nhận và chấp chặt. Do vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Và ai ở đây từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho … có chính kiến, người ấy phải lãnh thọ quả báo được khởi lên ngay hiện tại hay trong một đời khác.” (6)
Như thế, Chính kiến là thuốc xổ bậc Thánh, là vô lậu, là bước đầu của giải thoát, nhưng nếu sơ xuất để khi cận tử, đột nhiên sinh khởi tà kiến, là sẽ có cơ nguy rơi vào địa ngục hay đọa xứ.

.

Mượn ngón tay để chỉ trăng là cách tiện dụng, tức là dùng ngôn ngữ biện luận để giúp ngộ được con đường bậc Thánh. Do vậy, Đức Phật cũng dạy cách lý luận để nhận ra chính kiến, và chúng ta có thể trải qua kinh nghiệm này.

Như trong Kinh SN 12.15, bản dịch của Thầy Minh Châu, Đức Phật dạy về chính kiến (còn gọi là chính tri kiến), trích:

“Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kaccàyanagotta bạch Thế Tôn: “Chính kiến, chính kiến”, bạch Thế Tôn được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là chính kiến?

—Này Kaccāyana, thế giới này phần lớn y chỉ vào hai cực đoan này: có và không có. Này Kaccāyana, ai với chính trí tuệ thấy như chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có. Này Kaccāyana, ai với chính trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có.

Này Kaccāyana, chấp thủ phương tiện và bị thiên kiến trói buộc, phần lớn thế giới này là vậy. Và ai với tâm không trú trước, không chấp thủ phương tiện ấy, không chấp thủ thiên chấp tùy miên ấy, không có chấp trước, không trú trước, vị ấy không có nghĩ: “Ðây là tự ngã của tôi”. Khi khổ sanh thời xem là sanh, khi khổ diệt thời xem là diệt; vị ấy không có nghi ngờ, không có phân vân, không duyên vào ai khác, trí ở đây là của vị ấy. Cho đến như vậy, này Kaccāyana, là chính tri kiến.” (7)

Kinh vừa dẫn, có thể hiểu đơn giản qua thí dụ: khi nghe tiếng chim kêu, chúng ta không nói thế giới là Không Có (Không, Vô); và khi nghe tiếng chim tịch lặng, chúng ta không nói thế giới là Có (Sắc, Hữu). Nếu có ai không chấp vào Có với Không, sẽ không dính vào ý nghĩ là có tự ngã nào. Thiền Tông Việt Nam có bài kệ của Thiền sư Tông Diễn (1640-1711), trích: “Hữu vô câu bất lập, nhật cảnh bổn đương bô” (có và không đều không lập, mặt trời trí tuệ sẽ lên cao). Như thế, Chính kiến là ngộ được thực tướng các pháp lìa cả Có và Không.

.

Tới đây, một câu hỏi có thể nêu lên: người có tà kiến, nhưng sống đời đạo đức (Phạm hạnh) có thể giải thoát hay không? Thí dụ, tà kiến là tin rằng có Đấng Tạo Hóa, có ơn cứu rỗi, có hiện tượng phục sinh (có đấng nào đó sẽ sống lại ngày sau và đấng đó sẽ cứu rỗi các tín đồ phục sinh trở lại)… Câu trả lời là không – vì hễ có tà kiến, dù sống đạo đức cỡ nào, dù tu định hay tu niệm kiên cố cỡ nào, cũng sẽ không giải thoát nổi. Nghĩa là, tà kiến là hỏng. Đức Phật gọi người tu với tà kiến, y hệt như ép cát để tìm dầu, như vắt sừng bò để tìm sữa…

Kinh MN 126, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích lời Đức Phật dạy:

“Này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, nếu họ có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhumija, để đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, một người cần dầu, tìm cầu dầu, đi chỗ này chỗ kia để tìm dầu. Sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cát cho ra dầu)…” (8)

.

