Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Đầu xuân kể chuyện Phật bà chùa Hương

Đầu xuân kể chuyện Phật bà chùa Hương

135

Xem trong bể nước Nam ta
Phổ môn có Đức Phật Bà Quan Âm
.”


Truyện Phật Bà Chùa Hương hay truyện Bà Chúa Ba ra đời vào thế kỷ 18, là truyện Nôm khuyết danh, viết bằng thể thơ lục bát cổ truyền của dân tộc. Về sau, các vở chèo, tuồng, cải lương… đều dựa và cốt truyện này. Nội dung như sau:


Đời xưa, vua Diệu Trang Vương, nước Hưng Lâm, không có con trai. Vua và hoàng hậu cầu tự ở đền Tây Nhạc. Vua Diệu Trang Vương vốn không phải là vị vua hiền, nhưng do một lòng chí thành cầu tự nên lòng thành thấu đến Phật trời. Vua sinh được ba công chúa là Diệu Thanh, Diệu Am, và Diệu Thiện. Duy chỉ có Diệu Thiện là người mộ đạo Phật, xem nhẹ gác tía lầu hồng, chẳng mong quyền quý, “ăn chay, niệm Phật, nói lời từ bi”.


Vua Diệu Trang gả công chúa Diệu Thanh cho Trạng nguyên họ Triệu, gả công chúa Diệu Am cho quan võ họ Hà. Vì hai phò mã chẳng phải người hiền, không thể nối ngôi nên vua Diệu Trang muốn kén rể cho công chúa thứ Ba bằng được.


Công chúa Diệu Thiện một mực từ chối, chỉ một lòng xuất gia hướng Phật, chẳng thiết đến chuyện dựng vợ gả chồng. Nhưng nếu phải  vì chữ hiếu, phải vâng lệnh cha thì nàng sẽ lấy một thầy thuốc để cứu nhân độ thế. Vua cha tức giận, bắt nhốt ở vườn sau, nhưng Bà Chúa Ba vẫn không nản lòng, đêm ngày hướng Phật.


Vua nghe tỳ nữ bày kế đưa Chúa Ba ra chùa Bạch Tước, các sư bày rất nhiều việc cho bà, mong làm bà nản lòng. Nhưng Bà Chúa Ba vẫn vui vẻ chấp nhận, vì cho rằng “hữu thân hữu khổ”.


Vua tức giận sai đốt chùa, Bà Chúa Ba khấn nguyện chí thành, cắt tay vẩy máu lên không trung. Lòng thành động đến Thiên Đình, máu biến thành mưa dập tắt lửa. Vua đem công chúa Diệu Thiện ra pháp trường thì Ngọc Hoàng sai thần linh hóa mãnh hổ đưa về rừng. Hồn Bà Chúa Ba được sứ giả của Diêm Vương mời  xuống  âm ty, thăm 18 cửa ngục.


Thấy chúng sinh đau đớn, khổ sở trong các ngục, bà xót xa, cảm thương liền chuyển chú, niệm kinh. Các tội nhân nhờ đó mà được “đại xá siêu sinh từ rày”. Sau khi về cõi dương trần, Bà được Đức Thế Thế Tôn thử thách, cho quả đào tiên rồi chỉ cho về núi Hương Tích, gần bể Nam Việt tu hành. Sau 9 năm tu hành ở Hương Tích, Bà đắc thành Chính quả.


Vua Diệu Trang đốt chùa, giết hại Tăng ni, nên bị Ngọc Hoàng giáng bệnh nặng, “thân hình chốc lở, chiếu giường tanh hôi”. Phật Bà dùng huệ nhãn, biết cha lâm bệnh nặng, hiện hình thành Hòa thượng vào cung chữa bệnh. Lão tăng bảo phải có tay, mắt của Tiên nhân tu ở núi Hương Tích làm thuốc thì bệnh mới khỏi.


Đức Phật Bà cũng phá tan mưu sâu kế độc của hai phò mã. Vua sai Triệu Chấn, Lưu Khâm dến núi Hương Tích lấy tay, mắt của Tiên nhân về làm thuốc. Hoàng hậu nhận ra đó chính là của công chúa Diệu Thiện nên rất đau lòng. Vua khỏi bệnh, nhường ngôi cho lão tăng nhưng ngài từ chối, khuyên vua “ở lòng nhân đức, cho hay lấy mình”.


