“Con muốn ở nhà với chú Út nhưng chắc con phải trở qua Cần Thơ bán cơm thuê để sống chứ cha chết, mẹ bỏ lâu rồi thì còn ai nuôi…”. Câu nói thật từ ruộc gan ấy đã khiến không ít người cắn môi lại, mặc cho nước mắt chảy ngược…
Cơn mưa dầm dai dăng dẳng chẳng thể làm nguôi ngoai phần nào sự khô héo trên những gương mặt đang ngóng tìm tung tích người thân mình từ nơi đổ nát. Mưa cũng chẳng thể trôi hết những giọt nước mắt chảy dài trên mặt của biết bao con trẻ, biết bao người vợ…
Ba nhịp cầu Cần Thơ đổ xuống, để rồi khó có thứ sức mạnh nào có thể gắn lại vẹn nguyên vết gãy lìa mãi mãi tình cha – con, nghĩa vợ – chồng.
“… Chồng tui chưa tỉnh mà!”
Từ phía cánh cửa phòng cấp cứu bệnh viện 121 TP. Cần Thơ khép hờ ấy, bác sĩ Tiến hé mở bước ra: “Người nhà bệnh nhân Hà Văn Huynh có đây không…”. Nơi góc sân nhỏ với hàng trăm ánh mắt đau đáu nhìn về phía cánh cửa lạnh lẽo ai cũng lo lắng, hồi hộp như nhau khi bác sĩ gọi của người thân của bất kỳ bệnh nhân nào. Anh Hà Văn Công chân cao chân thấp bước vội vào trong…
Vài phút sau anh trở ra, buông người tựa vào vách, mặt lầm lì: “Bác sĩ bảo anh tôi khá nặng, vẫn chưa tỉnh…”. Dứt lời, anh thở dài thườn thượt. Từ Thọ Xuân, Thanh Hóa anh lội tàu vào Đồng Nai, rồi hớt hãi bắt xe đò xuống Cần Thơ chiều qua, 27/9.
Đừng hỏi tui gì nữa hết… |
Bên góc sân trước phòng cấp cứu, chị Phạm Thanh Thúy như người không hồn, ai hỏi gì cũng ngơ ngác, lắc đầu, gào thê thiết: “Đừng hỏi tui gì nữa hết…, chồng tui chưa tỉnh mà!”. Cứ thế rồi chị lại nấc lên từng cơn, nghẹn ngào.
Lau nước mắt, chị ngước nhìn mọi người rồi lững thững bước đi dọc theo hành lang, có bao nhiêu cánh cửa kính trắng đục thì chị đều lom khom nhìn vào, tìm kiếm. Nơi ấy, bác sĩ không cho người thân đi lại để giữ yên tĩnh cho bệnh nhân, thấy vậy không ai nỡ rày rà chị câu nào. Cứ thế chị cứ đi, mệt chị ra ngồi bệt xuống sân.
Chị mếu máo với chúng tôi: “Tui biết, ảnh hổng nỡ bỏ mẹ, bỏ tui với thằng nhỏ ở lại đâu. Ảnh biết mẹ con bà cháu tui sống hổng nổi nếu không có ảnh mà…”. Anh Phước chồng chị được cứu ra từ đống đổ nát ấy đưa vào đây 2 ngày, cũng là 2 ngày rồi thằng con chị không biết gì, ở nhà vẫn đi học. Còn chị cứ thế nhịn ăn nhịn uống mà rưng rứt.
Không ít ánh mắt đỏ hoe, nước mắt chảy dài… |
Khuất trong dãy hành lang đối diện phòng cấp cứu, chị Nguyễn Ngọc Diệu, 31 tuổi ở ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long lúc nào cũng có vài ba người ngồi kè bên chị bởi chị có thể ngất đi bất cứ lúc nào. Chúng tôi hỏi chuyện, vài ba người hàng xóm đỡ chị ngồi dậy, hai mắt sưng húp: “Mấy anh hàng xóm làm chung mất hết trơn rồi… Anh Tuấn ơi, anh đừng bỏ em với con…”.
