Trang chủ Văn học Đầu năm đọc lại Tây Du Ký nhân chuyện thật giả lẫn...

Đầu năm đọc lại Tây Du Ký nhân chuyện thật giả lẫn lộn cuối thời Trump (nguyên văn và bịa văn)

Hai ngàn năm trăm năm sau, quả nhiên con yêu đang làm náo loạn trên một nước lớn vốn sáng mắt và, lạ thiệt, sao mà thật giả cũng lây lan qua mắt rất sáng của bao nhiêu hiền nhân quân tử trong một nước quen quen có tên là nước Việt.

935

Hồi thứ 58

Hai hình Hành Giả mờ trời đất
Một tiếng Như Lai rõ chánh tà

Khi ấy Tôn Hành Giả và Sa Tăng đồng ra cửa động, Tôn Hành Giả nói:

– Ngươi đằng vân chậm lắm, để ta cân đẩu vân đi trước cho mau.

Hai anh em đồng đằng vân tới núi Hoa Quả, đến động Thủy Liêm. Ngó thấy Tôn Hành Giả đang ngồi trên ghế đá, đem một con khỉ khác biến làm Sa Tăng, có ý sắm tuồng đi thỉnh kinh nữa.

Tôn Hành Giả nổi nóng, xách thiết bảng xông vào mắng rằng:

– Mi là con yêu quái nào đó, sao dám giả hình ta, lại chiếm cứ thạch động, tội mi đáng đường nào?

Hành Giả giả cũng nổi giận, giơ thiết bãng đánh liền. Hai người giao chiến một hồi, rồi đằng vân lên mây đánh nữa.

Sa Tăng cũng đằng vân theo, muốn xông vào trợ chiến, ngặt nỗi không biết ai thiệt ai giả, nên sợ đánh lầm. Bèn nhảy xuống xông vào động kiếm gói đồ của Tam Tạng. Tới cửa động, thấy rèm nước che kín, không dám nhảy vào, túng phải đằng vân lên mây, cũng không dám trợ chiến.

Tôn Hành Giả nói:

– Sa Tăng, ngươi chẳng trợ chiến thì thôi, hãy về thuật chuyện cho thầy rõ. Ðể ta dẫn con yêu nầy qua Nam Hải, nhờ Bồ Tát phân biệt giả chơn.

Tôn Hành Giả giả cũng nói theo một rập. Sa Tăng nhìn không đặng, túng phải đằng vân về thầy. Còn hai Hành Giả vừa đánh vừa đi đến núi Phổ Đà. Các vị thần vào báo với Quan Âm rằng:

– Có hai Tôn Ngộ Không đánh với nhau ngoài núi.

Quan Âm đồng đi với Huệ Ngạn và Thiện Tài, Long Nữ, đến trước núi nạt lớn:

– Loài yêu nghiệt đi đâu đó?

Hai Hành Giả níu nhau đồng nói rằng:

– Thằng nầy giống in đệ tử, đánh với tôi từ Thùy Liêm Ðộng cho tới đây, xin Bồ Tát phân giùm chơn giả.

Quan Âm xem một hồi rồi nói nhỏ với Thiện Tài và Huệ Ngạn:

– Hai người, mỗi người níu một Hành Giả đứng hai bên, đặng ta niệm thần chú, coi ai nhức đầu thì người ấy thiệt là Tôn Hành Giả.

Nói rồi nạt lớn:

– Hai ngươi hãy đứng riêng ra, cho ta xem thử!

Hai Hành Giả vâng lời. Thiện Tài và Huệ Ngạn, mỗi người níu một Hành Giả. Quan Âm niệm chú lâm râm. Tôn Hành Giả ôm đầu la nhức vùng vẫy ngã lăn, bảo đừng niệm nữa. Tôn Hành Giả giả cũng nhái theo. Quan Âm thôi niệm, hai người đồng trở dậy, lại ẩu đả với nhau. Quan Âm hết phép, liền kêu:

– Ngộ Không!

Hai người đồng dạ. Quan Âm nói:

– Năm xưa ngươi làm Bật Mã Ôn, phản nghịch thiên đình, chư thần đều biết mặt. Vậy thì hai người đồng đến thượng giới cho chư thần nhìn thử.