Vua và hoàng hậu lên núi Hương Tích để cảm tạ Tiên nhân, thì nhận ra đó là công chúa Diệu Thiện. Vua biết chuyện nên rất đau xót và hối hận. Công chúa Diệu Thiện bảo vua cha dốc lòng tu đức, sám hối thì nàng sẽ trở lại như xưa. Vua Diệu Trang thương con, hối hận một lòng sám hối, thì lạ thay, “hai tay, hai mắt vẹn người”. Bà Chúa Ba được trở lại như xưa.
 
Vua, hoàng hậu, hai công chúa Diệu Thanh, Diệu Am dốc dòng quy y Phật. Chẳng bao lâu, vua cha, hoàng hậu, hai chị đều thành chính quả, “cả nhà vinh hiển thơm tho”. Vua Diệu Trang được sắc phong là Thiện Thắng Bồ Tát, hoàng hậu là Khuyến Thiện Bồ Tát, công chúa Diệu Thanh là đại thiện Văn Thù Bồ Tát, cưỡi con sư tử xanh, công chúa Diệu Am là đại thiện Phổ Hiền Bồ Tát, cưỡi con voi trắng, vĩnh viễn làm chủ đạo tràng núi Thanh Lương.


Triết lý nhà Phật qua tích “ Phật Bà chùa Hương”


“Phật Bà chùa Hương” là truyện Nôm khuyết danh, viết bằng thể thơ lục bát cổ truyền của dân tộc, ca ngợi công đức của Bà Chúa Ba vượt qua mọi sự ngăn cấm của vua cha, một lòng tu hành và chứng quả Bồ Đề. Có thể  thấy, văn phong của tác phẩm rất bình dân, mộc mạc dễ đi vào lòng người, “Nôm na xin diễn tích Ngài, cho người ít chữ nhớ lời kính tin”. Truyện tích này còn là một tác phẩm có giá trị về tư tưởng, triết lý của nhà Phật, cách hiểu về Phật giáo theo quan điểm của người dân lao động.


Trước hết là về chữ “Nhân”, chữ “Hiếu” mà người xưa đúc kết được theo cái nhìn của nhà Phật:


Chân như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân.
Hiếu là độ được đấng thân
Nhân là vớt hết trầm luân mọi loài
”.


Rõ ràng người xưa đã hiểu về chữ “Nhân”, chữ “Hiếu” theo quan điểm Phật giáo một cách giản dị, đúng đắn. Chữ Hiếu, chữ Nhân ở đây thấm nhuần tinh thần từ bi quảng đại, nhân đạo của Phật giáo, giải thoát cho cha mẹ, mọi người ra khỏi mọi sự đau khổ ở cõi Ta Bà. Đúng như lời Phật dạy : “Cũng như nước biển chỉ có vị mặn, đạo của ta cũng chỉ có một vị là vị giải thóat”.


Rõ ràng triết lý nhiệm màu này của nhà Phật đã thấm nhuần vào tư tưởng của tầng lớp bình dân trong xã hội.


Giữ chi Hiếu nhỏ tầm thường,
Giữ điều Hiếu lớn mới đường báo ân
”.


Trên thì Hiếu báo người thân
Dưới thì Nhân cứu cõi trần, cõi ma
”.


Biết cha phạm tội ác, đốt chùa, giết hại Tăng ni…,nghiệp chướng nặng nề, mắc bệnh nặng, Đức Phật Bà dù đã thành chính quả cũng không đành làm ngơ, hiện hình làm vị cao tăng chữa bệnh cứu cha, hi sinh tay, mắt làm thuốc cho người. Nhưng Đức Phật Bà không làm phép cho cha tự khỏi bệnh ngay mà đòi phải có tay, mắt của Tiên Nhân tu ở núi Hương Tích làm thuốc. Bởi vì “người dưng ai nỡ hoài tay, tình thân cốt nhục nên rày hoại thân.” Chỉ có tình phụ tử thiêng liêng mới làm cho vua Diệu Trang hối hận, tỉnh ngộ ra mọi điều. Từ vị vua tàn ác, mà nay vua đã tỉnh ngộ, một lòng sám hối nghe theo lời vị cao Tăng- chính là hóa thân của Đức Phật Bà.


Thấy cha báng Đạo, đốt chùa
Phải làm thế ấy, để cho hết ngờ
”.


Vì thương con, muốn cho con được trở lại như xưa mà vua Diệu Trang dốc niềm tu đức. Vì vua cha đã tỉnh ngộ, sám hối, tu đức nên Đức Phật Bà vẹn tay, vẹn mắt như xưa. Ôi phép Phật thật nhiệm màu, Đức Phật Bà đã làm cho vua cha biết quay đầu hối cải, trở thành một con người khác xưa. Phải chăng tay, mắt của Đức Phật Bà chỉ là phương tiện khéo léo giúp cha giác ngộ, cải ác vi thiện?


