Trang chủ Tin tức ĐĐ. Thích Nhật Từ: Chính phủ Việt Nam nên mạnh dạn đăng...

ĐĐ. Thích Nhật Từ: Chính phủ Việt Nam nên mạnh dạn đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2009

231

Vesak 2009 sẽ được tổ chức ở đâu?


Phóng viên : Bạch thầy, thường thường trong ngày bế mạc lễ Vesak ban tổ chức sẽ công bố quốc gia nào đã đăng cai và sẽ được vinh dự tổ chức đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc cho lần tới, nhưng sao tới giờ vẫn chưa thấy?


Thầy Nhật Từ: Mình đang thuyết phục chính phủ Việt Nam làm thêm lần nữa, cho nên tạm thời hoãn công bố đó lại. Bây giờ chỉ có Đài Loan đăng ký thôi. Nhưng vì do sức ép của Trung Quốc nên IOC không đồng ý để Đài Loan tổ chức.


Ngoài Đài Loan ra thì chưa có nước nào khác phát tâm đăng cai. Mình đang cố gắng thuyết phục chính phủ, nếu chính phủ “bật đèn xanh” thì mình làm tiếp, còn không thì trả lại cho Ủy ban tổ chức quốc tế Liên Hiệp Quốc.


Ảnh hưởng của Vesak 2008


Phóng viên : Bạch thầy, chính phủ Việt Nam đã thu nhiều lợi lạc trong việc tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần này? Tại sao lại không chịu đăng cai tổ chức thêm một lần nữa?


Thầy Nhật Từ : Được lợi thì thực ra có đến ba mặt lận:


– Trước hết là Chính phủ được lợi về chính trị, có được những hình ảnh tốt đẹp của đất nước Việt Nam trong giai đoạn toàn cầu và hội nhập qua việc tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc.



– Kế đến là về phía Phật giáo thì được lợi về mặt khác, đó là về văn hóa và tâm linh. Trước đây, chính phủ Việt Nam quan niệm đạo Phật giống như những tôn giáo khác là: thuốc phiện của quần chúng.


Bây giờ các cấp lãnh đạo cao nhất trong chính phủ chính thức thừa nhận bằng văn bản cho rằng: Phật giáo là những giá trị văn hóa tâm linh, đạo đức, góp phần rất năng động và tích cực cho việc giải quyết những vấn nạn quốc gia và toàn cầu.



Đó là lời tuyên bố cực kỳ tích cực cho việc điều chỉnh lại những quan niệm sai lầm trước đây. Quan điểm đó được gửi đến toàn thể quốc dân qua việc trực tiếp truyền lên đài truyền hình quốc gia VTV1 và nhiều phương tiện truyền thông ở các địa phương trên toàn quốc.


Những người lãnh đạo ở địa phương, các tỉnh bắt đầu có quan điểm thoáng mở với Phật giáo. Cơ chế thoáng mở này đi từ quan niệm đạo Phật là mê tín dị đoan đến quan niệm đạo Phật như là một cơ chế văn hóa tâm linh, tinh thần. Đó là cái mà đạo Phật đạt được, giáo hội Phật giáo đạt được qua việc tổ chức đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc lần này.


– Thứ ba là về phương diện quần chúng: Có thể nói là trước kia các phương tiện truyền thông trong nước giới thiệu về Phật giáo rất là hạn chế. Nhưng lần này vì là nước đăng cai cho nên mình có ba buổi truyền hình trực tiếp lễ khai mạc, lễ bế mạc, lễ thắp nến cầu nguyện.


Với thời lượng trung bình một tiếng đồng hồ cho mỗi buổi là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử mấy chục năm tại đất nước này. Số lượng dành riêng cho Đại Lễ như vậy mặc dù không là gì so với đề nghị của tổ chức quốc tế (đề nghị mười chương trình trực tiếp nhưng chỉ đạt được ba chương trình thôi).


Dù sao đi nữa cũng có sự phản hồi, thông qua phản hồi này mình thấy chính phủ, người dân biết rõ hơn về đạo Phật, thấy được rằng: đạo Phật đồng hành với dân tộc, đạo Phật xây dựng nước, đạo Phật bảo vệ đất nước từ bao thế kỷ.


Với cái nhìn đó sẽ giúp cho giới trí thức lẫn giới bình dân có một quan niệm hoàn toàn mới về Phật giáo. Về phía quần chúng, ý nghĩa đó vô cùng quan trọng, quan trọng hơn bất kỳ một ý nghĩa nào.


Nhà nước đăng cai tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc vì nhà nước cần về ý nghĩa chính trị, còn Phật giáo mình dấn thân vào thì không màng đến chính trị, nhưng về phương diện quần chúng, mình cần sự thừa nhận chính thức của chính phủ.



Qua các phương tiện báo, đài hy vọng những người lãnh đạo của chính phủ ở nhiều tỉnh thành khác nhau thay đổi cái nhìn về Phật giáo. Ý nghĩa thứ hai, thứ ba này mặc dầu thấy không nhiều so với ý nghĩa đầu nhưng trên thực tế nó quan trọng hơn, nó ảnh hưởng một cách tích cực năng động trên đời sống của quần chúng hơn.