Hai Hành Giả đồng tạ ơn. Rồi kéo nhau lên cửa Nam Thiên. Khi ấy Quảng Mục thiên vương, Mã nguơn soái, Triệu nguơn soái, Ôn nguơn soái và các vị thiên thần đồng cầm binh khí ra cản lại mà hỏi:

– Ði đâu đó? Chỗ nầy là chỗ đánh lộn hay sao?

Hai Hành Giả đồng nói rằng:

– Tôi bảo hộ Ðường Tăng đi thỉnh kinh, bởi tôi đánh chết lũ ăn cướp, nên Tam Tạng đuổi tôi về. Không biết con yêu nầy giả hình tôi hồi nào, đến đánh Ðường Tăng té nhào mà đoạt đồ hành lý, lại chiếm cứ Thủy Liêm động của tôi. Tôi mới đánh với nó dẫn tới núi Phổ Đà, Quan Âm nhìn không đặng. Bởi cớ ấy nên đến đây, nhờ sức chư thần coi ai chơn ai giả?

Các thiên thần xem hồi lâu, không biết người nào thiệt. Hai Hành Giả đồng hét lớn:

– Các ngươi nhìn không đặng thì thôi, tránh đường cho ta vào ra mắt Thiên Ðế.

Bốn vị Thiên sứ vào tâu rằng: “Tôn Ngộ Không đến trước Thiên Môn, xin vào yết kiến”. Thiên Ðế phán hỏi:

– Hai ngươi nhơn việc chi đến thiên cung làm loạn, không sợ chết hay sao?

Hai Hành Giả đồng quỳ lạy tâu rằng:

– Tôi quy y theo Phật, chẳng dám làm loạn như xưa. Bởi vì con yêu nầy giả mạo hình tôi mà làm sự trái lẽ, nên tôi đến đây nhờ Bệ Hạ phân trần chơn giả.

Thiên Ðế truyền Lý Thiên Vương đem kiếng chiếu yêu soi thử, thấy trong kiếng hai Hành Giả hình tượng như nhau, không sai một mảy. Thiên Ðế phân không đặng truyền lịnh đuổi ra. Hai Hành Giả đồng cười ngất mà nói: “Vậy thì hai ta tìm đến thầy, coi ai thiệt ai giả!” Nói rồi đồng đi lập tức. Còn Sa Tăng về thuật chuyện cho thầy nghe.

Tam Tạng nói:

– Tệ thì thôi! Vậy mà ta ngở Hành Giả đánh ta, nay mới rõ yêu tinh giả mạo.

Sa Tăng thưa:

– Nó lại giả thầy, và giả một Bát Giới gánh đồ hành lý; lại giả hình tôi và con ngựa rõ ràng, tôi nổi giận đập Sa Tăng giả chết tươi, coi lại là con khĩ đột, con tinh ấy đương đánh với Hành Giả, tôi coi hai người như một không biết ai là yêu!

Tam Tạng thất sắc, chưa kịp nói gì đã nghe tiếng la lớn,trên mây, thầy trò đồng ra xem thử, thấy hai Hành Giả đánh ẩu đả với nhau, Bát Giới nhảy đựng lên kêu lớn: “Sư huynh đừng ngầu nữa, có lão Trư đến đây”.

Hai Hành Giả đồng nói lớn:

– Hay lắm, hay lắm! Sư đệ trợ chiến mà đánh yêu tinh.

Sa Tăng thưa rằng:

– Xin thầy ngồi đây, để tôi với nhị ca níu hai người xuống, thầy niệm chú, coi có ai nhức đầu, thì người ấy là thiệt.

Tam Tạng khen phải, Sa Tăng, Bát Giới đồng đằng vân nói lớn:

– Hai anh đừng đánh nữa, hảy xuống cho thầy nhìn.

Hai người y lời đứng xuống. Tam Tạng niệm chú, Sa Tăng níu một người, Bát Giới cũng vậy. Hai Hành Giả đồng la lớn:

– Tôi đánh đã mệt quá, thầy còn niệm chú làm chi? Xin đừng niệm nữa, nhức đầu chịu không nổi.

Tam Tạng thôi niệm, hai người áp đánh với nhau. Cả hai đồng nói: “Sư đệ hãy bảo hộ thầy, đặng ta dẫn nó xuống Diêm Vương, coi ai chơn ai giả”. Nói rồi đồng kéo nhau đi.

Hai Hành Giả đi gần tới đền thập điện, Dạ Xoa kinh hãi chạy vào đền đáo tin. Quỷ sứ cũng chạy vào đền tâu rằng:

– Có hai ông Tề Thiên đại thánh đánh lộn gần tới đền.