Trong Trung A Hàm, Kinh MA 115, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, trích lời Đức Phật kể khi trả lời một người họ Thích về tông chỉ Phật:

“… Ta đáp, ‘Này người họ Thích, nếu tất cả chư Thiên, Ma, phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người đến trời trên thế gian này đều không đấu tranh, tu tập ly dục, thanh tịnh phạm hạnh, lìa bỏ siểm khúc, dứt trừ truy hối, không đắm trước nơi hữu, phi hữu, cũng không có tưởng. Đó là tông chỉ của Ta. Pháp Ta thuyết giảng cũng như vậy’…” (9)

Kinh tương đương bên Tạng Pali là Kinh MN 18 (Kinh Mật Hoàn), bản dịch của Thầy Minh Châu ở đoạn này như sau:

“Này Hiền giả, theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, Māra và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận một ai ở đời; các tưởng sẽ không ám ảnh vị Bà-la-môn sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu. Này Hiền giả, như vậy là quan điểm của Ta, như vậy là lời Ta giảng dạy”. (9)

Xuống tới các đoạn dưới, chữ “tưởng” trong hai đoạn trên được Đức Phật nói rõ hơn, và các bản dịch ghi rõ hơn. Trích các bản dịch như sau.

— Đức Thế Tôn nói: “Tỳ-kheo, nếu người đối với hý luận nhân đó…” (Kinh MA 115, bản dịch Thầy Tuệ Sỹ).

— Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người (Kinh MN 18, bản dịch Thầy Minh Châu).

— Mendicant, a person is beset by concepts of identity that emerge from the proliferation of perceptions. (Kinh MN 18, bản dịch Sujato)

— Whatever is the origin, monk, of the number of obsessions and perceptions which assail a man. (Kinh MN 18, bản dịch Horner)

Ngắn gọn, khi nghĩ thế này, hay nghĩ thế kia, đều là hỏng. Tông chỉ Phật là lìa hý luận, lìa vọng tưởng ám ảnh.

Trong Tăng Nhất A Hàm, Kinh EA 40.10, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Đức Thắng, ghi lời ngài Ca-chiên-diên giải thích cho chư tăng chưa nhìn thấy lộ trình vọng tưởng:
“Khi mắt thấy sắc mà sanh ra thức tưởng, nhân ba sự ấy mà có xúc. Do có xúc nên có thọ. Do có thọ nên có giác tri. Do có giác tri nên có tưởng. Do có tưởng nên suy lường; từ đó mà có các niệm dính mắc nơi tưởng…” (10)

.

Như thế, người có chính kiến là đã thấy đúng bước đầu lộ trình tu học. Nghĩa là, chính kiến chính là bước đầu vô lậu, là bước đầu giải thoát. Nghĩa là, không thể có “Chính kiến hữu lậu”…

Tới đây, có một câu hỏi: Tại sao Kinh MN 117 nói rằng có “Chính kiến hữu lậu”?

Nên thấy rằng, MN 117 là kinh duy nhất nói về “chính kiến hữu lậu” (There is right view with effluents)… Nhiều luận sư, trong đó có ngài Anālayo, nghĩ rằng Đức Phật không hề nói như thế, và khái niệm “chính kiến hữu lậu” là do một số vị Tăng đời sau chen thêm vào Tạng Pali.

Kinh MN 117, bản dịch của Thầy Minh Châu, chỗ giải thích về chính kiến hữu lậu trích như sau:

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chính kiến? Chính kiến, này các Tỷ-kheo, Ta nói có hai loại. Này các Tỷ-kheo, có loại chính kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y (upadhivepakka); có loại chính kiến, này các Tỷ-kheo, thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi (magganga).

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chính kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y? Có bố thí, có cúng dường, có tế tự, có quả báo các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời khác, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh; ở đời có các vị Sa-môn, Bà-la-môn, chính hướng, chính hạnh, sau khi với thượng trí tự mình chứng đạt đời này và đời khác lại tuyên bố lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là chính kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y…” (11)

Ngài Anālayo qua bài viết nhan đề “The Mahācattārīsaka-sutta in the Light of its Parallels — Tracing the Beginnings of Abhidharmic Thought” phân tích văn phạm và pháp nghĩa, đối chiếu bên Hán Tạng với Kinh MA 189 (kinh này có thể đọc bản tiếng Việt ở ghi chú (2) do Thầy Tuệ Sỹ dịch), kết luận rằng khái niệm “chính kiến hữu lậu” là ghép vào khi kết tập kinh nhiều thế kỷ sau, do các vị sư thời kỳ A Tỳ Đàm đưa vào.