Khó khăn và áp lực


Phóng viên: Là người có vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc, không biết là thầy có gặp khó khăn hay bị áp lực nào không?


Thầy Nhật Từ: Áp lực từ cơ cấu phối hợp giữa bốn bộ phận mà việc thực hiện không đồng bộ làm mất rất nhiều năng lượng, thời gian cho những thứ mà lẽ ra không cần có. Vì lần này chính phủ, Nhà nước Việt Nam đăng cai rồi giao cho các cơ quan Phật giáo đứng ra tổ chức đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc.


Thành phần ban tổ chức lần này ngoài Ủy ban tổ chức quốc tế, còn có Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban điều phối quốc gia. Ban điều phối quốc gia gồm có bốn bộ: Bộ văn hóa du lịch thể thao, Bộ ngoại giao, Bộ Công an, Bộ thông tin và truyền thông. Ngoài ra còn có những Tổng cục trực thuộc các bộ và Ban tôn giáo chính phủ. 


Sự phối hợp giữa nhiều cơ quan thường dẫn đến tình trạng khó ăn ý với nhau, giống như đội tuyển quốc gia thường chơi dở hơn đội tuyển các câu lạc bộ.


Vì sự không ăn ý nên có nhiều chuyện diễn ra ngoài ý muốn, chẳng hạn như ngày khai mạc đại lễ, an ninh được siết chặt một cách không cần thiết.


Trước đó đã thống nhất với nhau là phải mở cửa rộng ra để cho tối thiểu mỗi ngày có từ hai vạn đến ba vạn người có cơ hội nhìn thấy được không khí tưng bừng của ngày lễ hội. Với hai trăm gian hàng hội chợ văn hóa, đặc biệt là thầy Thanh Phong với ban hậu cần và công ty Âu Lạc cũng đã chuẩn bị hai vạn phần ăn cho khách vãng lai.


Nhưng vì an ninh bị siết chặt như thế nên rất nhiều người (quý thầy, quý sư cô, phật tử, du khách xa gần, cán bộ, công nhân viên nhà nước, sinh viên, học sinh…) bị rào cản phải đứng ở ngoài và ngày lễ hội dân gian của dân tộc mất đi phần nào ý nghĩa của nó.


Nội nguyên ngày khai mạc chúng tôi đã phải hết sức là khó khăn để thuyết phục Ủy ban phụ trách về vần đề cấp thẻ, rồi ban Tôn giáo chính phủ để hàng ngàn người tới từ nhiều tỉnh thành có được thẻ vào nhưng không thâu lượm được kết quả gì.


Nói cho đúng là họ đã làm sai nguyên tắc. Do việc làm sai quy tắc đã gây trở ngại, khó khăn cho Ủy ban tổ chức quốc tế quá nhiều, lẽ ra không cần thiết. Người ta đâu cần biết bên trong có bốn năm cơ quan cùng phối hợp mà chỉ biết Ủy ban tổ chức quốc tế đại lễ Phật đản là thành phần chủ xướng.


Vì Ban điều phối quốc gia, Ban tôn giáo chính phủ làm sai nguyên tắc như thế cho nên dẫn đến sự hỗn loạn, dẫn đến những tình trạng mà mình phải mất nhiều thì giờ, năng lực cho những việc lẽ ra không có. 


Theo như giao ước thì tất cả mọi người đều được vào để tham quan, ít nhất là khu vực ở bên ngoài nên có những máy phóng ảnh, màn hình lớn theo đề nghị để Phật tử có thể theo dõi được phần nào chương trình diễn biến bên trong hội trường.


Còn đằng này thì hoàn toàn là không. Có hàng ngàn người đã đăng ký với Ủy ban tổ chức quốc tế lại không được thẻ để đi vào. Bên Ủy ban tổ chức quốc tế trở nên bất lực, bất lực ở một ý nghĩa nào đó mà phần lớn do những cơ chế phối hợp đã không làm đúng theo sự giao ước chung từ ban đầu.


Lẽ ra không cần quá đặt nặng về vấn đề an ninh chính trị mà các bộ phận về phía chính phủ lại lại xem đó là cái được quan tâm hàng đầu. Vì đặt nặng những thứ lẽ ra không có khiến sự việc đã trở thành quá căng thẳng.


Từng câu, từng chữ, thế này, thế nọ, thế kia, ngay cả những thông báo cũng thành quan trọng hóa. Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam nhưng đã là lần thứ năm, sau bốn lần tại Thái Lan nên Ủy ban tổ chức quốc tế biết rất rõ vai trò của mình trong việc truyền bá thông điệp của đức Phật được Liên hợp quốc cổ xúy.


Tất cả mọi tác động khác trên thực tế nếu có cũng không tác động gì được với ban tổ chức quốc tế, vì ban tổ chức quốc tế là một tổ chức độc lập, không cổ xúy cho bất kỳ một ý thức hệ chính trị nào, ngay cả là ý thức hệ chính trị của quốc gia đăng cai, bảo trợ cho việc tổ chức diễn ra tại đất nước này.