Mười vị Minh vương nghe báo đồng nhóm lại, đến bạch với Ðịa tạng vương rồi đền Sum La điểm binh tướng mà thủ. Xảy thấy gío thổi tới đùng đùng, hai Hành Giả kéo tới trước đền Sum La. Quỷ sứ cản lại hỏi:

– Ðại Thánh vì chuyện chi mà đến đây?

Hai Tôn Hành Giả nói:

– Bởi yêu tinh nó giả hình Lão Tôn mà làm trái lẽ như vậy nên tôi dẫn nó đến Âm phủ, xin Minh vương tra sổ, coi nó là vật gì xuất thân, đặng thâu hồn phách nó, kẻo để vậy thì không ai biết giả chơn.

Vua thập điện truyền pháp quan đem sổ sách ra tra, chẳng có tên Ngộ Không giả! Phán quan tâu lại như vậy. Mười vua đồng nói rằng:

– Ðại Thánh ôi! Sổ sách chúng tôi chẳng có tên họ Ngộ Không giả! Vậy xin Ðại Thánh lên lại dương gian.

Ðịa tạng vương vừa tới nghe rõ liền than:

– Như vậy biết tính làm sao?

Ðề Thính tâu rằng:

– Phép nào cho qua phép Phật?

Ðịa Tạng vương trực nhớ lại, liền phán:

– Hai ngươi tài phép cầm đồng, hình dung giống tạc. Nếu muốn phân biệt cho rõ, thì hai ngươi đến chùa Lôi Âm, Phật Thích Ca Như Lai xử đoán cho.

Hai Hành Giả đồng nói:

– Phải, phải, để đến Phật Tổ mới xong.

Mười vua thập điện đưa Ðịa Tạng về Túy Vân cung. Còn hai Tôn Hành Giả vừa đánh vừa bay đến núi Linh Thứu.

Khi ấy Thích Ca Như Lai đương giảng kinh trên tòa sen, các vị Phật, Bồ Tát, tám vị Kim Cang, năm trăm La Hán, ba ngàn Yết Đế ngồi xung quanh, bỗng nghe một tiếng hét lớn, hai Hành Giả kéo nhau đến cửa chùa Lôi Âm. Tám ông Kim Cang kinh hoảng chạy ra cản lại hỏi rằng:

– Hai người đi đâu đó?

Hai Hành Giả đồng nói:

– Bởi yêu tinh nó giả hình ta, nên đến đây xin Phật Tổ phân minh chơn giả.

Tám vị Kim Cang cản không lại, hai Hành Giả kéo vào bửu điện, đồng quỳ lạy dưới tòa sen, thưa hết mọi việc. Cả hai đồng bạch rập nhau một lời:

– Bởi tôi đã đi nhiều chỗ cũng không ai nhìn đặng giả chơn, nên phải đến đây nhờ Phật Tổ xét người tà chính, đặng tôi phò Ðường Tăng đi thỉnh kinh, đem về Ðông độ.

Phật Thích Ca chưa kịp nói thì Quan Âm vừa đi tới.

°°°

Thấy Quan Âm bước vào, Phật cầm bình bát đưa lên. Chẳng ai hiểu gì, chỉ Quan Âm mỉm cười hiểu ngay ý Phật là sẽ nhốt con khỉ giả trong bình bát. Nhưng trước hết phải biết đâu là khỉ giả đâu là khỉ thật. Ai nấy chờ đợi phép mầu của Phật. Tôn Hành Giả thật vòng tay; Tôn Hành Giả kia cũng vòng tay không khác. Khi Phật nói, Tôn này cúi đầu nghe, Tôn kia cũng vậy, chẳng khác một ly. Tôn này gãi tai để nghe cho rõ, Tôn kia cũng gãi. Phật nói:

– Ta sẽ bắt con yêu này, nhưng nó sẽ tái sinh không ngừng, không bao giờ tiệt nọc, chừng nào con người còn nói dối. Hai ngàn năm trăm năm sau này, ta đã thấy trước, hậu sinh của nó sẽ tác oai tác quái khắp cả nhân gian, không có cách nào trị nó, chỉ còn cách dạy con người tam quy ngũ giới, giữ cho được giới đừng nói dối thì họa may mối trừ được tai họa.