Một luận sư khác (trang chủ của Buddha-vacana), qua bài “Early and late in MN 117” đã đối chiếu Kinh MN 117 với các bản tương đương bản Hán Tạng và bản Phật Giáo Tây Tạng cũng kết luận rằng MN 117 bị đời sau chen vào khái niệm “chính niệm hữu lậu” và đây là nơi duy nhất có khái niệm này. Bài phân tích này, và bài của ngài Anālayo có thể đọc ở 2 links trong ghi chú (12).

.

Điểm đặc biệt, Đức Phật có khi nói ngắn gọn về chính kiến, có khi nói rất chi tiết về chính kiến. Có khi nói riêng chính kiến, có khi nói chung trong Bát chính đạo.

Như trong Kinh MN 141, khi nói về Bát Chính Đạo, Đức Phật nói về chính kiến, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:

“Này chư Hiền, thế nào là chính tri kiến? Này chư Hiền, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này chư Hiền, như vậy gọi là chính tri kiến.” (13)

Nghĩa là, chính kiến tức là thấy và biết về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Tức là thấy và biết về Tứ Thánh Đế.

.

Có một điểm thường nhận thấy rằng, trong Kinh Phật ghi rằng có nhiều bậc Thánh tăng phải tu tuần tự, qua nhiều thời gian mới giải thoát, trong khi có một số vị tức khắc giải thoát, có khi chỉ nghe một bài kệ là chứng quả A La Hán ngay. Câu hỏi là, Đức Phật có nói gì về giải thoát tức khắc hay không?

Chỗ này, Thiền Tông Đông Độ thường nhấn mạnh yếu tố đốn ngộ, khi triệt ngộ sẽ cắt đứt mọi sợi dây tham sân si. Trong bài Chứng Đạo Ca của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713), nêu minh bạch ý này.

Trong tác phẩm “Chứng Ðạo Ca – Trực Chỉ Ðề Cương” do Thầy Từ Thông (Như Huyễn Thiền Sư) dịch và chú, có thể trích 4 câu về đốn ngộ, về hiểu và kinh nghiệm tức khắc (nơi đây, viết thành một dòng cho gọn):

Vĩnh Gia Huyền Giác: Đốn giác liễu Như Lai thiền, Lục độ vạn hạnh thể trung viên, Mộng lý minh minh hữu lục thú, Giác hậu không không vô đại thiên.

Thầy Từ Thông dịch: Thoắt chứng nhập Như Lai thiền định, Vạn hạnh tròn mà lục độ cũng châu viên; Còn mộng mơ, thấy có nẻo luân hồi; Khi tỉnh thức, cõi ta bà tìm không ra dấu vết. (14)

.

Đức Phật có nói về một số trường hợp, hễ ngộ một lần là trọn đủ. Không cần mất thì giờ nhiều. Đức Phật nói rõ rằng trong Tứ Thánh Đế, hễ thấy một Thánh Đế là thấy trọn cả Tứ Thánh Đế — nghĩa là, dứt bặt một lần là xong.

Đó là Kinh SN 56.30 (Kinh Gavampati), bản Việt dịch của Thầy Minh Châu, trích:

“Này các Tỷ-kheo, ai thấy Khổ, người ấy cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Khổ tập, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt”.

Không chỉ trong bản Việt, văn phạm các bản tiếng Anh cũng minh bạch như thế, cho thấy yếu tố thấy một là thấy toàn bộ, trích:

— Bhikkhus, one who sees suffering also sees the origin of suffering, also sees the cessation of suffering, also sees the way leading to the cessation of suffering… (Bản dịch ngài Bodhi)

— Someone who sees suffering also sees the origin of suffering, the cessation of suffering, and the practice that leads to the cessation of suffering… (Bản dịch ngài Sujato)

— Monks, whoever sees stress also sees the origination of stress, the cessation of stress, & the path of practice leading to the cessation of stress… (Bản dịch ngài Thanissaro)
Cả 4 bản dẫn trên có dẫn links trong ghi chú (15).

.