Nhà nước vì những nỗi sợ hãi, lo lắng quá nhiều đối với Ủy ban tổ chức quốc tế đã làm cho việc phối hợp đặt nặng về phương diện an ninh chính trị hơn là những phương diện về văn hóa, tâm linh hay những phương diện khác. Điều đó  làm cho Ủy ban tổ chức quốc tế hết sức vất vả.


Bài học cho tương lai


Phóng viên: Bạch thầy, với tình trạng như vậy, nếu Việt Nam có đăng cai tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc một lần nữa thì làm sao tránh được những chuyện đã diễn ra như lần này?


Thầy Nhật Từ: Có lẽ là sẽ cần đến rất nhiều sự giải trình mà trước đây cũng đã từng phải giải trình rồi. Cơ cấu chính phủ có cách thức làm việc riêng của họ nên rất cần sự giải trình của mình để được khai thông, để những người lãnh đạo có cái nhìn thông thoáng hơn.


Bộ phận tôn giáo thì trực tiếp với công việc, trách nhiệm của họ nặng cho nên họ dè dặt, dè dặt đến độ mà lẽ ra không cần có. Ví dụ như xuất bản các tài liệu hội thảo là cả vấn đề khó khăn, đến giờ phút cuối còn bị rút lại giấy phép, phải mạnh dạn trình lên phó thủ tướng và văn phòng bộ trưởng rồi mới được tiếp tục cho xuất bản.


Vấn đề an ninh chính trị làm cho họ quá dè dặt đến độ lẽ ra không cần có. Những vấn đề như thế này cũng là bài học lớn mà Ủy ban tổ chức quốc tế học được từ phía nhà nước. Và sẽ phải tường trình hết tất cả mọi thứ lên chính phủ để những sự việc đó không nên tiếp tục diễn ra lần thứ hai nữa nếu chúng ta muốn tiếp tục đăng cai tổ chức đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc năm 2009. Còn hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới vào năm 2010, hy vọng sẽ tránh được tình trạng này.


Có ba phương diện để lại ấn tượng vô cùng xấu, thứ nhất là việc sắp xếp khách sạn, thứ hai là sắp xếp đưa đón và thứ ba là vấn đề thẻ đeo.


– Đối với người ngoại quốc thì hai phần sắp xếp đầu làm cho họ không hài lòng. Việc hoàn trả lại tiền quá chậm chạp, chậm đến độ nhiều người đến giờ phút chuẩn bị lên xe ra phi trường mới được trả tiền.


– Còn về vấn đề thẻ đeo thì không làm đúng theo quy ước ngay từ ban đầu. Bên miền Nam, miền Bắc, mỗi một miền như vậy là có bao nhiêu thẻ, rồi đăng ký với Ủy ban tổ chức quốc tế để có một số thẻ nhất định. Nhưng cuối cùng bên Ủy ban tổ chức quốc tế chỉ nhận được hai trăm thẻ nhân viên thôi vào giờ cuối, tức là khoảng mười giờ khuya của ngày 13 tháng 5 năm 2008 (trước ngày khai mạc).


Việc này làm cho tình trạng cả ngàn người đăng ký với Ủy ban tổ chức quốc tế đã không có thẻ vào, trong đó có rất nhiều người quan trọng đã góp phần tạo ra sự thành công của đại lễ.


Rồi quy ước về các loại thẻ đeo, chủ yếu là để phân loại công tác, còn sau khi vào hội trường ai cũng giống như ai, các loại thẻ đều có chức năng giống như nhau là cùng tham gia và được quyền phát biểu.


Lần này, chúng ta thấy bộ phận làm thẻ họ quên làm thẻ vip cho nên nhiều phái đoàn lớn của quốc tế và các vị tôn đức của Việt Nam lãnh đạo trong nước đó phải mang thẻ giống như bao nhiêu đại biểu bình thường làm cho các vị không hài lòng.


Về phía Ủy ban tổ chức quốc tế lẽ ra phải nắm được phần này, lại bị bộ phận khác nắm. Làm như thế thì hết sức là lấn cấn và không hay. Những việc phân phối thẻ đã tạo nên sự hỗn loạn.


– Những vị an ninh gác cổng và gác các đường ra vào họ không biết tiếng Anh, có thể nói như thế. Cho nên chỉ thấy có Press thì đưa vào, còn tất cả những thẻ còn lại như là thẻ Organizer của chúng tôi thì không cho vào. Vì ít biết tiếng Anh nên cứ thấy Press họ nghĩ là bự, còn lại là dự thính, làm rất nhiều vị trong đó có hai vị đại sứ nghe nói là vào không được phải đi về.


Do đó khâu này là khâu để lại một ấn tượng vô cùng xấu cho phần lớn các đại biểu, họ cũng gặp những khó khăn lẽ ra không nên có.