Quan Âm bước lên thưa:

– Bạch đức Như Lai, chuyện hai ngàn năm trăm năm sau này là thế nào, xin Phật nói cho chúng con biết trước để răn đe con yêu quái này. Hậu sinh của nó sẽ phù phép cao cường đến đâu?

Phật cười mà rằng:

– Nó phạm thượng lắm, dám đem kinh của Bồ Tát mà phỏng theo âm điệu, làm mờ mắt thiên hạ. Nó huyên truyền: “Giả bất dị chơn, chơn bất dị giả, gỉả tức thị chơn, chơn tức thị giả, văn hóa, nhân phẩm, xã hội, chính trị diệt phục như thị”. Đều như vậy cả, loạn ngôn, loạn nghĩa, trái lộn phải, đất lộn trời.

Quan Âm thất kinh, vội thưa:

– Bạch đức Như Lai, cõi sắc không là cõi linh diệu, phàm thánh đều một lòng tin, mỗi chữ là mỗi thánh âm, mỗi lời là mỗi âm vang đến tận ba nghìn thế giới, hậu sinh nào của con yêu gì mà dám cường điệu đến độ điên rồ đó?

Tôn Hành Giả này trỏ tay vào Tôn Hành Giả kia, kêu lớn: “Dạ thưa, con yêu ấy là tên này đây!” Tôn Hành Giả kia cũng trỏ tay vào đối phương kêu lớn như vậy. Hai chú khỉ trỏ tay vào nhau, bất phân bất biệt.

Phật chưa kịp nói gì thì một vị Kim Cang bước đến tòa sen vái lạy sám hối:

– Bạch đức Như Lai, cho con sám hối rồi sẽ xin thưa. Nguyên là có một hôm con đứng hầu Phật tiếp ông Duy Ma Cật. Ông Duy Ma là cư sĩ, nên Phật có nói chuyện đời với ông ta. Ông ấy hỏi chuyện hai ngàn năm trăm năm sau, Phật có kể rõ, con còn nhớ. Phật nói: Bồ Tát Quan Âm sẽ đem một con yêu lộng giả thành chơn đến đây để nhờ phân giải, chuyện ấy dễ như trở bàn tay, chuyện đáng quan tâm hơn là… là chuyên gì, chỉ có ông thấy rõ, thấy trước cả trăm vị bồ tát. Ông Duy Ma cười, có vẻ tự đắc: “Con mà không thấy trước thì ai? Văn Thù, Phổ Hiền đều thua cả”. Phật hỏi: “Ông thấy gì?” Duy Ma kể, con nhớ nguyên văn:

– Bạch đức Như Lai, con yêu mà Bồ Tát Quan Âm sẽ mang đến chỉ là hình ảnh sân khấu của thế gian hai nghìn năm trăm năm sau này thôi. Sân khấu ấy sẽ vô cùng náo loạn, vì đã là hình ảnh thì nó biến hóa khắp nơi, chỉ cần bấm ngón tay một cái là nó nhảy ra, thiên hình vạn trạng. Nó hiện ra đấy, thoắt một cái là sắc thân, thoắt một cái là hóa thân. Sắc thân thì có báo có đài, hóa thân thì thành mây, thành lưới, thành mạng, thành tin ảo, tin tặc, tin phao, tin bịa, tin đồn, tin vịt, thiên địa hỗn mang, đổi tà thành chánh, lật ác thành thiện, gian thành ngay, cong thành thẳng, tráo trở thành chân ngôn.Tên của nó là Phây Niu, mấy ông trí thức thì gọi là Fake News.

Một vị Kim Cang khác bổ túc thêm:

– Thưa Bồ Tát, con đứng ngoài cửa, không có ý nghe trộm, nhưng ông Duy Ma ấy cười nói ha hả to lắm, nên dù không cố ý, con cũng nghe chữ được chữ mất. Con nghe ông kể: hai nghìn năm trăm năm sau, con yêu ấy sẽ hiện ra thành nhiều hình tướng, nhưng hình tướng náo loạn nhất là nơi sắc thân một vị tướng quân bại trận mà cứ khăng khăng cải bại thành thắng, ngựa què thành phi mã. “Gian lận! Gian lận! Chiến thắng! Chiến thắng!”, một nửa thế giới giương cờ lên như thế với ông, chiêng trống hò reo, như say, như điên, như loạn não, biến giả thành thật, y hệt hai lão Tôn này vậy.