Hàng trăm ánh mắt nơi góc sân nhỏ trước cánh cửa phòng cấp cứu lại dồn về phía chị, chúng tôi thoáng thấy cũng không ít ánh mắt đỏ hoe, nước mắt chảy dài…
Hai tấm thẻ trên một quan tài
Ông Nguyễn Minh Thanh, Ủy viên Thường trực UBMTTQ tỉnh Vĩnh Long nói với chúng tôi: “Ngày cây cầu Cần Thơ định vị chạy ngang qua xã Mỹ Hòa, ai cũng nói người Mỹ Hòa mất đất xây cầu nhưng được ưu tiên nhận vào làm công trình. Có việc làm, có lương rồi sẽ sướng, hết nghèo. Ai có ngờ đâu sự thể như vầy…”
Theo chân đoàn cứu trợ của Công viên Văn hóa Đầm Sen Q.11, TP.HCM qua bến đò Mỹ Hưng. Ở đây người đi đò cứ ngùi ngùi nói với nhau về những cảnh ra đi đau thương ấy. Anh xe ôm đưa tôi vào thăm nhà chị Trúc thuộc ấp Mỹ Hưng 1 xã Mỹ Hòa, bên con đường trước nhà đủ một người đi, trơn trượt người ta đang xây hộc mộ cho chồng chị – anh Lê Văn Tươi 46 tuổi đã qua đời trong lần đổ nát vừa qua.
Phần mộ đang xây kia là nơi nằm lại mãi mãi của anh Lê Văn Tươi – chồng chị Trúc |
Chị run run cầm phong bì cứu trợ từ tay anh Kiệt – GĐ Công viên Văn hóa Đầm Sen TP.HCM trao tặng, chị nói với chúng tôi như người mất hồn: “Rồi tui cũng không biết sống làm sao khi còn lại mấy mẹ con…”. Đứa con út 4 tuổi của anh chị đứng nép bên cửa, đầu chít vành tang trắng nhìn mẹ với đôi mắt cứ trong veo, ngơ ngác. Đôi mắt ấy còn quá non với nỗi đau lớn này, nỗi đau của một đứa trẻ mất cha.
Dọc theo con đường nhỏ ở ấp Mỹ Hưng 2 (Rạch Tra) xã Mỹ Hòa, có 5 gia đình nằm gần kề nhau với 6 người mất. Họ là những người cùng dòng họ, thân thích; anh Lưu Văn Khâm, anh Lưu Văn Khanh, chị Lưu Thị Xuyên… cùng nhau nộp đơn xin vào làm sàn cầu. Và buổi sáng 26/9 hôm ấy, tất cả họ cùng có mặt trên nhịp cầu định mệnh vào phút giây oan nghiệt để rồi không ai thoát khỏi tử thần.
Buổi chiều mưa tang tóc ấy chúng tôi ở Mỹ Hòa, nỗi đau như thắt lại khi bước chân vào nhà em Nguyễn Nhân Sự – Cậu bé 15 tuổi nói với chúng tôi không trọn lời: “Mẹ con bỏ đi hồi con chưa biết gì, ba với nội nuôi con hồi nhỏ…”. Bà nội Sự vừa mất cách đây chưa đầy 2 tháng, chùm áo tang còn bỏ bịch nilon treo lủng lẳng bên vách nhà thì giờ đây cậu bé lại mất đi nữa người cha.
Con phải trở qua Cần Thơ bán cơm thuê để sống chứ cha chết, mẹ bỏ lâu rồi… |
Khi tôi hỏi “Rồi con sẽ sống ra sao khi cha mất!” Cậu bé Sự im lặng thật lâu, đưa tay quệt đi hai giọt nước mắt chảy dài, nghẹn ngào: “Con muốn ở nhà với chú Út nhưng chắc con phải trở qua Cần Thơ bán cơm thuê để sống chứ cha chết, mẹ bỏ lâu rồi thì còn ai nuôi…”. Câu nói thật từ ruộc gan ấy đã khiến không ít người cắn môi lại mặc cho nước mắt chảy ngược…
Cậu bé nghỉ học từ năm nào không nhớ, chỉ biết là đi bán cơm thuê bên Cần Thơ 4 năm nay rồi. Hay tin cha mất, Sự hớt hãi chạy về trong sáng hôm ấy thì hay tin người bác ruột làm chung với cha cũng đã vĩnh viễn ra đi dưới đống bêtông ấy, đến nay vẫn chưa tìm thấy xác và người chú bị thương nặng đang nằm bệnh viện.