Trong nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời cũng có 2 kinh dạy về chính kiến. Cả 2 kinh đều nói rằng hễ có chính kiến, là không vướng vào Có hay Không, và tâm sẽ không dính mắc gì hết, không nắm giữ một kiến nào hết (tức, vô sở trụ), và sống với cái Như Thị hiện tiền.
Kinh Sn 4.2, bản dịch của Nguyên Giác, trích như sau:

“786. Với người đã thanh tịnh, không định kiến nào khởi lên về bất cứ những gì là có hay không có (về hữu hay phi hữu), ở bất cứ nơi đâu trong thế giới này. Đã xa lìa hư vọng và kiêu mạn, làm sao vị này có thể dính mắc nữa. Họ sống không dính mắc.

787. Làm sao, và về những gì, những kẻ dính vào tranh cãi về các giáo thuyết có thể tranh cãi với người không dính mắc gì? Không nắm giữ bất cứ gì, và không bác bỏ bất cứ gì, người ấy rũ bỏ bất kỳ cái nhìn nào nơi đây.” (16)

Tương tự, Kinh Sn 4.5, trích như sau:

“801. Người trí không nghiêng về bất kỳ phía nào dù về hữu hay phi hữu (có/không), dù cõi này hay cõi sau. Không có gì để nắm giữ, bấu víu trong tất cả các giáo thuyết người này đã học và suy tính.

802. Trong những cái được thấy, nghe, nhận biết chớ để một niệm vi tế nào khởi trong tâm. Với người không nắm giữ một kiến nào như thế, làm sao có ai trong thế giới này xếp loại được vị đó.

803. Vị đó không dựng lập, không thiên về, không nắm giữ giáo thuyết nào, không bị dẫn dắt bởi giới luật hay nghi lễ tôn giáo. Sống với Như Thị [is Thus] vị đó qua bờ, không lùi lại.” (16)

.

Một câu hỏi thỉnh thoảng nêu lên: như thế, tham công án và tham thoại đầu liên hệ thế nào với ngộ? Nơi đầu bài, chúng ta có dẫn ra trường hợp Đại Huệ Thiền Sư, nhiều lần trải qua các kinh nghiệm ngộ khác nhau.

Bất kỳ ai cũng có thể thử nghiệm phương tiện lớn này. Thí dụ, cách đơn giản để tiếp cận: Không cần ngồi thiền, hãy luôn luôn giữ tâm tỉnh thức nhìn vào Tâm Không Biết.

Chỉ như thế thôi, sẽ tới một lúc hiểu được một số lời dạy của các Thiền sư, và đó là ngộ. Tình thức nhìn vào Tâm Không Biết còn gọi là nhìn vào Sơ Tâm, nhìn vào Tâm Ban Đầu, là nhìn vào tâm không vương vào quan kiến Có hay Không, nhìn vào tâm lìa cả ba thời “quá khứ, hiện tại, vị lai” – vì tất cả những gì gọi là Đã Biết đều là sản phẩm của ngũ uẩn quá khứ. Tâm Không Biết có thể dịch là “beginner’s mind”, hay “don’t know mind”, hay “the unknown mind”… Đó là những cái chưa từng được biết, cũng là những cái luôn luôn mới tinh khôi. Cũng có thể gọi là Tâm Không Chỗ Trụ.

Nhìn như thế, sẽ tới một lúc, cách nhìn tỉnh thức này dẫn vào được sơ thiền — thấy toàn thân như được hơi nước xoa tắm mát, có thể xem chi tiết về sơ thiền nơi bài Các Pháp Vào Định. (17)

Trường hợp vẫn giữ cái nhìn tỉnh thức như thế, sẽ tới một lúc nhất tâm, sẽ rời tầm (đặt tâm vào, the placing of the mind) và rời tứ (dán tâm vào, keeping it connected), chỉ còn giữ tâm trong sự tịch lặng thánh thiện (ngài Minh Châu dịch là: Thánh im lặng; ngài Sujato dịch là: immersion in noble silence; ngài Bodhi dịch là: concentrate your mind on noble silence) là vào được nhị thiền.

Ngài Mục Kiền Liên giải thích về nhị thiền, qua Kinh SN 21.1, trích:

“Rồi này các Hiền giả, Thế Tôn bằng thần thông đến với tôi và nói: “Moggallāna, Moggallāna, chớ có phóng dật. Này Bà-la-môn, đối với Thánh im lặng, hãy an trú tâm vào Thánh im lặng, hãy chú nhất tâm vào Thánh im lặng, hãy chú định tâm vào Thánh im lặng”.

