Trang chủ Tết Việt Du xuân Đầu năm nô nức đi chùa cầu may

Đầu năm nô nức đi chùa cầu may

68

Hơn 6h sáng, khác ngày thường, phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) khá yên tĩnh. Khi nhiều gia đình còn đang say giấc, một số người lớn tuổi đã thong dong cầm những cây lộc từ chùa về.

Chú thích ảnh:
Sáng sớm ngày mùng 1 Tết tại tổ đình Phúc Khánh, trước điện thờ, nhiều người làm lễ xin thẻ tử vi. Ảnh: Hoàng Anh.

Dưới làn mưa xuân bay lất phất, vợ chồng ông bà Xuân ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa cho biết, giao thừa đêm 30 Tết không đến được cửa chùa nên sáng sớm đã lục đục gọi nhau dậy sớm. "Chẳng năm nào gia đình nhà tôi không đến tổ đình Phúc Khánh vì nghe bảo thiêng lắm", bà Xuân nói với nét mặt hạnh phúc khi xuân đang tràn ngập khắp phố phường.

Người phụ nữ với dáng vẻ phúc hậu cho biết, lý do vợ chồng bà phải dậy sớm để làm lễ vì chỉ vài tiếng sau đó, dòng người sẽ kéo nhau đến đây khá đông. 10h, khắp các gian điện thờ không còn chỗ trống.

Nép bên hành lang tránh hạt mưa bay vào cậu con trai 20 tháng tuổi, anh Trần Nam Trung cho biết, ngay sau ca trực anh cùng vợ con đến ngay chùa này để cầu may. "Vợ chồng tôi lên chùa để cầu năm mới sức khỏe và bình yên cho cuộc sống".

Anh Trung đang công tác tại công an quận Thanh Xuân cho hay, tối cùng ngày, anh lại phải quay lại đơn vị để trực cho anh em trong đơn vị về đón xuân cùng gia đình nên thời gian nghỉ tranh thủ đưa vợ con đi chùa và thăm họ hàng.

Đứng bên ngoài sân chùa khi thời tiết ngày một se lạnh, chị Minh Đức (38 tuổi) vẫn tình tứ khoác tay bên chồng để kể nét đẹp người dân đi chùa đầu năm. Theo chị, anh Gabriel (quốc tịch Tây Ba Nha) dù đã đón Tết ở Việt Nam được 3 năm nhưng sớm mùng 1 Tết năm nào cũng háo hức rủ chị cùng cậu con trai đến cửa chùa.

"Không biết những người đang đứng cạnh tôi cầu khấn gì nhưng với tôi đến chùa, trước là cám ơn một năm cũ tốt đẹp đã qua đi, sau mới xin phúc lộc tiền tài…", anh Gabriel (55 tuổi) hóm hỉnh nhờ vợ phiên dịch. Hai vợ chồng chị Đức cùng chụp hình cho nhau để ghi lại những giờ khắc thiêng liêng chốn cửa Phật năm nay.

Chú thích ảnh:
Người dân làm lễ dưới làn mưa lất phất tại chùa Quán Sứ. Ảnh: Hoàng Anh.

Còn tại chùa Hà, chùa Bộc và chùa Quán Sứ ở Hà Nội sáng nay cũng khá đông người đến làm lễ. Nếu như chùa Bộc và chùa Quán Sứ hầu hết là các gia đình đưa con cháu đến để thắp nhang thì tại chùa Hà xuất hiện khá nhiều cặp trai gái.

Đứng bên mâm lễ, cô gái tên Thanh với dáng người mảnh mai cho biết, sau bữa cơm đầu năm, cô cùng bạn trai hẹn nhau đến đây. "Em nghe thấy nhiều người bảo cầu duyên ở đây thiêng lắm nên đến. Mong cho năm Canh Dần tình cảm chúng em khăng khít hơn…", Thanh bẽn lẽn nói.

Cô gái nhà ở quận Hai Bà Trưng tiết lộ, do đúng ngày 1 Tết là ngày lễ tình nhân nên sau khi thắp hương tại đây sẽ chính thức đưa bạn trai về ra mắt gia đình. Món quà cho những người thân trong nhà trong dịp này cả hai cũng đã chuẩn bị khá chu đáo.

Tại TP HCM, tiết xuân khá chiều lòng người đi du xuân. Tuy nhiên, chỉ sau hồi chen chân trong các ngôi chùa làm lễ cầu may ai nấy đều toát mồ hôi, mắt cay xè.

Chùa Vĩnh Nghiêm được xem là ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng bậc nhất ở TP HCM thu hút nhiều người dân đến cầu cho năm mới. Ngay từ đêm giao thừa đến sáng mùng 1 Tết, khuôn viên chùa lúc nào cũng đông nườm nượp người đến thắp nhang cầu an, xin tài lộc cho năm mới. Các dịch vụ bán nhang, cây vàng lá bạc… trải dài từ cổng vào để phục vụ khách viếng chùa.

Nhiều trẻ nhỏ dịp này cũng được cha mẹ cho đi lễ chạm tay vào tượng các vị La Hán, cầu mong có được trí thông minh, học giỏi. Còn các cụ già thì mong muốn một năm mới sức khỏe dồi dào, gia đình yên ấm, con cháu làm ăn phát tài…

Chú thích ảnh:
Mùng 1 Tết Canh Dần trùng với ngày lễ Tình Nhân nên nhiều cặp trai gái rủ nhau đi lễ chùa với mong muốn tình cảm ngày càng thêm bền chặt. Ảnh: Hương Giang.

Giống Hà Nội, Tết Canh Dần năm nay trùng với lễ Tình Nhân nên nhiều cặp trai gái ở đây rủ nhau đi lễ. Ngoài mục đích cầu an, các cặp đôi không quên xin Đức Phật phù hộ cho tình duyên trong năm mới càng thêm thắm thiết.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người không chỉ đi cầu may một chùa mà còn đi nhiều chùa trong ngày mùng 1 Tết. Ngoài việc cầu khấn, họ còn tranh thủ xin xem vận mệnh của bản thân và gia đình trong năm Canh Dần. Vì thế ở trước một số ngôi chùa nở rộ dịch vụ coi tay, bói bài làm ăn và bán thẻ tử vi khá phát đạt, giá mỗi lần xem 50.000 đồng. Dù rất đông, vẫn có nhiều người kiên nhẫn ngồi đợi để xem vận mệnh của mình trong năm con Hổ. Họ sẵn sàng móc "hầu bao" với suy nghĩ: "Đầu năm hào phóng chút cho cả năm làm ăn may mắn".