Trên chiếc quan tài của anh Nguyễn Văn Tâm – cha của Sự, lại có thêm tấm thẻ nhân viên của người anh trai Nguyễn Văn Đúng được bặt bên cạnh. Một niềm đau khó có thể nói hết thành lời khi người thân của họ ra đi, và phải đau gấp nhiều lần bởi họ biết người thân nằm đó nhưng không tài nào đưa được về nhà.
Vọng phu bên dòng sông Hậu
Có lạ gì nữa đâu chuyện ra bờ sông mong ngóng người thân ở Mỹ Hòa này, nhà em Nguyễn Quang Tính ở ấp Mỹ Hưng có 5 anh em thì cũng hết 4 người dắt nhau nộp đơn xin xây cầu. Khi tai họa ập xuống, ba người anh của Tính là Thắng, Xuân và Chí bị thương, Chí nặng nhất nên chuyển lên TP.HCM cấp cứu. Tính thỏ thẻ: “Người ta kể anh Toàn con bị đè trong đó. Ông nội con nói chết chắc rồi chứ sống gì nỗi… nhưng con đợi hôm qua nay mà hổng thấy ảnh đâu hết”.
Đôi mắt ấy còn quá non với nỗi đau lớn này |
Thằng bé mặc chiếc áo rách vai, chiếc quần cọc đứng tần ngần đấy, hai bàn tay nó cấu xé vào nhau và đôi mắt đăm đắm nhìn vào đống bêtông đổ nát.
Người ta chỉ nhà bé Tính, tôi bước vào căn nhà lạnh lẽo ấy khi ông nội của mấy đứa cháu cũng mới từ nơi đổ nát về, đứng bên bậu cửa, ông buồn rầu: “Mấy đứa cháu tui tụi nó nói làm dành tiền dựng lại cái phên cửa cho kín gió, gần tới Tết nữa rồi mà nhà cứ trống quơ trống quát, ai dè đâu giờ lại tan đàn xẻ nghé…”. Giọng ông nghẹn đắng lại, đưa cả bàn tay run run vuốt dòng nước mắt.
Chiều, lất phất mưa. Chị Tuyết Nga ở ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long cùng 4 đứa nhỏ dắt vào căn lều tạm bên khối bêtông ấy trú mưa. Hai mắt chị thâm quầng và có thể khóc bất cứ lúc nào cứ chăm bẩm vào đống đổ nát từ những nhịp cầu định mệnh kia.
Bốn đứa nhỏ nheo nhóc đầu trần chân đất, bộ dạng dính đầy sình cứ líu ríu bám theo chị. Ngơ ngác.
Thiếu phụ |
Vào lúc 15h25 ngày thứ hai sau vụ sụp đổ, lực lượng cứu hộ đã phát hiện thêm 2 thi thể nạn nhân trong đống đổ nát và đang tìm cách đưa ra ngoài. Đứa lớn nhất giật áo chị: “Mẹ ơi mình ra coi thử phải cha không mẹ!”. Những đứa trẻ chạy đi, chị vẫn ngồi lại đó vì chị không dám tin đó sẽ là chồng mình. Chị nói: “Tui cứ nghĩ ổng còn sống với mẹ con tui chứ không mất đâu…”. Cứ thế, chị hy vọng…
Đêm, trước khi rời làng quê đầy đau thương này, tôi đứng trên phà Cần Thơ nhìn hai trụ cầu nhô lên cao giữa mênh mông nước. Dưới ánh đèn tờ mờ phía hai bờ sông Hậu hắc ra, nhìn hai trụ cầu ấy tôi chợt thắt lòng với cái nhìn của chị Nga lúc ban chiều – Ánh nhìn của người thiếu phụ cùng con chờ chồng. Bất chợt, tôi nhớ tới hai câu thơ của ai đó từ rất lâu đã ám ảnh tôi mỗi khi vận vào những cuộc đợi chờ:
“Hết hy vọng lại điên cuồng tuyệt vọng
Nửa phần đời chấp vá vẫn so le”.