Rồi này các Hiền giả, sau một thời gian, tôi diệt tầm và tứ, chứng và trú vào Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhứt tâm.” (18)
Cũng nên ghi nhận, Đức Phật dạy trong nhiều kinh rằng chỉ cần sơ thiền là đủ sức định cho giải thoát: Từ sơ thiền nên chuyển sang quán sát các pháp là vô thường, sẽ nhận ra vô ngã, nhận ra các pháp là duyên sanh, sẽ như lời Đức Phật nói, khi đó là “đoạn tận lậu hoặc tức khắc”… Như trong các kinh: Kinh MN 52, Kinh MN 64, Kinh SN 22.81…

.

Hỏi: Chỉ có tuệ, không có định, có thể giải thoát không?

Đáp: Có thể giải thoát. Các bậc Thánh Tăng đó được gọi là gọi là Tuệ Giải Thoát. Còn gọi là bậc A La Hán Càn Huệ (dry-insight arahant). Nhưng có thể hiểu ngầm là, ít nhất phải có cận định.

Vị nổi bậc, thường được dẫn ra ngài Cakkhupala. Bài kệ đầu tiên trong Kinh Pháp Cú (Tạng Pali) là Đức Phật nói về ngài Thera Cakkhupala.

Trong Trưởng Lão Tăng Kệ, ngài làm bài kệ mang ký số “Thera 1.95: Cakkhupala”…

Truyện kể rằng, ngài Cakkhupala sau 5 năm thọ giới sa di đã cùng với 60 nhà sư khác vào một khu rừng ven làng ẩn tu. Ngài sống trong một căn lều lợp lá. Ngài bệnh mắt, nhưng tinh tấn tu tuệ quán, bất kể lời một vị lương y trong làng khuyên nên nghỉ ngơi. Khi ngài chứng quả, cùng lúc là đôi mắt hỏng luôn.

Truyện kể về sức mạnh tuệ quán của ngài như sau: “…so that eyes and torments perished at the same time. And he became a ‘dry-visioned’ arahant (enlightened).” (cặp mắt và lậu hoặc đồng thời tan hoại. Và ngài trở thành một vị A La Hán Tuệ Khô…”

Bởi vì ngài không tu định, cho nên không có thần thông. Có một lần, ngài muốn tới vườn Kỳ Đà ở thành Xá Vệ, nhưng vì mắt mù, nên nhiều trở ngại trên đường đi, trong khi bóng đêm phủ xuống. Lúc đó, vua trời Đế Thích Sakka mới hiện thân làm một thanh niên cùng đi đường, cầm gậy cho ngài và dùng thần thông đưa ngài tới Xá Vệ. (19)

Tương tự, trong luận thư The Path of Purification (Thanh Tịnh Đạo), bản Anh dịch của Nyanamoli, nơi Chương 1 (Giới – Virtue), trang 6, ghi rõ rằng có thể giải thoát bằng thuần tuệ (insight alone), không cần định (serenity), nhưng cần có giới (virtue).Cũng là nhận ra pháp ấn vô thường, vô ngã. Xem trang 6 sách này, trích: “The words ‘insight alone’ are meant to exclude not virtue, etc., but serenity (i.e. jhana)…” (20)

Nói ngắn gọn, chữ “ngộ” trong Thiền Tông chính là “chính kiến” trong Bát Chính Đạo. Và ngộ tông chỉ Phật có thể hiểu là nhận ra pháp ấn vô thường (và như thế là nhận ra vô ngã). Ngộ, tức nhận ra chính kiến, có nhiều mức độ cạn, sâu khác nhau. Nơi mức độ cạn, chúng ta có thể dùng lý luận, biện biệt để nắm giữ chính kiến; nơi mức độ sâu, đó là kinh nghiệm của kết hợp chỉ và quán, và đôi khi là riêng thuần tuệ quán. Và đó là thuốc xổ cho tất cả các tà kiến trăm kiếp, nghìn đời. Và cũng là tia sáng ban mai của giải thoát.