Ngoài những khó khăn vừa nêu, nhìn chung chúng ta thấy đại lễ rất là ấn tượng về phương diện văn hóa, về phương diện tâm linh, về phương diện học thuật và về phương diện du lịch. Bốn phương diện này thì tương đối tốt.


Lễ Phật


Phóng viên: Bạch thầy, chúng con được may mắn tham dự ngay ngày đầu đại lễ Phật đản Liên hợp quốc. Trong buổi lễ khai mạc có một chuyện xảy ra chắc là thầy còn nhớ là có những vị hòa thượng, diễn giả lên đọc diễn văn, gởi thông điệp chúc mừng đại lễ Phật đản mà quên lễ Phật, phải đợi đến khi ông Henry Đặng – đại diện cho chính phủ Úc lên đọc thông điệp chúc mừng của thủ tướng Úc đã nhắc nhở cho mọi người về một việc không thể thiếu trong phần nghi lễ là: lễ Phật trước khi đọc diễn văn hay gởi thông điệp chúc mừng đại lễ Phật đản.


Khi ông Henry Đặng bước ngang bục thuyết trình, thay vì dừng lại như những người lên trước, ông đi thẳng ra giữa sân khấu, không khí tự nhiên trầm lắng xuống, khán giả im phăng phắc, mạng lưới an ninh cũng sững sờ, hồi hộp chờ đợi không biết chuyện gì sắp xảy ra?


Ông tới trước tượng đức Phật, kính cẩn nghiêng mình xá một cái làm nguyên khán giả trong hội trường vỗ tay nồng nhiệt. Một nghĩa cử cao đẹp chạm tới trái tim mọi người. Từ đó trở đi diễn giả nào trước khi bước lên bục giảng cũng đều xá Phật hết, một hình ảnh rất đẹp đã gây ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người.


Thầy Nhật Từ: Thật ra có quy định bên trong là chỉ đứng ngay bục xướng ngôn viên mình để xá thôi chứ không đi ra ngay chính giữa. Đi ra ngay chính giữa mất đến mười giây, đi về mất hai chục giây.


Chương trình lễ khai mạc, bế mạc là chương trình truyền hình trực tiếp do đó bên đài truyền hình yêu cầu là đừng để cho không gian bị trống nên các vị diễn giả đứng tại bục giảng hướng về  bàn Phật xá thôi chứ không cần phải đi ra đến giữa khán đài, nhưng có nhiều vị khi lên, nhiều khi họ quên xá thì đó thật là điều thiếu sót.


Còn nếu vị nào đi từ đầu bên kia, khi ngang bàn Phật nên đứng lại chắp tay xá Phật một cái rồi lên bục giảng thì cũng không làm gián đoạn thời gian quay hình. Còn mấy ngày sau thì không quan trọng. Đó là về phương diện kỹ thuật chứ không phải là vấn đề an ninh.


Các buổi hội thảo Phật giáo quốc tế tại Bangkok cũng như thế. Ở Bangkok, tượng Phật nhỏ xíu khoảng chừng bốn tấc để ở góc trái trên bàn Phật, không được trang nghiêm như mình đâu.


Ở bên Trung Quốc chỉ để bàn thờ Phật lúc đầu, trong lễ khai mạc có tụng niệm, sau đó thì hạ màn xuống. Ban đầu giống như một chính điện Phật vậy, trang nghiêm hoành tráng lắm, sau đó thì họ hạ rèm hội thảo xuống, Phật khuất phía sau, còn phía trước không còn thấy Phật nữa, đó là một phong cách khác thôi.


 Vì Phật giáo Việt Nam


Phóng viên: Bạch thầy, đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần này nhờ sự đóng góp của quý thầy, quý Phật tử ở trong nội địa, nhờ sự đóng góp của các phái đoàn Phật giáo thế giới đã đạt được nhiều thành quả thầy có nghĩ rằng tình cảm và nhận định của Chính phủ đối với Phật giáo từ rày về sau sẽ được tốt hơn không?


Thầy Nhật Từ: Chắc chắn phải như thế. Những giá trị tâm linh của đạo Phật từ lâu đã được Liên hợp quốc thừa nhận, cổ xúy rồi. Đất nước chúng ta thì mới thừa nhận gần đây thôi, mặc dù hơi muộn nhưng hết sức có ý nghĩa.


Từ việc chính thức thừa nhận như thế thì các hoạt động Phật giáo ở trong nước bắt đầu thông thoáng hơn và nhờ cơ chế thông thoáng đó Phật giáo mới thật sự đóng góp theo ý nghĩa đồng hành với dân tộc một cách hiệu quả hơn.


Do đó việc 74 quốc gia trong phái đoàn Vesak về ủng hộ Việt Nam bao gồm chư tôn đức, tăng ni, Phật tử và các phái đoàn Việt kiều từ châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, một thành phần rất quan trọng, mặc dầu không được xướng lên trong các chương trình của đại lễ nhưng rất là có ý nghĩa.


Với sự tham dự của nhiều thành phần khác nhau từ nhiều quốc gia nữa đã làm cho buổi lễ hội tôn vinh ngày đản sinh, thành đạo, nhập niết bàn của đức Phật thêm trang trọng, hoành tráng.