Đức Phật Bà đã khéo léo trợ duyên cho vua cha, làm cho vua Diệu Trang tự mình đốt lên ngọn lửa chính pháp để tu hành, để soi đường cho bản thân mình, tự mình tìm ra con đường giải thoát khỏi bến mê. Tất cả những việc làm ấy đều xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo của Đức Phật Bà, vừa chữa bệnh về thể xác, vừa chữa bệnh về tinh thần cho cha, làm cho vua cha tỉnh ngộ.


“…Như cha muốn con được tuyền
Thì cha khấn nguyền, hồi quá từ nay
Đức vua mừng vội khấn liền
Phật Bà lại hóa tự nhiên tức thời
Hai tay, hai mắt vẹn người
Hai thân, hai chị đều vui vẻ lòng
…”


Qua tác phẩm, chúng ta còn nhận thấy quan điểm của người xưa về việc tu hành. Không phải chỉ niệm kinh lễ Phật, không phải chỉ khoác áo nâu sòng là tu, mà phải xuất phát từ tâm, tu ngay tại trong tâm mình, Phật tại tâm:


“…Linh thông nghìn mắt nghìn tay
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra
”.


Đi tu không những giải thoát cho mình mà còn cứu giúp tất cả chúng sinh mọi loài ra khỏi bến mê trong cõi Ta Bà này.


“…Trên thì báo Đức sinh nên
Mai sau Ngài ở tòa sen đời đời.
Giữa thì tế độ cho người
Dưới những quỷ loài , cứu lấy nơi nơi
…”


“… Trên thì Hiếu báo người thân
Dưới thì Nhân cứu cõi trần, cõi ma
”….


Thật vậy, khi xuống địa phủ thăm 18 cửa ngục, thấy những chúng sinh do tạo những nghiệp chướng nặng nề mà bị hành phạt rất thương tâm, Đức Phật Bà thương cảm, xót xa cho họ mà “khấn cầu, chuyển chú, niệm kinh” và nhờ vậy mà các tội  nhân được giải thoát, được siêu sinh tịnh độ.


“…Gông cùm rơi rụng tan tành
Bao nhieu tù rạc, nhẹ mình chuyển ra
…”


Rõ ràng những chi tiết mô tả các cửa ngục là bức tranh sinh động để cho mọi người thấy rõ quy luật nhân quả, gieo gió gặt bão của nhà Phật. Ai gây tội, người ấy phải chịu sự quả báo, không ai có thể chịu thay cho ai được. Bức tranh địa ngục này để khuyên nhủ mọi người lánh dữ làm lành, tu nhân tích đức để giải thoát cho mình và mọi người, mọi loài.


Vua Diệu Trang phạm trọng tội đốt chùa, giết hại tăng ni, nhưng sau hối cải, sám hối tội chướng của mình gây ra, dốc lòng tu hành cũng đắc thành chính quả càng khẳng định triết lý của nhà Phật “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.


Trong chúng ta, ai cũng có Phật tính, nếu biết “quay đầu là bờ”, giữ lòng thanh tịnh, một lòng hướng Phật thì đều có thể đắc thành chính quả.


Truyện cũng chỉ ra cho mọi người thấy rõ sự vô thường, giả tạm của cuộc sống. Kiếp người giả tạm, không nên tham chấp làm gì. Chúng ta trừ tam độc tham, sân, si, giữ lòng trong sạch, niệm kinh giữ giới, làm điều thiện để có được nhân lành. Ay là triết lý đầy tính nhân văn của nhà Phật mà người xưa đã đúc kết và truyền lại cho hậu thế qua tích truyện : “Phật Bà Chùa Hương”


“…Thưa rằng : “Sắc vẫn là không
Thử suy giấc mộng, ngắm trong đời người.
Đua danh, đua lợi tơi bời
Như đem trò rối, làm chơi là thường.
Dù ba mươi sáu tàn vàng
Tuổi ngoài ba vạn sáu ngàn ngày thôi…”
“…Nghĩ ra nên cũng buồn rầu
Sao bằng mượn cảnh mà Tu lấy mình.
May ra siêu thoát tử sinh
Yên thân nước Phật ,vui hình cõi Tiên…”


TP. Hồ Chí Minh, 21 tháng 2 năm 2009