Nguyên Giác

GHI CHÚ:

(1) Kinh AN 10.121: https://suttacentral.net/an10.121/vi/minh_chau
(2) Kinh MA 189: https://suttacentral.net/ma189/vi/tue_sy
(3) Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận: https://thuvienhoasen.org/images/file/T-QYop1G0QgQAJ0b/donngonhapdaoyeumon.pdf
(4) Kinh Sn 5.15: https://thuvienhoasen.org/p15a30626/sn-5-15-mogharaja-manava-puccha-cac-cau-hoi-cua-mogharaja
(5) Kinh AN 10.108: https://suttacentral.net/an10.108/vi/minh_chau
(6) Kinh MN 136: https://suttacentral.net/mn136/vi/minh_chau
(7) Kinh SN 12.15: https://suttacentral.net/sn12.15/vi/minh_chau
(8) Kinh MN 126: https://suttacentral.net/mn126/vi/minh_chau
(9) Kinh MA 115: https://suttacentral.net/ma115/vi/tue_sy
Kinh MN 18: https://suttacentral.net/mn18/vi/minh_chau
(10) Kinh EA 40.10: https://suttacentral.net/ea40.10/vi/tue_sy-thang
(11) Kinh MN 117: https://suttacentral.net/mn117/vi/minh_chau
(12) — Early and late in MN 117: http://www.buddha-vacana.org/articles/mn117-early-and-late.html
— The Mahācattārīsaka-sutta in the Light of its Parallels: https://www.buddhismuskunde.uni-hamburg.de/pdf/5-personen/analayo/mahacattarisaka.pdf
(13) Kinh MN 141: https://suttacentral.net/mn141/vi/minh_chau
(14) Chứng Đạo Ca: http://www.lieulieuduong.org/KINHSACH/chungdaocatrucchidecuong.pdf
(15) Kinh SN 56.30, bản của Thầy Minh Châu: https://suttacentral.net/sn56.30/vi/minh_chau
Bản của ngài Bodhi: https://suttacentral.net/sn56.30/en/bodhi
Bản của ngài Sujato: https://suttacentral.net/sn56.30/en/sujato
Bản của ngài Thanissaro: https://www.dhammatalks.org/suttas/SN/SN56_30.html
(16) Kinh Sn 4.2: https://thuvienhoasen.org/p15a30596/sn-4-3-dutthatthaka-sutta-kinh-ve-ta-kien
Kinh Sn 4.5: https://thuvienhoasen.org/p15a30598/sn-4-5-parama-haka-sutta-kinh-ve-toi-thuong
(17) Các Pháp Vào Định: https://thuvienhoasen.org/a28417/cac-phap-vao-dinh
(18) Kinh SN 21.1: https://suttacentral.net/sn21.1/vi/minh_chau
(19) Thera 1.95: https://tipitaka.fandom.com/wiki/Thera_1.95:_Cakkhupala
(20) The Path of Purification: https://www.accesstoinsight.org/lib/authors/nanamoli/PathofPurification2011.pdf

Tên khai sinh: Phan Tấn Hải Sinh ngày 22 tháng 2 năm 1952 tại Sài Gòn, Việt Nam. Học Pháp với quý Hòa Thượng: Thích Tịch Chiếu, Chùa Tây Tạng, Bình Dương; Thích Thiền Tâm, Đại Ninh, Lâm Đồng; Thích Tài Quang, Phú Nhuận, Sài Gòn. Đã từng cộng tác với nhiều báo như Tâp san nghiên cứu Triết Học (Đại học Văn Khoa, Sài Gòn), Tự Thức, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, Việt Báo, Tạp chí Giao Điểm, Giác Ngộ và nhiều báo khác. Đang cư ngụ tại California, Hoa Kỳ. Góp bài trong một số tuyển tập Văn học nhiều tác giả. Tác giả, dịch giả một số sách về Phật Giáo: - Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ - 1990 - Thiền Tập – Biên dịch - Ba Thiền Sư – Tác giả: John Stevens, Nguyên Giác dịch Việt - Chú Giải Về Phowa – Tác giả: Chagdud Khadro, Nguyên Giác dịch Việt - Lời Dạy Tâm Yếu Về Đại Thủ Ấn - Teachings From Ancient Vietnamese Zen Masters - Cậu Bé Và Hoa Mai - Tập truyện ngắn - Ở Một Nơi Gọi Là Việt Nam - Tập thơ - Teachings and Poetry of the Vietnamese Zen Master Tue Trung Thuong Si (1230-1291) - Tran Nhan Tong (1258 – 1308): The King Who Founded A Zen School