Chúng tôi thiết nghĩ sự đóng góp của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại không phải là nhỏ cho ngày đại lễ Phật đản Liên hợp quốc này. Mặc dù có nhiều dư luận, nhiều quan điểm, phê bình, chỉ trích khác nhau nhưng nghĩ cho cùng chúng ta đến vì đại lễ Phật đản, vì nếp sống văn hóa, vì ngày vui của dân tộc, vì thông điệp hòa bình, an vui cho toàn thế giới.


Hãy gạt bỏ ra ngoài những suy luận chính trị, nhận định, đánh giá về để ủng hộ cho Phật giáo Việt Nam trong nước như là một đại thể. Từ cái nhìn đại thể đó, chúng ta rất là biết ơn những phái đoàn đã vượt qua những chặng đường khó khăn để đóng góp cho sự thành công đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần này.


Cơ chế địa phương gây khó khăn cho việc bày tỏ tâm linh của quân chúng


Phóng viên: Ở Hà Nội không khí ngày đại lễ Phật đản còn hạn chế nhưng khi vô tới Quảng Trị, tới Huế tự nhiên lòng xúc động vì không khí tưng bừng ngày lễ hội, nhất là ở Huế cờ ngũ sắc tung bay rợp trời, sen hồng rực rỡ nở muôn ngàn cánh, dòng sông Hương in dấu bảy đóa sen hồng khổng lồ tuyệt đẹp… lễ hội hai miền có khác?


Thầy Nhật Từ: Về tính cách văn hóa và lễ hội thì ở Huế được thể hiện một cách đầy ấn tượng. Huế cũng là thành phố đi đầu trong việc trưng bày các biểu ngữ, cờ phướn ba tuần trước đại lễ Phật đản. Đến thành phố Hồ Chí Minh, rồi Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Kiên Giang, Bình Dương, Long An, những tỉnh mà chúng tôi cho rằng rất là năng động và tích cực trong việc thể hiện văn hóa để tôn vinh ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đức Phật.


Còn tại thủ đô Hà Nội thì có những khó khăn quy định bên sở văn hóa thông tin. Mật độ trang trí trên thực tế chỉ bằng khoảng một phần mười do chúng tôi đề xuất với tư cách là Ủy ban tổ chức quốc tế cũng làm giảm đi rất nhiều ý nghĩa văn hóa xã hội. Nếu như cơ chế về mật độ được trang trí ở tại thủ đô Hà Nội được nhiều hơn nữa thì tôi tin chắc rằng sự thành công về phương diện quần chúng mà ở đây với sự hiện diện các phái đoàn Phật giáo quốc tế đến từ 74 quốc gia sẽ cao hơn nhiều.


Chúng ta thường bị lẫn lộn với nhau giữa đại lễ Phật đản Liên hợp quốc và lễ Phật đản địa phương trong một quốc gia. Lễ địa phương thì chúng ta có thể bị giới hạn bởi những quy định ở trong nước.


Hơn nữa đối với Việt Nam năm nay chúng ta đăng cai tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc, lẽ ra cần phải được hoành tráng hơn về phương diện trang trí này, trên thực tế thì nó không được như vậy, đó cũng là điều đáng tiếc.


Tại Huế, mật độ trang trí cũng rất là ấn tượng. Nhiều hoạt động lễ hội văn hóa khác ở tại thành phố Hồ Chí Minh cũng xin phép rất là nhiều nhưng chỉ có một số khu vực thì được trang trí lộng lẫy và một số khác thì không được cho phép. Có một số nơi khi biểu ngữ treo ngang là bị sở văn hóa thông tin yêu cầu gỡ xuống.


Chưa rõ được đây là chính sách bên trong của phía đảng hay là quan niệm riêng của những người lãnh đạo trong các sở văn hóa thông tin. Và như vậy sẽ làm mất đi cái ý nghĩa của đại lễ Phật đản Liên hợp quốc mà lẽ ra không nên như thế.


Cái nhìn của các phái đoàn Phật giáo quốc tế về Việt Nam


Phóng viên: Bạch thầy những phái đoàn Phật giáo quốc tế đến Việt Nam lần này có một cái nhìn ra sao về chính phủ Việt Nam và về phía Phật giáo? Họ cũng biết chắc Việt Nam là nước theo chế độ Xã hội chủ nghĩa và được đổi mới. Bạch thầy, trong những lúc tiếp xúc, trao đổi thì chắc là có những vị trong phái đoàn chia sẻ với thầy về những suy nghĩ của họ?


Thầy Nhật Từ: Trong những ngày đại lễ từ 13 cho đến ngày 17 tháng 5 thì công việc chúng tôi hơi bận rộn cho nên việc tiếp xúc với từng phái đoàn không được diễn ra.


