Trang chủ Tin tức Đề nghị công nhận vua Trần Nhân Tông là danh nhân văn...

Đề nghị công nhận vua Trần Nhân Tông là danh nhân văn hóa

53

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, lãnh đạo Trung ương Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh, Hòa thượng Thích Thanh Sam, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Ban Tổ chức đại lễ, các vị lãnh đạo Trung ương GHPGVN, Ban Trị sự các tỉnh, thành hội Phật giáo và hơn 40.000 tăng ni, Phật tử, đại diện dòng họ Trần Việt Nam đã đến dự.


Tỏ lòng thành kính tri ân


Từ sáng sớm, con đường từ chùa Trình vào lễ đài chính đã tấp nập dòng người đi dự lễ. Từng hàng ô tô chở đoàn rước lễ vật, những chiếc xe hoa nối đuôi nhau tiến về lễ đài chính. Đúng 8h30, đoàn cung nghinh được tổ chức theo nghi thức truyền thống, rước lễ vật tiến cúng của Trung ương GHPGVN, lễ vật của đồng bào các dân tộc VN, lễ vật của dòng họ Trần Việt Nam và lễ vật của Tỉnh hội Quảng Ninh và Sơn môn Yên Tử. 


Đức vua Trần Nhân Tông đã khéo léo vận dụng sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc và cố kết nhân tâm thông qua những triết lý, tư tưởng đạo đức để xây dựng quốc gia. Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của Đức vua Trần Nhân Tông chính là dịp để toàn thể tăng ni, phật tử và nhân dân phát huy hơn nữa tinh thần nhập thế và tinh thần đoàn kết toàn dân”, Hòa thượng Thích Thanh Tứ phát biểu khai mạc.


Trong diễn văn Tưởng niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò của vua Trần Nhân Tông: “Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, đời và đạo luôn luôn hòa quyện vào nhau, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển của đất nước”.


“Trong chiến đấu thì kiên cường, mưu lược, trong hòa bình thì dồn hết tâm sức, tìm kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, mở mang đất nước. Người ra sức chăm lo việc nông trang để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, mở mang dân trí, chiêu dụ nhân tài, khuyến khích thi cử, phát triển văn hóa. Trong xử thế thì nghiêm khắc với những việc làm sai trái của quần thần, kể cả với con mình khi đã làm vua”, ông Trọng nhấn mạnh.


Sau phần nghi thức chính là lễ dâng hương tưởng niệm, dâng lễ vật tiến cúng Điều ngự Giác hoàng, thả 700 bóng bay và bồ câu để cầu nguyện hòa bình. 


Cầu nguyện quốc thái dân an


Lần đầu tiên tận mắt chứng kiến đại lễ Tưởng niệm 700 năm ngày Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông viên tịch được tổ chức trọng thể, chị Ngô Lê Huyền Trân, một phật tử đến từ Hải Phòng, xúc động: “Chúng tôi rất xúc động và hạnh phúc. Mong sao Yên Tử từ đây sẽ luôn có nhiều hoạt động xứng đáng với công hạnh của Tổ sư để lại cho hậu thế chúng ta”. 


Anh Nguyễn Lương Tài, một Việt kiều từ Canada cũng nói trong niềm xúc cảm: “Chúng tôi mong sao lễ Tưởng niệm Điều ngự Giác hoàng được tổ chức quy mô hàng năm để các phật tử và nhân dân ở trong và ngoài nước được trở về dâng hương, đồng thời tổ chức tốt hơn nữa việc trùng tu và quản lý các di tích để Yên Tử luôn là trung tâm du lịch tâm linh, xứng đáng với công lao đóng góp to lớn của Đức vua Trần Nhân Tông”.


Đến nay Ban Trị GHPG Quảng Ninh đã làm việc với Sở Văn hóa tỉnh, bỏ được việc bán vé danh lam đối với khu di tích Yên Tử. Đặc biệt hơn, Ban Trị sự đã có thể hoàn toàn chủ động trong việc quản lý và lập dự án quy hoạch tổng thể, trùng tu tất cả khu di tích thuộc hệ thống di tích Yên Tử đến hết năm 2020. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 


Theo thông tin từ Ban Tổ chức, sau đại lễ tưởng niệm lần này, hàng năm, ngày 1/11 âm lịch sẽ là ngày quốc giỗ của Phật giáo Việt Nam. “Chúng tôi sẽ lập dự án đệ trình lên Chính phủ, kiến nghị UNESCO công nhận Phật hoàng Trần Nhân Tông là danh nhân văn hóa thế giới. Tiếp đến, chúng tôi sẽ khởi công xây dựng tượng đài Trần Nhân Tông tọa thiền bằng đồng lớn nhất Việt Nam”, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo tỉnh Quảng Ninh, thành viên Ban Tổ chức cho biết.


Vào lúc 19h cùng ngày, đã diễn ra lễ thắp nến cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình. Tại lễ này, Ban Tổ chức đã ra Tuyên bố An Tử Sơn, kết thúc 3 ngày đại lễ tưởng niệm với nhiều dư âm còn đọng lại trong lòng mỗi người tham dự.