Khi ấy, Quan Âm liền thưa:

– Bạch đức Như Lai, con trăm tai nghìn mắt, lẽ nào con không thấy không nghe, dù là hai ngàn năm trăm năm sau. Nhân thế đảo điên vì con Phây Niu ấy, con biết cả. Nó làm con người mê muội, người chia rẽ người, nước chia rẽ nước, dân tộc chia hai, phe ta phe địch. Bạch Phật, đến nỗi chùa của ta, đạo hữu với nhau, cũng sẽ bị lôi cuốn theo, thật giả bất phân, cũng om om “gian lận! gian lận!”, cũng lên gân “chiến thắng! chiến thắng!”, đem mê muội ngoài đời làm buồn lòng chuông mõ trong chùa…

Quan Âm chưa dứt lời, tám vị Kim Cang đều đồng thanh thốt lên:

– Bạch Bồ Tát, chẳng lẽ bài kinh Kalama mà đức Như Lai đã dạy cũng sẽ bị con Phây Niu yêu quái ấy quấy nhiễu nữa hay sao?

Nghe vậy, một trong hai Tôn Hành Giả bỗng thấy động lòng. Trong một kiếp khỉ nào đó, có lần nó được nghe Văn Thù Bồ Tát giảng kinh, sau đó nó quên tuốt luốt, chỉ còn nhớ hai chữ “vô minh”. Bồ Tát Văn Thù nói: “vô minh là nguồn gốc của luân hồi”. Nhớ đó rồi quên đó, cho nên nó cứ… luân hồi. Bây giờ, bỗng nhiên nghe nói đến kinh thì nó sực tỉnh, dường như được đứng trước Phật thì nó sáng dạ ra, nhớ lại từ kiếp trước xa xăm có lần cũng được nghe Văn Thù tụng bài kinh gì đó có dính dáng đến vô minh, không chừng chính là bài kinh Kalama này đây. Nó nghe văng vẳng bên tai:

Cốc cốc… chớ có tin…cốc cốc… vì nghe báo cáo… Boong, boong…
Cốc cốc… chớ có tin… cốc cốc… vì nghe truyền thuyết… Boong, boong…
Cốc cốc… chớ có tin… cốc cốc… vì theo truyền thống… Boong, boong…
Cốc cốc… chớ có tin… cốc cốc… vì diễn giải tương tự… Boong, boong…
Cốc cốc… chớ có tin… cốc cốc… vì phù hợp với định kiến… Boong, boong…
Cốc cốc… chớ có tin… cốc cốc… vì phát xuất từ nơi uy quyền… Boong, boong…
Cốc cốc cốc cốc… nhưng hãy tin… cốc cốc… khi nào tự mình biết rõ…
Cốc cốc… cốc cốc… này là bất thiện, này là đáng chê… cốc cốc… Boong…

Tôn Hành Giả đó rung động tận tâm cang, hốt nhiên thấy long lanh trên khoé mắt một hạt sương. Một hạt lệ, một hạt lệ! Một giọt nước mắt! Một giọt nước mắt! Tôn Hành Giả kia cố nặn cho ra một giọt nước mắt tương tự, nhưng đứng trước Quan Âm, chân thật bất hư, nặn làm sao ra lòng thương, lòng tin, lòng xúc cảm! Nó biết tông tích bại lộ, nhảy lên mây toan trốn, nhưng Phật tổ Như Lai đã ném bình bát lên không, úp nó lại, nhốt kín vào trong.

Hai ngàn năm trăm năm sau, quả nhiên con yêu đang làm náo loạn trên một nước lớn vốn sáng mắt và, lạ thiệt, sao mà thật giả cũng lây lan qua mắt rất sáng của bao nhiêu hiền nhân quân tử trong một nước quen quen có tên là nước Việt.

Cao Huy Thuần

Ông là Phật tử trí thức, sinh tại Huế, học đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), dạy đại học Huế (1962-1964), xuất bản tờ báo Lập Trường (1964) trước khi qua Pháp du học. Đầu năm 1969, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và sau đó là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie Hiện nay ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Picardie, Pháp. Cũng như một số trí thức Việt kiều khác, ông cũng thường xuyên về Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về các lĩnh vực chính trị, xã hội Ông đã in rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Với tiếng Việt, ông cũng đã in và viết rất nhiều bài báo tại Việt Nam