Tuy nhiên có một số phản hồi, trong đó có phái đoàn của Pháp mà đứng đầu là thầy Dhammaratana, phó chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế có nhận xét trước mặt của rất nhiều người là: chúng tôi không ngờ là trong một quốc gia cộng sản vốn có quan niệm và chủ trương không thuận lợi cho Phật giáo trong quá khứ lại tổ chức một lễ hội hoành tráng như thế này, làm cho tôi phải tin tưởng rằng trong một tương lai ngắn thôi đạo Phật sẽ trở thành quốc đạo của Việt Nam.


Lời nhận xét như thế cũng là một niềm háo hức của chúng ta và chúng ta cũng nên tin tưởng như vậy, trong một tương lai gần, có thể là vài năm hay vài chục năm những hoạt động như thế này sẽ được hỗ trợ từ trên trung ương cho đến từng địa phương.


Vì sự kiện đã từng có trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 14. Việc Phật giáo đồng hành với dân tộc đã được quốc gia thừa nhận, nhưng cơ chế đồng hành theo ý nghĩa tương tác hai chiều vẫn chưa diễn ra được như mức độ cần phải có.


Chính phủ phải tạo điều kiện thuận lợi để cho vai trò Phật giáo năng động và có đủ những quyền căn bản để tham gia, đóng góp cho đất nước theo ý nghĩa mà nó cần phải có, đó là một nhận xét.


Có nhận xét khác so sánh giữa bốn lần tổ chức đại lễ Phật đản tại Thái Lan (vốn là một nước có đạo Phật chiếm đến 95 phần trăm dân số) với đại lễ Phật đản ở tại Hà Nội lần này chúng ta hơn hẳn ở tại Thái Lan, ít nhất về phương diện hình thức trang trí.


Chúng ta thấy đó là dấu hiệu tích cực, mặc dù trong rất nhiều năm qua cờ Phật giáo chưa bao giờ được cho phép tung bay một cách công khai bằng văn bản như là trong năm nay, rồi các biểu ngữ cũng lần đầu tiên có mặt ở các ngã đường tại thủ đô Hà Nội. Từ phi trường tới những khu vực chính và những khu vực mà liên hệ tới ba địa điểm du lịch, đó là lần đầu tiên.


Điều đó cho phép chúng ta tin tưởng rằng bắt đầu từ năm 2008 này mà cụ thể là năm kế tiếp 2009 sắc màu văn hóa đó sẽ bắt đầu được thể hiện rộng rãi trên toàn cõi đất nước Việt Nam. Và điều đó cho phép chúng ta tin tưởng về sự vươn lên của đạo Phật.


Và về phía chính phủ cũng cần phải nhìn thấy được điều đó để đạo Phật được thật sự đóng góp cho dân tộc, cho đất nước như bản chất nhập thế, đồng hành cần phải có của đạo Phật Việt Nam.


Việt Nam nên tổ chức thêm một Vesak cho 2009


Phóng viên: Nếu như Việt Nam được tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần nữa thì địa điểm chính nên để tại Hà Nội hay ở chỗ khác?


Thầy Nhật Từ: Trong đề án do Ủy ban tổ chức quốc tế cụ thể là giáo sư Lê Mạnh Thát và báo Thanh niên đề xuất  lên Thủ tướng là chúng ta tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2009 tại Đại Nam Quốc Tự (Bình Dương), khu vực này có tổng diện tích gần 500 mẫu và các phương tiện về cơ sở hạ tầng cũng rất là đầy đủ.


Chẳng hạn như một trung tâm hội nghị bảy ngàn chỗ ngồi, một khách sạn lớn nhất thế giới 6000 phòng, rồi chính điện lớn nhất thế giới và nhiều công trình quốc tế khác nữa.


Quảng trường vừa mới khánh thành trong ngày mùng 2 tháng 4 âm lịch vừa qua để chào mừng lễ Phật đản Liên hợp quốc lớn hơn quảng trường Thiên An Môn, quảng trường Thiên An Môn là quảng trường lớn nhất thế giới thế giới hiện nay nhưng Đại Nam Quốc Tự còn lớn hơn nữa.


Những đề án, những đề nghị đó nếu được chính phủ chấp nhận, chúng tôi tin chắc rằng việc tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2009 tại Việt Nam sẽ có một sắc thái hoàn toàn khác, sẽ thuận lợi hơn nhiều thứ lắm. Đại biểu khỏi phải đi đâu, tất cả nằm trong khuôn viên bốn trăm mẫu này. Cho nên an ninh và mọi thứ khác sẽ trở nên rất là nhẹ nhàng.


Vấn đề còn lại là sự suy xét của phía chính phủ, nếu mà chính phủ mạnh dạn làm thêm một lần nữa thì chúng tôi tin chắc rằng hình ảnh của đất nước Việt Nam ngày càng được quốc tế thừa nhận hơn vì những thay đổi, đổi mới từ bên trong cho đến bên ngoài hết sức là năng động. Đó là những đóng góp về hình ảnh chính trị.


Còn đối với Phật giáo, việc tiếp tục đăng cai tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ hai năm 2009 sẽ một lần nữa khẳng định sự vươn mình, lớn dậy của Phật giáo Việt Nam, một bước chuyển tiếp rất là quan trọng, nền tảng cho nhiều sự chuẩn bị khác cho nhiều chương trình hoằng pháp, giáo dục, hoạt động từ thiện và nhiều thứ  khác nữa.


Mặc dầu trước lúc về phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm người chỉ đạo trực tiếp đã trả lời bằng miệng là đối với chúng ta vì khó khăn về tài chính nên không tiếp tục đăng cai tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2009, nhưng Ủy ban tổ chức quốc tế vẫn chưa từ bỏ hy vọng của mình là mong sao sau đại lễ những phúc trình từ nhiều phía khác nhau, Chính phủ sẽ nhận ra được tầm quan trọng qua sự thành công ở đại lễ Phật đản lần thứ nhất để mạnh dạn tiếp tục đăng cai tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2009 tức là lần thứ hai tại Việt Nam.


Và cho đến lúc mà chúng ta đăng cai lần thứ hai này chúng ta sẽ thấy được giá trị tích cực của nó, nó sẽ rất là xứng đáng với số tiền mà chúng ta bỏ ra (rất nhỏ) so với các hoạt động quốc tế, với số lượng người đông đảo nhất từ trước đến giờ tại Việt Nam.


Hoa hậu hoàn vũ 2008 sẽ được diễn ra vào tháng bảy sắp tới chi phí gấp mấy chục lần so với đại lễ Phật đản Liên hợp quốc. Nhưng giá trị về phương diện thẩm mỹ và văn hóa làm sao có thể bì được so với đại lễ Phật đản Liên hợp quốc.


Có lúc mình tiết kiệm về phương diện kinh tế đó là một điều tốt, tại vì hiện nay đất nước Việt Nam do những khó khăn về lạm phát đang chủ trương tiết kiệm. Nhưng chúng ta cũng nên thấy rõ là việc chi ra khoản tiền một hai triệu đô la không là bao so với một hoạt động lớn lao như thế và cũng rất xứng đáng với những giá trị mà nó đạt được sau ngày đại lễ.


Phải nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hậu đại lễ là sau chỉ có mấy ngày kết thúc, những ấn tượng tốt đẹp về đất nước Việt Nam, về Phật giáo Việt Nam, về con người Việt Nam và nhiều hình thái khác nữa sẽ cho chúng ta thấy rằng số tiền bỏ ra chẳng là bao so với ý nghĩa và những thành quả mà chúng ta đã đạt được.


Điều đó chúng tôi xin đề nghị là chính phủ nên mạnh dạn hỗ trợ Phật giáo thêm một lần nữa để cho việc đăng cai đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ hai năm 2009 được diễn ra.


Phật giáo Quốc tế biết và nhận định thế nào về đạo Phật Việt Nam, và Lãnh đạo Việt Nam có đồng hành với quan điểm đó?


Phóng viên: Bạch thầy, những phái đoàn ngoại quốc họ đến đất nước mình, họ cũng đã nghiên cứu sơ về lịch sử đất nước, lịch sử Phật giáo Việt Nam. Họ biết rằng Phật giáo Việt Nam là một đạo Phật có tính dấn thân, xây dựng đất nước, đưa đất nước tới chỗ cường thịnh. Phái đoàn Phật giáo quốc tế đến Việt Nam dĩ nhiên là họ mong họ thấy những hình thức hoành tráng. Nhưng ngoài cái hoành tráng đó họ cũng mong thấy được giá trị đích thực tiềm ẩn ở trong nếp sống Phật giáo Việt Nam. Bạch thầy, họ có những nhận định gì về vấn đề đó hay không?


Thầy Nhật Từ: Nghiên cứu về bản chất đồng hành của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử của dân tộc Việt Nam thì các nhà học giả Phật giáo quốc tế về tham dự pháp hội trong đại lễ vừa qua, số đó trên 200 vị đến từ gần 100 các trường đại học nổi tiếng, bao gồm Mỹ, Nhật.


Và rất nhiều phái đoàn Phật giáo quốc tế ở Vesak họ cũng biết rất rõ về bản chất và lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Cho nên khi họ tham dự với chúng ta, điều quan trọng nhất là họ muốn ủng hộ Phật giáo Việt Nam hồi sinh lại sức sống mãnh liệt mà nó đã từng có ở trong hai đời Lý, Trần.


Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong các phiên họp của Ủy ban tổ chức quốc tế đại diện cho 59 quốc gia có mặt trong ban tổ chức này, đã từng có những tiếng nói tương tự như vậy. Cho nên những giá trị tiềm ẩn sở dĩ chưa được phát huy ở một mức độ tối đa là vì thuận duyên chưa đủ, vì hoàn cảnh, chúng ta chưa đạt được như ý chúng ta mong đợi.


Trước những sự kiện quốc tế về tâm linh, đạo đức, văn hóa như thế này được diễn ra là một lần nữa, chúng ta lại có thêm cơ chế “thông thoáng”, cởi mở.


Chẳng hạn như trước đại lễ Phật đản Liên hợp quốc, việc treo cờ Phật giáo ở tại các lễ Phật giáo đã là một sự việc rất khó, lần này thì chúng ta thấy là ở nhiều ngã đường được phép và chính phủ vào ngày sáu tháng ba cũng đã chính thức đã ban hành cho phép treo cờ các biểu ngữ, lồng đèn, hoa đăng, đèn trời, bong bóng để chào mừng đại lễ Phật đản Liên hợp quốc này.


Chúng tôi tin chắc rằng bắt đầu từ năm nay trở đi thì những loại hoạt động như thế sẽ bắt đầu khởi sắc hơn nữa, lấy đà từ đại lễ Phật đản năm nay để mở rộng thêm.


Các đoàn Phật giáo quốc tế họ cũng mong có những  biểu hiện như thế để đời sống tinh thần của người dân ở trong nước có ý nghĩa. Khi cơ cấu thoáng mở được ứng dụng một cách tốt hơn thì giới trí thức, bao gồm các giáo sư các trường đại học và nhiều thành phần khác của xã hội sẽ có một cái nhìn hoàn toàn mới về Phật giáo Việt Nam.


Lúc đó những sự hợp tác hai chiều sẽ được mở ra và từ những hợp tác đó, đóng góp của Phật giáo mới thật sự là linh động, đi vào từng ngõ ngách và từng ngành nghề của xã hội được.


Phóng viên: Bạch thầy, đó là khuynh hướng rất bác học và rất đẹp của những học giả trên thế giới. Bạch thầy, những nhà lãnh đạo Việt Nam có cảm nhận được những luồng suy tư đó hay không?


Thầy Nhật Từ: Nhận xét và phán đoán về quan điểm của giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam từ góc độ này thì có lẽ hơi quá sớm và cũng có thể rơi vào tình trạng chủ quan.


Những thông tin mà chúng tôi nắm bắt được là: có rất nhiều nhà lãnh đạo của chính quyền Việt Nam hiện nay đều thờ Phật ở trong nhà cả. Như vậy thì tối thiểu cho đến thời điểm này rất nhiều nhà lãnh đạo đã thừa nhận Phật và thừa nhận giáo pháp.


Còn việc quy y chính thức tức là thừa nhận tam bảo như là ba bộ phận quan trọng trong đời sống tâm linh của những người con Phật nói chung thì chưa được diễn ra vì có những cơ chế ở trong đảng, cho rằng theo đảng thì không được quy y bất cứ một tôn giáo nào.


Chúng ta nên có hy vọng rằng lời nhận xét của thầy Dhammratana, phó chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế là trong một tương lai gần thôi Phật giáo Việt Nam có thể trở thành một quốc giáo. Bởi vì khi mà các vị vua quan, những người cầm cân nảy mực đã là những Phật tử thì cơ chế ứng dụng những lời Phật dạy sẽ được thoáng mở.


Và nếu điều đó được diễn ra thì đó là đại phúc cho dân tộc Việt Nam, đại phúc cho đất nước Việt Nam mình.


Phóng viên: Bạch thầy, đại lễ Phật đản năm nay đã gây ra được những âm vang rất là tốt đẹp. Tuy nhiên những nhà Phật học, những nhà tôn giáo hiện bây giờ có coi đó như một luồng sinh khí mới để có sự thay đổi đúng như kỳ vọng của mình không?


Thầy Nhật Từ: Chúng tôi nghĩ rằng khi chính phủ chấp nhận đề nghị để trở thành nước đăng cai cho đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc năm 2008, cũng như là sự chuẩn bị từ năm 2007 đã cho phép chúng ta suy nghĩ rằng chính phủ nhìn thấy rất rõ về những giá trị và kết quả đạt được từ đại lễ này.


Khi mà lãnh đạo chính phủ nhìn thấy rõ giá trị của nó ngoài ý nghĩa chính trị là mối quan tâm hàng đầu mà các quốc gia đều nhắm vào. Các giá trị về xã hội đạo đức và văn hóa phát xuất từ đạo Phật thông qua việc đăng cai này chắc chắn rằng là không thể nào chính phủ không nắm biết.


Khi chính phủ nắm biết và chính phủ đã quyết định đăng cai như thế thì cho phép chúng ta tin tưởng rằng việc tạo điều kiện cho Phật giáo ngày càng phát triển hơn là góp phần giải quyết các vấn nạn xã hội mà đất nước Việt Nam đang đối đầu, từ một quốc gia chậm phát triển về kinh tế, mở cửa đón nhận đời sống vật chất phương tây với rất nhiều hạt sạn của đời sống vật dục.


Lại càng phải quan tâm nhiều hơn hết và hơn bao giờ hết, do đó việc mà chính phủ đăng cai chắc chắn cho chúng ta thấy rằng là họ nhìn thấy rất rõ các giá trị như vậy. Và điều này cho phép tất cả chúng ta cũng tin tưởng rằng nếu Việt Nam được vinh dự đăng cai thêm lần thứ hai vào năm 2009 thì tất cả những giá trị đó không còn là ước mơ nữa mà nó dần già trở thành những hiện thực.